Những tiệm “Saigon Phở” được ghi chú trong sổ tay của dân du lịch

Phở Dậu (ảnh: MXH)

Phở Sài Gòn hoàn toàn khác với phở của Hà Nội. Nhiều người sành ăn kiểu Bắc, nói phở Sài Gòn có vị ngọt hơn, không trong và thanh như phở Bắc. Thế nhưng người Sài Gòn thì lại nói phở Bắc thiếu rau và các loại gia vị tự chọn. Riêng về phở Sài Gòn, tờ The Interpreter có mô tả rằng:

“Người bán phở ở Sài Gòn lại hay dồn cả tấm lòng của họ vào một tô, với kích cỡ lớn hơn đáng kể, và cũng thường đắt hơn một tô phở ở Hà Nội, mặc dù sợi mì mỏng và giống sợi hủ tiếu hơn. Và thực khách Sài Gòn sẽ không bao giờ có thể thưởng thức món phở nếu không có sự trợ giúp đắc lực của các loại rau thơm: Bạc hà, húng quế, rau thơm, giá đỗ, rau răm và nhiều thứ khác, ngoài ra hành, ngò, chanh và ớt cũng được rất chuộng ở Hà Nội. Về phần gia vị thì không thể thiếu nước mắm, ớt và nước tương đen để làm tăng thêm hương vị đậm đà của nước dùng béo và đục”.

Nói chung khẩu vị mỗi miền một ý. Nhưng mới đây, trong trào lưu du lịch đang quay lại với Việt Nam, giới bình luận quốc tế về du lịch trên tập san đặc biệt của The Travel, vừa gọi tên năm tiệm phở ở Sài Gòn như là cẩm nang ẩm thực cho những ai đi đến Việt Nam.

Phở Dậu

Nguồn gốc của phở Dậu, lấy từ tên bà chủ, là Dậu. Bà là người khai sinh ra quán phở này, là một phụ nữ người Nam Định, mang theo hương vị không thay đổi từ vùng quê của bà. Phở Dậu mang đậm phong cách phở Nam Định, chỉ khác lối bánh phở nhỏ chứ không to bản như nguyên gốc. Còn lại quy tắc ninh xương ống bò, dùng nước mắm để nêm nếm, không dùng nước tương, chỉ sử dụng hành hoa và mùi làm rau gia vị, tuyệt đối không chấp nhận giá sống, húng quế, mùi tàu – ngoại trừ chút hành tây – là tuân thủ đúng lối nấu phở Bắc. Khác biệt với khẩu vị miền Nam nhưng quán của bà vẫn “sống” từ đó đến nay.

Phở Hòa

Nhắc tới Phở Hoà thì chắc chắn ai cũng biết! Lịch sử của quán hình thành năm 1968 và hết sức quen thuộc với người dân Sài Gòn. Quán thoáng rộng, tuy nhiên thường đông khách. Nước phở thanh thanh ngọt xương, ngọt thịt… bao gồm đủ món bò (tái, chín, nạm, vè, gân, viên, xách…) ngoài ra có luôn phở gà nữa… Nét độc đáo của quán ngoài phở ra là các món kèm theo rất ấn tượng nào là bánh quẩy, bánh cam, chả cây, chuối, rau câu… Phở Hòa nổi tiếng và cũng có nhiều đối thủ cạnh tranh nên đã diễn ra vài vụ tạt sơn vào cửa quán, ngụy tạo có gián trong tô phở… Thế nhưng qua bao phong ba, phở Hòa vẫn là nơi được nhiều người tin cậy và tìm đến.

Phở Lệ

Là một thương hiệu nổi tiếng và thuộc hàng “trẻ” nhất, ra mắt vào năm 1970, Phở Lệ là một trong những quán đông khách nhưng phục vụ khá nhanh chóng. Tô phở ở đây được nhiều người đánh giá là lớn, nhiều, đặc biệt là nước phở đậm đà, không béo và không hề ngán. Một địa điểm ăn phở được nhiều tin tưởng. Điều đặc biệt là chủ quán, Ông Lưu Toàn Tài, là người gốc Quảng Đông, vợ ông tên là Lệ, bà là người Việt gốc hoàng gia Campuchia. Thế nhưng gia đình này thành công với món phở Lệ, hấp dẫn nhiều người bởi hương vị đậm đà, đậm chất miền Nam.

Phở Tàu Bay

Năm 1954, ông Phạm Đình Nhân đem theo vợ, con cùng hương vị phở Tàu Bay từ miền Bắc di cư vào Nam. Lúc bấy giờ ông chỉ có một quán phở duy nhất nằm trên đường Lý Thái Tổ (quận 10). Đây cũng là quán phở bảo vệ hương vị gốc và cố gắng không cho rau như kiểu ăn của người Sài Gòn. Tên gọi tô phở lớn nhất, biệt danh là “tô xe lửa” hay “tô tàu thủy”… xuất phát từ đây, được nhiều quán phở người Việt ở hải ngoại dùng lại. Có một thời gian, khách phàn nàn rằng dù phở ngon, nấu theo kiểu miền Bắc nhưng cự tuyệt không cho rau thơm, giá trụng ăn kèm, gia vị cũng chỉ có chai nước mắm chứ không có tương đen, tương đỏ, chanh ớt. Nay thì mọi thứ đã nhập gia tùy tục với đất và người Sài Gòn.

Phở miến gà Kỳ Đồng 

Được dân sành ăn phở ở Sài Gòn gọi là phở hậu sinh, do ra mắt từ năm 1976, dần dần khuyếch trương và trở thành một thương hiệu nhiều người biết dù nằm trong một con hẻm nhỏ của đường Kỳ Đồng (quận 3). Đây cũng là địa chỉ quen thuộc với nhiều đoàn khách du lịch quốc tế. Quán phục vụ các món miến, phở, hủ tiếu, mì và gỏi gà, nhưng được ưa chuộng nhất phải kể đến miến hoặc phở đùi gà xé. Mỗi ngày, quán phục vụ hàng nghìn lượt khách từ 5h đến 22h30.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: