Chí Phèo / Thị Nở hai nhân vật trong tuyệt tác của Nam Cao. Neon blog

“Trời ơi cháo mới thơm sao! Chỉ khói xông lên mũi cũng đủ làm người nhẹ nhõm. Hắn húp một húp và nhận ra rằng: Những người suốt đời không ăn cháo hành không biết rằng cháo hành rất ngon…”

Đó là những gì nhà văn Nam Cao diễn tả khi Chí Phèo bưng tô cháo hành ngon nhất trong đời mình lên vừa húp vừa triết lý vụn: Tô cháo của Thị Nở là thuốc hồi sinh cho một mảnh đời cơ cực đầy vết nứt.

Tô cháo hành đối với nhiều người không thể nói là ngon bởi nó có gì trong đó ngoài cháo và hành? Thật ra cái ngon muốn mổ xẻ cho hết không dễ dàng gì, ngay cả những món được xem là ngon là quý thì mấy ai diễn tả cho được cái ngon, cái thi vị trong món ăn đó mà không làm người đọc đi lạc vào một nơi chốn khác, nơi mà người ta chỉ thấy hình ảnh chứ không thể ngửi được cái hương vị, cái thơm tho béo ngậy hay cay ngọt nồng mũi. Những thứ mà chỉ trực tiếp nêm nếm bằng vào khứu giác, vị giác thì mới thẩm thấu được thứ mà văn chương, hội họa hay màn ảnh không tài nào diễn tả.

Chí Phèo và tô cháo hành. Ảnh chụp từ phim Làng Vũ Đại Ngày Ấy

Vì vậy khi nói ngon, nhà văn tự biết trong tâm khảm mình, họa sĩ tự biết trong khi pha màu vẽ món thức ăn ấy, còn điện ảnh có may mắn hơn thì cũng chỉ là đi chung quanh và nhìn món ngon ấy mà thôi, phần còn lại hoàn toàn do người đọc, người xem, tưởng tượng ra thêm. Nhưng tưởng tượng đến thế nào cũng không ra được vị nồng nàn của ớt khác với tiêu hay béo từ mỡ khác với béo của dầu…

Nhưng tô cháo hành của Thị Nở nấu cho Chí Phèo thì khác, nó không ngon ở cháo mà ngon ở hương vị của bàn tay nấu nó. Ngon ở cái cảm nhận mà Chí thấu hiểu từ Thị Nở, một bất hạnh khác, một phiên bản giới tính khác và một nhân bản tính cách mà cả hai cùng có và giống nhau.

Tô cháo mà không phải cháo, nó là cái nóng của nhân tình, cái ngọt của liếc mắt, cái mặn mà của mồ hôi trên tóc, trên má Thị Nở. Mùi hành ở đây là da là thịt giới tính và chỉ duy nhất một mình Chí Phèo nghe hơi được. Duy nhất và chỉ một lần phà vào trong tô cháo. Những gia vị thần thánh ấy làm cho tô cháo hành trở thành kỳ hoa dị thảo, thành trân quý trên đời.

Cũng vậy, có những món ăn mà cái tên chiếm một vị trí quan trọng trong món ăn ấy. Nó như một loại gia vị riêng, một dấu ấn đóng vào món ăn không tài nào thay đổi.

Khi ăn cháo Quảng người sành ăn sinh trưởng ở Bạc Liêu không tài nào thẩm thấu được cái ngon khi ăn ở xứ khác nếu không phải là Bạc Liêu, nơi xuất xứ của tô cháo này. Cũng là lòng tuyển chọn chỉ nấu khi khách kêu tô cháo nhưng ở xứ khác người ăn không có được cái chờ đợi thi vị khi người chủ quán sốc miếng thịt, cắt mớ rau hay đong đưa cây vợt vớt miếng ngon từ nồi cháo. Hình thái, mùi thơm trong quán, tiếng nói chuyện vang vang, tiếng chào hỏi nhau í ới cả tiếng Hoa lẫn tiếng Việt… Tất cả những thứ ấy cấu thành tô cháo Quảng mà ở Mỹ ở Đài Loan ở châu Âu bất cứ một tiệm ăn người Hoa gốc Quảng Đông nào cũng không thể nấu được.

Tô cháo ếch Singapore cũng thế. Nếu nó thiếu ánh đèn néon màu đỏ đặc trưng của người Hoa ngay tại Singapore hay thiếu cái nhanh nhạy của cô bé chạy bàn cũng như cách tính tiền, thối tiền… thì tô cháo ếch ấy không tài nào là cháo ếch Singapore được!

Cháo ếch Singapore. MXH

Rồi nữa, sang Nhật khi được nếm tô cháo hành Ozousui bạn sẽ tự hỏi tô cháo này khác gì cháo hành mà Thị Nở nấu cho Chí Phèo? Chỉ khác là người Nhật dùng cơm nguội trộn mè nấu thành cháo, khi mang ra bàn, lòng đỏ của trứng được đánh lên pha vào khiến màu cháo trở thành hấp dẫn, rồi thêm một nhúm hành vào nữa thì ai sẽ là Chí Phéo đây?

Vậy mà người Nhật dù ăn tô cháo y chang như vậy nhưng ở nơi khác với quốc gia của họ sẽ không tài nào thưởng thức cái hương vị gốc, cái cội rễ của món ăn, cái mà chúng ta thường gọi là quốc hồn quốc túy!

Tô cháo Ozousui của Nhật. MXH

Không đâu xa, thử nghĩ cho kỹ xem, tô cháo lòng đối với bạn ở đâu ngon nhất? Có phải là nơi bạn ăn tô cháo khi còn thanh niên, tô cháo chia cùng mấy đứa bạn thuở thiếu thời nghèo khổ hay là tô cháo đầy thịt mà bạn ăn ở Mỹ ở Tây? Câu trả lời chắc ai cũng biết, chính cái dĩ vãng tốt đẹp, buồn bã, xum họp hay chia lìa mới hình thành thứ gia vị suốt đời không thể quên trong tô cháo lòng ấy chứ không phải là kỹ thuật hay khung cảnh hoặc quốc gia.

Vì vậy, nếu trong đời bạn từng có lần ăn một tô cháo hoa, tức là cháo nấu búp, lỏng, không hành hẹ gì cả thì cũng đừng vội khen ngon hay chê dở. Tô cháo ấy chỉ có khả năng giúp bạn quay lại một thước phim sống động khi ăn nó, thường là lúc say và được đánh thức bởi người bạn thương yêu nhất. Chỉ có cô ấy mới hiểu rằng: Cháo hoa giúp bạn quên được rượu nhưng lại nhớ đến tha thiết một con người.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: