Những tên cướp biển

(Hình minh họa: Ricardo Díaz/Unsplash)

1.

Sau vụ tàu cá Quảng Ngãi bị tàu Trung Quốc tấn công tàn bạo, Thủ Tướng Lý Cường có chuyến thăm Việt Nam

Hẳn ông Lý Cường sang Việt Nam không phải để xin lỗi. Lỗi gì mà xin khi Bắc Kinh luôn miệng nói ngư dân Việt Nam xâm phạm lãnh hải của họ. Xâm phạm thì phải đánh cho chừa, vậy thôi! Nhưng chắc ông thủ tướng này sang là để xem các ngư dân Việt vừa bị đánh còn sống không, hay là toi rồi. Toi thì càng tốt. Có thế mới chừa.

Có thể nhân chuyến thăm này, ông Lý đề nghị cho Việt Nam vay tiền để làm tàu cao tốc nhằm chứng tỏ tấm lòng của “bạn vàng bốn tốt.” Vậy là vừa đánh vừa xoa. Xoa xong lại đánh, mấy hồi!

Điện ảnh Liên Xô từng làm bộ phim “Những Tên Cướp Biển Của Thế Kỷ 20” khá hay. Trong đầu nhiều ngư dân Việt hiện nay, Trung Quốc đích thị là những tên cướp biển của thế kỷ 21. Có ý kiến rằng ngư dân Việt khi ra khơi nên mang theo súng hoặc dao thay vì “cờ tổ quốc.” Vì qua những vụ ngư dân Việt bị tàu Trung Quốc đánh đập, Trung Quốc xem “cờ tổ quốc” chẳng hơn gì cái giẻ lau.

Có thể nói mối quan hệ Việt-Trung bấy lâu nay chỉ là thứ quan hệ bằng mặt mà chẳng bằng lòng. Chỉ là Hà Nội không dám nói thẳng ra mà thôi.

Thôi thì không bằng lòng thì hãy cố mà bằng mặt. Cộng đồng chung vận mệnh là vậy. “Bạn vàng bốn tốt” muôn năm!

2.

Liên đoàn các tổ chức Nhật Bản chịu ảnh hưởng bom A và bom H, được gọi là Nihon Hidankyo, đoạt giải Nobel Hòa Bình 2024 cho chiến dịch loại bỏ vũ khí hạt nhân.

Không phải tự nhiên mà Uỷ Ban Nobel quyết định trao giải cho Nihon Hidankyo. Bởi đây là thời điểm ngày càng có nhiều lo ngại về vũ khí hạt nhân có thể bị đem ra sử dụng, đặc biệt từ những lời đe dọa của Điện Kremlin.

Tại một cuộc họp báo ở Hiroshima, người đứng đầu Nihon Hidankyo là ông Mimaka phát biểu rằng việc xóa bỏ vũ khí hạt nhân là hoàn toàn có thể nếu thế giới đấu tranh không ngừng.

Vậy là những người hết lòng chống vũ khí hạt nhân được vinh danh bằng giải thưởng Nobel Hòa bình. Mỉa mai là Putin, kẻ thích đem hạt nhân ra hù dọa, cũng từng được dề cử giải Nobel Hòa Bình hồi năm 2021, theo đề cử của nhà văn thân Putin là Sergei Komkov. Song Uỷ Ban Nobel thừa tỉnh táo để không trao giải cho tổng thống Nga này, kẻ từng xua quân chiếm đoạt bán đảo Crimea của Ukraine năm 2014. Lúc đó, phát ngôn viên Điện Kremlin là Dmitry Peskov nói rằng sẽ tuyệt vời nếu ông Putin được trao giải này. “Nếu không thì cũng không vấn đề gì,” Peskov nói thêm.

Peskov phải nói thế này mới chính xác: Đó là Nobel Hòa Bình mà được trao cho một kẻ hiếu chiến như Putin thì mới thực là có vấn đề.

3.

Trung Quốc có một nền văn hóa rực rỡ khiến nhân loại ngưỡng mộ.

Song ngày nay, nhiều người lại không có mấy cảm tình với quốc gia đông dân nhất thế giới này. Tại sao?

Thiết nghĩ là vì những nhà lãnh đạo Trung Quốc hiện nay nhiều lúc hành xử rất vô văn hóa, nếu không nói là mất dạy, không xứng đáng là con cháu cụ Khổng. Khổng Tử dạy: “Kỷ sở bất dục vật thi ư nhân,” nghĩa là điều gì mình không muốn thì đừng làm cho người khác.

Vậy mà giới lãnh đạo Trung Quốc lại thích làm ngược lại lời dạy của Khổng Tử nên bị thiên hạ ghét. Nói thẳng ra, ông Tập chỉ biết nghĩ cho nước mình mà không biết nghĩ cho nước khác. Ở đời, khôn vừa thì người ta yêu, mà khôn quá thì người ta sợ. Nghĩ tới mình mà cũng biết nghĩ tới người khác thì mới thực là khôn. Khôn kiểu ăn thịt người thì không phải là khôn.

Khổng Tử mà sống lại hẳn sẽ dạy ông Tập rằng cái gì Trung Quốc không muốn thì đừng làm cho nước khác. Nhưng trước lời dạy của cụ Khổng, có thể ông Tập sẽ cười mà rằng: “Cái gì nước khác không muốn thì mình cứ làm cho chết mẹ nó đi!”

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: