Rùng Mình Tháng Tư

30 tháng 4-1975, ngày ấy sau hơn 45 năm đã không còn nguyên là một bức xúc cuồng nộ giống như những năm tháng ban đầu, mà có thể ngày nay chỉ còn lại là một tưởng niệm đau buồn sâu đậm quay quắt về cái ngày lịch sử mang nặng trong đời đối với người dân Việt lưu vong.

Ngày tháng này là một đồng tiền hai mặt: kẻ “chiến thắng” chiếm mặt trên, kẻ “thua cuộc” nằm mặt dưới, hai danh xưng-gọi này phát xuất từ quyền lực ngã mạn đang nắm giữ một đoạn lịch sử của đất nước Việt Nam đương đại. Với họ là một ngày đại lễ vênh vang của Đảng Cộng sản đương quyền; nhưng sự cai trị vô nhân và sự giàu sang quyền lực của họ ngược lại chỉ làm ô nhục cái ngày lịch sử trọng đại của đất nước mà họ tự hào là “giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà”. “Phồn vinh giả tạo” là câu nói biếm nhẽ miền Nam sau khi họ chiếm đoạt, nhưng đằng sau sự miệt thị ấy, họ âm thầm liên tục chở của mang về miền Bắc. Sự bỉ báng này trở thành sự thật cho cả nước từ sau năm 1975, sự thật phũ phàng trắng trợn, người dân thấy rõ bè lũ lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam mới là phồn vinh thật sự.

Cái ngày lịch sử này đã làm hao tốn bao giấy mực suốt 46 năm dài từ sau đó đến hiện tại, và có thể còn tiếp tục kéo dài chưa biết bao lâu, vì nó chuyên chở quá nhiều: ý nghĩa, tâm trạng, vết thương, mất mát, thù hận, oán hờn, nhục nhã, đau thương… Là tất cả hậu quả người dân miền Nam nhận chịu sau khi đất nước tự do đã đổ bao xương máu chiến sĩ bảo vệ gìn giữ, lại bị tấn chiếm rơi vào tay những con người lấy chủ nghĩa Cộng sản làm lý tưởng hỏa mù, lùa người dân Bắc lẫn Nam ra chiến trường, trường kỳ chinh chiến, với mục tiêu đẹp đẽ được tuyên truyền theo từng giai đoạn: chống Pháp giành độc lập, chống Mỹ cứu nước, giải phóng miền Nam.

Để rồi, sau khi họ thành công, hậu quả quá phũ phàng, chứng minh chế độ độc đảng cai trị ấy là những con người vô lương tâm, vô nhân bản, thâm độc, tàn ác. Họ trở thành giai tầng giàu sang tột bực, ngược với những gì họ trước kia kiêu hãnh là con người “Việt Minh”, “cách mạng” trong sạch, tiêu biểu, lý tưởng, vì nước vì dân, sẽ xây dựng lên một “thiên đường cộng sản”, hứa hẹn dân tộc sẽ có một cuộc sống ấm no, bình đẳng, hạnh phúc, tự do, “làm theo năng lực – hưởng theo nhu cầu”, xóa bỏ chênh lệch nghèo giàu, mọi người “đồng đẳng”… đúng nghĩa giấc mơ về một thiên đàng!

Nếu gần đây có ai xem phim Trước Tiên Họ Giết Cha Tôi (First They Killed My Father) vừa được đưa lên Netflix, dựa trên hồi ký của cô gái Cam-Bốt kể về gia đình mình lúc tác giả là cô con út chỉ vừa năm tuổi. Ba cô bấy giờ là một đại úy quân đội phục vụ tại Nam Vang. Gia đình hai vợ chồng ông có năm đứa con còn nhỏ, sống hạnh phúc trong căn nhà đầy đủ tiện nghi, bữa ăn theo kiểu Tây, dọn lên với muỗng nĩa. Sau vài ngày quân đội Cộng sản Pol Pot chiến thắng tiến vào thủ đô, họ chiếm nhà dân. Bị lấy nhà, gia đình ông nhập theo đoàn người dân thành phố bị lùa đưa về rừng khai khẩn lao động ở lại đó. Khi lý lịch giấu giếm của ông bị lộ, ông bị đưa đi đập đầu giết chết.

Trước khi bị dẫn đi bởi hai tên cán bộ giắt búa ở nịch bụng, người cha ôm siết cô con gái út vào lòng. Đó là hình ảnh cuối cùng của cô bé với cha. Ám ảnh này trở thành nhan đề cho tập hồi ký. Trước đó, con trai và con gái lớn đã bị bắt đi xung trận, nên bà mẹ quyết định bắt buộc con trai cùng hai con gái còn lại phải trốn đi vào giữa đêm vắng, dặn dò mỗi đứa đi một ngả khác nhau. Hai chị em cùng đi chung, lạc đến một khu nông trường khác, phải ở lại, may là nơi đây cho ăn khá hơn. Vài năm sau, bé Út bị tuyển chọn đưa đi huấn luyện để trở thành chiến binh thiếu nhi, chuyên gài mìn bẫy trong rừng để giết bộ đội Việt Nam đang tràn sang Miên đánh đổ chế độ Pol Pot. Trong một cuộc tấn công của Việt Cộng vào căn cứ huấn luyện này, cô bé thoát chết, được đưa đến một trại tị nạn của quân Cộng sản Việt Nam. Phim không đưa chi tiết cô bé được hưởng quy chế tị nạn. Cuối phim là cảnh ba anh em cô vui mừng đoàn tụ trong khuôn viên một trại tị nạn nào đó.

Đây là một phim dàn dựng lớn, tiêu biểu những bi thương của người dân lành nhận chịu dưới chế độ Cộng sản, không kém phim The Killing Field (Cánh Đồng Tàn Sát) gây xúc động cả thế giới. Buồn biết bao khi nhìn lại Việt Nam, một đất nước còn “mộng du”, chưa xuất hiện một tác phẩm lớn nào đủ sức nói lên cuộc chiến tranh bi đát kéo dài trên đất nước mình, hay ngay cả đại bi kịch sau khi quê nhà thống nhất, chấm dứt chiến tranh. Người dân thì bị khóa mồm bịt trí, còn chóp bu lãnh đạo Đảng Cộng sản cai trị thì dốt nát hưởng thụ phú quý vinh quang, lệ thuộc nước Tàu một cách nhục nhã…

Nước mắt khóc than về “Ngày Quốc Hận 30 tháng Tư” theo chuỗi thời gian gần nửa thế kỷ đã khô cạn. Ngày quốc biến này dường như đã thành ra một “nấm mồ cổ kính” xanh cỏ hoang vu. Đàn con cháu thế hệ sinh sau đẻ muộn không trưởng thành xuyên qua cuộc chiến tranh “Ý Thức Hệ” của nước Việt, lại thêm trong nước thì bưng bít, ngoài nước chỉ có một thiểu số quan tâm tìm tòi tài liệu về cuộc chiến lịch sử này, cũng không cung cấp được “sự thật” nào về nó.

Tuy nhiên, đã có xuất hiện một vài tác phẩm của các nhà biên sử người Việt, trưng ra những tài liệu liên quan mật thiết về cuộc chiến cận đại của Việt Nam, điển hình như Luật sư Lê Công Tâm biên soạn bộ “Những lầm lỗi định mệnh của cuộc chiến Việt Nam” (NXB Văn Học Press), mà từ quyển I, đưa ra những dữ liệu được lưu trữ bởi nhiều nguồn của nhiều quốc gia có liên quan, giúp cho ta biết được những sự thật của định mệnh lịch sử này. Hy vọng trong thời gian không xa, người Việt Nam sẽ có một thẩm định đứng đắn rõ ràng về nó. Tối thiểu là phục hồi danh dự cho chiến sĩ Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, những người đã anh dũng chiến đấu và hy sinh bảo vệ tổ quốc miền Nam Tự Do.

California, 04-23-2021

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: