Nước Mỹ sau ngày bầu cử: nóng hừng hực

Nhiệt độ chính trị Mỹ vẫn nóng hực và thậm chí nóng hơn trước ngày bầu cử. Lá phiếu 3-11-2020 chưa đưa đến kết cuộc êm thắm nào. Cả hai bên đều bất ngờ trước việc phe mình đã không thể thắng tuyệt đối như dự báo…

Hàng loạt cuộc biểu tình đang diễn ra. Tại Minneapolis, người biểu tình chặn một freeway. Tại Portland, hàng trăm người tập trung tại một bờ sông để phản đối ý định can thiệp quá trình đếm phiếu của ban vận động tranh cử Tổng thống Trump. Tại Phoenix, khoảng 150 ủng hộ ông Trump, vài người trang bị súng ống, kéo nhau đến bên ngoài văn phòng hạt nơi tiến trình kiểm phiếu đang được thực hiện. Tại Detroit, những người ủng hộ ông Trump tập trung bên ngoài một điểm kiểm phiếu, yêu cầu ngưng đếm phiếu. Các cuộc biểu tình của cả hai phe ủng hộ Biden lẫn Trump cũng xảy ra ở Philadelphia, Los Angeles, Chicago…

Trong email gửi công tố viên liên bang sáng hôm qua (4-11), Bộ Tư pháp cho biết luật cho phép họ phái viên chức có vũ trang đến các điểm kiểm phiếu để giám sát khả năng gian lận. Điều này khiến người ta đặt nghi vấn viên chức liên bang có thể can thiệp đến viên chức địa phương và ảnh hưởng tiến trình lẫn kết quả kiểm phiếu. Thời điểm hiện tại, ban vận động tranh cử Tổng thống Trump đã đâm đơn yêu cầu ngưng kiểm phiếu ở Michigan. Chiều hôm qua (4-11), họ đưa thêm Georgia vào danh sách các mục tiêu tranh chấp pháp lý. Tại Wisconsin, nơi mà cùng với Michigan, đã có kết quả thắng nghiêng về ông Biden, thì nhóm tranh cử ông Trump lại yêu cầu tái kiểm phiếu.

Rudolph W. Giuliani, luật sư riêng của Tổng thống Trump cùng con trai Eric Trump, đã được cử đến Philadelphia để “bảo đảm chiến thắng của chúng ta không bị đánh cắp bởi bọn Dân chủ hoặc bởi Joe Biden”. Sáng cùng ngày, ông Trump xuất hiện trước một nhóm người ủng hộ tại Tòa Bạch Ốc và nói: “Chúng ta sẽ đưa lên Tối cao pháp viện. Chúng tôi muốn tất cả ngưng đếm phiếu”. Hôm 4-11, nhóm quan sát viên quốc tế thuộc Tổ chức hợp tác và an ninh châu Âu (OSCE) nói rằng họ không thấy bất kỳ dấu hiệu gian lận nào trong cuộc bầu cử tổng thống. Đến Mỹ theo lời mời Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, OSCE đã đưa 100 quan sát viên đến hơn 30 tiểu bang để giám sát cuộc bầu cử Mỹ…

Vấn đề nước Mỹ hậu bầu cử không chỉ là khả năng cuộc chiến pháp lý có thể kéo dài mà còn là bức tranh chia rẽ và ảnh hưởng của ông Trump. Bất luận ông Trump thua hay thắng, cái gọi là “Trumpism” vẫn nguyên trạng. Kết quả kiểm phiếu ban đầu cho thấy Tổng thống Trump nhận được ít nhất 68 triệu phiếu, nhiều hơn 5 triệu phiếu so với cuộc bầu cử 2016.

Điều này cho thấy gần như ½ nước Mỹ vẫn trung thành ủng hộ ông. Bất luận thực tế rằng có vô số chính trị gia Cộng hòa, từ thượng nghị sĩ Mitt Romney đến tổ chức Lincoln Project, tuyên chiến quyết liệt nhưng ông Trump vẫn được ủng hộ mạnh mẽ từ nội bộ đảng Cộng hòa nói riêng và cử tri Cộng hòa nói chung.

Thậm chí sự ủng hộ của cử tri da màu và cử tri Hispanic trong mùa bầu cử năm nay đối với ông Trump cũng cao hơn 2016. 41% cử tri nói rằng họ làm ăn tốt hơn từ khi ông Trump ngồi ghế tổng thống, so với 20% cho biết công việc và đời sống của họ tệ hơn. 49% cho biết kinh tế Mỹ thời ông Trump là tốt hoặc tuyệt vời; và 48% cho rằng cách thức xử lý vấn đề dịch bệnh của chính quyền Trump là “OK”. “Nếu thua, ông ấy vẫn giữ được “lòng trung thành bất diệt” của các cử tri trong đảng và cả những cử tri mới mà ông lôi kéo được vào đảng” – nhận xét của Sam Nunberg, cựu chiến lược gia của chiến dịch tranh cử Trump 2016 – “Tổng thống Trump vẫn là người hùng trong cử tri đoàn Cộng hòa. Người chiến thắng vòng bầu cử sơ bộ của đảng Cộng hòa mùa 2024 sẽ là Tổng thống Trump hoặc ứng cử viên nào gần giống với ông nhất”.

Không phải ai cũng đồng ý nhận định trên. Cựu dân biểu Cộng hòa Carlos Curbelo (Florida) nói rằng “sẽ không có thêm một ông Trump nào nữa. Bản sao sẽ thất bại. Ông ấy sẽ lu mờ dần nhưng vết sẹo của giai đoạn hỗn mang này trong lịch sử Mỹ sẽ không bao giờ biến mất”. Trong thực tế, các tổng thống bị “out” sau một nhiệm kỳ hoặc ít hơn, chẳng hạn Gerald R. Ford 1976, Jimmy Carter 1980 và George W. H. Bush 1992, đều chìm dần vào bóng đêm chính trị. Không ai có thể duy trì sức mạnh ảnh hưởng chính trị trong đảng của họ.

Dù thế nào, phải thừa nhận rằng Donald Trump là một hiện tượng chính trị vượt ngoài mọi khuôn khổ. Tất cả dự báo lẫn đánh giá về ông, theo chiều hướng tích cực lẫn tiêu cực, thường sai và thậm chí sai nghiêm trọng. Cho dù có nói về ông Trump nhiều như thế nào cũng không bao giờ có thể có một kết luận thật sự chính xác về ông ấy. Ý kiến của Tony Fabrizio – một trong những người phụ trách thăm dò dư luận trong bộ máy tranh cử của ông Trump – đã phản ánh rõ nét thực tế này: “Chẳng nghi ngờ gì khi nói rằng ông ấy là một trong những nhân vật chính trị phân cực lớn nhất lịch sử hiện đại. Người ủng hộ thì tôn sùng. Người chống đối thì miệt thị. Không có điểm trung gian nào về Donald Trump”.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: