Tranh chân dung độc đáo của Tạ Tỵ

Khoảng giữa thập niên 1930, tờ báo trào phúng Loa xuất bản tại Hà Nội đã được bán tại Sài Gòn và vài đô thị miền Nam. Tuy không được độc giả trong Nam ưa chuộng nhiều như đối với các tờ Phong Hóa, Ngày Nay, báo Loa được chú ý vì có đăng những bức tranh minh họa và biếm họa khá đẹp. Đặc biệt, trên báo có những bức tranh vẽ chân dung các văn nghệ sĩ mà người đọc trong Nam hâm mộ, như Thế Lữ, Khái Hưng, Nhất Linh, Nguyễn Văn Vĩnh…

Các nhân vật được vẽ trong khung cảnh hay bộ dạng cường điệu, thể hiện tính cách hay những việc họ đang làm. Thí dụ, nhà văn Khái Hưng trong dạng vị thần khổng lồ vác búa, mở toang cánh cửa ngôi nhà cổ để giải thoát những phụ nữ bận áo dài cải cách Le Mur nhưng chân còn đeo xiềng xích. Người xem tranh liên tưởng đến tư tưởng đổi mới canh tân xã hội, chống lề thói gia đình cổ hủ của nhóm Tự Lực Văn Đoàn mà Khái Hưng và Nhất Linh là những chủ soái. Một bức khác vẽ nhà văn kiêm nhà thơ Thế Lữ trong lốt thần Pan với đôi chân dê, tay cầm ống sáo đưa lên miệng thổi. Các bức biếm họa này thể hiện đậm đà cá tính nhân vật, không chỉ mô tả hình ảnh. Có thể trên đây là những bức biếm họa vẽ văn nghệ sĩ xuất hiện sớm nhất trong làng sách Việt.

Đến năm 1948, họa sĩ Hoàng Lập Ngôn tiếp tục dòng tranh này, vẽ nhiều biếm họa chân dung văn nghệ sĩ. Tranh của ông được in trong giai phẩm Ánh Sáng số Xuân Tân Mão năm 1951, rất được chú ý. Ông vẽ tổng cộng 20 bức về các nghệ sĩ nổi tiếng thời ấy như Đồ Phồn, Vũ Hoàng Chương, Tương Phố, Tạ Tỵ, Thế Lữ. Nét bút của ông miêu tả cá tính văn nghệ sĩ chỉ bằng vài đường nét trên khuôn mặt. Ông gọi đó là “tướng tính họa”. Sau này, do nói vui hay nhầm lẫn, người ta gọi bộ tranh này là “Tinh tướng họa”.

Trên dưới hai mươi năm sau, một trong những văn nhân được vẽ trong bộ sưu tập của Hoàng Lập Ngôn là họa sĩ Tạ Tỵ đã đẩy nghệ thuật vẽ chân dung nhân vật lên bước cao hơn, đậm đà cá tính và cảm xúc, giải quyết được hai yếu tố: “Tính” và “tướng”.

Họa sĩ Tạ Tỵ (1921 – 2004). Ảnh: TLTG

Họa sĩ Tạ Tỵ, sinh năm 1921, tốt nghiệp thủ khoa trường Mỹ thuật Đông Dương năm 1943, là người đạt nhiều danh vọng trong sáng tác nghệ thuật. Ông được xem là người đưa luồng gió mới lạ vào hội họa Việt với “không khí lập thể” (chữ của Huỳnh Hữu Ủy) với nhiều cuộc triển lãm và có nhiều bài báo viết về ông. Tranh của ông có bức bán được giá rất cao, tương đương cả trăm lượng vàng với bức tranh lớn bán cho ông Rifle, giám đốc Ngân hàng Manhattan đặt mua để trưng bày tại cơ sở mới của ngân hàng ở Bến Bạch Đằng. Ông là người tài hoa, làm thơ, viết sách. Tranh lập thể của ông được chú ý, cho dù có nhiều đánh giá khác nhau và tương phản nhau từ giới phê bình hội họa. Tuy nhiên, cho dù ở góc nhìn nào, họ vẫn thừa nhận ông và khuynh hướng sáng tác lập thể của ông đã “gây nên được những phản ứng sôi nổi, mà những phản ứng sôi nổi như thế thì bất cứ vào thời đại nào cũng rất hữu ích cho sự tiến bộ chung” (Huỳnh Hữu Ủy – Nghệ thuật tạo hình Sài Gòn trước 1975 in ở hải ngoại năm 2001).

Nhà thơ Đông Hồ
Nhà văn Túy Hồng

 

Nhà thơ Tường Linh
Nhà văn Sơn Nam

Khác với sự nhìn nhận không đồng chiều đối với tranh lập thể và trừu tượng của Tạ Tỵ, tranh vẽ chân dung văn nghệ sĩ của ông được giới phê bình nghệ thuật đánh giá cao vì cá tính, bút pháp và vẻ đẹp. Có thể nói đây là dòng tranh ông bước vào từ thập niên 1960 như một cuộc chơi, như một cách ghi nhận hình ảnh bạn bè và một số văn nghệ sĩ ông ngưỡng mộ lúc ban đầu, nhưng ông đeo đuổi nó rất lâu trong vài thập niên, bút pháp ngày càng già giặn và tạo nên được giá trị cho sự nghiệp hội họa của ông. Có thể nói, dòng tranh này đặc biệt là những chân dung vẽ bằng bút sắt với mực đen trên nền trắng có tầm vóc riêng, sự độc đáo vượt lên hẳn các bước đi trước đó, thần thái của nhân vật được mô tả sắc bén hơn, mỹ thuật hơn, tính cách điệu cao hơn.

Đọc lại cuốn Hồi ký văn nghệ của Tạ Tỵ, qua các đoạn viết về những người cùng làm báo, trong đơn vị quân đội nơi ông làm việc và những văn nghệ sĩ đã gặp…, ta luôn bắt gặp những đoạn văn miêu tả vẻ mặt, vóc dáng, những cử chỉ biểu lộ cá tính của họ. Là họa sĩ chuyên nghiệp, lại là nhà văn, Tạ Tỵ có cái nhìn sắc sảo hơn người, dễ dàng diễn đạt những gì ông thấy và cảm nhận đối tượng ông miêu tả qua câu văn, nét bút. Vài nét miêu tả của ông ra ngay con người.

Đó là nhà văn Thế Phong: “… hớt tóc ngắn, lởm chởm, vì sợi tóc khô, cứng. Khuôn mặt trông khắc khổ, cặp mắt sắc sảo, với chiếc cằm nhọn”; Nguyễn Đình Toàn: “Anh có mái tóc dày và dài, khuôn mặt xương xương, và luôn đeo kính trắng. Nước da xanh mét như người bị bệnh. Thân hình anh cũng gầy guộc như không đủ sức mang cái đầu với vầng trán rộng”; nhiếp ảnh gia Trần Cao Lĩnh “có vầng trán cao, hói, tóc rất thưa, có đôi mắt sáng, và cũng rất khó tính trong vấn đề nghệ thuật”; Nguyễn Cao Đàm “xuề xòa. dáng người cao, nhưng không gầy, ăn nói dí dỏm, sau mỗi câu, thường chêm: ‘Có phải không ạ?”; Hà Thượng Nhân “vóc người tầm thước, rất khôn ngoan, trong cách đối xử. Đôi kính trắng và mấy chiếc răng bọc vàng, làm khuôn mặt anh thêm duyên dáng”; Đoàn Thêm “đeo kính cận, khuôn mặt xương xương. Anh có tật hay nhún vai, nháy mắt; khi nói chuyện”; Phạm Trọng Nhân “vóc dáng tầm thước, có vầng trán cao, mái tóc hơi thưa, hàm răng hơi hô”.

Trong hồi ký, ông đặc biệt ưu ái và quý trọng một số văn nghệ sĩ. Có người không quá thân thiết để có thể nhập tâm vẽ chân dung, ông phải tìm đến thăm. Ông kể lần đến nhà nhạc sĩ Dương Thiệu Tước và vợ là ca sĩ Minh Trang: “Bẵng đi một thời gian, khi tôi có ý định vẽ 50 chân dung văn nghệ sĩ, để trưng bầy cùng 50 họa phẩm trừu tượng, tôi mới đi tìm Dương Thiệu Tước tại nhà anh lần thứ hai. Nơi ở nay đã rời lên đường Cách Mạng, trong một ngõ cũng khá rộng. Căn nhà này có vườn cây, hoa lá, trông rất cổ kính, lại rất nên thơ. Tôi đã vẽ chân dung Dương Thiệu Tước ở căn nhà này; nhưng chỉ là những nét sơ họa. Khi chân dung hoàn thành, chính Dương Thiệu Tước cũng chưa được nhìn thấy, bởi lẽ, hiện nó vẫn còn ở Việt Nam, trong căn phòng người bạn thân, trước khi vượt biên tôi đã gửi cả mấy chục tấm chân dung anh em ở đó”.

Nhạc sĩ Phạm Duy
Nhà văn Tam Lang
Nhà văn Khái Hưng
Nhạc sĩ Phạm Đình Chương

Một lần khác, từ căn nhà trên xóm chợ Nancy, ông xuống Phú Nhuận để vẽ về nghệ sĩ sân khấu Năm Châu mà ông rất quý trọng: “Một buổi, tôi đến vẽ chân dung anh tại nhà, ở khu Chi Lăng, Phú Nhuận. Khuôn mặt Năm Châu đẹp như pho tượng, với làn tóc dợn sóng, bạc phơ, với những nét nhăn hằn sâu trên thớ thịt, với từng nét dắn dỏi của con người dầy dạn của tháng năm trên sân khấu cuộc đời ! Nơi phòng khách có chiếc piano con gái anh đang dạo, trong lúc tôi vẽ ”.

Vẽ Vương Hồng Sển, ông đã có ý định từ sớm “nhưng phải chờ đến năm 1964, tôi mới có dịp đến thăm Vương Hồng Sển, khi tôi có ý định vẽ chân dung ông để trưng bày”. Ông thành thực viết: “Tôi mê Vương Hồng Sển, khi đọc cuốn Sài Gòn Năm Xưa của ông. Tôi thích lối viết bộc trực, nghĩ sao viết vậy, viết như lối nói chuyện của Vương Hồng Sển. Tôi gặp ông lần đầu tại Kim Lai ấn quán, giữa một Sài Gòn căng thẳng. Với mái tóc trắng như cước, khuôn mặt có những nét sắc sảo, đặc biệt đôi mắt rất tinh anh, biểu lộ sự thông minh tuyệt vời, chiếc mồm khá rộng, mỗi khi cười”.

Nhà báo Đào Trinh Nhất
Nhà văn Vũ Bằng

Nhà văn Hồ Hữu Tường
Nhà thơ Nguyễn Đình Toàn

Nhà văn Nguyễn Vỹ

Ông không ngần ngại nhận xét về ngoại hình ông Sơn Nam, người mà ông ca ngợi “cái đặc biệt của Sơn Nam là không làm văn chương. Sơn Nam viết rất hồn nhiên và chân thực. Chính cái đó đã tạo cho Sơn Nam có chỗ ngồi riêng biệt trong trường văn trận bút. Đọc Sơn Nam để trở về quá khứ, gặp lại miền Nam, trong buổi đầu khai phá và lòng dạ con người còn trong trắng như thủy tinh, chưa bị bả lợi danh làm mờ đục”.

Vẽ ai khó nhất. Có thể đó là nhà thơ Bùi Giáng. Khi ông đến tìm, Bùi Giáng đang cuộn mình trong tấm mền rách tơi tả để đọc sách, tóc cắt ngắn, râu mọc lởm chởm, đôi mắt ngơ ngác như lạc thần. Khi ông nói ý định vẽ chân dung, Bùi Giáng xua tay, nói: “Thân hình tôi xấu xí lắm, không xứng với nét vẽ của anh đâu? Còn thơ của tôi đã tặng chuồn chuồn, châu chấu hết rồi, ông ơi !”. Tạ Tỵ vội vẽ thật nhanh, vừa nói qua chuyện khác. Vừa xong, Bùi Giáng nằm vật xuống, chùm mền kín mít, miệng nói lảm nhảm như đọc kinh.

Nhà văn Vũ Bằng khi biết ông có ý định vẽ 50 khuôn mặt văn nghệ miền Nam để trưng bầy cùng 50 họa phẩm trừu tượng, đã vỗ đùi cười lớn với Tạ Tỵ: “May quá, tôi đang viết cuốn Bốn mươi năm nói láo, cuốn hồi ký về nghề làm báo từ Bắc vô Nam – anh cho tôi mượn những khuôn mặt nào có dính dáng tới cuốn sách của tôi nhé!”. Cuốn Bốn mươi lăm nói láo là cuốn hồi ký rất đặc sắc, nó còn có giá trị cộng thêm là những bức tranh chân dung bút sắt tuyệt đẹp của Tạ Tỵ, có lẽ là nơi đầu tiên trình làng bộ tranh chân dung này.

Ông tâm tình về việc vẽ tranh chân dung này: “… tôi giữ kín, vẽ ai, người ấy biết thôi; chứ không bao giờ nói sẽ vẽ ai? Sở dĩ tôi phải cẩn thận, để tránh sự mất lòng. Anh em nhiều, dự tính có hạn. Vẽ chân dung cũng mất thì giờ lắm. Trước tiên, vẽ những nét chính, sau đó mới thêm thắt, vào màu. Vì là công việc dài hạn, nên tôi làm từ từ. Lắm lúc bận quá, cả tháng không nghĩ đến vẽ. Còn chuyện viết không đòi hỏi nhiều điều kiện như vẽ. Một xấp giấy, một cây viết, một chỗ ngồi là xong! Viết chỉ nặng phần đầu óc, nhẹ phần trình diễn”.

Minh họa bài viết này là một số bức chân dung ông vẽ rải rác trong sách báo và trên mạng. Một số tranh chụp lại từ bộ tranh của con trai ông ở Mỹ, chưng trên tường (theo facebook của anh Vũ Đình Hải). Người con cũng không có tranh gốc, phải chụp lại từ người quen. Qua từng bức tranh, những nét hào hoa, bí ẩn, ngạo nghễ, kiêu bạc, khắc khổ… của từng nhà văn, nhà báo và nghệ sĩ hiện ra, mà Tạ Tỵ như người thư ký ghi chép cá tính của họ, cộng hưởng thêm cảm nhận của người xem tranh. Bộ tranh không đầy đủ này nói lên điều lớn nhất của nghệ thuật Tạ Tỵ: Tài hoa, sắc sảo và luôn hướng đến cái mới.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: