Em học làm… cô dâu

Minh họa: Unsplash

Xã hội Hàn Quốc thay đổi rất nhanh. Vai trò của đàn ông và phụ nữ đối với gia đình cũng thay đổi. Cũng chính những thay đổi chóng mặt nên người ta lại sợ truyền thống và phong tục tập quán bị bỏ quên. Đó là lý do ra đời Học viện Yejiwon, nơi đã và đang đào tạo các cô gái trẻ thành người vợ và người mẹ hoàn hảo. Học viên được dạy rất nhiều, từ những quy tắc phức tạp, quy định truyền thống đến ý nghĩa của các món ăn dùng trong dịp lễ.

Hiệu trưởng Pak Yong Suk phát biểu với BBC: “Giới trẻ Hàn Quốc phải được biết về phong tục, tập quán, văn hóa của đất nước. Vì vậy, tôi mở trường để dạy họ những điều này”. Phạm vi giảng dạy rất rộng: văn hóa, phong tục, tập quán, cách ứng xử, nội trợ, chăm sóc con cái, tâm lý lứa đôi…

Đối với một số người không tán thành thì những gì được dạy trong trường đã lỗi thời trong một trong những đất nước có tốc độ phát triển nhanh nhất thế giới. Nhưng với thành phần ủng hộ thì những bài học của trường rất cần thiết, đặc biệt khi tỷ lệ ly hôn tăng vọt. Thời trước, khi những điều được dạy ở trường không gây tranh cãi, luôn có một danh sách dài chờ tham gia khóa học.

Một cô gái Hàn Quốc trong trang phục truyền thống Hanbok (Unsplash)

Hiện mỗi lớp chỉ có trung bình 21 thành viên. Nhiều phụ nữ tham gia khóa học vì họ tin rằng những kiến thức này giúp duy trì hôn nhân. Ba buổi một tuần trong suốt ba tháng, các cô dâu tương lai học cách cắm hoa, pha trà, cách mặc trang phục truyền thống, nghi lễ trong đám tang và tiệc cưới.

Rất ít người biết tại sao mì sợi dài thường được dùng trong những dịp đặc biệt để cầu sống lâu và hạnh phúc. “Trước khi tham gia khóa học, tôi không biết rõ về các nghi thức xã giao truyền thống” – Park Ji Yon phát biểu với tạp chí Outlook – “Chúng tôi thường tổ chức nghi lễ tưởng nhớ tổ tiên. Trong nghi lễ này, tôi phải đặt hai tay trước mặt. Tôi thường làm rất bừa bãi. Hôm qua, tôi được học rằng phụ nữ phải đặt tay phải lên tay trái và đàn ông thì ngược lại”.

Các chuyên gia về phép xã giao sẽ dạy cách đi đứng, cúi chào, cách biểu hiện nét mặt thích hợp. Học viên được dạy rằng khi đến thăm bố mẹ bạn trai, không nên mang giày không có quai hậu, nhất là vào mùa hè, vì khi bước đi sẽ gây tiếng động, như vậy rất thô lỗ. “Không phải tất cả những gì chúng ta học đều được dùng hàng ngày. Nhưng đây là kiến thức cơ bản về văn hóa truyền thống của chúng ta, không thể học được ở bất kỳ nơi nào khác” – Vị hiệu trưởng phát biểu – “Cũ và lỗi thời rất khác nhau. Ngày nay, trong khóa đào tạo cô dâu, chúng tôi dạy phong tục, tập quán phương Tây cũng như cách nấu món Tây và Tàu để hòa nhập với xã hội toàn cầu hóa”.

Học viện cũng cung cấp chỗ cho các cô gái gặp người bạn đời thích hợp nếu họ chưa đính hôn. Trong tầng lớp thượng lưu, nhiều cuộc hôn nhân vẫn còn do mai mối. Những người môi giới hôn nhân chuyên nghiệp thường tìm trong album tốt nghiệp của trường và gọi đến tận nhà học viên để kết tóc se tơ.

Hầu hết học viên đều thuộc thành phần đã hoặc dự định đính hôn. Chỉ một số ít người vừa kết hôn. Chương trình học dành cho tất cả mọi người nhưng phí đăng ký 500 USD và các khoản khác cùng với giờ học trùng giờ hành chánh khiến khóa học trở nên “cao cấp” và chỉ dành cho một số đối tượng nhất định.

Một phụ nữ 31 tuổi phải bỏ việc làm để chuẩn bị cho hôn nhân. Dù bị bố mẹ ép buộc đi học nhưng cô vẫn thấy khóa học rất bổ ích. Vì sống ở Mỹ thời gian dài nên bố mẹ cô lo rằng cô bị Mỹ hóa. Jane Kim, 29 tuổi, phải bỏ công việc thiết kế khi bố mẹ ép cô theo chương trình học. “Tôi không cho bạn bè biết tôi học ở đây vì ngượng. Nhưng bố mẹ tôi tự hào kể cho tất cả mọi người. Họ không phải là những người thích khoe khoang nhưng đây là trường hợp ngoại lệ” – cô nói – “Hầu hết môn học không thích hợp với cuộc sống hiện đại. Chúng tôi học cách khâu cổ áo. Tại sao không giao việc đó cho người giặt ủi?”.

Cuộc sống hiện đại khiến giới trẻ Hàn Quốc ít nhiều quên đi các giá trị truyền thống dân tộc (Unsplash)

Giáo viên Kim Bok Nam giải thích rằng thay vì khâu, những người giặt ủi chỉ dùng keo dán. Cô nói: “Khi thấy mẹ chồng khâu cổ áo, nếu bạn đề nghị giúp đỡ bạn sẽ được “điểm cao”. Một số người cho rằng học viện đang cố gắng thích ứng với thời đại. Một phụ nữ 24 tuổi dự định kết hôn nói rằng cô rất “thấm thía” những điều học trong trường.

“Vì Học viện Yejiwon rất tự hào việc giảng dạy truyền thống Hàn Quốc nên nó sẽ không tổ chức lại theo cách mới dù xã hội đang thay đổi rất nhanh. Nhưng tôi thấy học viện đã cố gắng tìm hiểu và thích ứng những đổi thay này”. Cô cũng cố gắng thích ứng những thay đổi trong cuộc sống.

Cô kể: “Giống các bà mẹ khác, mẹ chồng tôi thích tôi tập trung lo cho gia đình hơn. Bà không phản đối tôi đi làm, nhưng tôi sẽ không tiếp tục học để trở thành giáo sư đại học vì công việc đó đòi hỏi nhiều thời gian. Tôi quyết định chọn nghề phiên dịch để dành nhiều thời gian hơn cho một cô dâu con mẫu mực theo kiểu truyền thống thời hiện đại”.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: