Vẻ đẹp thiên nhiên của Biển Hồ
Câu chuyện một cái cổng vào khu du lịch Biển Hồ, Gia Lai trị giá 11 tỉ đồng của dự án không gian cổng 25 tỉ đồng, đang nóng trên dư luận.
Theo một người có trách nhiệm của dự án, thì : Trong số hơn 11 tỉ đồng xây cổng chào, phần giá trị xây dựng cổng đá hơn 6 tỉ đồng.
Riêng 11 chiếc chiêng đồng gắn lên cổng chào có giá hơn 4 tỉ đồng, được đặt làm bởi một làng nghề đúc đồng ở phía Bắc.
Trong quyết định phê duyệt thiết kế xây dựng, công trình cổng vào khu danh thắng Biển Hồ có dự toán 25 tỉ đồng. Trong đó, chi phí xây dựng 20,92 tỉ đồng, chi phí tư vấn xây dựng 1,79 tỉ đồng, dự phòng phí 1,38 tỉ đồng, chi phí quản lý dự án 551 triệu đồng, chi phí khác 351 triệu đồng.

Cổng cũ bị đập.
Biển Hồ Pleiku (Biển Hồ T’nưng) có thế mạnh thiên nhiên núi non gợi cảm, hồ nước khoáng đạt, bát ngát đại ngàn, chưa bị xâm hại, cùng khí hậu trong lành, mát mẻ. Với một chủ đề du lịch mang tính thiên nhiên sinh thái an lành như vậy, sao lại cần cái cổng đá chình ình cùng cái tháp treo 11 cái chiêng ?
Nếu nhà tư vấn đúng nghĩa nhà tư vấn chứ không phải “quân xanh trá hình”thì chỉ cần cái lối vào xếp đặt vài cột đá núi lửa (đặc sản vùng bazan) và một vài tiểu đảo hoa là đủ gây ấn tượng và phù hợp.
Tổng bí thư Tô Lâm đang kịch liệt lên án các trò bày vẽ dự án xây dựng nhân danh phát triển để kiếm chác. Việc Gia Lai xây cổng một khu du lịch những 25 tỉ – 1 triệu đô la – phải chăng là minh chứng cho thực tiễn “trên thì xót tiền dưới thì vung tiền vô tội vạ” ?

Mô hình cổng mới.
Hãy điều tra, rất đơn giản 11 cái chiêng đồng trong đó một nửa là chiêng rất nhỏ, thực giá nếu không phải 4 tỉ mà bao nhiêu ? Tiền chênh lệch ấy đi đâu ?
Hãy điều tra, với khối lượng đá làm cái cổng cùng công thợ là bao nhiêu trong cái số tiền đã chi là 6 tỉ ?
Hãy điều tra, làm một cái cổng sao lại chi đến 1,79 tỉ tiền tư vấn ? Ai cũng biết cái gọi là “kinh phí tư vấn”ở nhiều dự án thực chất là để hợp pháp cho dòng tiền “gật đầu”cho dự án. Vậy thì ai tư vấn, tư vấn cái gì cho cái cổng ấy để nhận những 1,79 tỉ ?
Dễ biết quá mà !