Nếu Mỹ ngừng đóng góp cho WHO, chuyện gì sẽ xảy ra?

Lính cứu hỏa phun thuốc khử trùng đường phố để ngăn dịch Covid-19 ở Iran. AP

HIẾU CHÂN

Tổng thống Mỹ Donald Trump vài hôm trước đã có lần thông báo sẽ ngừng khoản đóng góp của Mỹ cho Tổ chức Y tế thế giới (World Health Organization, WHO), sau đó ông đổi ý nhưng cho biết sẽ xem xét kỹ chuyện này. Điều gì sẽ xảy ra nếu giữa lúc đại dịch coronavirus hoành hành khắp thế giới, Tòa Bạch ốc lại cắt viện trợ cho WHO?

Bài liên quan: Tổ chức Y tế Thế giới đã bị Trung Quốc thao túng như thế nào?

Từ khi đại dịch bùng phát ở Vũ Hán, đã có nhiều cảnh báo về vai trò của WHO trong việc coi nhẹ sự tác hại của virus để lấy lòng nhà cầm quyền Trung Quốc và về cách tổ chức quốc tế này sử dụng ngân quỹ – một phần do người Mỹ đóng thuế.

Bên cạnh việc nhắc đi nhắc lại một nhận định sai lầm mà Trung Quốc đưa ra hôm 14-01 “không có bằng chứng cho thấy coronavirus chủng mới lây lan từ người sang người”, phớt lờ cảnh báo của chuyên gia y tế Đài Loan, WHO còn thất bại trong việc buộc Trung Quốc phải chia sẻ mã gene của virus – điều kiện cần thiết để thế giới có thể sản xuất bộ công cụ xét nghiệm chẩn đoán để ngăn chặn virus ngay trong những ngày đầu của dịch.

Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus chào Chủ tịch TQ Tập Cận Bình ở Bắc Kinh hôm 28-01. Getty Images

Thất vọng với cách hành xử thiên về Trung Quốc (China-centric) của WHO, tuần trước ông Trump đòi cắt viện trợ, khiến Tổng giám đốc của WHO là Tedros Adhanom Ghebreyesus phản ứng một cách giận dữ, cáo buộc Mỹ “chính trị hóa” đại dịch và sẽ có “thêm nhiều túi đựng xác”!

Tuy việc cắt hoặc giảm tài trợ của Mỹ cho WHO chưa xảy ra (và cũng không dễ xảy ra vì thẩm quyền quyết định ngân sách thuộc về Quốc hội Mỹ), nhưng trước thái độ của ông Tedros nhiều chuyên gia Mỹ thuộc cánh hữu, gần gũi với Tòa Bạch ốc, đã bắt đầu bàn tới những hậu quả có thể xảy ra nếu Mỹ quyết định lời thông báo của Tổng thống Trump.

Trước mắt chưa có gì thay đổi?

Bác sĩ Roger Bate của Viện Doanh nghiệp Mỹ (American Enterprise Institute, AEI) nói với Fox News rằng trong đoản kỳ sẽ không có nhiều thay đổi, bởi vì ban lãnh đạo WHO hy vọng hoặc Mỹ sẽ thay đổi lãnh đạo Tòa Bạch ốc sau cuộc bầu cử tổng thống tháng 11, hoặc sẽ có các nước khác đứng ra bù vào chỗ ngân sách nếu Mỹ rút đi.

Một số người khác cho rằng bây giờ không phải là thời điểm thích hợp để Mỹ cắt giảm hàng trăm triệu Mỹ kim tài trợ cho WHO. Nhưng nếu Mỹ vẫn làm thì sao?

Biếm họa của DAD, Vietnam

Mỹ là nhà tài trợ chính cho WHO từ ngày tổ chức này được thành lập năm 1948; và hiện nay đóng góp của Mỹ, cả cam kết và tự nguyện, đã hơn 500 triệu Mỹ kim mỗi năm, gấp mười lần mức đóng góp của Trung Quốc. Ông Brett Schaefer, nhà nghiên cứu cao cấp về quản trị quốc tế của Heritage Foundation, cho biết đóng góp của Mỹ chiếm 15,9% tổng ngân quỹ của WHO và nếu Mỹ ngừng đóng góp ngay lúc này thì có thể gây tác động xấu cho việc phòng chống dịch Covid-19 ở các quốc gia đang phát triển đang phải dựa vào hỗ trợ quốc tế để chống dịch.

Cho dù một số chính phủ như Nam Hàn, Úc, Nhật Bản và các quỹ từ thiện tư nhân như Bill and Melinda Gates Foundation có thể sẽ tăng đóng góp tài chánh cho WHO, vẫn không thể bù nổi khoảng trống ngân sách do Mỹ rút đi. Chưa kể rằng, hiện nay nước nào cũng phải lo chống dịch và vực dậy nền kinh tế bị đình đốn nên không nước nào muốn đứng ra gánh vác khoản đóng góp tài chính cho WHO.

*

Trước khi xảy ra đại dịch Covid-19 WHO đã thường xuyên lâm vào tình cảnh ngân sách eo hẹp. Báo cáo tháng 11-2018 của BioMed Central ghi nhận WHO “liên tục bị áp lực tài chánh khủng khiếp” do các quốc gia thành viên – đặc biệt là các nước giàu – không góp đủ tiền như cam kết, một phần cũng vì họ thấy tổ chức này kém hiệu quả, thiếu minh bạch và sử dụng ngân sách không hợp lý.

Một báo cáo nội bộ của Liên hiệp quốc chẳng hạn, ghi nhận trong năm 2018, WHO chi tiêu cho việc đi lại của nhân viên nhiều hơn chi cho giải quyết một số vấn đề y tế cộng đồng quan trọng. Trong năm đó, WHO đã bỏ ra hơn 200 triệu Mỹ kim cho tiền vé máy bay; nhân viên của WHO thường đi lại bằng vé hạng thương gia, mua vé vào phút cuối giá cao, nghỉ ngơi tại các khách sạn năm sao sang trọng. Cùng trong năm đó, WHO chỉ đầu tư 59 triệu Mỹ kim cho việc làm giảm bệnh lao phổi, 71 triệu Mỹ kim cho phòng chống HIV/AIDS và bệnh viêm gan. Nếu Mỹ giảm hoặc ngừng đóng góp tài chánh, WHO phải tính lại hoạt động và không thể để cho nhân viên tiêu xài hoang phí như hiện nay.

Nhân viên y tế đi chống dịch Ebola ở Congo DRC năm ngoái. Ảnh AP

Ngoài ra, theo một số chuyên gia, việc phân bổ ngân sách của WHO cho các hoạt động cũng không thật hợp lý. Trong tổng số 6,7 tỷ Mỹ kim ngân sách, WHO chỉ dành 554 triệu Mỹ kim, tức 9%, cho Chương trình Y tế khẩn cấp, 306 triệu Mỹ kim cho việc ngăn ngừa và kiểm soát dịch bệnh – tức là khoảng 15% ngân sách cho các hoạt động chủ yếu của WHO. Những hoạt động khác mà WHO bố trí ngân sách như bình đẳng giới và nhân quyền (21,5 triệu), sức khỏe sinh sản, trẻ em và vị thành niên (230 triệu), tai nạn thương tích (27,5 triệu), sức khỏe tâm thần (50,3 triệu)… theo các chuyên gia, là những vấn đề y tế thuộc nội bộ của từng nước, không có nguy cơ lây nhiễm từ nước này sang nước khác. Ông Schaefer của Heritage Foundation cho rằng “trọng tâm của WHO phải là những mối đe dọa y tế có tính chất quốc tế”.

Dù có những bất hợp lý như vậy, ông Schaefer khuyến nghị, vào lúc này Mỹ không nên ngừng đóng góp tài chính cho WHO mà thay vì vậy nên ràng buộc việc tài trợ trong tương lai vào một cuộc điều tra toàn diện phản ứng của WHO đối với sự bùng phát đại dịch Covid-19 và ảnh hưởng của Trung Quốc đối với các quyết định của WHO; cải tiến các chính sách của WHO để giúp tổ chức này ứng phó nhanh hơn với những đại dịch trong tương lai, tái cơ cấu tài chính của WHO để tập trung vào các chứng bệnh truyền nhiễm, vào ứng phó với tình trạng khẩn cấp về y tế toàn cầu. “Nếu WHO từ chối, Mỹ nên xem xét lập ra một tổ chức quốc tế mới, tập trung vào các bệnh truyền nhiễm và ứng phó với thảm họa y tế toàn cầu,” ông Schaefer nói.

Theo Fox News, các cố vấn của ông Trump đang thu thập thông tin và phân tích các giải pháp khác nhau để tổng thống lựa chọn trong vấn đề tài trợ cho WHO. Vẫn chưa có quyết định nào được cân nhắc.

Tuy nhiên, theo ông Brett Bruen, nhà ngoại giao, cựu giám đốc về quan hệ toàn cầu của Tòa Bạch ốc, cắt viện trợ cho WHO vào lúc này cũng giống như “rút ra khỏi NATO giữa cuộc chiến chống Taliban. “Chắc chắn chúng ta thất vọng với họ [WHO], chúng ta muốn họ làm được việc hơn. Nhưng họ rất thiết yếu cho cuộc chiến chống Covid-19. Không có con đường chống dịch nào riêng của chúng ta, mà chúng ta luôn cần các nước khác”, ông Bruen nói. “Và chưa có tổ chức nào thay thế cho WHO. WHO có những vấn đề, nhưng tại thời điểm này, đó là hy vọng tốt nhất của chúng ta để chấm dứt nhanh chóng cuộc khủng hoảng đại dịch này,” ông Bruen nói thêm.

(theo Fox News)

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: