Ếch kho theo điệu Singapore

Món ếch kho Singapore qua Việt Nam muộn hơn, cách đây khoảng 5-6 năm. Ảnh: Ngữ Yên

Đêm qua một cơn mưa thật lớn. Sài Gòn sáng ra còn nhèm nhẹp. Ở quê, như thế là đêm qua rợp trời ánh đèn quét ngang dọc trên những cánh đồng sũng nước. Chỉ có điều đáng ngại là ếch ăn đèn, rắn mai gầm cũng ăn đèn. Còn may là rắn không ở dưới nước…

Thường cây mưa lớn đầu tiên đặt dấu chấm hết cho mùa nắng là đêm hạnh phúc của ếch và người. Sau một thời gian dài ngủ hè thay vì ngủ đông như một số loài khác, trời mưa ruộng xâm xấp nước, tiếng ếch gọi tình vang rân cả cánh đồng. Tuy ếch đực kêu không to bằng ễnh ương nhưng nhưng ếch cái cùng nòi sẽ nhận ra “tiếng hát Trương Chi” của chàng. Nếu tiếng gọi ấy đủ hấp dẫn, nàng sẽ tìm đến.

Ễnh ương giống ếch, cũng ngủ hè và gọi tình rền vang trong mưa vào độ Tháng Năm, chớ không tuồn ra nhiều như ếch. Ở Việt Nam, dường như chỉ có người Chăm là hảo hảo loại này, nhưng họ gọi nó là ếch òn. Chẳng khác nào những người bán cá và các siêu thị ở Sài Gòn gọi và dán nhãn cá tra là cá basa. Trong khi đó, dân miền Tây bỏ nuôi cá basa từ đời tám hoánh. Ở đâu ra cá basa bán lên Sài Gòn? Họ bỏ nuôi vì cá basa phải đầu tư vốn lớn hơn, khổ nỗi lưỡi dân Mỹ không phân biệt được đâu tra, đâu basa.

Ễnh ương đi vào thơ ngụ ngôn Jean de La Fontaine, bể bụng chết vì muốn phồng to như bụng bò. La Fontaine chẳng hiểu gì về ếch nhái học nên mới ngụ ngôn thế. Người Việt thấy kiểu phình to lên để “hù dọa” kẻ thù của nó, nên gớm ghiếc không hảo. Ễnh ương dân Thái hảo y như người Chăm.

Minh họa: jeffrey-su-unsplash

Mưa mặc mưa, trai tráng trong làng đeo bình ắc quy bên hông và đội đèn, trùm áo tơi đi soi ếch. Bình ắc quy hồi đó là loại bình nickel màu trắng nghe đâu tháo từ máy bay trực thăng của Mỹ, cầm hơi rất lâu, không lo đèn tắt nửa chừng. Lại nữa, bây giờ nhiều người có lẽ đã quên chiếc áo tơi chằm bằng lá cọ. Trời có mưa mấy cũng khó mà lạnh nổi các anh thợ soi.

Mắt ếch vốn chịu đèn. Nên khi đèn rọi trúng mắt là chúng nằm yên. Đêm ấy, khả năng bắt nhiều cặp ếch đang cõng nhau khá cao. Như đã nói, khi ếch đực cất tiếng hát “liêu trai”, ếch cái nghe ưng cái bụng sẽ xáp tới. Ếch cái thường to hơn ếch đực. Lúc “ván đã đóng thuyền” ếch đực nằm trên mình ếch cái. Hai chưn trước của nó ôm chặt khừ tình nhơn. Ôm cho đến khi ếch cái đẻ trứng, ếch đực phun tinh để cho trứng thụ tinh. Cho đến khi hết đạn ếch đực mới “ngã ngựa”.

Sáng hôm sau cơn mưa đêm ấy, chợ Giã đầy ếch là ếch. Tôi ngớ người khi gặp hàng ếch chợ Rạch Ong. 80.000 đồng/kg. Mua về làm món ếch kho Tân Gia Ba – nhập vào Việt Nam khoảng năm năm trước – coi bộ cũng mua vui được một vài trống canh. Nhưng ếch bây giờ không phải ếch đồng của ngày xưa ngoài quê.

Những năm đầu thập niên 2000, có một loại ếch nuôi du nhập vào Việt Nam, được gọi là ếch Thái. Thực ra gọi đúng tên nó là ếch Nhựt [1]. Lúc này các nhà khoa học không còn vồ vập như hồi cổ xúy nhập ốc bươu vàng về nuôi để lấy thịt xuất khẩu. Thái độ của họ được thể hiện qua bài báo năm 2005 trên Tuổi Trẻ “Ếch Thái không hái ra tiền.” Có chuyến công tác về Ba Tri, Bến Tre, tôi cũng đã thấy có nhiều nơi nuôi ếch này trong hồ xi măng.

Giống ếch “thuần hóa” này chân ngắn, chỉ đi mà không nhảy như ếch đồng chân dài được người Tàu gọi là “điền kê”. Ếch đồng có thể nhảy một phát xa gấp từ hai đến mười lần so với thân hình của nó. Ếch “nhà” ăn thức ăn công nghiệp, háu ăn, không kịp cho ăn là chúng thịt lẫn nhau. Thịt ếch này so với ếch đồng coi bộ y như gà kỹ nghệ so với gà thả vườn. Được cái là chúng là một trong những nguyên liệu còn cục cựa ở những thành phố như Sài Gòn. Nghĩa là độ tươi đạt 100 phần trăm.

Trời mưa lất phất, lại nhớ tới ớt đồng. Thỉnh thoảng ở chợ Sài Gòn cũng gặp ếch đồng, giá hơi trên mây, vì người bán dường như ở ngoại ô vào chỉ có vài chục con.

Qua cây mưa đêm đầu tiên, tôi biết trước sau gì chú Mỹ, con dượng Ba Phúc nhà kề bên hôm sau cũng rủ nhậu. Chú vừa bán ếch có tiền mua rượu vừa lựa ếch cái con to để lại làm mồi. Nhớ hồi đó tôi là người đầu tiên trong làng khuyên ăn luôn da ếch. Trước đó người ta thường lột da ếch bỏ. Tụi nhỏ mới lượm miếng da này bịt trống trên miệng lon sữa bò, dùng dùi gõ “tung tung”.

Ếch “nhà” ở chợ Sài Gòn cũng lột da khi người mua và bán đã ngả giá xong. Muốn ăn da ếch chỉ có nước vô tiệm. Mua ếch rồi, phải chạy qua Quận 4, tìm đến quán ông Tàu bán “bách” hóa bên chợ Đoàn Văn Bơ nối dài, còn gọi là chợ Cầu Cống, đặng mua cho bằng được hắc xì dầu. Ông hỏi: “Mua dề nấu ếch phải hôn?” Bắt mạch hay thiệt tình. Tôi nói: “Đúng chóc.” Ông nói thêm: “Tương lày nhà làm, nấu ếch ngon nhứt luôn.” Ý ông có vẻ như cho rằng hàng của ông ngon hơn hắc xì dầu ngọt Singapore 160.000 đồng hơn nửa lít. 10.000 đồng hắc xì dầu của ông đủ nấu tới ba lần.

Nấu lửa riu cho mọi thứ gia vị thắm sâu vào thịt ếch. Ráng kiếm cho được ớt khô để cho vào lúc tao ếch qua dầu cùng với hành tỏi. Ớt khô có nét ngon thơm riêng.

Món này có kết luận nè: Một nồi cháo ba gạo một nếp để chữa lửa “tất toán” bữa nhậu cuối tuần.

______

[1] Tên khoa học Rana rugosa.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: