Nhà hát cho ‘bọn’ quan họ, hay cho cả họ ‘bọn’ nhà quan?

Mặt trước Nhà hát Dan ca Quan họ Bắc Ninh được thiết kế phần chính là gỗ, mang dáng vẻ như cái mão của một bạo chúa Trung Quốc. (ảnh: Tạp chí Kiến trúc)

Mọi chuyện bàn ra tán vào chung quy cũng do mấy trăm cái ghế gỗ Đồng Kỵ. Nhìn hình ảnh chúng được đặt trong Nhà hát Dân ca Quan họ Bắc Ninh mới xây “hoành tá tràng”, bọn quan họ và bọn nghe quan họ ngứa mồm chửi đổng: “Vừa phí tiền, vừa phá rừng. Có mấy người nghe đâu mà xây cái nhà hát cho lớn như ‘cái mả ông cụ’….”

Chẳng biết bọn chúng nói ông cụ nào. Mà thôi, chuyện đó khó quá, đừng bàn cho “rách việc nước, xước việc nhà”.

Nhân đây phải thêm cái dấu ngoặc cho phải phép. Theo bác Diện “Hán – Nôm” (Nguyễn Xuân Diện), ngay tại thời điểm trăm kẻ bênh, ngàn kẻ chống (cái nhà hát quan họ ấy) như hiện nay, người ta vẫn chưa biết quan họ có từ bao giờ. Chỉ biết là (vẫn theo bác Diện) “không gian văn hóa quan họ trải dài khắp 49 làng quan họ cổ của trấn Kinh Bắc xưa, nay thuộc hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang”.

Thời gian của Quan họ là bốn mùa, họ thích hát lúc nào thì hát thôi, tuy nhiên mùa Xuân mới là mùa Quan họ thực sự. Lúc đó nhà nông có thời gian nghỉ việc đồng, nam thanh nữ tú cứ đua nhau trẩy hội. Người Kinh Bắc hát quan họ trên thuyền, trên đồi, trong chùa, trong đình, và trong các tư gia…

Lúc đó làm gì có được cái nhà hát cho ra hồn, mà nếu có chăng nữa, chắc họ cũng “ứ mà vào”.

Hàng ghế gỗ được đặt phía trong Nhà hát Dân ca Quan họ Bắc Ninh. (ảnh: Facebook)

Thời đó, trai gái các làng quan họ lại thường tụ tập thành từng bọn (“bọn” là từ cổ, chỉ một nhóm người) để cùng nhau hát. Một bọn quan họ thường là những người trong một làng với nhau, với ý là để đối đáp với làng khác. Gặp nhau, người quan họ dùng những lời xưng hô thật nhún nhường, lịch sự. Bên nào cũng vui vì gặp gỡ, cũng mong được học lấy đôi lối đôi câu.

Những bọn quan họ gặp nhau, thường là hát với nhau thâu đêm suốt sáng ở nhà chứa (nhà ông trùm của một bọn quan họ), và nghỉ lại ở nhà quan họ bạn của mình. Đó là tục ngủ bọn, có từ thưở xa xưa lắm!

Thế nên, nói “bọn quan họ” không có nghĩa là chê bai, hay hạ thấp họ, mà chỉ do dùng chữ xưa thôi. Còn khi nói “cả họ ‘bọn’ nhà quan”, hay “bọn quan lại”, thì phải hiểu có ý khinh miệt.

Ngày xưa, các cụ hay chơi chữ như thế. Bọn quan họ còn có chữ “nhà chứa” cũng kinh khiếp lắm. Hồi xưa, chỉ có ông trùm của bọn quan họ mới có nhà chứa thôi. Đó là một căn nhà đủ rộng cho cả bọn quan họ hát hò, rồi nghỉ lại. Nó khác với “nhà chứa” ngày nay, dành cho cả họ “bọn nhà quan” đến đó đú đởn, “treo quần dài lên móc” như một tên quan xã ở Cà Mau.

Sở dĩ phải giải thích lòng vòng bọn quan họ như thế, mới hiểu bọn quan họ xưa cũng như nay, nếu giữ vững truyền thống thì chẳng cần cái nhà hát to đùng như thế làm gì cả. Một liền anh quan họ Bắc Ninh nói rằng, chẳng thể nào hát cho ra hồn trong không gian ấy, nó cứ như vào phủ hát cho quan nghe. Một liền chị thì nói  “chỉ nhìn mấy cái ghế thôi là em đã ‘thần hồn nát thần tính’, run cầm cập. Khán giả xem mà cứ như ‘quan phụ mẫu’ ngồi cứng đơ người ra, làm sao mà chúng em ‘giao lưu’ dâng trà, mời trầu được!”

Quan khách thưởng thức quan họ tại Nhà hát dân ca Quan họ Bắc Ninh. Với thành ghế thẳng đứng, chiếc ghế gỗ không thể nào tại sự thoải mái cho người đến thưởng thức quan họ. (ảnh: Lao Động)

Ngay cả bọn xem quan họ xưa nay vẫn thích đàn đúm xuề xòa, ngồi chiếu hoa nghe quan họ, thích câu nào đánh vào đùi cái “đét” cho đã, chứ “vào trong ấy nó lớn quá, tớ có cảm tưởng như vào lăng mộ Tần Thủy Hoàng”.

Bác Nang đi xem quan họ trong Nhà hát Dân ca Quan họ Bắc Ninh lần đầu về kể như thế. Bác này thuộc loại “sử Việt không thông, sử Tàu lau láu”, nói “chẳng biết các ‘bố’ học xa trông rộng kiểu gì, xây bốn mặt tiền như cái mão của tên bao chúa Tần Thủy Hoàng, các bác ạ”. Bác Nang nói thêm: “Thú thật với các bác, nhìn từ xa là em đã thấy hãi rồi. Nó giống cái mão của tên bạo chúa này lắm. Vào bên trong nhìn thấy hơn ba trăm cái ghế xếp hàng thẳng tắp lại làm em liên tưởng đến ‘đội quân ma’ của Tần Thủy Hoàng. Nó ghê rợn làm sao đấy các bác ạ!”

Quan khách thưởng thức quan họ tại Nhà hát dân ca Quan họ Bắc Ninh. Với thành ghế thẳng đứng, chiếc ghế gỗ không thể nào tại sự thoải mái cho người đến thưởng thức quan họ. (ảnh: Lao Động)

Đấy! Bọn quan họ và bọn xem quan họ “ngứa mồm” cứ phát biểu linh ta linh tinh trên “phây” như thế. Nói gì thì nói, bọn chủ đầu tư chỉ cười khảy thôi. Như lão Hùng, đứng đầu ở Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh, còn bỉm môi nói, kệ bọn vô học nói gì thì nói, cãi làm gì cho tốn nước bọt. Ý lão chính xác là như thế, nhưng khi nói với báo chí thì lão ấy nói trại đi một tí cho có văn hóa là “không thể chiều hết mọi người” được.

Ý lão Hùng cũng có phần đúng, vì việc đánh giá Nhà hát dân ca quan họ Bắc Ninh là trách nhiệm của Sở Xây dựng Bắc Ninh, Hội Kiến trúc sư Bắc Ninh. Hơn nữa, vì công trình này đã được phê duyệt từ nhiệm kỳ trước; khi lão về đây nhận chức thì chỉ còn vài khúc xương khô, “chó cũng không thèm gặm”. Thế nên lão chẳng thèm có ý kiến làm gì cho mất lòng “đồng chí đi xa”.

Bọn “kiếm chác sư” (kiến trúc sư) đương nhiên hùa theo bọn đầu tư, cho rằng đấy là một công trình đẹp, cho đến bây giờ họ vẫn đang tự hào. Lão Ánh ở cái hội “kiếm chác sư” Hà Nội cho biết thiết kế của Nhà hát Dân ca Quan họ Bắc Ninh khá hiện đại, lại có hàng ghế gỗ như vậy thì là “tân cổ giao duyên” cũng khá phù hợp.

Dù chỉ là một nhà hát quan họ, nhưng nó lại mang dáng vẻ uy nghi như một cung điện thời phong kiến Trung Quốc. Hình dáng này làm cho người ta sợ hơn là tạo sự gần gũi. (ảnh: Tạp chí Kiến trúc)

Chẳng biết tay nghề lão Ánh cao tới đâu mà lại lấy cái đầu quan họ Bắc Ninh (miền Bắc) gắn vào cái đuôi “tân cổ giao duyên” của miền Nam vào, rồi khen là “khá phù hợp”.

Chưa hết, lão thợ vẽ kiêm đục đá tên Sinh cũng nhào vào xum xoe với ý kiến của lão Ánh. Sinh nói những chiếc ghế gỗ “phù hợp với thiết kế cảm hứng từ mái đình truyền thống. Gỗ là sản phẩm rất bền, nếu có thể thì thay họa tiết đệm đi một chút cũng được, nếu không để thế cũng không sao” (!)

Lão Sinh còn nói “việc tranh cãi là không nên, bởi mình phải biết rõ thì hãy nên nói, nếu không lại làm tổn thương người làm, người bỏ bao công sức để sáng tạo nên công trình đó”.

Nghe đạo đức quá, nhưng quả thật khó có ai hiểu lão Sinh muốn nói gì, ngoài chuyện “cả vú lấp miệng em”

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: