Một bài báo của The New York Times kể rằng trong một lần gặp gỡ Tổng Thống Ukraine là ông Poroshenko vào nhiệm kỳ đầu của mình (2016 – 2020), Tổng Thống Trump hỏi vị đồng cấp này: “Crimea là của ai?”
Rõ ràng đây là câu hỏi bất lịch sự giống như đùa cợt mà ông Trump không nên hỏi ông Poroshenko, và vị tổng thống của Ukraine có quyền không trả lời câu hỏi đó, vì nó quá vớ vẩn. Không rõ ông Poroshenko đã trả lời ông Trump thế nào, song để chứng tỏ mình cũng “lịch sự” không kém ông Trump, ông Poroshenko nên trả lời ông Trump bằng câu hỏi: “Alaska là của ai?”
Dường như trong suy nghĩ của nhiều nhà lãnh đạo Phương Tây, Crimea vốn là của Nga. Có lẽ vì thế mà Phương Tây phản ứng yếu ớt khi Nga xâm chiếm bán đảo này của Ukraine vào năm 2014. Tổng Thống Zelensky hoàn toàn có lý khi cho rằng chính cái phản ứng yếu ớt đó của Phương Tây, đứng đầu là Mỹ, đã khiến Moscow lấn tới, mở cuộc xâm lược đẫm máu vào Ukraine năm 2022. Nghĩa là với Kyiv, nếu tổng thống Mỹ lúc đó là Obama cương quyết hơn, mạnh mẽ hơn với Nga thì đã không có cái “chiến dịch quân sự đặc biệt” hôm nay của Putin.
Sự bạc nhược của Washington mới đây còn được thể hiện qua lời Tổng Thống Trump khi ông ta, dù cho rằng vụ tập kích vào thành phố Sumy giết chết 34 người là tàn bạo, nhưng lại không hề nhắc tới Nga. Trump chỉ nói: “Họ đã phạm sai lầm. Toàn bộ cuộc chiến là khủng khiếp.” Không nói đích danh ai mà chỉ dùng từ “họ”, rõ ràng ông Trump đang có ý nói cả Nga và Ukraine. Và rằng cả hai nước này đều phải chịu trách nhiệm về cuộc chiến khủng khiếp. Vậy là với Trump, không chỉ kẻ xâm lược Nga có tội, mà cả kẻ bị xâm lược là Ukraine cũng có tội vì đã để cuộc chiến khủng khiếp kéo dài. Thậm chí dường như chính quyền Trump còn có suy nghĩ rằng tội của Kyiv còn nặng hơn cả Moscow khi nhất quyết không chịu nhượng cho Nga bốn tỉnh vùng Donbas để có hòa bình. Và với Washington, việc Nga tập kích vào Sumy giết và làm bị thương hàng trăm người là đáng đời Kyiv.
Trump chỉ muốn Mỹ là bên trung lập trong cuộc chiến và muốn Mỹ làm trung gian cho một thỏa thuận hòa bình giữa Kyiv và Moscow, song với cách suy nghĩ của mình, Trump lại cho người ta nghĩ rằng Mỹ đang đứng về phía xâm lược là Nga, chứ không phải phía bị xâm lược là Ukraine. Việc Tổng Thống Trump ký gia hạn trừng phạt Nga thêm một năm có lẽ chỉ để ra vẻ Washington không hề mềm yếu với Moscow mà thôi.
Việc đặc phái viên của Tổng Thống Trump là Steve Witkoff nói huỵch toẹt rằng bốn tỉnh vùng Donbas nên là của Nga được xem là cách Washington “bật đèn xanh” cho Nga tăng cường tấn công dữ dội vào đây nhằm chiếm trọn vẹn vùng lãnh thổ đó mà Nga đã tuyên bố sáp nhập. Có thể nói quan điểm của Witkoff cũng chính là quan điểm của Tổng Thống Trump, vì nếu không thì Witkoff đã bị Trump tống cổ. Giờ thì hoàn toàn có thể tin rằng việc thương thảo hiện tại giữa Washington và Moscow về khai thác đất hiếm là bao gồm cả các vùng đất của Ukraine mà Nga đang chiếm đóng.
Nói thẳng ra, gan ruột của Trump lúc này chính là Kyiv nên nhượng đứt cho Nga các tỉnh vùng Donbas để nhanh nhanh có hòa bình. Trump không dám nói thẳng ra điều đó là vì sợ bị Kyiv và đồng minh Âu Châu chửi vào mặt và tẩy chay, bao gồm cả tẩy chay vũ khí do Mỹ sản xuất, điều mà các ông trùm trong ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ rất lo lắng và chắc chắn đã vận động hành lang với Washington để không xảy ra.
Tính gì thì tính, muốn gì thì muốn, Tổng Thống Trump không được xem thường sức mạnh của người dân Ukraine. Và sức mạnh của họ nằm ở sự đoàn kết. Chính sức mạnh đó đã khiến đất nước Ukraine đứng vững tới giờ này trước cuộc xâm lược bạo tàn của người Nga. Đây là điều mà người đứng đầu lực lượng vũ trang Ukraine là Tướng Oleksandr Syrskyi luôn nhấn mạnh, và rằng sức mạnh đoàn kết của người Ukraine quan trọng hơn bất kỳ thứ vũ khí nào.
Tính gì thì tính, muốn gì thì muốn, Tổng Thống Trump cần nhớ rằng người Ukraine dù khao khát hòa bình thì thứ hòa bình mà họ muốn phải là một nền hòa bình công bằng, chứ không phải thứ hòa bình giả tạo chỉ có lợi cho kẻ thù. Trump cần biết quan điểm của người dân Ukraine lúc này là: “Thà có chiến tranh còn hơn có nền hòa bình đáng xấu hổ.” Người ta vẫn còn nhớ hàng vạn người dân Ukraine lên tiếng ủng hộ Tổng Thống Zelensky sau cuộc gặp của ông với Tổng Thống Trump tại Tòa Bạch Ốc hôm 28 Tháng Hai mà đã kết thúc bằng cuộc đấu khẩu giữa hai người. Tại cuộc gặp đó, ông Trump chỉ trích ông Zelensky rằng ông này đang “đánh cược với Thế Chiến 3,” và rằng Ukraine phải đạt được thỏa thuận với Nga, nếu không Mỹ sẽ rút khỏi việc tham dự vào cuộc chiến và Ukraine phải tự chiến đấu một mình. Nghĩa là với Trump, Putin là người muốn hòa bình, còn Zelensky chỉ muốn chiến tranh.
Một lần nữa, những người ủng hộ chính nghĩa của Ukraine phải đặt câu hỏi: “Trump là bạn hay thù?”