Con chết, tôi muốn kiện bác sĩ gia đình tôi

(Minh họa: Marcelo Leal/Unsplash)

Thưa cô Nguyệt Nga, tôi đang rất muốn kiện bác sĩ gia đình của con gái tôi.

Năm nay con tôi 17 tuổi. Cháu học online ở nhà từ ngày bắt đầu dịch bệnh. Sau vài tháng học ở nhà, cháu cảm thấy người yếu dần đi, nhất là tay chân, ăn uống không ngon miệng, sau đó da bắt đầu khô, sần sùi và lở loét nhẹ một vài nơi. Tôi nghĩ có lẽ do cháu ít hoạt động, không ra ngoài nên như vậy. Nhưng dường như càng ngày tình trạng cháu nặng hơn.

Tôi cho cháu đến bác sĩ gia đình. Sau khi coi, bác sĩ nói con tôi bị khô da và cho thuốc xức, nhưng thuốc vẫn không giúp ích gì cho cháu. Càng ngày cháu càng tệ hơn, cháu nói đau nhức trong xương, đến khám lần nữa thì ông cho thuốc giảm đau. Lần này về cháu thấy khá lên, không than đau nữa, vợ chồng tôi cũng yên tâm. Nhưng chỉ một vài ngày cháu lại than đau như cũ, chỉ bớt khi uống thuốc, da càng ngày càng lở loét hơn, và xuống cân từng ngày.

Tôi thấy không xong nên đưa cháu vào bệnh viện. Qua nhiều xét nghiệm, bệnh viện xác định cháu bị ung thư thời kỳ cuối. Mặc dù các bác sĩ ở bệnh viện đã hết lòng cứu chữa nhưng cháu không qua khỏi.

Suốt thời gian cháu nằm viện, người bác sĩ gia đình không hề đến. Nhiều người bạn trách chúng tôi tại sao chọn một người không có bằng tốt nghiệp tại Mỹ chỉ trải qua một cái test gì đó để làm bác sĩ gia đình. Đấy là lý do tại sao ông không thể vào bệnh viện nơi con tôi nằm để cùng với các bác sĩ khác trong bệnh viện bàn bạc phương cách cứu chữa.

Thật ra khi con mất, tôi không hề có ý đổ tội cho ông bác sĩ gia đình, nhưng nhiều bạn bè nói với chúng tôi nên kiện ông ta, không phải vì đòi đền bù gì, mà để cảnh cáo ông ta và gióng lên một tiếng chuông cho cộng đồng biết rằng phải tìm hiểu và cẩn thận khi chọn bác sĩ gia đình vì người bác sĩ gia đình rất quan trọng. Họ chính là người biết phải làm gì khi bệnh mới phát sinh và họ biết phải chuyển tiếp bệnh nhân đến đâu để chữa trị. Nếu họ chậm trễ sẽ khiến bệnh nhân mất cơ hội được chữa trị sớm. Trường hợp con tôi, nếu bác sĩ gia đình giỏi, ông ta đã không cho thuốc xức, hay thuốc giảm đau, trong khi con tôi bị ung thư thời kỳ cuối!

Thưa cô, con đã mất, chúng tôi có làm gì thì cũng không có lại cháu, tôi muốn buông xuôi mọi thứ, nhưng có những đêm ngủ không được vì nhớ cháu, vì lòng ân hận, rồi lòng căm hờn người bác sĩ lên cao độ. Tôi muốn ông ta phải trả giá cho việc làm tắc trách của mình. Tôi muốn mọi người phải biết ông ta là ai để tránh. Tôi bị dày vò giữa buông xuôi và quậy lên. (Hồng)

GÓP Ý

HuongDiem
Chị nghĩ đúng, mọi chuyện đã qua, có làm gì cũng không đem lại đứa con yêu về lại với gia đình. Hãy nghĩ nợ đời con đã trả xong để khuây khoả. Nhưng không vì thế mà bỏ qua chuyện người bác sĩ. Vì nếu ông ấy còn thì sẽ gây nên nhiều tai hại cho những gia đình khác, mãi đến khi đọc được câu chuyện của chị, tôi mới biết hoá ra không phải tất cả những bác sĩ có phòng mạch ở Mỹ đều tốt nghiệp tại Mỹ!

Sau câu chuyện của chị, tôi phải kiểm tra coi bác sĩ gia đình của mình có tốt nghiệp ở đây không. Thật ra mình chọn bác sĩ gia đình thường là nghe quảng cáo hay bạn bè giới thiệu. Xin chia buồn với sự mất mát lớn lao của gia đình chị và cám ơn chị đã chia sẻ câu chuyện riêng của gia đình để giúp mọi người cảnh giác.

Châu
Nghe chị kể chuyện, tôi cũng đoán ra người bác sĩ đó là ai vì mới hôm qua cha chồng tôi về nhà kể một chuyện thật không ngờ. Khi khám cho ông, người bác sĩ nói tổ hợp của cha chồng tôi đang theo không tốt đâu, nên chuyển tổ hợp, và ngay liền khi đó, ông bác sĩ không thèm hỏi ý cha tôi, mà tự ý gọi cho người đại diện của tổ hợp mà ông ấy giới thiệu. Họ làm hồ sơ đổi ngay, trong lúc làm hồ sơ, cha chồng tôi còn nghe bác sĩ nói với người đại diện tổ hợp mới rằng: “Ông ta không biết đâu, cứ đổi đi.”

Jimmy Trần
Người bạn tôi là một bác sĩ kể với tôi, khi vào y khoa, có đến 90% trả lời lý do chọn học bác sĩ là để phục vụ đời, giúp đỡ người, nhưng đến khi ra hành nghề thì đến 95% vì tiền. Tưởng rằng ở Việt Nam mới có tình trạng này, ai ngờ ở Mỹ cũng đầy những bác sĩ chà đạp lên lương tâm và cả lên lời thề.

Tôi nghĩ cô nên kiện đi, để ngăn ngừa điều xấu và giúp cho nhiều người tránh rơi vào trường hợp đau lòng.

Thế Ly
Người Việt Nam mình hay có tính chín bỏ làm mười, và cũng có luôn tính hay sợ kẻ giàu sang có quyền hành. Người Việt Nam cũng có tính sẵn sàng bắt nạt kẻ dưới cơ mình, nhưng lại run sợ với người trên cơ mình. Đứng trước một quan quyền, người giàu có, tự nhiên co người lại, và có thái độ tiêu cực, rồi thì tự phủ dụ mình, thôi cho qua!

Bà nên gặp ngay một luật sư, trình bày hết sự tình và giao cho vị luật sư xử lý. Ông bác sĩ này đáng bị trừng trị, cứ để ổng nhởn nhơ như thế thì sẽ có bao người nữa gặp tai hoạ như con của bà. Bà nên hành động liền đi, càng sớm càng tốt, đừng mũ ni che tai mà bỏ qua cho ổng.

(Minh họa: Matthias Zomer/Pexels)

VẤN ĐÊ MỚI

Năm nay tôi 86 tuổi, đang ở một mình. Ba ngày mỗi tuần medicare cử một người đến phụ việc. Họ đến giúp tôi dọn dẹp nhà cửa, đi chợ, nấu ăn, đôi khi chở tôi đi khám bác sĩ. Nói chung, từ ngày có người đến nhà giúp, tôi cũng đỡ nhọc nhằn trong lúc già yếu đơn côi.

Thật ra tôi cũng còn cô con gái đang ở cùng thành phố, cháu đã ly hôn và hiện đang ở với con cũng đã vào đại học. Bạn bè khuyên tôi nên về ở với con gái cho có người thân, sớm hôm đỡ đần. Nhưng tôi biết, khó khăn lắm, ai ở trong chăn mới biết chăn có rận. Tôi thì thà nhờ hàng xóm người dưng, chứ nhờ con cái thì đôi khi gây ra nhiều phiền hà. Không phải bỗng dưng mà ông cha mình có câu, “Mẹ nuôi con biển hồ lai láng, con nuôi mẹ kể tháng kể ngày.”

Mới đây không biết hỏi ở đâu, con gái tôi nói với tôi, cái cô đến phụ việc hàng tuần cho tôi, được chính phủ trả lương khá lắm. Con gái tôi muốn lấy công việc đó, nghĩa là con gái tôi sẽ thay thế cô gái đó đến giúp tôi hàng tuần. Chỉ cần tôi đồng ý thì con tôi sẽ là người chính thức đến giúp tôi.

Thật ra ai mà chẳng muốn con mình săn sóc cho mình, và điều đáng nói là chỉ cần tôi gật đầu thì hàng tháng con tôi sẽ có một số lương cũng khá do nhà nước trả.

Hơn ai hết tôi hiểu con gái mình, tôi biết nếu tôi đồng ý thì người của medicare cũng không đến mà con gái cũng không đến nốt, nghĩa là con tôi sẽ chẳng bao giờ bén mảng đến lo cho mẹ, rồi thì có ngày tôi sẽ chết trong nhà mà không ai hay, và con tôi sẽ vào tù vì cái tội bỏ bê người già.

Liên tục mấy hôm nay, ngày nào con gái tôi cũng thúc hối tôi ký giấy đồng ý. Tôi thật không biết nói sao nữa, nhận lời thì coi như chắc chắn 100% thân già sẽ lụm khụm tới lui mình ên trong nhà; mà không nhận lời thì ăn nói sao với con! Tôi quá bực mình vì không biết quyết định làm sao!

Tôi thấy mình thật là vô phước, từng tuổi này mà không yên trong những ngày cuối của cuộc đời. (Tư Minh)

*****

“Biết Tỏ Cùng Ai” do cô Nguyệt Nga phụ trách, với những chia sẻ ưu tư và vướng mắc liên quan các vấn đề trong cuộc sống mà quý vị không biết tỏ cùng ai. Mọi liên lạc xin gửi đến hộp thư: [email protected].

Phần góp ý của độc giả về câu chuyện ở trên sẽ được đăng ở kỳ tiếp theo. Kính mời độc giả tham gia.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: