“Huyền thoại” sâm Ngọc Linh

Share:
Cây sâm Ngọc Linh (suckhoedoisong.vn)

Thị trường sâm Việt Nam tiếp tục lên cơn sốt với sâm Ngọc Linh. Loại sâm này có bổ hơn các loại sâm Hàn Quốc? Một điều lạ là cơn sốt sâm Ngọc Linh (được khai thác ở tỉnh Quảng Nam) lại bùng lên cùng thời điểm với sự thăng tiến sự nghiệp của Nguyễn Xuân Phúc – một “người con” Quảng Nam, cựu Thủ tướng và là cựu Chủ tịch nước! 

Sâm Ngọc Linh và Nguyễn Xuân Phúc

“Lịch sử” sâm Ngọc Linh được báo chí trong nước thuật như sau. Thời còn chiến tranh và đất nước còn chia cắt, quân Bắc Việt luôn trong tình trạng thiếu thốn thuốc men nghiêm trọng. Vì vậy, khi nghe nói người dân tộc Xê Đăng ở vùng núi Ngọc Linh (thuộc hai tỉnh Quảng Nam và Kon Tum) rất khỏe mạnh nhờ một loại cây, miền Bắc bí mật tổ chức nhiều đoàn dược sĩ âm thầm quần thảo dãy núi Ngọc Linh ở độ cao 2,500m, nơi lúc đó thuộc quyền kiểm soát của Việt Nam Cộng Hòa. 

Trong các đoàn đi tìm loại cây thuốc này, số phận đã mỉm cười với đoàn của dược sĩ Đào Kim Long, được cử từ Hà Nội vào. Theo lời kể của dược sĩ Kim Long, 9g sáng ngày 19 Tháng Ba 1973, một học trò của ông tên Nguyễn Châu Giang hộc tốc chạy đến trao cho ông một cây có hoa trắng li ti, thân và củ đốt trúc. Loài cây này mọc nhiều ở hai bên một con suối, ở độ cao khoảng 1,500m.

Các dược sĩ xác định đây là cây mà người Xê Đăng giúp họ khỏe mạnh. Sợ thông tin bị rò rỉ, ban đầu họ gọi là cây thuốc giấu (có nghĩa là giấu kín, bí mật). Mang về Hà Nội phân tích, người ta xác định đây là loài sâm đốt trúc, có nhiều hoạt chất giá trị. Các nhà nghiên cứu Việt Nam cho rằng trong khi nhân sâm Hàn Quốc chỉ có 26 saponin (*) thì sâm Ngọc Linh có gấp đôi. Một số nghiên cứu mới đây còn cho biết sâm Ngọc Linh có hàm lượng hoạt chất saponin lên đến cả 100; đặc biệt có hàm lượng hoạt chất MR2 giúp ngăn ngừa, khống chế tế bào ung thư. 

Tháng Chín 1985, Hà Thị Dung và I. V. Gmshvisky, sau khi nghiên cứu 50 mẫu vật đối chiếu với những mẫu vật của thế giới, kết luận rằng sâm Ngọc Linh là loài Panax đặc hữu của hệ thực vật Việt Nam; và đặt tên là Panax vieimmensis Hà et Grushv (Tạp chí Sinh học, Tháng Chín 1985, trang 45-48). Tuy nhiên, ở đây chỉ là nghiên cứu về hệ thực vật. Còn nghiên cứu về giá trị dược tính thì ông Nguyễn Thời Nhâm mang sâm Ngọc Linh sang Ba Lan để nghiên cứu phục vụ cho luận án tiến sĩ của mình, vào đầu thập niên 1980…

Sự chú ý sâm Ngọc Linh gần như chỉ dừng lại đó, cho đến khi “xuất hiện” Nguyễn Xuân Phúc. “Thời” của sâm Ngọc Linh chỉ “phất” lên và sản phẩm này trở nên đình đám trên thị trường khi Nguyễn Xuân Phúc làm thủ tướng và chủ tịch nước. Trước đó, khi làm chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam, Nguyễn Xuân Phúc đã thường xuyên ca ngợi sâm Ngọc Linh.

Một cây sâm Ngọc Linh loại “thượng hảo hạng” (thanhnien)

Nếu lời ca ngợi của các vị tiền nhiệm đầu tỉnh Quảng Nam chỉ có ảnh hưởng ở phạm vi địa phương thì tiếng nói của ông Phúc sau này với vai trò thủ tướng đã giúp sâm Ngọc Linh “rũ bùn đứng dậy sáng lòa”. Tại một cuộc làm việc với tỉnh Kon Tum năm 2018, ông Phúc thậm chí tuyên bố: Sâm Ngọc Linh là quốc bảo! Bắt đầu từ lúc đó, không chỉ hai tỉnh có chung dãy núi Ngọc Linh ào ạt đẩy mạnh việc phát triển nghề trồng sâm Ngọc Linh, mà Lào Cai, Lai Châu, Lâm Đồng cũng vào cuộc.

Bây giờ, đầu Tháng Tám hàng năm, Quảng Nam – quê hương của Nguyễn Xuân Phúc – tổ chức Lễ hội sâm Ngọc Linh tại huyện Nam Trà My. Hai tỉnh Quảng Nam và Kon Tum cùng Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn cũng thường xuyên thực hiện các cuộc hội thảo bàn về việc phát triển sâm Ngọc Linh, đặc biệt việc học kinh nghiệm Hàn Quốc nhằm có thể biến sâm Ngọc Linh trở thành sản phẩm xuất khẩu mang ngoại tệ về cho quốc gia. 

Cái hay của Hàn Quốc là họ làm ra được sản phẩm hồng sâm; nghĩa là từ củ sâm tươi, họ sấy, tẩm ướp với một công thức bí truyền để loại bỏ tạp chất. Quan trọng hơn, họ phát triển thành công ngành nông nghiệp chuyên trồng sâm. Nhờ vậy, giá nhân sâm ngày càng rẻ, không còn có chuyện mua một lát nhân sâm mỏng lét với giá tương đương cả chỉ vàng.

Tại thị trường Việt Nam, bây giờ ra các hiệu thuốc, cửa hàng nhân sâm Hàn Quốc, chỉ với 120,000 đồng (khoảng $5) là mua được một hộp hồng sâm lát tẩm mật ong, ngậm đã đời! Còn sâm tươi nguyên củ loại một (3 củ/kg) sáu tuổi chỉ có giá 5 triệu đồng/kg. Công nghiệp nhân sâm Hàn Quốc còn làm ra được nhiều sản phẩm từ nhân sâm, như bánh kẹo, mỹ phẩm, rượu… 

Chưa hết, người Hàn Quốc huy động được cả nước cùng quảng bá nhân sâm. Một đội tuyển thể thao thi đấu thành công, khi được phỏng vấn hỏi nhờ đâu mà thể lực tốt thế, trả lời: Nhờ sâm! Điện ảnh Hàn Quốc cũng thường xuyên quảng cáo nhân sâm của họ bằng mọi hình thức. Ví dụ trong bộ phim truyền hình nổi tiếng một thời Dae Jang Geum nói về một cô gái vượt qua bao khó khăn để trở thành đầu bếp chính của vua, người ta thấy nàng Dae Jang Geum xinh đẹp mỗi khi nấu ăn đều dùng sâm!

Trở lại với sâm Ngọc Linh. Liệu Việt Nam có đủ khả năng để “hiện đại hóa” ngành nông nghiệp trồng sâm như Hàn Quốc? Chưa kể việc Việt Nam không thể dùng “sức mạnh mềm” để quảng bá sâm Ngọc Linh, theo cách như Hàn Quốc. Hiện thời, Sâm Ngọc Linh là món hàng chỉ có các đại gia nứt đố đổ vách và đám quan chức máu mặt mới đủ khả năng xài.

Một hộp trà túi lọc làm từ lá sâm Ngọc Linh (điều thú vị là lá nhân sâm nói chung không có hoạt chất gì nhưng sâm Ngọc Linh thì có) chỉ 20 gói hiện được bán với giá 630,000 đồng; một chai rượu 500ml có giá từ 500,000 đồng đến 2,500,000 đồng; còn sâm tươi thì từ 200 triệu đồng đến 400 triệu đồng/kg (gần $17,000) – tùy vào tuổi. 

Một chủ doanh nghiệp trồng sâm Ngọc Linh lớn nhất Việt Nam cho biết, sâm Ngọc Linh đắt vì nó quá hiếm. Trồng được một kilogram sâm Ngọc Linh vất vả hơn nhiều so với nhân sâm thông thường. Nếu nhân sâm vừa dễ trồng lại thu hoạch nhanh (tối đa chỉ sáu năm) thì sâm Ngọc Linh mất ít nhất 10 năm, với bình quân mỗi cây chỉ cho củ khoảng 50gr (cây 20 năm tuổi cho củ khoảng 80-100gr)…

Người ta bắt đầu nghiên cứu tạo cây giống sâm Ngọc Linh từ cấy mô, nhưng chưa đủ thời gian để biết củ từ cây cấy mô có tốt như từ cây gieo hạt hay không. Hiện mỗi hạt giống sâm Ngọc Linh có giá khoảng 400,000 đồng (khoảng $17). Tỷ lệ gieo hạt thành công là 60% (gieo 100 hạt có được 60 cây). Tỷ lệ thu hoạch sau 10 năm là 80% (100 cây thì sống được đến 10 tuổi là 80 cây). 

Cuối cùng, câu hỏi quan trọng nhất liên quan sâm Ngọc Linh: Xét về mặt khoa học, căn cứ vào đâu để nói sâm Ngọc Linh tốt hơn sâm Hàn Quốc? Đến giờ, công trình nghiên cứu sâu nhất về tác dụng của sâm Ngọc Linh chỉ mới là nghiên cứu trên… bào thai chuột! 

Trong câu chuyện khoa học về ưu thế của sâm Ngọc Linh so với sâm Hàn Quốc, có một vấn đề đáng nói nữa là uy tín của các nhà khoa học Việt Nam. Ba cơ quan khoa học chứng nhận sâm Ngọc Linh là “thượng hảo hạng” – Bộ Khoa học Công nghệ, Bộ Y tế và Học viện Quân y – lại là những cơ quan có độ tin cậy không cao. Cần nhắc lại, cả ba nơi này đều là những cơ quan chứng nhận bộ test kit COVID-19 đầy tai tiếng của công ty Việt Á! 

Liên quan chất lượng sâm Ngọc Linh, còn có câu chuyện nực cười trong việc giành nhau “tớ mới bảnh hơn cậu”, mang đầy màu sắc đậm đặc tính địa phương với máu đố kỵ rất “truyền thống” của vấn đề vùng miền: Quảng Nam khẳng định rằng cây sâm Ngọc Linh sống bên triền Đông (phía Quảng Nam) tốt hơn cây sâm bên sườn Tây (Kon Tum). Trong khi đó, Kon Tum cả quyết rằng sâm Ngọc Linh phía sườn Tây (thuộc địa bàn của họ) tốt hơn “sâm Quảng Nam”. Căn cứ vào yếu tố khoa học khả tín nào để Quảng Nam nói “sâm của họ” tốt hơn “của Kon Tum” (và ngược lại)? 

Năm nay là năm mèo, một cách tình cờ, toàn bộ câu chuyện sâm Ngọc Linh lại ít nhiều dính dáng đến… “mèo”: Từ chuyện ông Phúc đẩy sâm Ngọc Linh lên hàng “quốc bảo”, việc khen vuốt đuôi của các bộ ban ngành, đến việc Quảng Nam và Kon Tum cố giật “danh hiệu” đầu bảng…

Tất cả cho thấy câu chuyện “lớn” này lại rất quanh quẩn với một kiểu “văn hóa” rất bình dân: “Mèo khen mèo dài đuôi”. Để có thể cạnh tranh với sâm Hàn Quốc, Việt Nam cần một chiến lược rõ ràng chứ không phải ngồi trong nhà với nhau tự khen lấy khen để rồi vãn tuồng ai về nhà nấy mà không biết ngày mai làm gì để biến sâm Ngọc Linh thành… “quốc bảo”!

________ 

(*) Saponin là một trong những thành phần hóa học của thảo mộc mang lại hiệu quả tốt cho sức khỏe. Các nghiên cứu chứng minh các tác dụng saponin là: Giảm cholesterol, giảm nguy cơ ung thư, tăng cường khả năng miễn dịch, chống oxy hóa…

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: