Nhật Bản điều tra các Viện Khổng Tử do Trung Quốc hậu thuẫn

Nhà chức trách Nhật Bản sẽ điều tra các Viện Khổng Tử (VKT) – một tổ chức văn hóa giáo dục do Bắc Kinh tài trợ đặt trong khuôn viên các trường đại học Nhật Bản, do lo ngại rằng tổ chức này là một công cụ tuyên truyền của Trung Quốc.

Bộ Giáo dục Nhật Bản yêu cầu các trường đại học có các VKT phải cung cấp các thông tin như chi phí hoạt động, nguồn đóng góp ngân sách, số lượng sinh viên tham gia và liệu nó có can thiệp vào việc nghiên cứu, giảng dạy của trường đại học hay không. 

Bên cạnh lo ngại về tuyên truyền của chính phủ Bắc Kinh, Tokyo cũng lo ngại các công nghệ Nhật Bản sẽ bị rò rỉ cho phía Trung Quốc thông qua các trao đổi cá nhân. Hành động của Nhật diễn ra sau những nỗ lực tương tự của Hoa Kỳ và Châu Âu nhằm điều chỉnh hoạt động của các VKT ở các quốc gia này.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục Koichi Hagiuda cho biết: “Ngày càng có nhiều nỗ lực dẹp bỏ các VKT ở các quốc gia chia sẻ các giá trị chung về dân chủ, nhân quyền, chẳng hạn như Hoa Kỳ và Châu Âu. Tôi kêu gọi công bố thông tin để nâng cao tính minh bạch liên quan đến quản lý tổ chức và các dự án nghiên cứu.”

Trung Quốc bắt đầu thành lập các VKT vào năm 2004 trên toàn cầu để mở rộng “quyền lực mềm” qua việc truyền bá văn hóa và ngôn ngữ. Trung Quốc ước tính hiện có khoảng 500 Viện như vậy ở khoảng 160 quốc gia và khu vực. Tại Nhật Bản, 14 trường đại học tư thục bao gồm Đại học Waseda và Đại học Ritsumeikan đều có VKT trong khu học xá của trường.

Vì không cấp bằng, tổ chức này không cần phải có sự chấp thuận hoặc ghi danh với chính phủ. Việc mở một VKT trong khuôn viên trường đại học cũng đơn giản như mở một khóa học cho công chúng tại một trường đại học, điều đó làm cho chính phủ khó mà theo dõi hoạt động của các VKT.

Tại một cuộc họp của ủy ban Thượng viện vào tháng Năm, ông Haruko Arimura, cựu Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, đã chỉ ra rằng Viện Khổng Tử “đã bị các nước khác công nhận là mối đe dọa an ninh” và đề nghị các bộ, các ngành liên quan cùng hợp tác để giám sát tổ chức này.

Ông Yoshinori Hakui, người đứng đầu bộ phận giáo dục đại học của Bộ Giáo dục, nói với Quốc hội Nhật rằng “không có ví dụ nào về việc [các quốc gia khác] thành lập một cơ sở văn hóa trong trường đại học nước ngoài như VKT của Trung Quốc”.

Một quan chức một trường đại học tư ở Tokyo nói với báo Nikkei rằng trường đã được Trung Quốc đề nghị thành lập một VKT, nhưng đã từ chối. Từ góc độ hành chính, có những lợi ích khi có các VKT trong khuôn viên trường vì nó giúp thu hút nguồn sinh viên từ các trường đối tác ở Trung Quốc. Nhưng quan chức này nói thêm, “Nếu chúng tôi nghiên cứu và giảng dạy về Đài Loan, Hồng Kông và Khu tự trị Duy Ngô Nhĩ Tân Cương, chúng tôi có thể bị can thiệp.” Quan chức này cho biết trường đại học của ông đã tính đến khả năng nguồn tài trợ từ Trung Quốc có thể bị dừng lại nếu trường thiết lập các chương trình trao đổi với các trường đại học Đài Loan.

Hoa Kỳ đã bắt đầu điều tra các VKT. Hồi tháng Ba, Thượng viện Hoa Kỳ đã thông qua dự luật thắt chặt giám sát các viện này, theo đó các trường đại học và cao đẳng có VKT nếu không tuân thủ các quy tắc và quy định giám sát mới thì sẽ bị cắt ngân quỹ từ chính phủ liên bang.

Số VKT trong các cơ sở giáo dục đại học của Mỹ đã giảm từ hơn 100 vào năm 2017 xuống còn 47 vào tháng 5 năm 2021.

Úc cũng đã thông qua một đạo luật cho phép giải tán các hợp đồng thiết lập các VKT mà các địa phương đã ký nếu bị cho là đi ngược lại lợi ích quốc gia Úc.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: