Bà Sáu Thia – “dân chơi miền Tây”

Bà Sáu Thia (ảnh: Minh Chính

Gọi bà là “dân chơi” không phải vì bà ham mê vật chất chơi bời mà là một “dân chơi thứ thiệt” kiểu miền Tây Nam bộ: hào sảng, sống hết lòng và bất vụ lợi. “Thành tích” và “sự nghiệp” của bà Sáu Thia, được cả hãng tin BBC của Anh chú ý, chẳng gì hơn là… sống tử tế với đời…  

Suốt hơn 17 năm ròng, không lấy bất kỳ đồng học phí nào, bà Sáu Thia kiên trì dạy hàng ngàn đứa trẻ địa phương học bơi. Ở vùng sông ngòi, kênh rạch chằng chịt, lại thường xuyên chứng kiến cảnh “mùa nước nổi”, không biết bơi là chết. Nghe những câu chuyện trẻ địa phương tử vong vì không biết bơi, bà Sáu Thia nghĩ, tại sao mình không dạy trẻ học bơi. Vậy là bà “mở lớp”. Bằng “kỹ thuật” dạy tự mày mò, bà Sáu Thia có thể cho “ra trường” và “cấp chứng chỉ” “biết bơi” cho những đứa trẻ chỉ sau trung bình 10 ngày học với bà.

(ảnh: Minh Chính, TH)

“Hồ bơi” của bà được dựng tại bất kỳ ao làng hoặc con sông nhỏ nào, với cọc tre cắm bốn góc và lưới chăng bốn bề để tụi con nít tập lặn ngụp trong đó một cách an toàn. Bà con chòm xóm khoái trá gửi con cho bà Sáu Thia dạy. Không chỉ quanh nơi mình sống, bà Sáu Thia sẵn sàng đến những làng khác để dạy. Ngoài khoản trợ cấp mà chính quyền xã Hưng Thạnh (huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp) cho chừng 300.000 đồng/lớp, bà Sáu Thia không nhận bất kỳ khoản học phí nào của phụ huynh. Ai thương cho con cá hoặc rổ tép thì bà nhận. “Dân chơi thứ thiệt” đâu cần tiền!

Bà Sáu Thia chẳng giàu có gì. Không chồng con, bà tự mưu sinh bằng đủ nghề, từ bán vé số dạo đến làm thuê làm mướn kiểu “ai kêu tui đó, có tui đây”. Theo báo Người Lao Động, bà Sáu Thia quê gốc ở Gò Công Đông, Tiền Giang. Bà là con gái út trong gia đình. Năm bà 26 tuổi, cha mẹ lần lượt qua đời, và bà bắt đầu đi làm thuê rồi lưu lạc đến vùng Tháp Mười.

Tại vùng đất mới này, bà kiếm sống bằng đủ nghề, từ làm cỏ, dặm lúa, đan lục bình, bán vé số đến đốn tràm hoặc thậm chí bốc vác. Việc nào kiếm được tiền thì làm. “Bệnh gì cữ”. Những lúc không dạy bơi thì bà đi bán vé số dạo. Tuy nhiên, cứ đến hè, bà bỏ hết công ăn việc làm để đi dạy bơi. Hơn 17 năm nay đều đặn như vậy. Khoảng 3.000 đứa nhỏ đã biết bơi nhờ bà Sáu Thia.

(ảnh: Minh Chính, TH)
Ảnh: aFamily

Cách đây bốn năm, năm 2017, bà Sáu Thia – tên đầy đủ là Trần Thị Kim Thia, 61 tuổi – được hãng tin BBC đưa vào danh sách Top 100 phụ nữ tiêu biểu toàn cầu. Năm 2018, bà là một trong ba cá nhân ở Đồng bằng sông Cửu Long nhận Giải KOVA (giải thưởng tôn vinh những cá nhân xuất sắc trong nhiều lĩnh vực trên khắp cả nước) ở hạng mục “Sống đẹp”. Sống như bà là “quá đẹp” chứ còn gì. Tháng 6-2021, tạp chí Forbes Việt Nam đưa bà Sáu Thia vào danh sách 20 phụ nữ truyền cảm hứng năm 2021. Không được hỏi “Khi nào bà mới nghỉ dạy bơi cho trẻ?”. Bà trả lời: “Khi nào tôi đi hết nổi thì mới nghỉ dạy tụi nhỏ. Tôi đi dạy bơi để tìm niềm vui trong cuộc sống…”. Niềm vui của bà thật đơn giản. Niềm vui của bà không cần được gắn huân chương. Niềm vui của bà cũng làm cuộc đời vui lây.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: