Không có đường lùi

Crimea, bán đảo mà EU trước sau chỉ công nhận thuộc chủ quyền của Ukraine. (Hình minh họa: Vyacheslav Argenberg/Unsplash)

Sau khi bất ngờ thực hiện chiến dịch Mạng Nhện nhằm vào các căn cứ không quân  và phá hủy nhiều phi cơ ném bom của Nga, Ukraine đã kích một vụ nổ lớn dưới nước nhằm vào cầu Kerch, cầu đường bộ và đường sắt then chốt nối Crimea với đất liền Nga, làm hư hại các trụ đỡ dười nước của cây cầu này.

Theo SBU, chiến dịch nhằm vào cầu Kerch đã được lên kế hoạch trong nhiều tháng và sử dụng một lượng thuốc nổ tương đương hơn 1 tấn TNT, gây hư hại nghiêm trọng phần móng các trụ cầu.

Trong khi Kyiv mô tả cầu Kerch là một mục tiêu hoàn toàn hợp pháp, đặc biệt khi Nga sử dụng nó như một tuyến hậu cần để tiếp tế cho quân đội của họ, thì Moscow lại cáo buộc vụ này là một cuộc tấn công khủng bố của Kyiv.

Cuộc tấn công cầu Kerch của Kyiv diễn ra trong bối cảnh Tổng Thống Mỹ Donald Trump có quan điểm rằng “Crimea nên là của Nga.” Vì thế có thể xem cuộc tấn công này là câu trả lời dứt khoát và mạnh mẽ của Kyiv đối với Washington cũng như đối với cá nhân ông Trump rằng Crimea mãi mãi là của Ukraine. Và Ukraine không bao giờ chấp nhận bán đảo này thuộc về Nga.

Về Crimea, quan điểm của Moscow vẫn là bán đảo này đã bị Liên Xô chuyển giao “bất hợp pháp” cho Ukraine . Moscow xem đó là một sai lầm của lịch sử và cho rằng việc Nga sáp nhập bán đảo này vào năm 2014 là nhằm sửa chữa “sai lầm” đó. Song đa số các quốc gia thuộc Liên Hiệp Quốc đã cực lực phản đối việc sáp nhập Crimea của Nga, gọi đó là bất hợp pháp.

Khi nhà lãnh đạo Liên Xô Khrushchev ký hiệp định trao Crimea cho Ukraine, hẳn ông đã không ngờ được rằng Liên Bang Xô Viết sẽ có ngày tan rã và Ukraine trở thành một quốc gia độc lập. Nói đi nói lại, khi Liên Xô sụp đổ vào năm 1991, Crimea đã hoàn toàn là một phần lãnh thổ của Ukraine và điều này được Liên Hiệp Quốc công nhận. Nga không có quyền nhân danh thế này hay nhân danh thế kia để chiếm đoạt Crimea từ tay Uraine. Luật pháp quốc tế không cho phép Nga làm điều đó.

Tại Crimea, ngoài người Ukraine, Nga… còn có khoảng 350 ngàn người Tatar gốc Thổ theo đạo Hồi. Sau năm 1945, cộng đồng người Tatar ở Crimea bị đưa sang Siberia và một số nước vùng Trung Á vì bị Moscow cáo buộc ủng hộ phát xít Đức. Đến năm 1991, họ mới được trở về Crimea. Vì lý do này mà người Tatar thiểu số ở Crimea phản đối việc Nga sáp nhập Crimea. Về phần mình, Tổng Thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Erdogan tuyên bố không bao giờ công nhận sự sáp nhập Crimea của Nga. Ông nói mình luôn theo sát tình hình của người Tatar ở Crimea.

Tổng Thống Zelensky mới đây đã tiếp hai thượng nghị sĩ Mỹ là Lindsey Graham và Richard Blumenthal đến thăm Kyiv. Đây là các đồng tác giả của dự luật trừng phạt qui mô lớn đối với Nga. Hai thượng nghị sĩ này cùng với 80 thượng nghị sĩ khác thuộc cả đảng Dân Chủ và đảng Cộng Hòa đã đệ trình một dự luật đưa ra những lệnh trừng phạt kinh tế bổ sung đối với Nga vì Nga từ chối ký lệnh ngừng bắn. Dự luật này dự kiến áp dụng mức thuế 500% với hàng hóa nhập khẩu từ những nước mua dầu, khí đốt, uranium và các sản phẩm khác của Nga. Biện pháp này có thể giáng một đòn mạnh vào nguồn tài chính của Nga.

Dự luật trên đang nhận được sự ủng hộ của lưỡng đảng, qua đó gây áp lực lên Moscow, buộc Moscow phải đàm phán thiện chí vì một nền hòa bình bền vững và lâu dài ở Ukraine. Dự luật này cũng gây áp lực lên chính Tổng Thống Donald Trump, người giờ này vẫn chưa quyết tâm trừng phạt Nga thêm nữa, với cái cớ là muốn mở cho Nga một cánh cửa để tiến tới thỏa thuận hòa bình. Nói thẳng ra, Tổng Thống Trump đang có ảo tưởng về Nga, vẫn đang đắn đo, cân nhắc áp đặt lệnh trừng phạt lên Nga, nhưng chưa có quyết định nào là chắc chắn. Khi ông có cuộc điện đàm với ông Putin vào ngày 19 Tháng Năm mà nhiều người chờ đợi, người ta mong rằng với “uy tín” của mình với Tổng Thống Nga, ông sẽ khiến nhà lãnh đạo Nga chấp nhận ít ra là một cuộc ngừng bắn 30 ngày. Nhưng hóa ra chẳng có gì cả. Là vì ông chỉ xem cuộc điện đàm đó là một cơ hội làm ăn!

Dự luật này một khi được thông qua, nó sẽ được chuyển tới Tổng Thống Trump để được phê chuẩn. Trước quyết tâm trừng phạt Nga của các vị dân biểu Mỹ và trước tinh thần quyết chiến quyết thắng của Ukraine, ông Trump sẽ rất khó mà từ chối ký phê chuẩn dự luật, nếu không muốn bị gọi là “đồng chí Krasnov,” vị Tổng Thống thứ 47 của nước Mỹ cần nhận rõ rằng trong mắt nhiều người, ông đang bị xem chỉ là một kẻ thích nói phét và hứa cuội, không thể giải quyết được những cuộc chiến đang xảy ra và cũng không ngăn được những cuộc chiến mới.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: