Bí mật của nghệ thuật tặng quà

(ảnh: Unsplash)

Món quà yêu thích nhất là món quà được người nhận xem như biểu hiện của sự quan tâm thực sự, gợi nhớ sự gắn kết quá khứ và là viên gạch làm bền chắc thêm mối quan hệ giữa người nhận và người cho. Giá trị bằng tiền chỉ là thứ yếu.

Hiểu người trước khi tặng quà

“Gia đình tôi không nằm trong số người thường được tặng quà, vì vậy có vẻ mỉa mai khi tôi đã phát hiện ra hai bí quyết để tặng những món quà mà mọi người sẽ yêu thích,” Aaron Ahuvia, nhà tâm lý học người tiêu dùng tại Đại học Michiganp-Dearborn, nói với CNN. “Bí quyết đầu tiên: những món quà được người nhận yêu thích nhất hiếm khi đắt nhất, mà thường là thứ được người đó mong đợi. Chúng là bằng chứng hữu hình cho thấy người tặng thực sự yêu thương người nhận và tình yêu đó không hời hợt mà dựa trên sự hiểu biết sâu sắc về những gì người nhận muốn có. Bí quyết này tôi đã đề cập trong cuốn sách “The Things We Love: How Our Passions Connect Us and Make Us Who We Are” của mình.”

(ảnh: Unsplash)

Ahuvia cho biết ông có viết trong cuốn sách: Chúng ta hợp nhất người mình yêu vào sâu trong ý thức và biến họ thành một phần của con người mình. Muốn vậy, chúng ta phải hiểu biết sâu sắc về người mình yêu. Vì vậy, khi người nhận được một món quà tiết lộ hiểu biết của chúng ta về họ, cũng chính là sự khẳng định tình yêu và sự quan tâm của chúng ta dành cho họ. Nhưng để có được những món quà khiến người nhận hạnh phúc vì được quan tâm, bạn phải tâm sự với họ một thời gian dài. Để ai đó cảm thấy được quan tâm, bạn phải thấu hiểu họ trước đã”.

Steve, bạn của Ahuvia thuộc số người gặp may mắn khi ông nhận được món quà của hai cô con gái và vẫn trân trọng giữ nó đến tận hôm nay. Ông nhớ lại: “Jaime mua cho tôi một cái ly in chữ Scrabble, và Cari mua cho tôi một cái ly có in bên ngoài ảnh trích từ chuyện kể “Frog and Toad” (Ếch và Cóc). Điều khiến tôi cảm động về cả hai món quà này là tôi biết các con gái đã tìm hiểu và biết được một số sở thích của tôi. Thật hạnh phúc khi được ai đó nhìn thấy những gì bạn khao khát, dù chỉ là nhỏ”.

Giả sử bạn đang tìm mua một món quà cho một người bạn đam mê nấu ăn tại nhà thì bạn cũng đừng vội mua ngẫu hứng, mà hãy tìm hiểu kỹ những gì người bạn thích khi nấu ăn, những món ăn yêu thích của họ, dụng cụ làm bếp họ thường dùng và cả những gì họ chưa hài lòng trong nhà bếp. Biết càng nhiều, bạn càng tìm được món hoàn hảo nhất.

Trong lĩnh vực tiếp thị và thiết kế, các chuyên viên cũng sử dụng phương pháp tương tự thông qua các cuộc phỏng vấn và khảo sát để tạo ra sản phẩm hoàn hảo được người tiêu dùng yêu thích. Phương pháp này cũng rất hiệu quả trong cuộc sống hàng ngày để tìm ra đúng món quà mà người được tặng sẽ yêu thích. Tất cả những gì bạn cần làm là “hãy tò mò nhiệt tình” về cuộc sống và sở thích của người mình định tặng quà, miễn là không đi sâu vào đời tư của họ.

Nói như Dale Carnegie, bí quyết để có được tình bạn thân thiết hơn, không phải là tạo ra niềm vui mà là sự quan tâm. Ngay cả khi bạn thiếu sót một chút gì đó trên một món quà, thì sự trân trọng vẫn không giảm, nếu món quà báo cho họ biết bạn vẫn thực sự quan tâm đến họ như thế nào.

Mua quà, đừng bị kẹt ở ‘túi tiền’

Bí mật thứ hai của quà tặng là nó nhắc nhở người nhận về mối liên hệ trong quá khứ giữa hai người và thúc đẩy mối liên hệ trong tương lai. Steve yêu thích những món quà là ly uống cà phê, không chỉ vì chúng khiến ông thấy được quan tâm, mà còn bởi vì những món quà đó từ những cô con gái trưởng thành, nhắc ông nhớ lại thời ông và tụi nhỏ thân nhau thế nào. Đó là lúc ba cha con cùng nhau chơi Scrabble và đọc truyện “Ếch và Cóc”.

(ảnh: Unplash)

Trong cuốn sách của Ahuvia, bà tóm tắt một danh sách dài các nghiên cứu cùng hướng đến một kết luận: Một trong những lý do chính khiến mọi người yêu thích món quà tặng là chúng tạo ra sự kết nối. Bà cũng nhấn mạnh yếu tố này trong bài viết “Nothing Matters More to People than People: Brand Meaning and Social Relationships” đăng trên tờ Review of Marketing Research.

Người bạn Ed kể cho Ahuvia nghe về một số đồ chơi yêu thích mà ông nhận được lúc mới 5 tuổi sau khi lần đầu tiên nhìn thấy hộp đồ chơi Poppin’ Fresh mà người dì của ông có trong bộ sưu tập đồ lưu niệm Pillsbury của bà. Ed nhớ lại: “Dì ấy nói, mắt tôi thường sáng lên mỗi khi nhìn thấy những bức tượng nhỏ và tôi luôn đòi lấy xuống chơi khi tôi đến thăm bà. Rồi một ngày, bà nói bà muốn tặng chúng cho tôi. Tôi quý món quà này vì nó là thứ bà rất yêu quý, nay bà giao cho tôi giữ gìn. Hiện tôi vẫn còn giữ chúng.” Ahuvia giải thích: “Những món quà này có ý nghĩa rất lớn với bạn tôi vì chúng xuất phát từ trái tim và tạo ra sự kết nối giữa anh ấy và người dì”.

Tặng một thứ gì đó bạn có trong kho báu của mình luôn tạo ra ấn tượng đặc biệt mạnh mẽ và khó quên. Nhưng cũng có một cách để làm cho một món quà biến thành chất xúc tác tăng cường sự kết nối. Đó là sử dụng món quà như một phương tiện để dành thời gian cho nhau. Điều này đặc biệt hiệu quả với trẻ nhỏ và người thân lớn tuổi của chúng.

Cách thực hiện như sau: Tặng con trẻ một trò chơi rồi bỏ ra chút thời gian chơi với chúng. Hãy để chúng dạy bạn cách chơi. Nếu bạn đưa cho người thân một cuốn sổ lưu niệm trống, hãy dành thời gian ngồi bên họ và cùng viết với nhau. Món quà sẽ rất được yêu thích khi người nhận nhìn nó như “nhịp cầu nối” người tặng và người cho với nhau.

Mua quà tặng đôi khi khiến chúng ta bị mắc kẹt giữa trái tim và túi tiền. Khi đó hãy tự an ủi bằng câu nói: “Ý nghĩa mới quan trọng”. Trong nghiên cứu của Ahuvia về những món quà mọi người yêu thích, bà không tìm ra nhiều bằng chứng cho thấy một món quà chỉ cần đắt tiền là đủ gây ấn tượng lâu dài đến người nhận và làm tăng sự kết nối. Tiền chẳng là gì với quà tặng. Điều quan trọng hơn là nhìn đối tượng được tặng quà theo cách họ muốn được nhìn, đánh giá cao các mối quan hệ đang có và đã có giữa hai người và sử dụng quà tặng như “viên gạch” để xây dựng mối quan hệ sâu sắc, bền vững hơn.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: