“Bỗng hôm rồi”, đọc lại báo cũ Sài Gòn

Share:

Đã có khá nhiều bài viết về báo chí miền Nam trước 1975, về các chủ bút, ký giả; về cách tổ chức và vận hành một tờ báo. Tuy nhiên, những tờ báo ấy đăng cụ thể những thông tin gì thì hiếm khi được đề cập vì ít ai còn lưu giữ được báo cũ. Đọc lại báo cũ giúp thấy lại cách hành văn và ngôn phong của báo chí trước 1975, cũng như cách báo chí thời đó khai thác tin tức như thế nào. Đọc lại báo cũ cũng cho thấy sinh hoạt miền Nam nói chung và Sài Gòn nói riêng thời đó…

Một trong những chi tiết đáng chú ý là hầu hết tờ báo miền Nam trước 1975 đều có slogan kèm theo:

– Đại Dân Tộc (Chủ Nhiệm: Võ Long Triều) ghi là “Cơ Quan Tranh Đấu Cho Một Xã Hội Mới”;

– Sống Mới (Chủ nhiệm: Ngô Công Minh) – “Nhựt-Báo Thông-Tin Nghị-Luận”;

– Sài Gòn Mai (Chủ nhiệm: Ngô Quân) – “Nhật-Báo Thông-Tin Nghị-Luận Của Dân-Chúng”;

– Điện Tín (Chủ nhiệm: Hồng Sơn Đông) – “Tranh-Thủ Hòa-Bình Dân-Tộc”;

– Tiến (Chủ bút: Đặng Văn Nhâm) – “Tiếng Nói Bất Khuất Của Nhân Dân”;

– Trắng Đen (Chủ nhiệm: Đinh Việt Phương) – “Nhựt Báo Tranh Đấu Chống Bất Công Xã Hội”;

– Tin Sáng (Chủ nhiệm: Lý Đại Nguyên) – “Nhật Báo Phát Huy Văn Hóa Bảo Vệ Tự Do Điều Hợp Xã Hội”;

– Tiền Tuyến (Chủ nhiệm: Phạm Xuân Ninh) – “Tiếng Nói Của Quân Dân Miền Nam Tự Do”;

– Bút Thép (Chủ nhiệm: Lê Hiền) – “Tờ Báo Của Những Người Xâm Mình”

– Thách Đố – “Tiếng Hét Của Người Dân Nổi Giận”

…………

Báo chí muôn thuở vẫn là những chuyện gần gũi đời sống. Trên tờ Đồng Nai (chủ nhiệm Huỳnh Thành Vị; chủ bút Hoài Sơn; tòa soạn tại số 40 Nguyễn An Ninh) số ra ngày 21-9-1969, ngoài những tin như “TC (Trung Cộng) sẽ ngăn chận mọi nỗ lực của Nga nhằm gây ảnh hưởng BV (Bắc Việt)”; “TT Thiệu trả lời báo chí trên vô tuyến truyền hình tối 19-9: “Có giải pháp toàn bộ cho chiến cuộc rồi mới có ngưng bắn nếu không sẽ bị CS (cộng sản) lợi dụng ngay”…, còn có bài phóng sự điều tra “EVN, ẸVN”, với cách chơi chữ (“air” thành “ẹ”) khi viết về “những tệ đoan dài dài” của hãng hàng không Air Vietnam… Ngoài ra, còn có chuyên mục “Nói hay đừng” do “Hồng Thất Công” phụ trách. Trong bài Mưa dầm sùi sụt, “Hồng Thất Công” không tung ra “Hàng long thập bát chưởng” hay “Đả cẩu bổng pháp” mà than thở:

“Lúc này chẳng biết bị kẹt cái đuôi bão gì mà cứ mưa dầm sùi sụt liên tu bất tận, khiến cho đồng bào miền Tây đêm ngày lo sợ khi nước cứ ngóc đầu lên mãi, kẻ già càng lạnh teo mà đám trẻ cũng rầu thúi ruột, mà rầu nhứt là… các cô cậu tú 1 hụt (Tú tài một). Bao nhiêu hy vọng ở các chú các bác kêu nài, nay đã tan theo mây khói. Vì ông nhà nước đã tuyên bố vài câu gió thảm mưa sầu: không tổ chức thi khóa 2 mà cũng không vớt điểm! Có những kẻ “ôi ta buồn ta đi lang thang bởi vì đâu” và cũng có một số chuẩn bị hớt tóc ngắn chờ tháng 11 để có dịp hát bài “Chiều nay em ơi một chăm phần chăm”…

Trên tờ Dân Chúng số phát hành ngày 25-8-1959, có bài Bị gia đình ép duyên, một nữ sinh tú tài suốt 5 ngày liền hát bản Que Sera    Sera khiến cha mẹ khi rõ qua động lòng khóc ròng khăn gói đi hồi hôn. Chuyện nói về “một thiếu nữ có học bị gia đình ép duyên”… nên “từ mấy tháng nay”, cô “không khi nào vui vẻ nở trên môi một nụ cười” rồi “bỗng hôm rồi”, cô “luôn mồm ca hát bài ‘Que Sera Sera’ tối ngày. Và liên tiếp trong 5 ngày như thế”. Ba mẹ cô còn la rầy “sao ca hát gì tầm xàm quá!” nhưng cô “vẫn réo rắt luôn mồm”… Cuối cùng, ba mẹ cô mới hiểu bài hát nói rằng “ngày mai tương lai con sẽ ra sao mẹ ơi”; và “động lòng khóc ròng” đến nỗi phải xin hồi hôn với nhà trai. Sự việc đã khiến “người lối xóm… kéo nhau đến (nhà cô nữ sinh) xem rất đông”…

Liên quan chuyện tình yêu, trên tờ Lập Trường (6-7-1970), còn có bài Mối tình lưu lại của Ng. Khánh Toàn, một “Trung ương Ủy viên Dự khuyết của đảng cộng sản Hanoi”, người có một “cuộc đời sóng gió đầy phiêu lưu ở trong đó có những mối tình lưu lạc kỳ thú”… Và lại liên quan yêu đương, tờ Tin Sớm (26-12-1966), ở mục “Bướm hoa đô thị”, có bài Cô giáo Hồng Nhung hóa thành người vợ phản trắc đành lòng nhốt chồng vào nhà thương điên Biên Hòa ngót 7 năm dài – một “phóng sự thời đại của Hoàng Ngọc Giao – B. Hoàng”…

      

Dưới đây là tin tức trên một số tờ báo – phần này được liệt kê bởi anh Huỳnh Minh Hiệp, người có bộ sưu tập khá lớn về báo chí Sài Gòn trước 1975 (tất cả ảnh trong bài viết này đều được anh Hiệp cung cấp):

– Báo Lục Tỉnh Tân Văn: 22-08-1938
Chủ Nhơn: Nguyễn Văn Của
Chủ Nhiệm: Lâm Văn Ngọ
57, Rue Lucien Mossard
Tin tức:
. Xiêm đang mạnh bước đến chế độ độc tài
. Một ông lão tuổi ngoài lục tuần đoạn trọn cơ quan sanh dục
. Quan toàn quyền Đông Pháp đã vô đến Sài Gòn
. Một anh bồi bị điện giựt chết
Quảng cáo:
. Hãng dĩa Beka (hình Bảy Nam, Mr Châu)
. Dầu Nhị Thiên Đường
. Sữa Nestle hiệu Con Chim
. Rượu Dubonet
. Hiệu thuốc Tây đầu tiên và duy nhứt tại Sài Gòn – Solirene
. Cuộc xổ số Đông Pháp kỳ thứ nhì 1938

– Báo Đại Dân Tộc: 16-03-1974
Cơ Quan Tranh Đấu Cho Một Xã Hội Mới
Chủ Nhiệm: Võ Long Triều
106 Gia Long
Tin tức:
. Bạch Tuyết bị “đột kích” hành hung tại nhà riêng
. Dịch cởi truồng tại Sài Gòn
. Kissinger phát ngôn bừa bãi chạy tội đổ lỗi báo thuật sai
. Hoa Kỳ sắp công bố “Tuần Lễ Truồng Chạy Quốc Gia”
. Vụ “Watergate” sắp được lên màn bạc
. Khánh Ly và một màn đánh ghen
Quảng cáo:
. Dầu cù là Hiệu Con Sóc
. Gạch Bông Đời Tân
. Thuốc lá Capstan
. Thuốc Contac 500

– Báo Thần Chung: 08-07-1966
Tổng lý: Nguyễn Kỳ Nam
4 Nguyễn Văn Thinh
Tin tức:
. Nhất Linh Nguyễn Tường Tam quyên sinh đúng vào ngày “Song Thất” để phản đối Ngô Đình Diệm đem ra xử vụ đảo chánh 11-11-1960
. 20 hỏa tiễn bắn vào phi cơ Mỹ
. Thủ tướng Cuba, Fidel Castro lên tiếng cho rằng đã leo tới nấc thang chót trong chiến cuộc Việt Nam

– Báo Sài Gòn Mai: 07-08-1961
Nhật-Báo Thông-Tin Nghị-Luận Của Dân-Chúng
Chủ nhiệm: Ngô Quân
43 Nguyễn An Ninh, Sài Gòn
Tin tức:
. Cái chết của Tư Thiên
. Lấy biên giới VNCH làm giới hạn ngăn chặn mọi sự xâm lăng cộng sản
. Vụ vũ nữ tạt ác-xít vợ một trung úy
. Nghiệp đoàn vũ nữ lo âu vì Hội chống vũ nữ
Quảng cáo:
. Thuốc Ban Nóng Pakemid
. Sirop Emdor

– Báo Tiến: 09-02-1966
Tiếng Nói Bất Khuất Của Nhân Dân
Chủ bút: Đặng Văn Nhâm
55A Hồ Xuân Hương
Tin tức:
. Hội Nghị Honolulu đã khai mạc
. Đệ Nhứt Sư Đoàn Không Vận Hoa Kỳ tiến vào thung lũng An-Lão và sắp đánh lớn
. Tướng Westmoreland tuyên bố về quân số và chiến lược tại chiến trường Việt Nam
Quảng cáo:
. Tonique Fortepa
. Sán Lãi Piperol Fort
. Cúm Antigruppanx

– Báo Trắng Đen: 12-02-1973
Nhựt Báo Tranh Đấu Chống Bất Công Xã Hội
Chủ nhiệm: Đinh Việt Phương
272 Lê Thánh Tôn
Tin tức:
. Phi cơ Phái Đoàn Gia Nã Đại bị báo động đặt bom
. Tướng Dư Quốc Đống thay tướng Ngô Dzu
. Trung tá Willian Nolde – Khi người Mỹ cuối cùng chết trước giờ ngưng bắn
Quảng cáo:
. Máy may hiệu Sinco
. Dạ Lý Hương 1973

– Báo Dân Mới 11-05-1963
Nhựt Báo Thông Tin
Chủ nhiệm: Hà Thành Thọ
27-29 Hai Bà Trưng
Tin tức:
. Vụ lộn xộn trong dịp kỷ niệm Lễ Phật Đản tại cố đô Huế làm 3 đồng bào thiệt mạng
. Ai giết ông Lumumba
. Gạo tăng 50 phần trăm ở Đại Hàn làm xao xuyến chánh phủ
Quảng cáo:
. Nhựt Báo Tiếng Dân
. Phim Les Nuits De Paris

– Báo Sống: 16-04-1967
Chủ nhiệm: Chu Tử
Tin tức:
. 15-4-1967 cả nước Mỹ nghẹt thở
. Ông Nixon lại đến Việt Nam đặt 3 điều kiện hòa bình
. Xe thổ mộ ở Sài Gòn
. Ca sĩ dễ thương Ngọc Bích và 25 câu hỏi lẩm cẩm của Nhạc Trẻ
Quảng cáo:
. Radio & TV National
. Máy may-Thêu Necchi Supernova

Báo Tin Sáng: 09-03-1964
Nhật Báo Phát Huy Văn Hóa Bảo Vệ Tự Do Điều Hợp Xã Hội
Chủ nhiệm: Lý Đại Nguyên
225-227 Phạm Ngũ Lão
Tin tức:
. Người Việt Nam nói với ông Mc Namara
. 366 căn nhà bị thiêu hủy ở Cần Thơ
. Ai chịu trách nhiệm về việc để cho phim ảnh dâm dật tràn ngập vào Việt Nam?
Quảng Cáo:
. Diên Thọ Tố Ông Tiên
. Nhà may Âu phục Đông Thịnh
. Tiên Tri Gia Cát Hồng

– Báo Đuốc Nhà Nam: 10-10-1970
Chủ nhiệm: Trần Tấn Quốc
4 Nguyễn Văn Thinh
Tin tức:
. Ông Nguyễn Cao Kỳ đã về tới Sài Gòn
. Người nhái CS làm nổ 2 tàu
. Kinh nghiệm của Túy Hoa
Quảng cáo:
. Dynacytone – Trị gầy ốm
. Pneumorex – Trị ho đàm

– Báo Tự Do: 12-05-1966
Tiếng Nói Của Người Việt Tự Do
Chủ nhiệm: Phạm Việt Tuyền
25-27 Võ Tánh
Tin tức:
. Tòa Đại Sứ Mỹ rất tiếc vì lính Mỹ bắn lầm
. Tụi móc túi chợ Đồng-Xuân (Hà-Nội) cũng đã đi cư vào Saigon hồi 1954
. Ai đã giết Marylin Monroe

. Đức Giáo hoàng tiếp kiến ông Trần Ngọc Liễng
Quảng cáo:
. Xirô Anacine
. Hòm Xe Tang Đức Bảo
. Điện ảnh Á Châu – Việt Nam đoạt 2 giải thưởng

– Báo Sống Mới: 19-01-1967
Nhựt Báo Tranh Đấu Công Bằng Xã Hội
Chủ nhiệm: Trương Xuân Phong
205 Phạm Ngũ Lão
Tin tức:
. VC tấn công phi trường Phan Thiết
. Động viên thanh niên tú tài
. Khám phá hầm bí mật của VC tịch thu 200 ký thuốc nổ
. Đạn lạc vào chợ Biên Hòa
Quảng cáo:
. Đám cưới nghệ sĩ Bạch Tuyết
. Ruby Mùa Xuân
. Việt Nam Hàng Không tuyển dụng

– Báo Sự Thật: 20-03-1970
Tranh Đấu Cho Tự Do No Ấm
Chủ nhiệm: Trần Ngọc Anh
106 Gia Long
Tin tức:
. Nguyễn Khánh: Một thằng hề làm vua trong thời loạn
. Phạm Ngọc Thảo – Điệp viên Quốc Tế
. Cải Lương với Bùa Ngãi
Quảng cáo:
. Phòng ca nhạc Diễm Hương
. Cải Lương Tình Anh Bảy Trà
. Bệnh Mồng Gà Hoa Khế

– Báo Tiền Tuyến: 08-09-1971
Tiếng Nói Của Quân Dân Miền Nam Tự Do
Chủ nhiệm: Phạm Xuân Ninh
193 Gia Long
Tin tức:
. Chánh phủ VNCH cứu trợ nạn lụt Bắc Việt 50.000 Mỹ Kim, 500 tấn gạo và 1.000 thùng sữa đặc
. Cô Kiều Chinh cùng 2 đạo diễn sắp sửa đi kiện
. Phó TT Kỳ trở lại làm việc tại Dinh Độc Lập
. B.V. cũng phải công nhận có tự do trong sinh hoạt chính trị Miền Nam

. Biểu tình ngồi trước Bộ Cựu Chiến binh – 20 phế binh và quả phụ tử sĩ miền Tây đòi hỏi 3 nguyện vọng

 Báo Tiếng Dội Miền Nam: 12-03-1962

Chủ nhiệm kiêm chủ bút: Trần Tấn Quốc

216 Gia Long

Tin tức:

. Sáng chúa nhật 11-3-1962 tại Công trường Mê Linh – Nhân kỷ niệm Hai Bà Trưng, Ngày Phụ nữ VN đã cử hành trọng thể với lễ khánh thành Tượng Hai Bà Trưng và Công trường Mê Linh

. Một vấn đề bận rộn của dân đô thành: Đầu cơ… xác chết hay là hành vi của một kẻ mặc áo nhà tu núp bóng cửa Phật…

. Ngân hàng Quốc gia được phép phát hành hai loại giấy bạc mới: 500 và 20 đồng

. Bà Ngô Đình Nhu nói thẳng với một “nhóm múa bút” của thế giới tự do

***

Báo chí miền Nam, qua hai trào Đệ nhất và Đệ nhị Cộng hòa, đã phát triển ào ạt, với đóng góp rất quan trọng và để lại dấu ấn đậm nét của những người Bắc di cư 1954, với những tên tuổi phải nói là “kể không hết”: Thanh Nghị, Đặng Văn Sung, Từ Chung, Thanh Nam, Thái Thủy, Hoàng Hải Thủy, Duyên Anh, Nguyễn Mạnh Côn, Ðinh Hùng, Vũ Khắc Khoan, Mặc Ðỗ, Tạ Quang Khôi… Họ đã đem lại sinh khí mới cho báo chí cùng không khí ngôn luận tự do ảnh hưởng rất mạnh vào sinh hoạt quần chúng, tạo ra một nền văn hóa “đọc báo” được đón nhận từ mọi thành phần, từ trí thức đến giới bình dân, từ anh công chức đến bác cyclo.

Cách đây hơn nửa thế kỷ, những người làm báo thời đó đã sáng tạo và vô cùng biến hóa linh hoạt với rất nhiều “format” báo chí, từ thơ châm biếm, biếm họa, truyện dài dã sử, thi phú, đến phóng sự, tản văn hoặc “giải đáp tâm tình”, tạo nên một nền tảng và kỹ thuật làm báo mà đến giờ hậu thế cũng cần nhìn lại và học hỏi ít nhiều. Nhắc lại một lần nữa cũng để thấy rằng, báo chí trước 1975 đã đóng góp vào nền văn hóa miền Nam VNCH nói chung nhiều như thế nào.

Anh Huỳnh Minh Hiệp (và vợ) – chủ nhân một bộ sưu tập độc đáo về báo chí miền Nam trước 1975

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: