Bạn có dám đi máy bay thương mại chỉ có một phi công?

Ảnh: Blake Guidry/Unsplash

Hình ảnh buồng lái máy bay thương mại với hai phi công vốn quen thuộc nhiều năm nay có thể thay đổi trong tương lai khi chỉ còn một người. Sự phát triển cực mạnh của kỹ thuật ngày nay sẽ khiến điều này ngày càng gần với hiện thực… Tuy nhiên, “gần” như thế nào?

Trong một máy bay chở khách vào năm 1950, buồng lái có đến năm người: Hai phi công, một nhân viên điều hành vô tuyến, một hoa tiêu và một kỹ sư bay. Thời gian gần đây, với sự tiến bộ kỹ thuật trong liên lạc vô tuyến, hệ thống định vị và thiết bị giám sát trên máy bay, buồng lái chỉ còn hai phi công. Đó là tiêu chuẩn trong ngành hàng không thương mại trong khoảng 30 năm qua.

Việc buồng lái có một phi công từ lâu đã áp dụng trên một số máy bay nhỏ hoặc máy bay quân sự. Tuy nhiên, với máy bay thương mại lại là chuyện khác. Một nghiên cứu năm 2014 về vấn đề này do NASA thực hiện cho biết: “Quá trình chuyển đổi từ buồng lái hai phi công sang buồng lái một người sẽ khó khăn hơn đáng kể so với việc chuyển đổi từ buồng lái năm người sang buồng lái hai người”. Để có thể sử dụng một phi công, một là tăng cường tự động hóa trong buồng lái; hoặc hai, là chuyển một số tác vụ xuống bộ phận kỹ thuật dưới mặt đất.

Cách tiếp cận thứ hai có vẻ khả thi hơn, vì phần lớn những gì cần thiết để thực hiện điều này trong thực tế đã tồn tại. Trong một kịch bản do NASA đề xuất, phi công duy nhất trong buồng lái sẽ được hỗ trợ bởi một “siêu điều phối viên” (“super dispatcher”) dưới mặt đất. Đó là một phi công được đào tạo bài bản có thể giám sát một số chuyến bay cùng một lúc và thậm chí điều khiển máy bay từ xa nếu cần, trong trường hợp phi công trên buồng lái gặp trở ngại gì đó. Một lựa chọn khác là “phi công cảng” (“harbor pilot”). Đây dĩ nhiên cũng là một phi công được đào tạo nhưng chuyên về một phi trường cụ thể. Người này có thể trợ giúp nhiều máy bay đến và đi từ sân bay đó.

Ảnh: Trac Vu/Unsplash

CNN (ngày 13-1-2022) cho biết, NASA đã thử nghiệm các thiết lập này bằng cách đặt các phi công của những phi hành đoàn thật vào các phòng riêng biệt, trước khi bắt họ thực hiện các điều kiện bay khó khăn trên một máy bay mô phỏng Boeing 737. Kết quả, tất cả phi công đều có thể hạ cánh an toàn, nhưng nghiên cứu cho thấy “khối lượng công việc tăng lên đáng kể” so với các hoạt động thông thường đội bay hai người, dẫn đến “các đánh giá chủ quan về độ an toàn và hiệu suất bị suy giảm đáng kể”.

Việc bỏ sót các tín hiệu nhìn bằng mắt thường của phi công lái cùng (co-pilot) đôi khi dẫn đến nhầm lẫn hoặc không chắc chắn về chuyện rằng, thao tác này hoặc thao tác kia đã làm hay chưa. NASA cho biết thêm, việc chỉ có một phi công sẽ tiết kiệm tiền cho các hãng hàng không, với điều kiện chi phí cho việc đầu tư vào kỹ thuật mặt đất cũng như hệ thống tự động hóa tiên tiến cũng không tăng.

Bất luận thế nào, các hãng hàng không cũng đang tăng tốc việc tìm cách sử dụng một thay vì hai phi công. Điều này không chỉ giúp họ tiết kiệm ngân sách mà còn bởi sự thiếu hụt phi công. Boeing dự đoán ngành hàng không cần 600,000 phi công mới trong hai thập niên tới, nhưng theo một số ước tính, hàng không thế giới sẽ thiếu ít nhất 34,000 phi công trên toàn cầu vào năm 2025 (ba năm nữa). Tuy nhiên, chính phi công lại là những người chống lại việc này. Một phần vì viễn cảnh thất nghiệp; phần vì họ cho rằng kỹ thuật hiện nay dù hiện đại thế nào cũng chưa thể thay thế nổi người.

Năm 2019, Hiệp hội Phi công Hàng không Quốc tế (Airline Pilots Association, International – ALPA), liên đoàn phi công hàng không lớn nhất thế giới, đã đưa ra báo cáo, nhấn mạnh sự nguy hiểm của máy bay thương mại một người lái. ALPA gọi ý tưởng này là “chưa đủ chín chắn”, dựa trên “nhiều công nghệ tốn kém và chưa được chứng minh”, đồng thời tuyên bố rằng “đặc điểm an toàn sống còn nhất trên máy bay vận tải hiện nay và trong tương lai gần [là] sự có mặt của hai phi công chuyên nghiệp có kinh nghiệm, được đào tạo và được (luân phiên) nghỉ ngơi trong buồng lái”. Báo cáo ALPA cũng nói rằng không có hệ thống tự động nào có thể thay thế một phi công và rằng vô số ví dụ cho thấy có nhiều sự cố mà nếu không có hai phi công thì thảm họa kinh hoàng đã xảy ra.

Điển hình nhất là vụ US Airways Flight 1549 hạ cánh xuống sông Hudson (New York) năm 2009 mà không có tổn thất nhân mạng nào. Đó là nhờ Cơ trưởng Chesley “Sully” Sullenberger phối hợp xử lý tốt với phi công phụ Jeff Skiles. Ngược lại, năm 2015, sự cố thảm khốc đối với Germanwings Flight 9525 đã xảy ra, khi cơ trưởng đi vệ sinh không thể giám sát được tình hình cùng phi công phụ. Muốn tự tử, viên phi công phụ đã khóa cửa buồng lái và đâm thẳng máy bay vào núi!

Năm 2019, Don Harris, giáo sư Đại học Coventry (Anh), tiến hành một cuộc khảo sát về máy bay thương mại một người lái. Chỉ khoảng 50% người tham gia khảo sát cho biết họ sẵn sàng lên một chiếc máy bay như vậy. Đối với hành khách hàng không, có ba yếu tố quan trọng nhất: Trạng thái lúc làm việc của phi công; mức độ tin tưởng vào công nghệ; và sự kết hợp giữa giá vé và danh tiếng hãng hàng không. Don Harris kết luận rằng máy bay thương mại chở khách với chỉ một phi công chắc cũng phải 20 năm nữa mới có thể thành hiện thực.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: