Gần mực thì say, vui vầy đôi nỗi

Ảnh: anna-seeley-unsplash

Mực nói chung thịt có một kết cấu đặc biệt tạo ra một độ giòn sừn sựt, độ tươi kéo dài, khiến nhiều người khoái khẩu. Nhựt Bản là cái họng vĩ đại ngốn nhiều mực nhứt thế giới. Nhưng chuyện đáng nói, không phải chuyện mực biết bay xứ Phù Tang mà là mực quấy rối tình dục loài người, xuất phát từ ẩm thực.

Trong vùng biển giữa Nhựt, Hàn Quốc và Nga, loại mực phổ biến nhất là mực bay Nhựt Bổn. Nước đánh bắt loài mực này nhiều nhứt là Nhựt, thứ đến là Hàn Quốc. Về sau Trung Quốc mới nổi lên. Chẳng những vậy niên khóa 2017-2018, số lượng mực tàu Trung Quốc câu lậu trong vùng nước của Nhựt, Hàn Quốc và Nga là 160,000 tấn.

Tương tự, Ecuador, nước láng giềng phía Bắc của cường quốc mực Humboldt Peru, vào tháng Tám 2020 đã từng mặt xanh như bụng con nhái: Sự xuất hiện bất ngờ của khoảng 260 tàu câu mực của Trung Quốc ngay bên ngoài vùng đặc quyền kinh tế của quốc gia xung quanh quần đảo Galapagos. Chuyện xảy ra đã nhiều năm. Ecuador tỉnh ngộ ra rằng họ không nên chỉ bắt mực trong biển nhà mà phải ra xa hơn.

Ảnh: vitalie-sitnic-unsplash

Mực là nguồn hải sản bền vững, từng tồn tại cách đây khoảng 500 triệu năm. Cho nên biến đổi khí hậu không là cái “đinh” gì đối với chúng. Từ một loài đầu chân như ốc anh vũ hiện nay, chúng tiến hóa thành các nhánh mực nang – cái vỏ ốc biến thành cái nang; thành mực ống – cái vỏ chỉ còn là một cọng nang mỏng Tây gọi là pen; rồi thành mực tuộc – tiêu mất luôn cả cái thân (khoang áo), chỉ còn cái đầu to chà bá. Thế nên trong số các loài mực, mực tuộc thông minh nhứt và thông minh nhứt trong đám hải sản. Chắc là phải ngoại trừ thủy cung tộc với các công nương nghe đâu xinh đẹp, vì cho tới nay, theo Cơ quan Đại dương quốc gia Mỹ, loài người chỉ khảo sát được 5% đại dương. Mực tuộc có nửa tỷ tế bào thần kinh so với chó với khoảng 600 đến 700 triệu!

Đã vậy, một số loài mực lại lớn như thổi. Mực bay Nhựt tuy vòng đời chỉ một năm, nhưng có con cái lúc vượt cạn đã dài nửa thước. Mực Humboldt ở quần đảo Galapagos còn có tên jumpo squid, là một loài mực bay khổng lồ. Chúng dài một mét đến trên một mét, mặc dầu vòng đời chỉ từ một năm đến hai năm. Người Nhựt bắt đầu nhập giống mực khủng này từ năm 2017 và đến năm 2021 số lượng đã lên đến 17.1 triệu ký so với khởi điểm là 11.6 triệu ký.

Ảnh: bady-abbas-unsplash

Sushi mực bay của Nhựt ngon thiệt ngon, nhưng đã có tấm gương tày liếp về chuyện con mực “ý thức” bảo vệ nòi giống đến độ… quấy rối tình dục con người. Trong tâm trí không suy nghĩ của mực lại có một ý thức mạnh về giống nòi – đáng nói nhứt là bảo vệ gen của con đực. Ái tình mực không đen như mực mà hết sức diêm dúa từng xí gạt được một nhà khoa học. Dẫn đến hệ quả mực là con vật duy nhất mà cơ quan sanh sản đực được đặt tên khoa học riêng.

Trong chuyện mây mưa của đôi mực, kẻ mệt mỏi nhứt là chàng mực. Chàng tiếp cận nàng và tìm cách “độc quyền” nàng – chẳng khác gì loài người. Chàng luôn vung vẩy vây lao tới lao lui, phô diễn và khoe khoang những dải màu đỏ rực và tím oải hương chạy dọc theo cơ thể hình ống của chàng. Khi điệu nhảy giao phối trở nên cuồng loạn hơn, màu sắc của chàng sẫm dần thành màu tím, sau đó chuyển sang màu trắng; chàng ta trở nên gần như vô hình.

Chấp nhận sự quyến rũ của chàng, nàng mực đỏ mặt chuyển sang màu hồng, sau đó là màu tím oải hương, với những làn sóng màu lăn tăn khắp cơ thể. Vào lúc đỉnh điểm của điệu nhảy giao phối, chàng ta lấy một gói tinh trùng ra khỏi tuyến sinh tinh của mình bằng cánh tay phải thứ tư của chàng và đặt nó vào khoang áo (mantel cavity) của nàng. Và, nàng đợi cho đến lúc trưởng thành (lúc này nàng còn vị thành niên, được “luật pháp mực” chấp nhận) sẽ sử dụng “tình vật” ấy thụ tinh cho từng quả trứng khi chúng được nàng sanh ra.

Con đực sẽ chiến đấu với bất kỳ đối thủ cạnh tranh nào. Đó là một vấn đề của sự sống và cái chết. Nếu một thằng mực cầu hôn khác xuất hiện. Chàng ta chào chấp nhận thách thức. Cuộc chiến được sử dụng hai mươi cánh tay chầu rìa và hai cái mỏ quần thảo. Nếu đối thủ giành được lợi thế, kẻ vừa mây mưa kia phải ra đi. Bên thắng cuộc xáp lại bên nàng mực. Điều đầu tiên chàng làm là đưa ống siphon của mình vào khoang thân nàng để xả bằng sạch gói tinh trùng của bên thua cuộc vừa để lại. Đấy là quá trình mạnh tồn yếu vong.

Chuyện ly kỳ hơn, trong một chuyến đi nghiên cứu vào thế kỷ XIX, một nhà khoa học đã mổ xẻ một con mực sống trên boong tàu. Ông ta tìm thấy một “thứ” kỳ lạ, đang ngọ nguậy trong khoang thân của con cái. Kiểm tra những con mực cái khác, ông ta cũng thấy “điều tương tự”. Ông suy nghĩ về thực tế là “sinh vật” quằn quại khó hiểu này chỉ được tìm thấy ở mực cái. Quá phấn khích, ông tuyên bố nó là một trong số ít ký sinh trùng chỉ lây nhiễm cho con cái và tạo ra một tên mới cho nó: Hectocotylus.

Nhiều năm sau, một người nào đó phát hiện ra rằng Hectocotylus chỉ đơn thuần là đầu mang tinh trùng của cánh tay phải thứ tư của con mực đã bị đứt ra trong cuộc giao phối điên cuồng. Thế là “di vật” của chàng mực mà Mozart gọi là “chú lính nhỏ của tôi” có tên riêng chính thức: Hectocotylus.

Đến đây là thèm mực rồi. Thèm những miếng mực tươi. Cho đến nay, nói đến mực là nhớ ngay món mực nhồi thịt mẹ làm. Thời đó, má thường lựa mực ống con to để tạo những khoanh mực hấp, mới nhìn lưỡi đã “lắc tuýt a ghen” (let’s twist again – một thành ngữ của Sài Gòn xưa). Mực đã xinh rồi, trong ruột còn nào là thịt heo, nấm hương, nấm mèo, nấm đông cô, các loại gia vị và đừng quên tiêu – gã biệt kích gia vị!

Người Việt vẫn thích món nướng y như Mỹ thích món nào cũng chiên ngập dầu. Mực tuộc để nguyên con, xâm thịt, ướp sa tế, nhiều ớt, hành tỏi, đường, nước mắm, một ít dầu điều, rồi nướng barbecue. Tha hồ hít hà với những cọng râu sừn sựt chan đầy hương thịt nướng từ lò bay lên. Nếu muốn tươi hơn, bạn có thể nhúng giấm hoặc mẻ bằng mực lá xắt thiệt mỏng. Thịt mực vừa chín tới, mềm mại vừa chua vừa ngọt, vừa thơm mùi gừng.

Ảnh: katka-pavlickova-unsplash

Đến đây, tôi hầu chuyện quý vị bằng vụ mực bay Nhựt Bổn tấn công tình dục phụ nữ. Khi mực bay Nhựt “làm tình”, con đực ôm con cái thiệt chặt và dùng cậu nhỏ (hectocotylus) ở đầu cánh tay thứ tư để dán chúng vào con cái, đưa tinh trùng qua da con cái. Đó không phải là một cơ chế đủ mạnh để thâm nhập qua lớp da dày của bàn tay con người. Tuy nhiên niêm mạc mỏng manh bên trong miệng con người thì lại khác…

Theo một bài đăng trên Journal of Parasitology, một phụ nữ 63 tuổi ở Seoul, Hàn Quốc đang chuẩn bị bữa ăn. Cô thả nguyên con mực sống vào nước sôi trong vài giây sau đó vớt ra và cắt thành từng miếng. Cô ấy gắp một miếng cho vào miệng để xem mùi vị của nó ra sao. Ngay lập tức thấy đau nhói ở lưỡi, nướu răng, v.v. Tự nhiên, cô phun miếng đồ ăn ra nhưng tiếp tục cảm thấy như có “bọ” đang vặn vẹo dưới da miệng của cô. Cô gói miếng mực nhả ra và đem đến bịnh viện. Ở đó các bác sĩ loại bỏ mười hai “sinh vật nhỏ, màu trắng hình trụ” ra khỏi niêm mạc miệng của cô. Sau này được xác định là tế bào sinh tinh của mực.

Đây sự cố đầu tiên về việc ăn mực sống, nó nhắc rằng các bạn nữ mon men gần mực thì coi chừng bị… quấy rối tình dục!

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: