(Hình minh họa: History in HD/Unsplash)

Trong khi những cuộc đàm phán giữa Washington và Moscow về chiến sự Ukraine, công khai lẫn không công khai, đang diễn ra thì Tổng Thống Zelensky một lần nữa khẳng định sẽ không từ bỏ “lằn ranh đỏ” mà Ukraine đã vạch ra.

Đó là Kyiv sẽ không bao giờ công nhận các vùng lãnh thổ Nga đang chiếm đóng là của Nga, và sẽ không đồng ý giảm qui mô quân đội để thiết lập hòa bình công bằng.

Warsaw cũng cảnh báo hậu quả nếu đàm phán Mỹ-Nga về Ukraine vượt “lằn ranh đỏ”. Và “lằn ranh đỏ” của Ba Lan không khác mấy với “lằn ranh đỏ” của Ukraine. Đó là trong khi các giải pháp tạm thời nhằm ngăn chặn xung đột có thể chấp nhận được, thì việc thỏa mãn yêu cầu của Moscow về việc công nhận Crimea và 4 tỉnh vùng Donbas thuộc chủ quyền Nga sẽ là một sai lầm lịch sử.

Theo Warsaw, bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào công nhận quyền kiểm soát của Moscow đối với các vùng lãnh thổ trước đây thuộc Ukraine sẽ gây ra thảm họa cho an ninh của các thành viên NATO ở Âu Châu. Warsaw cho rằng rất khó để thảo luận về an ninh ở Ukraine tách biệt với vấn đề an ninh chung của Trung Âu, trong đó có Ba Lan.

Cảnh báo này của Warsaw được đưa ra trong tình hình Tổng Thống Trump tiến hành những cuộc đàm phán với Nga hầu nhanh chóng chấm dứt chiến sự Ukraine. Trước đó, Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio cũng như đặc phái viên của Tổng Thống Trump là Steve Witkoff gợi ý rằng Kyiv có thể sẽ phải thừa nhận chủ quyền của Nga đối với một số vùng lãnh thổ để chấm dứt xung đột.

Còn vào lúc này, một số nhà quan sát cho rằng Washington đang chuẩn bị tối hậu thư cho Kyiv. Theo đó, Kyiv phải ký thỏa thuận hòa bình theo các điều kiện của Nga, nếu không sẽ bị Mỹ cắt hết quân viện và tin tình báo. Tổng Thống Zelensky dường như cũng lường trước điều này nên đã viết trên mạng X: “Sự bạc nhược không bao giờ kết thúc một cuộc chiến” như để cảnh báo Washington không được nhượng bộ Nga, và rằng Kyiv sẽ không chấp nhận nhượng bộ Nga dù Washington có ra sức ép đi nữa.

Những người ủng hộ chính nghĩa của Ukraine lo ngại Washington, do nóng lòng muốn kết thúc cuộc chiến, sẽ quay sang ép kẻ yếu là Ukraine, buộc Kyiv nhượng lãnh thổ cho Nga khi không thể ép kẻ mạnh là Nga. Song thiết nghĩ, sẽ không dễ cho Washington thực hiện điều này, bởi Âu Châu sẽ nổi giận nếu Washington buộc Ukraine phải nhượng bộ Nga bằng cách cắt hết quân viện và tin tình báo. Mà sự nổi giận của Âu Châu như thế nào thì Washington có thể lường được, đó là không đồng ý cho Kyiv ký vào một thỏa thuận thua thiệt. Ngay cả Kyiv cũng không đời nào chịu ký một thỏa thuận thua thiệt như thế. Mà như vậy, dù Washington có mong muốn thế nào đi nữa, chiến tranh vẫn không thể kết thúc.

Hẳn sẽ có thắc mắc rằng nếu Washington ép Kyiv nhượng cho Nga 4 tỉnh vùng Donbas, ngoài Crimea, thì lấy đâu cho Washington khai thác đất hiếm. Câu trả lời có thể là sau khi ép được Kyiv nhượng cho Nga các vùng đó, Washington sẽ hợp tác với Moscow khai thác đất hiếm ở đó. Nghĩa là Washington sẽ ăn chia việc khai thác đất hiếm với Moscow, không phải với Kyiv. Thực tế là hiện tại đang có thương thảo về việc khai thác đất hiếm giữa Moscow và Washington, dù chưa rõ sự khai thác này có nằm cả trong các vùng lãnh thổ của Ukraine hay không.

Điều cần nhấn mạnh là đâu phải Washington cắt hết quân viện và tin tình báo cho Kyiv thì Ukraine sẽ phải đầu hàng Nga. Vẫn còn đó Âu Châu hỗ trợ Ukraine. Chưa nói là sự nổi giận của Âu Châu sẽ còn được thể hiện ở việc họ sẽ chấm dứt mua vũ khí do các công ty Mỹ sản xuất, điều mà Washington mong muốn sẽ không xảy ra. Vì nếu điều này xảy ra thì sẽ là thảm họa cho ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ mà Âu Châu từ bao lâu nay vốn là khách hàng lớn nhất. Ai cũng tin rằng nhiều quan chức cao cấp của chính quyền Mỹ đều có cổ phần trong các công ty quốc phòng lớn của Mỹ với doanh thu lên tới hàng trăm tỷ Mỹ kim một năm. Đồng tiền liền khúc ruột, chắc chắn Washington sẽ phải đắn đo, cân nhắc nếu tính chuyện ép Ukraine nhượng bộ Nga.

Rốt cuộc, sẽ không dễ cho Washington đạt được một nền hòa bình nhanh chóng ở Ukraine bằng cách đạp lên đầu Ukraine. Bởi đạp lên đầu Ukraine là đạp lên đầu Âu Châu. Ông Putin hoàn toàn có lý khi nói rằng sẽ ngây thơ nếu nghĩ rằng xung đột Nga-Ukraine sớm chấm dứt. Xung đột xem ra chỉ có thể kết thúc một khi Nga đuối sức và rút lại các yêu cầu của họ về lãnh thổ của Ukraine. Mà điều này chỉ xảy ra khi Washington gây áp lực mạnh mẽ và dứt khoát với Moscow về kinh tế và quân sự mà thôi.

Chính quyền của Tổng Thống Donald Trump cần hiểu điều này.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: