Quán nhậu Sài Gòn bây giờ không thiếu các cô (thanhnien)

Tôi không phải là người thích say sưa nhưng thích rượu. Chính xác hơn là thích tìm hiểu về rượu. Nhưng kiến thức về rượu của tôi chỉ là hạng ruồi nên bài viết này không phải khoe chuyện hiểu biết về rượu, mà chỉ mượn rượu để nhìn đời…

“Vô tửu bất thành lễ”

Hồi còn đi học, tôi nhớ sách xưa thường nói “Phi tửu bất thành lễ”. Cóp nhặt từ sách vở, xuất xứ câu này như sau: Tương truyền, thời Bắc Tống bên Tàu, thi hào Tô Đông Pha trong một lần đến chùa Đại Tướng Quốc thấy bài thơ như thế này: “Tiểu sắc tài khí tứ đổ tường/Nhân nhân đô tại lý biên tàng, thùy năng khiêu xuất quyển ngoại đầu/ Bất hoạt bách tuế thọ dã trường (Dịch nghĩa: Nhân thế hầu như ai ai cũng mê hoặc trong “rượu, sắc, tài và khí”. Nếu như ai có thể chạy thoát ra khỏi vòng lẩn quẩn đó thì không sống đến trăm tuổi thì cũng hưởng trường thọ). 

Sau khi đọc bài thơ, Tô Đông Pha bèn viết bên cạnh: “Ẩm tửu bất túy thị anh hào/ Luyến sắc bất mê tối vị cao/ Bất nghĩa chi tài bất khắc thủ/ Hữu khí bất sinh khí tự tiêu” (Dịch nghĩa: Uống rượu không say bậc anh hào; Sắc đẹp không mê mới là cao; Tiền tài bất nghĩa thì không lấy; Khẩu khí chẳng sinh ắt tự tiêu). Theo Tô Đông Pha, “tửu, sắc, tài, khí” liên quan chặt chẽ cuộc sống con người. Điều quan trọng là con người không nên vượt quá giới hạn thì mới có thể đáng trọng.

Sau đó, Tống Thần Tông cùng Vương An Thạch cũng đến chùa Đại Tướng Quốc và thấy hai bài thơ này. Tống Thần Thông yêu cầu Vương An Thạch họa lại. Vương An Thạch viết: “Vô tửu bất thành lễ nghi; Vô sắc lộ đoạn nhân hi; Vô tài dân bất phấn phát; Vô khí quốc vô sinh cơ”. Theo Vương An Thạch, từ xa xưa, lễ mà không có rượu thì không thể thành lễ nghi. Với sắc; ai cũng biết yêu cái đẹp; có “tiền” thì trở nên mạnh mẽ; và nếu không có “chí khí” thì làm sao đất nước này có thể phát triển?

Văn hóa Việt ảnh hưởng Trung Hoa không ít, cho nên câu “vô tửu bất thành lễ” ấy cũng ăn sâu vào đời sống và xã hội Việt Nam.

Buồn gần chết cũng nhậu (ẢNH: Chau Doan/LightRocket via Getty Images)

Rượu trước và sau 1975

Thời Việt Nam Cộng Hòa, ba tôi có một chức nho nhỏ nên nhà đôi khi tổ chức tiệc tùng. Rồi lúc ông đi dự tiệc, tôi cũng được theo cùng, vì tôi là con út được cưng và cũng do tôi không mè nheo quậy phá. Tôi nhớ hồi ấy, ở những bữa tiệc mà tôi chứng kiến, mỗi người chỉ có một ly nhỏ, rót rượu Martell tầm hơn một shot chút xíu. Mở đầu, chủ tiệc nói đôi lời tuyên bố lý do, rồi sau đó mọi người nhấp rượu và cả buổi tiệc chỉ uống ngần ấy. Do ba tôi làm trong ngành giáo dục nên phải chăng người trong ngành này mới “nhỏ nhẹ” như thế? 

Không. Chú ruột tôi – một sĩ quan VNCH cấp tá – khẳng định: Chú là dân quân đội nhưng cũng chỉ như thế thôi. Và đa phần uống rượu có “gu”. Như chú, thời đó chỉ thích Johnnie Walker Black Label (dân nhậu thường gọi là “Ông già chống gậy”). Hồi ấy, nếu có say sưa bét nhè thì cũng chỉ có mấy anh lính đi đánh trận về. Với họ, sự sống và cái chết quá mong manh nên đôi khi sau một chiến dịch kinh hoàng, họ chọn rượu để giải tỏa, và uống nghiêng trời nghiêng đất! Còn với người lao động ở miền Nam ngày xưa, tôi cũng được thấy, được nghe những bậc cao niên kể, sau một ngày làm việc cực nhọc, người ta thường chỉ giải khuây bằng một hoặc vài chai la-de con cọp. 

Đó là chuyện ngày xưa, còn bây giờ ở Việt Nam, từ Nam chí Bắc, từ kẻ có chức quyền đến người nghèo khổ, ai ai cũng nhậu, nhậu đến lết bánh mới thôi. Và nhậu không còn là “lĩnh vực” của nam giới mà cảnh các cô em cho “chó ăn chè” không phải hiếm. 

Mà nhậu ở Việt Nam bây giờ ngộ lắm. Có chuyện gì vui, như đầy tháng, thôi nôi, sinh nhật, cưới hỏi, lên chức, trúng mánh…, dĩ nhiên là “phải nhậu”. Rồi chuyện không lành, như nhà có đám, bị kỷ luật… cũng rủ nhau nhậu cho “đỡ buồn”. Dân làm kinh tế, muốn ký được hợp đồng, đặc biệt là cần chữ ký các sếp trong bộ máy nhà nước, chắc chắn là phải nhậu. Nhậu này gọi là “nhậu biết điều”.

Dân đi làm nhà nước, muốn thăng quan tiến chức, đều phải biết nhậu – nhậu đã đời chứ không phải lai rai ba sợi. Nơi cơ quan tôi làm việc, chả có đời ông sếp nào mà yếu đô trên bàn nhậu cả. Một ông sếp của tôi có năng lực nhưng suốt đời chỉ ngồi ghế phó, có lần bảo: Tao không có cửa nào để lên ghế số một, vì cái tội không biết nhậu! Bởi có nhậu mới có nhiều mối quan hệ, mà xứ mình có câu “nhất quan hệ, nhì tiền tệ”… 

Chả thế mà nước Việt ngày nay, dù “rừng vàng biển bạc”, con người được đánh giá là thông minh, nhanh nhẹn, nhưng trong bảng xếp hạng giàu có thì lẹt đẹt; trong khi bảng vàng rượu bia thế giới thì chễm chệ vị trí số ba!

“Ông già chống gậy” hiện nay không còn là rượu hạng sang đối với dân có tiền có của ở Việt Nam (ảnh: brian-jones-unsplash)

Đại nhảy vọt từ “Ông già chống gậy”…

Thật ra mà nói, vài năm đầu sau ngày đứt phim 30 Tháng Tư, chuyện nhậu nhẹt còn khá hạn chế. Đó là cái thời từ dân cho đến quan phải chạy ăn từng bữa. Kinh tế thì đã có làm ăn gì bao nhiêu để mà chạy chọt, xin xỏ. Do đó, nhậu nhẹt ăn chơi là một từ… xa xỉ. Cũng đúng thôi, gạo không đủ ăn lấy đâu ra để nấu rượu. Mấy nhà máy bia chỉ sản xuất bia hơi, muốn uống phải xếp hàng mua “bia mậu dịch”, mỗi người chỉ được một ly. Nhà ai có đám cưới phải làm đơn, có cơ quan hoặc chính quyền địa phương chứng thực, mới mua được 5-10 lít. Ngần ấy chả thấm gì nên thường phải pha thêm nước để đủ cho mỗi người một ly uống “lấy thảo”. 

Những người từng sống qua thời bao cấp hẳn nhớ vào đầu thập niên 1980, người Sài Gòn nếu muốn thức uống có cồn cho vui đời thì chỉ có thể dùng “bia lên cơn”. Ngày ấy, có được thứ gì ngon lành đều lo xuất khẩu trả nợ cho ông bạn Liên Xô. Tôm thì người Việt chỉ được ăn cái đầu; trái thơm thì chỉ còn cái cùi…

Cũng nhờ vậy mà có người nảy ra sáng kiến lấy cùi và vỏ thơm để sản xuất nước trái cây lên men và gọi là… “bia” – bia lên cơn – vì uống vào là lên cơn nhức đầu như búa bổ! Mãi đến giữa thập niên 1980, nhà máy rượu của nhà nước mới sản xuất ra một loại rượu mạnh đặt tên như Tây là “Rivalet”, chưng cất từ gạo. Dân nhậu nói đùa rằng “uống Rivalet là đâm vô lề” vì rượu này uống ít uống nhiều gì cũng thành quờ quạng. 

Một trong những loại rượu ngoại đầu tiên được nhập vào Việt Nam sau 1975 là dòng brandy của Pháp, thương hiệu St. Rémy. Đó được xem là cột mốc đánh dấu không chỉ khai sinh bước ngoặt cho dân nhậu mà còn chứng kiến sự thay đổi chính trị-kinh tế sau Đại hội Đảng CSVN lần VI-1986. Từ đó, cơ hội làm ăn kinh tế bắt đầu nhiều lên, chữ ký các sếp trong bộ máy nhà nước có giá hẳn, và nạn nhậu nhẹt bắt đầu tràn lan. Quán nhậu mọc như nấm. 

Để đáp ứng thị trường ăn nhậu phục vụ các phi vụ làm ăn, rượu ngoại ồ ạt nhập về. Nhãn hiệu ưa chuộng đầu tiên được nhập cảng là whisky “Ông già chống gậy”. Ban đầu là Red Label, tiếp theo là Black, Gold, Blue. Song song với “Ông già chống gậy” là cognac Hennessy, cũng tiến lên từ VS, rồi VSOP và XO. Tôi nhớ hồi thập niên 1990, có một ông anh quen ở Úc về, nói: Dân bợm Việt Nam uống rượu lạ quá, chơi Hennessy XO mà cắt tiết rắn hổ mang chúa pha vào! Trời ơi, còn gì XO nữa. Lạ quá! Vâng, lạ lắm. Uống rượu Tây đắt tiền mà pha tiết tê tê, rắn, baba vào để “cho bổ” thì chỉ có ở bàn nhậu Việt Nam… 

Sau thời “Ông già chống gậy”, Chivas xuất hiện. Sếp be bé thì Chivas 12, 18; cao hơn chút thì Chivas 19, 21; rồi 25, 38 có giá 20 triệu đồng/chai. Rồi từ Chivas, người ta “tiến lên XHCN giai đoạn mới” với Macallan. Dĩ nhiên, Macallan cũng lắm độ tuổi. Quan bé thì cụng Macallan 12, 15; quan to thì 18, 30. Và giá một chai Macallan 30 năm hiện tại ở Việt Nam là khoảng 120 triệu đồng, tương đương $5,000!

Macallan là mốt thời thượng ở Việt Nam hiện nay (ảnh: rendy-novantino-unsplash)

Nếu quay lại câu “Vô tửu bất thành lễ” thì bây giờ “lễ” là giá trị đo bằng tiền, chứ chẳng phải là nghi lễ. Gặp quan to, cần hợp đồng lớn mà đãi Macallan 12, 15 thì coi chừng trớt quớt vì… chưa đủ lễ. Phải “30” mới biết điều, mới thể hiện lòng thành! Có lần, một doanh nghiệp kể với tôi anh vừa đãi một bữa ăn sáng hết hơn 120 triệu đồng cho bốn người! Thấy tôi lộ vẻ kinh hãi, anh cho biết: Tôi mời ba vị đang cần nhờ vả đi ăn sáng. Ai ngờ vừa ngồi vào bàn, mới sáng bảnh mắt, họ đòi có tý cay cay “cho đỡ nhạt mồm”. Họ muốn súc miệng cho thơm bằng một chai Macallan 30 năm. Thế là buổi điểm tâm tốn sương sương hơn 120 triệu! 

Từ “tỉnh tửu” đến “thành tửu” – những phiên bản “nước mắt quê hương”

Tôi có người bạn nhiều lần đi nhậu với một tay xôi thịt từng ngồi ghế bộ trưởng. Ông này uống Macallan bằng ly cối! Với đám nhậu lầy này, Macallan 18, 30; Chivas 25, 38 cũng đều nốc ừng ực như uống bia. Nốc đã rồi hò (ói). Hò xong lại nốc… Dù Macallan hiện vẫn chiếm vị trí số một trên các bàn nhậu VIP, song vài năm gần đây, sức hấp dẫn Macallan có phần giảm. Bây giờ, đám quan chức dị đoan không dám chơi Macallan. Họ gọi trại nó là “Mắc sai lầm”, vì “thằng” nào nhậu Macallan cuối cùng cũng rủ nhau… vào nhà đá. 

Khuynh hướng mới nhất bây giờ là “quay về cội nguồn”, là trở về “giá trị truyền thống”, là bỏ Tây để dùng Ta. Bỏ cognac để uống đế – “nước mắt quê hương”. Tuy nhiên, đừng tưởng đế ở đây là thứ bình dân miệt vườn. Rượu chưng cất của “đầy tớ nhân dân” không phải là loại phổ biến như Bầu Đá của Bình Định, Làng Chuồn ở Huế, hay Làng Vân ở Bắc Giang…

Rượu Hải mã yến sào Khánh Hoà thường được lãnh đạo tỉnh này dùng tiếp khách, mỗi chai 300ml có giá 1.1 triệu đồng (ảnh: Tác giả)

Những loại này cao nhất cũng chỉ chừng 100 ngàn đồng/lít. Rượu chưng cất của “đầy tớ nhân dân” phải là từ một thửa ruộng riêng, giống gạo nếp riêng, trồng đúng chuẩn organic rồi mới thu hoạch đem đi chưng cất bởi những nghệ nhân nấu rượu truyền thống, sau đó hạ thổ 5-7 năm, rồi cuối cùng mới dùng nó mà ngâm hàng độc.

Hàng độc thì cũng tùy. Có một thời dư luận ầm ĩ chuyện Bầu Đức (doanh nhân Đoàn Nguyên Đức, người nổi tiếng nhờ vụ nuôi đội bóng đá Hoàng Anh Gia Lai) khi ông khoe “bình rượu bí thư tỉnh ủy”, với đủ thứ đắt tiền và quý hiếm ngâm trong đó. Mà chuyện rượu ngâm hàng độc thì cũng tùy “đầy tớ nhân dân”.

Dân vùng nào có đặc sản vùng đó. Nếu “đầy tớ” là dân Kiên Giang – như Ba Dũng (cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng) thì thích ngâm hoa, trái mỏ quạ – một đặc sản của vùng này. “Đầy tớ” là dân Quảng Nam – như “Bảy Niễng” (Cựu chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc) thì bình rượu ngâm ắt là sâm Ngọc Linh loại thượng hạng 400 triệu đồng/kg…

Vài năm gần đây, các địa phương được cổ xúy sản xuất “tỉnh tửu”, “thành phố tửu”. Đi đầu trong xu hướng “địa phương tửu” là chính quyền Sài Gòn với “Suối Tiên tửu” (do công ty quản lý khu du lịch Suối Tiên – một đơn vị kinh tài của Đảng – đảm trách sản xuất). Ở ngoài Quảng Nam – quê hương có chùm khế ngọt của cựu Chủ tịch nước-cựu Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc – thì có rượu sâm Ngọc Linh do công ty Sâm Sâm sản xuất. 

Rượu này có được phân chia “giai cấp” rõ ràng: Loại chai trắng ngâm từ cành lá sâm Ngọc Linh thì dành cho cán bộ cấp trung; còn thượng cấp dùng chai đỏ ngâm củ sâm Ngọc Linh thứ thiệt! Bèo bèo như Bình Dương cũng có “tỉnh tửu” ngâm sâm cau. Tuy nhiên, giá cả thì không bèo, “tỉnh tửu Bình Dương” có giá 1 triệu đồng/chai. Suối Tiên tửu loại 18 năm thì khoảng 1.8 triệu đồng/chai; còn 25 năm thì 2.5 triệu đồng/chai. Những loại này có thể tìm thấy trên thị trường, riêng “tỉnh tửu” của Quảng Nam thì không hề tìm thấy.

Sở dĩ có mốt “người Việt dùng hàng Việt” một phần là do các quan sợ… mạng xã hội. Lỡ tiệc nhậu lộ ra, với hình ảnh nhậu rượu Tây giá trăm triệu một chai thì dễ có cớ cho đối thủ cưa chân ghế. Uống các loại “địa phương tửu”, quan trên có ngó xuống, người dưới có trông lên, thì cũng khó bắt bẻ, vì bình rượu ngâm dù trị giá hàng trăm triệu thì vẫn là… “nước mắt quê hương”.

Chỉ có quê hương và người dân là chảy nước mắt thật, là khóc thật, khi chứng kiến tiệc nhậu phè phỡn của những kẻ xôi thịt cụng ly côm cốp, xem ai tửu lượng cao hơn, và đục khoét quốc gia nhiều hơn… 

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: