Từ chuyện cô giữ trẻ đánh chết bé 2 tuổi, vì đút không ăn

Cô giáo giữ trẻ ra tòa về tội đánh chết trẻ 2 tuổi.

Cuối năm ngoái, dân tình ở Vĩnh Long sửng sốt khi nghe tin một cô nuôi trẻ đánh chết bé 2 tuổi, chỉ vì khi cô đút ăn, bé ngậm lâu, không chịu ăn. Sự kiện này trở thành đề tài bàn tán về vấn nạn bạo hành trẻ nhỏ ở những nơi nuôi giữ trẻ có phép cũng như không phép tại Việt Nam từ hai thập niên nay.

Theo báo Thanh Niên trong nước, dẫn cáo trạng: ngày 13/11/2020, anh Trần Hoàng Phúc gửi bé L. (2 tuổi) tại điểm giữ trẻ tại nhà (không giấy phép) của cô Dương Thị Ngọc Giàu tại số 89/5, đường 8/3, Phường 5, TP. Vĩnh Long. Điểm giữ trẻ không phép này hằng ngày vẫn nhận giữ 7 bé từ 11 đến 42 tháng tuổi.

Ngày hôm đó, bé L. bị sốt nhẹ nên anh Phúc có đưa thuốc của cháu cho Giàu để cho bé uống. Tiếp nhận bé L. Giàu cho ăn, và uống thuốc bình thường. Đến 14 giờ 30 cùng ngày, trong giờ ăn, khi Giàu đút cơm thì bé L. ăn chậm và ngậm cơm trong miệng nên Giàu tức giận dùng tay đánh đánh mạnh vào lưng bé hai cái.

Sau khi bị đánh, bé L. có biểu hiện suy yếu, bụng cương cứng, nôn ói, không ăn uống được tiếp. Sau đó bé L. tự đi và ngã úp mặt xuống nền gạch. Thấy vậy, Giàu gọi điện thoại cho anh Phúc đến đón con về, nhưng không nói việc mình đánh cháu L.

Anh Phúc đến đón thấy con có biểu hiện lạ nên đưa vào Bệnh viện đa khoa Vĩnh Long cấp cứu nhưng bé L. đã tử vong lúc 23 giờ cùng ngày. Ngày 29/1/2021 Giàu bị bắt tạm giam cho đến nay.

Theo báo Tuổi Trẻ, kết luận giám định pháp y của Phòng kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Vĩnh Long cho thấy bé L. tử vong do sốc mất máu cấp, kết hợp đa chấn thương. Còn kết luận giám định pháp y của Phân viện Pháp y quốc gia tại Sài Gòn xác định bé L. tử vong do lực tay tác động trực tiếp với lực mạnh gây nên.

Trong quá trình điều tra, Giàu thành khẩn khai báo và thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội. Lời khai của Giàu phù hợp với các chứng cứ đã thu thập biên bản khám nghiệm hiện trường, tử thi, các kết luận giám định, kết quả thực nghiệm điều tra và các tài liệu chứng cứ khác thu thập được.

Chiều 8/6, Tòa án tỉnh Vĩnh Long đã xét xử sơ thẩm, tuyên phạt Dương Thị Ngọc Giàu (27 tuổi, ngụ ấp Phú Thọ, xã Nhơn Phú, H.Mang Thít, Vĩnh Long) 15 năm tù về tội giết người.

Thực trạng bạo hành trẻ em tại Việt Nam

Nhiều năm qua tại Việt Nam, có rất nhiều vụ việc bạo hành trẻ em được phanh phui, mổ xẻ bởi mạng xã hội hay các nhà báo. Tuy nhiên, tình trạng bạo hành ấy vẫn không thuyên giảm là bao. Hiện tượng bạo hành trẻ em ở trường mầm non không chỉ gây tâm lý hoang mang, lo lắng cho phụ huynh mà còn gây ra những ảnh hưởng tiêu cực lâu dài đối với trẻ. Mặc dù những ảnh hưởng tiêu cực đó không được trẻ biểu hiện rõ ngay lập tức mà nó sẽ trở thành sự ám ảnh tâm lý của trẻ khi lớn lên sau này.

Cuộc sống bộn bề lo toan cơm áo, gạo tiền khiến nhiều gia đình không có điều kiện ở nhà chăm sóc con nhỏ. Do đó, kiểu ‘giữ trẻ tại nhà’ luôn là địa điểm thích hợp để các gia đình, nhất là gia đình lao động nghèo, gửi gắm con mình mà không thể ngờ rằng chính họ đã tiếp tay giao con mình cho ” ác mẫu”.

Tình trạng bạo hành trẻ ở 5 quốc gia

Việc bạo hành trẻ nhỏ, nếu suy xét thấu đáo, lý do đầu tiên không thể nào không kể đến những áp lực công việc mà một cô giáo mầm non phải chịu đựng. Nghề giáo viên, bảo mẫu mầm non là nghề đòi hỏi tính kiên nhẫn cao vì những đứa trẻ ở lứa tuổi này non nớt như hạt mầm mới gieo, và cô giáo chính là người trực tiếp vun xới cho những hạt mầm ấy. Một công việc đòi hỏi tính kiên nhẫn, tận tụy và bao dung.

Công việc hằng ngày của một giáo viên, bảo mẫu mầm non là tiếp xúc với trẻ từ sáng đến tối, coi sóc việc ăn uống, ngủ nghỉ, vui chơi và chăm sóc trẻ. Trẻ ở lứa tuổi này dễ khóc quấy, hiếu động… khiến tâm trạng của các cô dễ căng thẳng. Đối với những giáo viên có thể kìm chế cảm xúc tốt thì nó là một vấn đề nhỏ, nhưng với những người không giỏi kìm chế cảm xúc, không được huấn luyện về kỹ năng sư phạm… thì những đứa trẻ có lúc lại trở thành ‘những bao cát’ để các cô giải tỏa căng thẳng của mình.

Tất cả hiện trạng bạo hành trẻ ở lứa tuổi mầm non trong thời gian qua cho thấy việc giáo dục đào tạo giáo viên mẫu giáo ở Việt Nam đang thiếu hiệu quả. Những tình trạng căng thẳng sẽ được kìm chế hoàn toàn nếu là một giáo viên được đào tạo bài bản, có kiến thức chuyên môn cũng như học hỏi được những kỹ năng kìm chế cảm xúc đồng thời thấu hiểu tâm lý lứa tuổi của trẻ. Tuy nhiên, không phải cơ sở mẫu giáo nào cũng chú trọng đến chất lượng giảng dạy, trình độ chuyên môn của các cô. Có rất nhiều trường, cơ sở mầm non hiện nay vì lợi nhuận mà quên đi chất lượng. Phẩm chất đào tạo giảm sút. Hơn thế nữa, một vài chương trình đào tạo chứng chỉ nghiệp vụ bảo mẫu mẫu giáo chỉ diễn ra trong vòng hai tháng, rất sơ sài, mà các đối tượng học là những người có trình độ từ tiểu học trở lên muốn nhanh chóng kiếm việc làm.

Đó là chưa nói đến các nhóm giữ trẻ tại gia, tự phát, không giấy phép, vẫn tồn tại lâu nay trong các khu dân cư, nhất là khu lao động nghèo, mà cơ quan chức năng thể kiểm soát.

Càng bàn, thì càng sa lầy. Từ sự kiện cái chết tức tưởi của đứa bé 2 tuổi ở Vĩnh Long, nhìn ra, thấy rõ rằng nền giáo dục xã hội chủ nghĩa này cần phải qua một cuộc cải cách toàn diện, thì mới cứu rỗi được những thế hệ mới của người Việt Nam.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: