Mao ếch – nhậu với Trương Chi

CUỐI TUẦN ĐI NHẬU
Cá mao ếch nướng muối ớt là món ăn khá là bén mồi, từ lâu trở thành đặc sản Cần Giờ, Sài Gòn (ảnh: Tấn Tới)

Nếu bạn đã ghé chợ Hàng Dương ở biển Cần Giờ, Sài Gòn, ắt đã có dịp thấy tận mắt những con cá nhìn còn không muốn nói gì đến ăn. Thiệt tình mà nói, đó là loại cá thịt ngon dẹo lưỡi. Độ dẹo đó không thua cái nét dẹo hấp dẫn muốn chết của Ý Lan đâu á!

Người Việt gọi nó là mao ếch. Tây thường gọi là toadfish hoặc frogfish. Nhưng mao ếch ở Việt Nam chỉ có hai loại. Một loại đen nhẻm. Một loại vàng vàng, gọi là mao ếch vàng, còn có tên khác là cá bùng binh. Toadfish bên Tây ngoại diên rộng lắm, tức là nhiều loại lắm, có loại cùng họ với cá nóc, chỉ có dân Nhựt mới dám ăn. Ngoài ra còn có con cá chẳng hiểu sao dân Mỹ đặt tên là cá mother-in-law (không biết mẹ chồng hay mẹ vợ) giống y như cá mao ếch đen, thịt ăn được nhưng trứng có độc. Cá này to con lắm, khác họ cá mao ếch. Nhưng cái chuyện phân họ này, các “nhà cá học” đổi xoành xoạch. Bài này giới hạn ở cá mao ếch thứ thiệt, nước da đen nhẻm. Vì người viết chưa duyên khởi với cá bùng binh.

Cá mao ếch bắt lên rộng nước biển sống dai nhách. Nên lúc nào cũng có cá tươi ở các quán tại Cần Giờ hoặc các quán ở khu trung tâm Sài Gòn. Chỉ có điều đáng buồn là cá càng ngày càng hạp với nhạc sĩ Trần Tiến: “Nhỏ xíu anh thương.”[1]

Cá mao ếch đực có thân phận giống y nhân vật trong ca dao Việt: “Ngày xưa có anh Trương Chi, người thì thậm xấu hát thì thậm hay”. Dân nói tiếng Anh có câu ngạn ngữ “một con cá cóc chỉ có thể đẹp hơn một con cá cóc khác.” Cá cóc trời cho biết hát. Nó hát để mời gọi bạn tình. Giống như Trương Chi hát để chèo kéo mỹ nhơn Mỵ Nương. Nhưng ông Duyên Anh trong cuốn Ngược giòng chữ nghĩa [2] đã “giải xú” cho Trương Chi: “Anh không thậm xấu. Trương Chi đẹp cả thể xác lẫn tâm hồn”…

Cá mao ếch nấu ngót với thật nhiều cà chua chấm nước mắm nguyên chất giầm ớt (ảnh: Tấn Tới)

Từ cái câu trong bài Trương Chi của Văn Cao: “Ngồi đây ta gõ ván thuyền ta ca trái đất còn riêng ta”, Duyên Anh biểu: “Văn Cao là Trương Chi”… Thôi thì để người đọc có nhiều chiều mà nhìn. Có khi vì thịt con mao ếch ngon mà ta thấy nó đẹp! Mao ếch thèm tình có thể hát đến cả giờ đồng hồ. Tiếng hát nó dưới nước vang, theo sách vở nói, xa lắm. Nói nó hát hay là hay với con mao ếch cái.

Người ta bảo con cá “lắm mồm”, bắt lên khỏi mặt nước nó còn kêu ục ục suốt. Nhưng nó không hát bằng “mồm”. Cũng y như Đệ nhất ác nhân, thái tử nước Đại Lý Ác Quán Mãn Doanh Đoàn Diên Khánh, nhân vật trong Thiên Long bát bộ của Kim Dung, nói bằng bụng, con cá cũng hát bằng bụng. Nó “hát” bằng hệ bong bóng bơi nằm ở phần lưng trong khoang bụng của nó. Bong bóng chứa không khí này còn giúp cho cá điều chỉnh độ nổi lên trong nước, độ “đứng” không xiên qua xiên lại.

Trong các loài cá có bong bóng bơi, bong bóng cá đường có giá nhứt. Ngày xưa dân Cà Mau bán bong bóng cá đường tính bằng vàng, theo nhà thơ Nguyễn Trọng Tín ghi lại. Dân “ba tàu” mua bong bóng cá đường bán sang Hong Kong nhiều lắm. Dân có bao nhiêu họ mua sạch!

Trở lại “chuyện tình” cá mao ếch. Đau đớn cho một số Trương Chi mao ếch do hát dở hoặc nhỏ con. Thế là phải xài “sách” giao phối thay thế (alternative mating strategies). Người Mỹ đặt biệt danh cho chúng là sneaker male (giả gái để dễ gần các gái khác). Lúc đó mới sanh chuyện mây mưa. Hoặc tranh thủ lúc chàng cá đực kia mắc ấp trứng, coi con nhỏ, tòm tèm với nàng cá cái của người ta.

Tội nghiệp những con cá đực mao ếch. Cá cái sau khi mây mưa, đẻ một đống trứng trong cái kẹt đá nào đó, nơi cá đực cát cứ. Cá đực có nhiệm vụ dùng cái vây tia trời cho của mình quạt suốt cho trứng nở. Trứng nở ra rồi còn phải trông chừng các nhi đồng tới mấy tuần. Ông bạn Hai Đoàn ở Ô Môn, Cần Thơ của tôi mà biết chuyện này chắc là chạy mất dép, không dám trăng hoa. Ổng giờ không dám qua Mỹ cũng vì thấy sao ở bển toàn đàn ông rửa chén.

Cá mao ếch thuộc họ Batrachoididae. Do hình thù xấu xí mà người Mỹ gọi nó là cá cóc. Ở Việt Nam cá cóc họ chép là cá nước ngọt sống nhiều ở sông Tiền và sông Hậu (ảnh: Tấn Tới)

Chuyện cá mao ếch hấp dẫn là vậy. Bên bàn nhậu vừa nghe cô chạy bàn kể chuyện vừa ăn, cái ngon coi bộ tăng đô. Da cá tuy đen nhưng thịt trắng bóc. Lại dai chắc. Nấu canh lá vang (vang – ghi theo từ điển của nhóm Lê Văn Đức, Lê Ngọc Trụ; không phải “giang”), vẽ thịt chấm với nước mắm nhứt của Phú Quốc hay Phan Thiết, ngon phải biết. Thường quán ở Sài Gòn có bán cá mao ếch, họ sẽ nấu lẩu cho khách. Bây giờ một số hàng quán đã quay lại với lẩu “cù lao” của những năm 1970. Nước chỉ đủ nóng vừa. Tha hồ ngồi nhâm nhi đưa cay. Thịt cá mao ếch dai, lại ngọt, nhứt là cộng hưởng với nước mắm nguyên chất giầm trái ớt xiêm. Ăn miếng cá lại kèm theo hít hà mới đúng điệu. Cũng có người thích ăn lẩu nấu ngót với thật nhiều cà chua.

Còn một món nữa: Mao ếch nướng muối ớt. Nếu hôm nào đó, ăn chuyên đề cá mao ếch, canh chua kèm theo món nướng thì y như chơi guitar xài hợp âm La thứ với Mi7. Nhớ là nướng cho tới khi da chúng bị cháy sém, như dân miền Tây nướng trui cá lóc. Vậy mới thơm. Một món ướt kèm một món ráo, chỏi nhau vậy mà ngon. Món nướng chấm với nước chấm hải sản pha tương ớt Mường Khương, nồng nàn, đậm đà. Nếu không có thì thay bằng xì dầu pha mù tạt và tương ớt sriracha Con Gà.

________

[1] Ca từ trong bài “Ngẫu hứng lý qua cầu”.

[2] Trong bài “Văn Cao, người soạn ca khúc bậc thầy Việt Nam”, tr.172 NXB Tam Thiên, Arlington, TX,  1991.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: