Những chiếc muỗng bạc

Muỗng bạc by Ngankhan.com

Trong đại dịch COVID-19 hiện nay, người ta hướng về Ấn Độ với sự thương cảm cho đất nước này một cách thật tâm. Hàng ngàn người nằm chờ được hỏa thiêu, hàng trăm cuộn khói bốc lên từ sông Hằng nơi tập trung những lò thiêu xác nổi tiếng của Ấn và hàng chục ngàn người khác đang thiếu oxy chờ chết trong tâm trạng lo lắng buồn bã…

Bên cạnh sự thiếu thuốc men, người ta cho rằng người Ấn sở dĩ bị dịch tấn công làm nhiều người chết như vậy vì sự ăn ô thiếu vệ sinh của họ. Nhiều bài viết miêu tả cách sinh hoạt của người Ấn khiến người đọc lợm giọng và tự hỏi tại sao một đất nước như Ấn lại có thể sống như thời ăn lông ở lỗ như vậy? Câu trả lời: truyền thống và tín ngưỡng đã khiến họ có lối sống mất vệ sinh, nhất là trước con mắt quan sát của thế giới.

Ăn bốc là kiểu ăn của người Hồi giáo không những tại Ấn, thế nhưng ở các nước Hồi giáo khác không đến nỗi mất vệ sinh vì trước khi ăn họ rửa tay rất cẩn thận còn người Ấn, nhất là với dân nghèo và ở những tiệm quán hàng rong thì việc không cần phải rửa trước khi bốc vào một món ăn chung với người khác là bình thường.

Tín ngưỡng cũng hình thành tập tục chung đụng giữa hàng ngàn người với nhau. Người ta tắm chung trên một khúc sông rồi sau đó thoải mái dùng nước này vào việc sinh hoạt kể cả ăn uống. Niềm tin nước sông Hằng giúp con người hạnh phúc và trị được nhiều căn bệnh đã khiến sự lây lan của dịch bệnh tăng cao. Tín ngưỡng đã cản chân mọi nỗ lực của chính phủ nhằm nâng cao dân trí về vệ sinh cho người dân Ấn.

Cùng lúc ấy, chúng ta, những người Việt Nam cần nhìn lại mình có thực sự “sạch sẽ” hay không trong các thói quen sinh hoạt trong gia đình và cộng đồng?

Thật khó nói là chúng ta, cũng như nhiều dân tộc thuộc cộng đồng Á châu khác, thật sự là vệ sinh, khi văn hóa ẩm thực của chúng ta và nhiều nước là kiểu ẩm thực tập thể. Một bữa ăn chung trong dịp lễ lạc tết nhất hay giỗ quảy sẽ minh chứng rằng ăn uống chung như vậy không thể nói là họp vệ sinh khi mười người trong bàn ăn dùng đôi đũa của mình gắp chung một dĩa đồ xào, múc chung một tô canh, chan cùng nồi lẩu hoặc chấm chung một chén nước mắm…

Và chúng ta thấy, không dễ dàng thay đổi thói quen ấy, kể cả khi đã sống ở nhiều nước tiên tiến bật nhất thế giới như Mỹ, Pháp, Anh… chúng ta vẫn tiếp tục gắp chung thức ăn với đũa, muỗng của mình mà không ngại sừ kinh sợ dưới mắt người khác.

Thói quen ấy như tín ngưỡng ở Ấn Độ vậy.

Người Ấn sợ làm thần linh nổi giận còn chúng ta lại sợ khách mời giận dỗi. Mà có khi chúng ta không biết chính sự cả nể ấy khiến khách mời sẽ tránh né những bữa ăn mà chúng ta mời mọc họ .

Nếu vào một bữa tiệc cũng dọn món ăn chung như thường lệ chúng ta vẫn làm nhưng trên mỗi dĩa, mỗi tô chứa thức ăn là một đôi đũa, cái muỗng, hay cái nĩa khác màu được dùng để gắp thức ăn cho từng người thì không những làm cho khách thoải mái không bị e ngại mà còn giúp cho những người chưa biết đến sự “cách ly” khéo léo này áp dụng vào những bữa cơm gia đình của họ.

Mà nào phải mới mẻ gì, các bàn ăn của phương Tây đã làm như vậy từ thời lập quốc. Người Tây phương sợ chết và lây bệnh hơn chúng ta. Những chiếc muỗng, nĩa bằng bạc trịnh trọng để trong từng dĩa thức ăn của họ không phải để trang trí mà để đánh dấu rằng: đừng chạm môi vào chúng, chỉ dùng chúng để chia sẻ thức ăn mà thôi.

Những chiếc muỗng bạc ấy vẫn là một bài học, với chúng ta, trên bàn ăn của mình.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: