Tôi phải viết bằng sự thật cho con cháu mình được biết!

Tác giả Quỳnh Anh

Bằng một giọng văn quặn đau, kể lại những ngày tháng dòng người cuồn cuộn chạy về phía Nam trong cơn hoảng loạn, tác giả Quỳnh Anh có khả năng lôi ngược người đọc về quá khứ, lôi con người đang sống bình an trong ngôi nhà của mình, phút chốc đã hòa vào tiếng khóc la, tức tưởi, và đau buồn của tháng Tư năm ấy… Bài viết “Những chiếc đầu đen ám ảnh hơn nửa thế kỷ” của chị, là một trong những tác phẩm đầy ấn tượng của loạt bài Ký ức 30-4 “Như chỉ mới hôm qua”. Trò chuyện với tác giả Quỳnh Anh, từ nơi cư trú tại Đà Nẵng, là một miệng giếng khơi thăm thẳm của đời người nữa, lại mở ra…

Tác giả Quỳnh Anh

“Những chiếc đầu đen ám ảnh” mà chị viết lại, đó thật sự là nỗi ám ảnh lớn nhất trong chuỗi ký ức của chị về những ngày tháng sau năm 1975? Liệu còn nỗi ám ảnh nào lớn hơn mà chị chưa có dịp hay thuận tiện viết ra không?

Đối với một đứa trẻ mới hơn 10 tuổi thì đó quả là nỗi ám ảnh lớn nhất trong cuộc đời. Những trận pháo kích dội xuống ngay trên đầu; những thân thể đầy máu me trước mặt, bên cạnh, sau lưng; những tiến rên la, khóc than rồi từng đoàn người với gương mặt thất thần, hoảng sợ lướt qua trong ánh nhìn thảng thốt của đứa trẻ và kinh khủng hơn cả là những chiếc đầu đen nhấp nhô trong làn sóng biển để rồi chìm nghỉm ngay trước mắt. Năm nào cũng vậy, cứ đến tháng Ba là tôi lại nhớ những hình ảnh đó, cứ như một cuốn phim chiếu chậm, có muốn quên cũng không thể.

Anh hỏi liệu còn nỗi ám ảnh nào lớn hơn thì tôi trả lời là có. Tôi e ngại đã định không viết ra nhưng vì không chịu được sự thôi thúc, áy náy, dằn vặt trong lòng với những người đã khuất cùng người thân của họ khi tình cờ biết được câu chuyện này nên tôi đã viết ra. Đó là câu chuyện về những quân nhân, viên chức bị giết tập thể tại Côn Đảo sau 30-4-1975, những người ra đi trong CHUYẾN TÀU ĐÊM.

Còn điều gì chung quanh bài viết, mà vốn với số từ hạn chế, chị chưa kể ra?

Dạ có rất nhiều anh à. Đó là chặng đường tiếp theo sau khi cả nhà rời khỏi bờ biển Đà Nẵng trên một chiếc ghe nhỏ. Chúng tôi đã trôi dạt trên xà lan trong ba ngày hai đêm dưới cái nắng như thiêu đốt. Gạo sấy mang theo không còn, nước uống không còn. Ba tôi đã múc nước biển lên pha sữa cho đứa em út mới hai tuổi uống nhưng sữa mặn quá nên nó phun ra. Chị em tôi đã mệt lả vì đói, khát, vì cái nắng ngay trên đầu. May mắn sau đó chúng tôi gặp được một chiếc tàu hải quân cứu vớt. Kỳ lạ là bảy chị em tôi đều lên tàu an toàn trong khi có nhiều gia đình, trẻ con bị rớt xuống biển, có cả người lớn. Đến Cam Ranh, lang thang ba ngày nữa tìm tàu cho đến khi biết không thể hy vọng gì nữa, ba tôi quyết định thuê một chiếc ghe cá đi Vũng Tàu.

Ra khơi được vài tiếng, bão nhỏ nổi lên. Ông chủ ghe cột tay trẻ con vào dây thừng giăng ngang để chúng tôi không bị văng xuống biển vì sóng quá lớn. Liệu bề đi không nổi, ông đã quay vào một hòn đảo nhỏ để trú bão. Trên đường vào bờ, có một con cá mà theo ông chủ ghe là cá Ông đã tựa vào mạn, dìu ghe tránh những đợt sóng lớn dập mạnh vào bên hông. Sau này tôi mới tìm ra đó là đảo Bình Ba, một điểm du lịch nổi tiếng bây giờ và tôi đã dẫn ba má quay lại đây, tìm những người đã cho mình ăn bữa cơm trắng ngon nhất trong đời. Và dĩ nhiên, ba má cùng tôi đã đến thắp hương tại Lăng Cá Ông.

Hôm nay, chị nhìn về những ngày tháng đó với tâm trạng như thế nào? Buồn giận? Nhẹ nhàng? Tha thứ nhưng không quên?… Và vì sao?

Có người nói tôi sao cứ nhớ về quá khứ buồn bã làm gì cho u tối cuộc đời, hoặc cũng có người vào bình luận rằng tôi cố tình khơi lại nỗi hận thù. Tôi vốn thờ Phật, tôi tin vào điều Ngài dạy, buông bỏ, không mang hận thù vì như vậy chẳng khác gì mình tự hủy hoại cuộc đời mình. Nhìn lại quá khứ tôi chỉ thấy buồn và tiếc vì lẽ ra nếu sáng suốt, người ta đã không khiến cho chính đồng bào mình bị mất mát quá nhiều xương máu, trí lực như vậy. Tôi không hận thù những ai gây ra cảnh này vì tôi cũng tin vào Luật Nhân Quả. Nhưng bảo quên thì tôi không thể nào quên được. Làm sao có thể quên những thảm cảnh mà mình đã trải qua kia chứ.

Có khi nào chị tiếc nhớ về quá khứ, và nếu vậy, chị có ước muốn quá khứ trả lại chị điều gì không?

Tôi tin nếu anh hỏi câu này cho bất cứ người miền Nam nào (người sinh ở miền Nam trước 1975), họ đều sẽ trả lời cùng một câu rằng họ luôn tiếc nhớ về quá khứ. Bạn bè, người thân của tôi hiện sống trong nước hay nước ngoài đều nói với tôi như vậy. Họ tiếc cho một quãng đời êm đẹp đã biến mất sau cơn giông bão. Còn hỏi ước muốn quá khứ trả lại điều gì ư? Tôi nghĩ câu trả lời của tôi cũng là câu trả lời chung của những người sinh ở miền Nam trước 1975 và hẳn anh cũng đã đoán được câu trả lời này.

Chị đã viết bao nhiêu các bài viết như vậy? Viết là thú vui của chị hay đó là cách chị giải tỏa những điều mang nặng trong lòng mình?

Tôi đã viết rất nhiều những bài viết như vậy trên facebook cá nhân. Cứ mỗi năm, nhớ đến tháng ngày ấy là tôi lại viết. Viết để giải tỏa những điều tôi cứ canh cánh trong lòng vì tôi nhận thấy lớp trẻ sau này dường như chỉ biết đến cuộc chiến tranh qua thông tin một chiều. Tôi nghĩ mình nên viết lại những gì mình biết, viết đúng sự thật để con cháu mình hiểu rõ hơn những gì mà ông bà cha mẹ chúng đã trải qua. Có lần con gái tôi lúc đó học lớp Ba, từ trường về cháu nói với tôi: “Mẹ ơi, bọn Mỹ ngụy ác lắm đó mẹ. Tụi nó giết người rồi moi gan ăn”. Tôi kinh hãi hỏi cháu rằng ai nói với con. Cháu nói cô giáo kể cho tụi con nghe. Vậy là tôi nghĩ mình phải viết lại cho con tôi, cháu tôi biết và hiểu.

Khi biết Saigon Nhỏ mở chuyên mục viết về Ký ức Tháng Tư, tôi tin chắc sẽ có những bài viết chia sẻ của người trong cuộc cùng một tâm tư, suy nghĩ như của mình về những tháng ngày đó. Vậy là tôi gửi bài để mong tìm thấy những mối đồng cảm, những sự chia sẻ. Thật ra bài viết cũng chỉ là sự gói ghém cho gọn hơn những trang viết tôi nói về đề tài này trong một cuốn vở học trò, khi tôi bắt đầu bước vào lớp 12, năm 1981.

Cảm thấy một tương lai vô định và mịt mù qua các anh chị bà con, bạn bè không được học đại học dù thi đậu. Vậy là tôi viết. Cuốn vở ấy đến nay vẫn còn. Viết để giải tỏa, để chia sẻ nhưng không ngờ bài viết của tôi đoạt giải khuyến khích. Đây quả là niềm vui khá bất ngờ cho bản thân tôi nhưng vui hơn, tôi biết rằng không phải chỉ có mỗi mình gặm nhấm nỗi ám ảnh quá khứ. Có nhiều bạn đọc dù ở miền Nam hay miền Bắc, qua những câu chuyện này hẳn sẽ hiểu rõ hơn một giai đoạn lịch sử không phải chỉ là những gam màu hồng tươi sáng.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: