Chồng chúa vợ tôi

(Minh họa: Irina Iriser/Pexels)

Ba má em lấy nhau hơn 40 năm. Má em rất yêu và lo cho chồng, trong bữa ăn, em thấy món gì ngon là má em dành cho ba. Ngày xưa mà còn thấy má thích cái này thích cái kia, bây giờ thì không còn thấy má thích nữa, mà chỉ thấy ba thích, má em chỉ ăn những đồ thừa của những ngày hôm trước. Nếu có rầy má thì má nói “bỏ tội trời.” Má rất ghét ăn cháo, nhưng từ ngày ba bị rụng mấy cái răng thì má cứ hay nấu cháo. Má em làm như trên đời này chỉ có ba em là cần phải phục vụ.

Má thương ba em ghê lắm, nhưng em không biết sao hình như ba em không thương má, ba em hay cằn nhằn, la rầy, khó chịu. Nhiều khi em thật bực ba. Ba em qua Mỹ đã lâu vậy mà không học được tí nào của đàn ông Mỹ. Trong nhà ba em cứ kiểu chồng chúa vợ tôi. Cả ngày chỉ đọc báo xem tivi, còn thì má em đầu tắt mặt tối, lo đủ các thứ trong gia đình. Ngay cả những việc nặng nhọc cần bàn tay người đàn ông thì má em cũng dành làm.

Em rất muốn nói thẳng với ba em là nên phụ má một tay, nên nói năng dịu ngọt với má, nhưng từ hồi nào đến giờ, cả nhà coi ba như ông trời con, cả em cũng vậy, em cũng sợ ba em, mặc dù em thấy khó chịu quá, mà cũng nhiều lần không dám nói. Rồi còn bị má cản, má không cho em nói, và lại tìm cớ này cớ nọ để bênh vực ba.

Câu mà má em thường dùng để chạy tội cho ba là: “Thôi ba già rồi, chiều chuộng ba đi, lỡ một mai không còn ba nữa mình sẽ hối hận.” Mỗi lần nghe vậy là lòng tức của em lại tan biến ngay. Nhưng chẳng lẽ cứ để má em chịu hoài cảnh như vậy.

Mà hình như càng già ba em càng khó tính. Thỉnh thoảng còn ghen bóng ghen gió nữa. Riết rồi má em ra đường chẳng dám ăn mặc đàng hoàng, vì ba em sẽ nói, già rồi ra đường ai nhìn mà còn diện.

Thưa cô, chịu đựng hoài như vậy có đúng không? Em có nên nói với ba em để ba em sống bớt ích kỷ không? Em xin cám ơn. (Hồng)

GÓP Ý

-Bích Hà

Đọc thư em, tôi hình dung cảnh rất hay thấy trên các đường phố ở Little Saigon, cảnh hai ông bà Việt Nam lớn tuổi, đi xa nhau hàng mấy thước, mà thường là ông đi trước và đi tay không hay có cầm thì chỉ cầm tờ báo, trong khi bà đi sau thì tay xách nách mang. Họ vừa đi vừa nói chuyện rất lớn, mà thường là gây gổ, cằn nhằn nhau.

Hôm nào em thử gây sự với ông đi đàng trước, hay với bà đi đàng sau, em sẽ thấy phản ứng của người còn lại. Họ sẽ không tha cho em, họ ra sức bênh vực “người đồng hành” không cần lý lẽ. Và khi ấy em mới biết họ là một cặp vợ chồng đã sống hàng, hàng chục năm với nhau.

Trở lại trường hợp ba má em. Ba chướng, má chiều, nhưng má không khó chịu, má không la lên là được rồi. Ăn một món ngon, chưa chắc đã ngon, bằng nhìn người thương của mình được ăn một món ngon, nhất là món đó do mình cung cấp.

Kệ ba má em à! Khi nào má không chịu nổi thì má sẽ la lên, bấy giờ em tiếp cứu cũng chưa muộn.

-Hoàng

Những gì bạn kể có lẽ đang xảy ra ở 70% gia đình Việt Nam, nhất là đối với những cặp vợ chồng đã ngoài 60. Nhiều người phụ nữ khóc nhiều hơn cười trong mấy mươi năm sống cùng chồng vì bị người chồng bắt nạt hoặc đàn áp tinh thần.

Cách giải quyết? Hình như là không có, ngoại trừ chờ cho ông chồng đi vào… cõi vĩnh hằng! Người ngoài can thiệp? Không giúp được gì mà người vợ còn bị đay nghiến nhiều hơn, sống khổ sở hơn.

Trong trường hợp của bạn, những gì bạn có thể làm là đừng tạo thêm gánh nặng hay nỗi buồn phiền cho mẹ của bạn là bạn đã làm tròn bổn phận rồi.

-Bà Năm

Đây là tình trạng chung của các gia đình Việt Nam, nếu họ qua Mỹ sớm hơn thì tình trạng này có đỡ hơn.

Đàn ông Việt ở Mỹ ngoan hơn, biết giúp vợ giặt giũ, rửa chén, đi chợ, biết đẩy xe cho vợ khi đi Costco, biết mở cửa xe cho vợ, biết nhường vợ vào cầu thang máy trước, có ông còn biết thay tả cho con. Cứ nhìn cách hành xử của mấy ông là biết mấy ông qua Mỹ lâu chưa hay mới qua.

Chắc vì vậy mà mấy cô Việt Nam thích lấy chồng Việt kiều ngoài chuyện bảo lãnh. Mấy ông Việt Nam sống rất ích kỷ, thấy vợ luôn tay luôn chân, nấu ăn giặt giũ, con cái, lau nhà… họ cứ tỉnh bơ, họ làm như nếu để họ làm thì mất phẩm giá, là hèn hạ là sợ vợ hay sao ấy.

Trong khi đó họ không thấy rằng đàn bà cũng phải đi làm kiếm tiền, mà đôi khi còn kiếm nhiều hơn mấy ổng, nhưng ở nhà vẫn là chồng chúa vợ thôi. Chưa nói đến mấy ông làm lớn ngày xưa, lúc nào đối với vợ con cũng như binh lính, tay chân của mình. Cũng may mà có cái vụ đi Mỹ để đàn bà còn ngóc đầu lên được không thì tôi mọi suốt đời.

Tui vẫn hay nói với con gái tui là nếu có hai người đàn ông muốn lấy con làm vợ, một ông người Mỹ chỉ được 7 điểm, một ông Việt Nam được 10 điểm thì con nên lấy ông Mỹ. Tui xin lỗi mấy ông Việt Nam và cả ông Việt Nam ở nhà tui!

-Yến lai

Đừng tưởng đàn ông Mỹ hơn Việt Nam, cũng thế thôi, số nhờ thì gặp Mỹ hay Việt đều nhờ được, còn số con rệp thì Mỹ hay Việt cũng như nhau, bạn ơi!

(Minh họa: Pixibay/Pexels)

VẤN ĐỀ MỚI 

Thưa cô Nguyệt Nga, năm nay con 34 tuổi. Chồng con bỏ ba mẹ con con đã năm năm, anh ấy có vợ mới.

Sau khi chồng bỏ đi, bố mẹ chồng con nói, “Nó đi đâu kệ nó, con vẫn là con của bố mẹ, nó ăn ở bất nghĩa trời sẽ phạt nó. Con cứ ở đây với bố mẹ không đi đâu cả.”

Con phần không đủ sức sống riêng, phần vì con còn nhỏ, nên vẫn ở lại trong nhà như trước khi chồng con bỏ đi. Bố mẹ chồng con là người rất tốt, họ rất thương và lo cho con như con ruột. Con đi làm cũng không lo lắng nhiều về chuyện gửi hai bé, vì đã có ông bà nội lo. Hai cháu nhỏ cũng quấn quít ông bà. Ai cũng lấy làm mừng cho con là được bố mẹ chồng thương yêu. Mẹ chồng con ở nhà, mỗi sáng bà dậy sớm lo cơm nước cho con mang đi làm, có khi còn giặt giũ áo quần và dọn phòng cho con. Con rất vui và thoải mái khi ở với bố mẹ chồng.

Thấy con ở vậy cũng lâu, bố mẹ chồng con có thúc hối là con nên quen bạn mới, ông bà còn tìm bạn cho con nữa.

Mới đây do bạn bè giới thiệu, con có quen một anh bạn, anh goá vợ, không con cái và gia đình rất đạo đức, con có thưa với bố mẹ chồng về sự quen biết mới, bố mẹ chồng con rất vui mừng khi nghe chuyện. Hai ông bà cứ vun xới vào cho con, còn thúc hối con tiến hành đám cưới lẹ lên, ông bà còn nói là sau này nếu lấy nhau hai vợ chồng cứ ở với bố mẹ như thường, vì thật ra bố mẹ con cũng không muốn xa hai cháu nhỏ, mà con cũng thích ở với ông bà.

Khi con kể cho bạn trai con nghe thì anh ấy nhất định không chịu ở chung, anh ấy nói anh có gia đình của anh, anh cũng có cha mẹ già, anh lại là con một, nên anh muốn con và hai đứa nhỏ về ở chung với gia đình ảnh.

Con rất là phân vân, tại cha mẹ nào cũng không phải là cha mẹ ruột của mình, mà mình đang ở đâu quen đó, con cũng ngại vô cùng khi phải qua nhà ảnh, rồi hai cháu nhỏ nữa. Thôi phức cho xong coi bộ hay hơn hết. Tuy nhiên con gửi thư này làm muốn nghe ý kiến mọi người. Cô Nguyệt Nga giúp con. (Như Hồng)

*****

“Biết Tỏ Cùng Ai” do cô Nguyệt Nga phụ trách, với những chia sẻ ưu tư và vướng mắc liên quan các vấn đề trong cuộc sống mà quý vị không biết tỏ cùng ai. Mọi liên lạc xin gửi đến hộp thư: [email protected]Phần góp ý của độc giả về câu chuyện ở trên sẽ được đăng ở kỳ tiếp theo. Kính mời độc giả tham gia.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: