món bánh xèo trong một nhà hàng Cali

Ông bà ta thường nói một trong bốn điều ngớ ngẩn nhất là “làm mai”. Làm mai là mai mối cho người với người, cho vật với người và cho… món ăn với người khác.

Giới thiệu một món ăn là đang thực hiện “chức năng” làm mai. Khi một người đi xa về được bạn bè bu quanh hỏi chuyện, anh ấy khẳng định vừa được ăn hai món ăn ngon hết biết, thứ nhất là phở gà, thứ hai là cơm tấm. Anh ghi ra địa chỉ, không quên miêu tả món ăn và tại sao nó đông như thế. Người vây quanh anh lập tức ghi lại địa chỉ để lần tới nếu có dịp về đấy nhất định sẽ ghé một lần cho biết.

Anh chàng mai mối cho hai món ăn ấy quên bẵng và bất ngờ một hôm mấy người từng nghe anh làm mai hai món ấy trở về từ cái tiệm ăn kia đã bóng bẩy khen đểu không tiếc lời, nào là anh giới thiệu cho họ một cái quán tuy nghèo nàn, hơi dơ, phục vụ rất à ơi nhưng cái món phở gà thì cũng tạm được. Tuy nhiên cái quán cơm tấm thì thật là đáng bị tẩy chay vì nó không phải là cơm tấm mà là cơm gạo bể! Người ta xay cho bể hạt gạo ra rồi nấu cơm khác xa với tấm nguyên thủy! Nhưng dù sao cũng ăn được vì nước mắm tuy mặn nhưng thịt nướng thơm và cái ốp la rất được!

Rõ ràng là thất bại toàn tập, vậy thì tại sao lại giới thiệu món ăn cho người khác trong khi mỗi người một khẩu vị, một sở thích, một thái độ sống và nhất là một cách ăn!

Có người khi ăn cơm phải có chén nước mắm với đầy ớt tươi cắt nhỏ trong ấy để họ thưởng thức bằng mắt rồi mới chan nước mắm ớt ấy vào cơm ăn trước khi bất cứ món ngon nào khác. Đó là cách ăn.

Có người vào quán ăn không hẳn vì đói mà vì lâu lâu họ phải bước vào quán ăn như một thói quen. Thói quen ấy kèm theo cái tên mà họ từng vào, từng thích. Họ có thể vào đấy hàng tuần nhưng khi một món ăn nào đó, hay cái chén bị dơ, đôi đũa cáu bẩn hay thái độ phục vụ không phù hợp thì họ sẽ bỏ cái quán ấy mà đi. Đó là thái độ sống, mỗi người đều khác nhau.

Sở thích ăn món gì vào lúc nào và ở đâu lại là một tính cách khác. Không phải cứ cao lương mỹ vị là thuyết phục họ mà tùy vào thời gian, thời tiết lẫn dịch vị trong bao tử của từng người nữa. Dịch vị tiết ra nhiều thì cơ hội thèm ăn càng lớn, hôm nào đó dịch vị cạn kiệt thì hương vị gì cũng vô ích với cái lưỡi cứng đơ!

Nhưng nói tới khẩu vị thì bất tận và bất khả tư nghị. Làm sao quyết định được giữa hai người một bên nói ngon còn bên kia nói dở! Người thứ ba có khi lại nói tạm được còn người thứ tư thì khẳng định lạt như nước ốc. Mỗi người một khẩu vị, một cái lưỡi mà!
Vậy khẩu vị có phải là do bẩm sinh không?

Không một chuyên gia ẩm thực nào dám khẳng định là bẩm sinh cũng như nói “nhân chi sơ tính bản thiện/ bản ác” vậy. Bên cạnh cái bẩm sinh phải chăng ảnh hưởng của chuyện ăn uống cũng làm cho khẩu vị ngày một khác với cái buổi ban đầu.

Ăn phở chẳng hạn. Lúc đầu ăn phở thì cái lưỡi trầm trồ vì lạ miệng. Nước lèo của phở chính phục cái lưỡi người ta vì thơm tho mùi của đủ thứ hương vị, béo mà không ngậy, ngọt mà thanh, thịt mềm, thơm, mỏng mà không nát…

Gà nướng lu! món lạ nhưng đừng làm mai!
Gà nướng lu! món lạ nhưng đừng làm mai!

Rồi lần lần cũng cái lưỡi ấy bỗng nhận ra phở mà không thơm thì không được, phở mà không nóng là hỏng, phở mà bánh bị gãy, khô và dính vào nhau là chưa đạt! Đấy, chính người nấu phở đã phần nào can thiệp vào cái lưỡi của người ăn, huấn luyện cái lưỡi ấy mỗi ngày một tinh tế hơn khi nếm nước lèo, khi nhai miếng thịt hay gắp bánh phở vừa ăn vừa nhìn soi mói!

Làm mai hai món ăn phở gà và cơm tấm đã phạm sai lầm rất lớn. Đừng bao giờ giới thiệu cho người khác những món ăn quá quen thuộc vì càng quen thuộc thì xác suất chê càng lớn! Bởi, họ đã từng ăn, từng thử, từng khen chê trong suốt cuộc đời họ thì làm sao có một món ăn nào không bị chê vì khẩu vị khác xa nhau?

Giá mà giới thiệu cho người khác món ngon ở… Sapa như món thắng cố hay phở chua thì đố ai dám ăn mà khen với chê! Vậy khi có người hỏi ăn ở đâu ngon thì làm cách nào cho người hỏi vừa ý mà người trả lời không sợ bị việt vị?

Cách hay nhất là bạn hỏi lại người ấy thích món gì trước đã, vì sau khi xác đinh được cái món ấy bạn đã nắm được tính cách ăn uống của người hỏi ít ra là 20%. Câu thứ hai là hỏi khi nào bạn ấy sẽ du lịch, trong một dịp ngắn ngày hay trong một dịp lễ, thăm thân nhân nhiều ngày… mỗi một dịp là một cách khác nhau về món ăn. Nếu du lịch thì những món lạ miệng, hè phố, hay những món không cầu kỳ. Nếu trong dịp lễ thì các món có liên quan đến lễ ấy. Nếu thăm thân nhân thì hãy khiêm tốn nhường lại lời giới thiệu cho thân nhân của họ, vì chính thân nhân đã ở địa phương ấy không lẽ không biết món nào ngon món nào dở?

Cách thứ hai không làm bạn bị hớ là nên nói về thức ăn một cách chung chung, đừng bao giờ tỏ ra mình là một chuyên gia về ăn uống! Khi nói về thức ăn, bạn tránh đừng đề cập tới hương vị vì làm sao bạn có thể diễn tả nỗi cái hương vị đó cho người khác? Cách hay nhất là miêu tả cách trình bày, cách nấu, màu sắc và… giá tiền! Nói chung chung gây cho người nghe thêm tò mò và vì vậy khi họ muốn tới ăn cũng không có lý do để mà trách cứ.

Vậy, làm mai món ăn có khác gì làm mai cho một cặp nam nữ. Hạnh phúc thì họ hưởng không hề nhớ tới ông mai bà mối nhưng khi cơm canh mặn chát thì hai chữ làm mai thấm thía vô cùng!

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: