Rạn nứt trong lãnh đạo Trung Quốc: Tập Cận Bình bịt miệng Ôn Gia Bảo, Alibaba lên thớt

Trong một bài tường thuật độc quyền mới đây, báo Nhật Asia Nikkei hé lộ một sự kiện nhỏ nhưng có ý nghĩa ở Trung Quốc: Chủ tịch Tập Cận Bình bịt miệng cựu Thủ tướng Ôn Gia Bảo và trừng phạt các thái tử đảng.

Một bài viết của ông Ôn Gia Bảo (Wen Jiabao) đăng trên một tờ báo gần đây đang bị cấm phổ biến ở Hoa Lục. 

Ôn Gia Bảo từng là nhân vật quyền lực số hai trong guồng máy lãnh đạo của Trung Quốc, là thủ tướng mười năm dưới thời chủ tịch Hồ Cẩm Đào (Hu Jintao) năm 2003-2013. Bài viết của ông chỉ là một bài tâm tình về người mẹ quá cố đăng trên một tờ báo ở Macau. Nhưng người đọc không thể chuyển tiếp (forward) bài báo vào nội địa Trung Quốc thông qua các ứng dụng điện toán, và cũng không tìm thấy nó trên mạng internet Trung Quốc. 

Có hai khía cạnh giải thích tại sao chính quyền của chủ tịch Tập Cận Bình (Xi Jingping) phải bịt miệng ông cựu thủ tướng Ôn. 

Một là, trong thời gian làm thủ tướng, ông Ôn nổi tiếng là nhà lãnh đạo có tư tưởng cải cách (reformist); bài báo của ông đề cập tới cuộc Cách mạng Văn hóa thời Mao Trạch Đông (Mao Zedong), nghĩa là gián tiếp phê phán Tập Cận Bình.

Trong một cuộc họp báo hồi tháng Ba năm 2012, khi còn ở đỉnh cao quyền lực, ông Ôn đã nhận định Cách mạng Văn hóa là một giai đoạn đen tối trong lịch sử Trung Quốc và cảnh báo rằng, nếu Trung Quốc không cải cách hệ thống chính trị thì “một bi kịch lịch sử như Cách mạng Văn hóa có thể tái diễn trở lại”. Đó là cuộc họp báo cuối cùng của Ôn ở cương vị thủ tướng; trong đó ông Ôn phê phán kịch liệt ông Bạc Hy Lai (Bo Xilai), lúc đó là ủy viên bộ chính trị, bí thư đảng bộ tỉnh Trùng Khánh của đảng Cộng sản Trung Quốc – là người chủ trương phục hồi các “giá trị cách mạng” thời Mao.

Trong bài báo mới đây về bà mẹ quá cố, ông Ôn kể lại chuyện cha ông, một giáo sư, đã bị đánh đập tàn nhẫn thời Cách mạng Văn hóa 1966-1967 đến nỗi mặt của ông ta sưng húp lên, che lấp cả con mắt. Ông Ôn viết: “Trong tâm trí tôi, Trung Quốc nên là một quốc gia đầy công bằng và lương thiện, luôn luôn tôn trọng ý chí của nhân dân, lòng nhân đạo và bản chất con người”.

Lập trường và thái độ của Ôn khác hẳn Tập Cận Bình; Tập không mấy nhiệt thành khi phê phán Cách mạng Văn hóa. Nhưng vấn đề giữa Ôn và Tập không chỉ là sự khác biệt về quan điểm giữa một cựu thủ lãnh và một thủ lãnh đương nhiệm. Hơn thế nữa, theo các nhà phân tích, lời ông Ôn phê phán Cách mạng Văn hóa không phải là điều gì mới mà nhất quán với các phát biểu của ông khi còn nắm quyền và hầu như không gây rắc rối gì về mặt chính trị.

Cách mạng Văn hóa là một giai đoạn đen tối trong lịch sử Trung Quốc và cảnh báo rằng, nếu Trung Quốc không cải cách hệ thống chính trị thì “một bi kịch lịch sử như Cách mạng Văn hóa có thể tái diễn trở lại”.

Ôn Gia Bảo, cựu thủ tướng Trung Quốc

Vấn đề là ở chỗ Trung Quốc đang đi vào một thời điểm rất nhạy cảm: đảng Cộng sản Trung Quốc sắp kỷ niệm 100 năm thành lập vào đầu tháng Bảy tới. Guồng máy tuyên truyền khổng lồ và tinh vi của Trung Quốc đang ra sức ca ngợi những thành tích của đảng Cộng sản, che giấu hoặc khỏa lấp những tội ác tày trời của đảng này, làm nhiều chục triệu người dân Trung Quốc bị mất mạng, mà Cách mạng Văn hóa là một tội ác như vậy. Nhắc lại, phê phán Cách mạng Văn hóa tại thời điểm này, do vậy, là một điều cấm kỵ. Một người nào khác, không phải là người từng giữ cương vị cao nhất nhì của đảng như ông Ôn, mà phát biểu phê phán Cách mạng Văn hóa thời Mao thì đã có thể đã bị tống giam và phải chịu sự trừng phạt không hề nhẹ.

Ông Tập Cận Bình cũng đang lo chuẩn bị cho đại hội đảng Cộng sản Trung Quốc vào giữa năm tới. Hiện thời, quyền lực của ông gần như không bị thách thức, và cương lĩnh của đảng cũng như hiến pháp của đất nước đã được sửa đổi để ông ta có thể làm “hoàng đế đỏ” trọn đời, nhưng như thế không có nghĩa là ông không đề phòng những âm mưu “tạo phản” từ các thế lực chống đối trong hàng ngũ lãnh đạo Trung Quốc.

Hai là, vụ bịt miệng Ôn Gia Bảo trùng với thời điểm Tập Cận Bình đang củng cố bàn tay sắt kiểm soát ngành tài chính Trung Quốc, tiêu biểu là vụ trừng phạt tập đoàn Alibaba – một lĩnh vực kinh doanh bị chi phối mạnh mẽ bởi gia đình các đại công thần, các “thái tử đảng” (princeling) của Trung Quốc.

Hôm 19-04, báo chí Trung Quốc đưa tin ông Trương Mậu Long (Zhang Maolong), 68 tuổi, trợ lý thân cận của cựu chủ tịch Ngân hàng Phát triển Trung Quốc (CDB) Trần Nguyên (Chen Yuan), bị bắt để điều tra về “vi phạm trầm trọng kỷ luật của đảng và pháp luật” – ám chỉ tội tham nhũng. Đáng chú ý là Trương đã “hạ cánh an toàn” tám năm rồi và vụ bắt giam Trương được cho là chỉ vì mối quan hệ với Trần Nguyên. Ngoài Trương, hàng loạt lãnh đạo cao cấp của ngân hàng CDB dưới trướng Trần Nguyên cũng đã bị bắt trong mấy tháng đầu năm nay.

Trần Nguyên là con trai của Trần Vân (Chen Yun) mà Trần Vân là một đại công thần của chế độ cộng sản Trung Quốc, có quan điểm bảo thủ và cứng rắn, từng là phó thủ tướng chính phủ, đối thủ lâu năm của lãnh tụ Đặng Tiểu Bình. Cũng như con cái các gia đình công thần khác, Trần Nguyên đứng trong hàng ngũ các “thái tử đảng”, là “thế hệ đỏ thứ hai” (second red generation) đảm nhiệm hầu hết các chức vụ quan trọng nhất trong guồng máy điều hành Trung Quốc.

Kể từ khi lên nắm quyền tối cao vào năm 2012, Tập Cận Bình – mà bản thân cũng là một thái tử đảng, con của cựu phó thủ tướng Tập Trọng Huân – đã từng bước triệt hạ các thái tử đảng khác để loại trừ nguy cơ bị cạnh tranh quyền lực. Những người bị triệt hạ có thể là người có quan điểm bảo thủ như Bạc Hy Lai (Bo Xilai), con của cựu phó thủ tướng Bạc Nhất Ba, hiện đang bị án tù chung thân; hay Trần Nguyên, con của cựu phó thủ tướng Trần Vân, có quan điểm cải cách; điểm chung của họ là con cái các công thần, giữ trọng trách trong chính quyền và có quan hệ chính trị rộng.

Sự kiện Ôn Gia Bảo bị bịt miệng xảy ra gần như cùng lúc với vụ trấn áp các tay chân của Trần Nguyên và các thái tử đảng hoạt động trong lĩnh vực kinh tế tài chính làm cho giới quan sát chú ý tới ý nghĩa của sự trùng hợp này, và dẫn tới những suy luận về sự trừng phạt mà tập đoàn Alibaba của tỷ phú Mã Vân (Jack Ma) đang phải chịu. Cách đây ba tuần, tập đoàn Alibaba bị chính phủ Trung Quốc phạt 2.8 tỷ USD về tội vi phạm luật cạnh tranh – mức phạt tiền lớn nhất đối với một công ty Trung Quốc từ xưa tới nay. Hồi tháng 11 năm ngoái, chính phủ Trung Quốc cũng đã bất ngờ ngăn chặn vào phút cuối việc bán cổ phần ra công chúng (IPO) của công ty tài chính Ant Group – một công ty thành viên của tập đoàn Alibaba. Lệnh ngăn cản được cho là do chủ tịch Tập Cận Bình đích thân ban hành, làm đổ vỡ vụ IPO được cho là lớn nhất trong lịch sử, dự tính thu về cho Ant Group 34 tỷ USD tại hai thị trường chứng khoán Thượng Hải và Hồng Kông.

Mắt xích nằm ở chỗ Ôn Vân Tùng (Wen Yunsong), con trai của cựu thủ tướng Ôn Gia Bảo, cùng với Trần Nguyên, con của cựu phó thủ tướng Trần Vân là hai cổ đông lớn của Alibaba khi công ty thương mại điện tử hàng đầu Trung Quốc này chào bán cổ phần trên thị trường chứng khoán New York năm 2014. Một cổ đông lớn khác của Alibaba là Giang Chí Thành (Jiang Zhicheng), cháu nội của cựu chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân (Jiang Zemin).

Tính chung, cháu nội ông Giang (Trạch Dân), con ông Ôn (Gia Bảo) và con ông Trần (Vân) có nhiều mối quan hệ chặt chẽ với tập đoàn Alibaba của ông Mã (Vân) và qua đó có ảnh hưởng lớn tới thị trường tài chính Trung Quốc; họ cũng là những người đỡ đầu cho Mã để ông này phản đối các chính sách của ông Tập trong lĩnh vực kinh tế tài chính. Phát biểu trước một hội nghị tài chính (Bund Summit) ở Thượng Hải  hôm 24-10-2020, ông Mã Vân lớn tiếng chỉ trích hệ thống ngân hàng Trung Quốc “làm việc như các tiệm cầm đồ”, chỉ trích các cơ quan quản lý tài chính của đảng là “câu lạc bộ của các ông già lú lẫn”. Sau phát biểu đó, ông Mã biến mất, không xuất hiện trước công chúng suốt mấy tháng, làm rộ lên những tin đồn về số phận của người giàu nhất Trung Quốc.

Nếu như bài báo về mẹ của ông Ôn Gia Bảo, qua đó nói tới Cách mạng Văn hóa, chỉ phổ biến hạn chế ở Macau thì chắc Tập cũng không để ý; nhưng ông ta không chịu được chuyện bài của Ôn Gia Bảo được người dân chuyền tay nhau đọc ở lục địa Trung Quốc vào thời điểm nhạy cảm chính trị như hiện nay. Nếu như các cựu lãnh tụ của đảng, các nhân vật “thế hệ đỏ thứ hai” và các “thái tử đảng” được tự do phát ngôn lúc này thì họ có thể gây hại cho các nỗ lực của Tập trong việc thiết lập quyền kiểm soát toàn diện lĩnh vực kinh tế tài chính, cũng như nền tảng chính trị của chế độ phong kiến mới.

Vì thế, áp lực chính trị đang đè nặng lên các nhân vật “thế hệ đỏ thứ hai” và các thái tử đảng, buộc họ hoặc phải im lặng cúi đầu lo tích lũy của cải, hoặc đối mặt với sự trừng phạt như Bạc Hy Lai. Đó là nguyên nhân khiến Ôn Gia Bảo – một nhà lãnh đạo có tư tưởng cải cách và được người dân Trung Quốc mến mộ – phải bị bịt miệng.

Theo lệ, những nhà lãnh đạo “lão thành” cỡ thủ tướng Ôn sau khi rời khỏi chức vụ vẫn tiếp tục làm cố vấn không chính thức cho các nhà lãnh đạo đương nhiệm như Tập Cận Bình. Trước mỗi sự kiện chính trị quan trọng, đảng Cộng sản Trung Quốc vẫn thường tổ chức những hội nghị bí mật kéo dài nhiều ngày ở khu nghỉ dưỡng đặc biệt ở Bắc Đới Hà để các nhà lãnh đạo cũ và mới bàn bạc, thương lượng những vấn đề chính sách, nhân sự các cấp.

Hành động bịt miệng Ôn Gia Bảo để bàn dân thiên hạ xì xầm bàn tán là một việc “vuốt mặt không nể mũi” của Tập Cận Bình, cho thấy những sự rạn nứt trong nội bộ tầng lớp chóp bu của Trung Quốc cộng sản; cái chiêu bài “đoàn kết, hài hòa” trong đảng và xã hội Trung Quốc có thể chỉ là một lớp mặt nạ hào nhoáng che giấu những khuyết tật của một chế độ độc tài, đánh lừa thị giác của dân chúng và thế giới mà thôi. 

 

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: