Người già xem gì trên YouTube?

Minh họa: Unsplash

Hôm qua hai ông bà lại cãi nhau, vì mấy cái video trên YouTube. Ông đang xem chương trình thể thao thì bà chuyển qua YouTube xem video kêu gọi từ thiện trong nước.

… Mà ông đã bực mình mỗi khi bà coi chương trình này mấy lần rồi. Những lần đầu ông cũng xem cùng bà, rưng rưng cùng bà trước những cảnh đời bất hạnh quá sức chịu đựng, nhưng càng xem ông càng thấy… nghi ngờ chương trình làm màu với mục đích khác. Bà đòi gởi tiền về giúp, ông ậm ừ, không cản nhưng không vui, nói con cháu trong nhà cũng đang khó khăn mà, mấy đồng dành dụm ít ỏi của người già bà cho tụi nhỏ đi, mấy chương trình này chưa chắc đáng tin. Bà phản pháo chuyện khác. Ông đừng nói mình không tin, bữa trước ai tin tới mức đi mua cả thùng gừng với tỏi về uống thay nước cho bịnh luôn, hồi xưa ở quê, nhà mình trồng gừng cũng có dùng kiểu đó đâu. Ai mới vừa mua mấy thùng mật ong về, uống mỗi ngày tới ba lần rồi than người mệt. Còn đông trùng hạ thảo gì gì đó, có trẻ khỏe ra chút gì đâu…

Minh họa: Unsplash

Nói qua nói về cũng tại YouTube. Từ khi ông bà biết mở YouTube để xem video là bắt đầu cãi nhau rồi. Người tin cái này, người tin cái kia, con cái có phân tích thiệt hơn mấy video không đáng tin đó thì ông bà cũng cứ xem, không cản được. Mà cứ xem cái gì nó nhảy lên loại đó, dắt dây từ cái này qua cái kia, không có điểm dừng, tivi mở cả ngày. Ông bà không nhận ra mình đang bị dẫn dắt để xem có chủ đích. Thời của ông bà, cái gì lên tivi là được những người có chức trách, giỏi chuyên môn, giỏi nghề hướng dẫn. Thời của ông bà không có YouTube. Giờ ai cũng là chuyên gia, phán như thần, tự biến mình thành nhà sáng tạo nội dung, tự lên sóng, nhiều thứ độc hại, con cái cũng không biết làm cách nào sàng lọc niềm tin của ông bà. Nếu chỉ xem cho vui thì thôi, kệ.

Nhưng xem rồi làm theo, nhất là những video hướng dẫn ăn uống, chăm sóc sức khỏe, có bữa phải nhập viện, không kệ được. La lối thì ông bà lại tao đẻ chúng mày ra, đừng có nói quá, người ta phải giỏi mới được lên đó nói. Đó, mạng xã hội đâu phải là nơi tuổi tác có lợi thế. Chỉ có YouTube Kids, không có… “YouTube Elders” để giới hạn luôn cho ông bà, cũng không cắt internet được, con cái than trời. Nếu kênh thông tin xã hội nào cũng thường xuyên có cảnh báo, hướng dẫn cách xem nội dung an toàn từ các chuyên gia thực sự, chắc ông bà sẽ tự lọc dần những thứ vô bổ, nguy hiểm. Phải chi có thể áp dụng kiểu “hút thuốc có hại cho sức khỏe” trên bao thuốc lá, chữ không được quá nhỏ để người già đọc được; “Sữa mẹ tốt nhất cho trẻ nhỏ” trong mấy quảng cáo sữa đừng đọc quá nhanh để người già nghe kịp…

Trẻ con còn dễ thay đổi chớ người già mà tin cái gì là tin bền vững, khó bỏ, khó sửa. Bữa giờ mấy vụ niềm tin về các ngôi sao, về việc làm từ thiện rơi lả tả lại thành điều may với ông bà. Ông bà chịu nghe nhau, nghe con cái nói, đã bớt tin tưởng vào mấy chương trình kêu gọi từ thiện, bớt mua thực phẩm chức năng về trữ. Nhưng cứ đợi sự cố mới hình thành một bộ lọc thì lọc bao giờ cho hết.

YouTube đang là kênh truyền thông xã hội phát triển nhanh, mạnh, dễ lôi cuốn người xem và không thể phủ nhận những lợi ích của nó, nhưng dường như người ta chủ yếu tập trung vào những kiểm soát thuộc vấn đề chính trị, về chuyện bản quyền hơn là “dán nhãn” những nội dung tưởng như vô thưởng vô phạt nhưng không vô hại. Trao quyền lựa chọn cho người xem nhưng đâu phải ai cũng đủ năng lực tiếp nhận. Không chỉ có trẻ con mới cần bảo vệ khỏi những thứ độc hại trên mạng xã hội, người già cũng chịu tổn thương vì niềm tin bị dối gạt, đôi khi phải trả giá không nhỏ, từ tiền bạc đến sức khỏe và cả sự yên ấm gia đình…

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: