Xe kẹo kéo trên đường phố. MXH

Con nít bất cứ nước nào trên thế giới đều thích kẹo, đó là lẽ tự nhiên. Viên kẹo ngọt lịm trong miệng hòa với từng loại hương thơm khác nhau khiến bọn trẻ con mê mẩn và không có gì thuyết phục trẻ con bằng một viên kẹo. Tạo hóa biến con người thành nô lệ của ngọt ngào ngay từ lúc vừa biết đòi ăn. Thời gian trôi qua ngày một lớn hơn, người ta cũng phai nhạt dần với những viên kẹo tuổi thơ có lẽ do nhu cầu cung cấp đường của cơ thể khiến càng lớn càng ít thèm ngọt. Trong thời đại mà chất đường ngày càng bị xăm soi thì kẹo có lẽ là thứ bị bỏ rơi trong nhiều danh sách đi chợ của bà nội trợ.

Với nhiều người, vị ngọt không phải cứ đậm đà trên lưỡi hay hương thơm của viên kẹo cứ quấn quýt trong vòm miệng… mà tất cả những hương vị ấy nó nằm trong ký ức, ký ức tuổi thơ.

Thuở nhỏ nhà tôi cách nhà của ông Bảy kẹo kéo chỉ vài căn nên mỗi lần không tới trường, chạy sang nhà ông chơi để được nhìn ông và vài người trong gia đình làm kẹo là lúc vui nhất. Nhà ông Bảy rất nghèo, trước sau vỏn vẹn một chiếc phản bằng gỗ dày cả tấc là tài sản duy nhất mà gia đình ông có. Trên chiếc phản gỗ ấy là không gian gia đình ông dành để cắt, tra bột lên những viên kẹo ú. Những cái nia chứa đầy kẹo xếp chồng lên nhau để ngày mai bà Bảy mang ra chợ bán.

Gia đình ông Bảy làm hai loại kẹo, kẹo kéo và kẹo ú. Cả hai loại đều hớp hồn bọn con nít chúng tôi không những lúc đó mà sau này, khi đã già, đã kéo cả đời mình như cục đường nhà ông Bảy.

Cách làm kẹo ú và kẹo kéo có khác nhau nhưng công sức thì như nhau. Kẹo ú làm từ đường tán nấu lên hòa chung với bột, gừng băm nhuyễn, Khi đường tới ông Bảy có bổn phận móc cục đường rất lớn lên trên một chiếc đinh to được đóng vào cột nhà và đánh cho nó quến cứng lại. Không biết ông đánh bao lâu nhưng khi cục đường dẻo ra là lúc ông cắt khúc giao lại cho bà và cô con gái lớn ngồi chờ trên phản gỗ để cắt thành từng viên giống như hình của chiếc bánh ú, rồi rắc bột khô lên cho chúng không dính lại với nhau.

Bánh ú cứng và không thể nhai, chỉ ngậm trong miệng cho tan ra và trong lúc ngậm nó, bọn con nít không đứa nào là không muốn nó tan ra cho nhanh để còn ăn viên kế tiếp. Sự háo hức ấy có sức hút rất mạnh và lây lan đến từng đứa một, có đứa thè lưỡi ra chứng tỏ mình ăn nhanh nhất và kiểu hãnh bốc viên thứ hai bỏ vào miệng như một kẻ thắng cuộc.

Với kẹo kéo thì khác, kẹo được nấu từ đường và lửa phải canh chừng cẩn thận. Ông Bảy luôn là người nấu và trong lúc canh lửa ông có thói quen hát nho nhỏ trong miệng. Tôi thích xem ông nấu kẹo hơn là hát vì với tôi lúc ấy giọng hát của ông thật là khó nghe vì cái giọng Quảng lại pha âm hưởng hát bội nên vừa lạ vừa đáng… sợ. Tôi thích nhất là lúc ông cởi trần, vắt vai một cái khăn đã cũ, cầm cục đường vừa nguội đánh liên tục vào cột nhà có cây đinh lớn trên ấy. Ông Bảy chừng như đánh vật với cục đường vừa đánh vừa kéo, vừa đánh vừa lộn sợi giây đường lớn như sợi thừng kéo ghe. Từ lúc ông đánh cho tới lúc thành phẩm thời gian ít nhất là 15 phút. Mồ hôi nhễ nhại và khi đánh xong ông gói cục kẹo vào cái thùng gỗ gắn trên chiếc xe đạp để bắt đầu đi bán.

Tuy tới nhà ông và được hưởng khúc kẹo kéo đầu tiên ông chặt cho tôi nhưng tôi vẫn thích mua khi thấy ông ngừng xe bán cho đám trẻ con ở trường hay hàng xóm. Tôi thích nhìn ông kéo sợi giây kẹo trắng muốt, thích cái vị ngọt thơm tho và cái giòn tan của hột đậu phộng trong kẹo.

Nếu kẹo ú cần ngậm thì kẹo kéo lại cần phải nhai. Chất dẻo của viên kẹo làm cho răng bị dính và mỗi lần dùng tay gỡ ra lại một lần thưởng thức cái thòm thèm còn sót lại. Ôi tuổi thơ với lắm điều ngộ nghĩnh mà khi lớn lên người ta bỗng nhiên mắc cỡ với những thói quen dễ thương không thể tìm thấy.

Lớn lên, những xe kẹo kéo trong thành phố tuy có gợi lại những ký ức của nhiều năm qua nhưng cách thức mà người ta bán kẹo kéo có phần làm cho nhiều người tiếc rẻ. Tiếc cho chiếc xe đạp bán kẹo nghèo nàn, dựng lẻ loi bên một bóng cây nào đó chờ bọn trẻ tan học hay tới trường. Bây giờ kẹo kéo rậm rực như động vật dậy thì. Những chiếc xe bán kẹo kéo với dàn loa không thương tiếc lỗ tai người nghe. Anh kéo kẹo chị đứng hát, một cặp đôi kẹo kéo bất thường giữa buổi chiều vừa tan tầm công sở.

Bây giờ khách hàng của kẹo kéo không còn bọn trẻ nít như chúng tôi ngày xưa mà vây chung quanh xe kẹo kéo là nam thanh nữ tú, vừa nghe nhạc vừa giật giật tay chân…

Nhưng dù sao thì chúng tôi vẫn mang ơn những người làm ra những loại kẹo dính liền với ký ức chúng tôi. Kẹo ú với hình ảnh mẹ đi chợ về và đàn con xúm xít chung quanh nhận từng gói kẹo đơn sơ mà ngọt ngào tình mẹ. Kẹo kéo với cổng trường, góc chợ vẫn bám theo trí nhớ của một thời thơ dại và hương vị dính răng của nó vẫn nằm yên trong trí nhớ…

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: