Khi chồng muốn bán nhà để dọn về ở chung với con riêng

(Minh họa: Fauxels/Pexels)

Tôi lớn tuổi rồi, nhưng đây là lần kết hôn đầu tiên của tôi. Anh ấy đã ly hôn hơn 20 năm. Sau khi ly hôn, anh ấy nuôi ba con gái. Các cháu ở với anh từ thuở bé nên tình cha con rất thắm thiết. Tôi quen được anh cũng nhờ các cháu “tìm vợ cho cha.”

Tôi có nhà cửa và hiện đang làm chủ một doanh nghiệp nhỏ ở Sài Gòn. Anh ấy ở Hải Phòng, cũng có nhà cửa và đang gần tuổi hưu. Ở cùng anh là cô con gái út, và ở cạnh nhà tôi là hai cô con gái lớn đã có chồng con.

Sau khi cưới, anh ấy vào Sài Gòn sống với tôi. Vì là ở quá gần nhà hai cháu lớn, nên trong thời gian tôi đi làm, anh qua nhà con chơi với các cháu ngoại. Ðến tối khi tôi về thì ảnh lại muốn tôi ghé nhà các con ăn cơm, xong xuôi hai vợ chồng già về. Các cháu cũng nói vào, tôi cứ đến ăn cơm để khỏi nấu nướng, cũng chỉ thêm hai cái bát.

Thấy ảnh vui tôi cũng chìu, nhưng ngày này qua ngày khác tôi mệt quá, vì không phải nhà mình lại cứ khé né như đang làm dâu. Ăn xong chả lẽ tôi cứ ngồi đó, mà đi dọn dẹp chén bát thì khổ quá, tôi mệt quá vì đi làm suốt ngày, chỉ mong về đến nhà để nghỉ ngơi. Nói ra thì chồng giận, cho rằng tôi quan trọng hóa vấn đề, con cái anh cũng như con tôi.

Nhiều lúc tôi ân hận tại sao không ở vậy cho khỏe tấm thân mà chui chi vào chỗ phiền toái. Mà ảnh thì mê con quá, các cháu cũng quấn quít bên bố. Lại còn thêm cái cảnh tối nào cũng bày ra đánh bài, chỉ đánh chơi thôi nhưng khuya khoắt vẫn không tan sòng. Tôi có hối về thì các cháu lại trách móc tôi không chiều chồng. Mới đây anh có ý định bán nhà ở quê để mang cô út về đây sống cho đoàn tụ gia đình. Anh bàn với tôi rằng bán căn nhà nhỏ của tôi, chung lại vốn để mua một căn nhà thật lớn, gom hết gia đình lại.

Tính tôi hay nhân nhượng cho nên cứ loay hoay hoài về việc mình phải làm thế nào. Tôi viết thư này là để nghe lời khuyên để mình thêm mạnh mẽ hơn. (Thiên Ân)

GÓP Ý

Chị Hai Phèn

Theo thư cô thì ông ấy đã vì cô mà bỏ nhà, bỏ quê hương và cả cô con gái cưng để về bên cô. Đáng lẽ cô vui và hãnh diện chứ tại sao lại có lúc “ân hận không ở vậy cho khỏe tấm thân mà chui chi vào chỗ phiền toái.” Cô nên vui với tình yêu đang có.

Nói là nói vậy chứ cái cảnh hiện tại, nếu đúng như cô kể thì phiền toái thật, nhưng cái may là tất cả mọi việc đều rất mới, mình có sửa đổi cũng không đến nỗi nào.

Cô làm chủ một doanh nghiệp nhỏ thì tại sao không nhờ anh ấy đến phụ một tay. Ban đầu có thể anh ấy không phụ được việc, nhưng dần dà nhất định sẽ khá hơn. Sự có mặt của anh cũng làm cô thấy ấm áp nghĩa tình.

Nếu anh ấy ở trên cửa hàng với cô suốt ngày thì tự nhiên anh sẽ mong đến cuối ngày được ngả lưng nghỉ ngơi. Vì vậy, anh ấy sẽ không còn sức và thì giờ để đến nhà con gái, ăn uống, tán gẫu và đánh bài nữa. Cô cứ thử như vậy xem sao nghe. Chúc cô may mắn!

Thuỷ Lê

Về chuyện bán nhà để mua chung một căn lớn, châu về một mối. Nếu chị Thiên Ân bằng lòng thì coi chừng chị đang tìm chốn đoạn trường mà đi rồi đó!

Chị phải suy nghĩ thật kỹ chuyện này, nó là một quyết định lớn chứ không phải chuyện chơi. Theo ý em thì chị cũng không phải là thiếu thốn, cũng đang có nhà cửa, đồng ra đồng vào. Hôn nhân của chị cũng mới quá nên cẩn thận, chậm lại mọi thứ vẫn hay hơn.

Chuyện ảnh bán nhà, chị nên để cho anh và các con anh quyết định, tốt nhất là chị đừng dính dáng gì đến tiền bạc. Nếu bán xong phần anh ấy có tiền, chị nên khuyên anh ấy bỏ vào sổ tiết kiệm dưới tên anh ấy để tránh tai tiếng sau này.

Phúc

Anh chị mới lấy nhau, thời gian đầu chưa quen nên cũng có cái khác biệt. Người ta nói vợ chồng thường hai năm đầu rất dễ bỏ nhau, vì dù có thương yêu đến đâu thì hai con người đó vẫn từ hai gia đình hoàn toàn khác nhau về cách giáo dục và thói quen. Giờ xáp lại cũng phải mỗi bên nhịn nhường đôi chút mới mong lâu dài. Cô Thiên Ân có biết câu: “Dạy vợ từ thuở bơ vơ mới về” thì dạy chồng hay dạy vợ cũng thế thôi!

(Minh họa: Mentatdgt/Pexels)

VẤN ĐÈ MỚI

Ba chị em tôi mồ côi cha mẹ từ nhỏ. Tôi thương hai em nên ở vậy không lấy chồng. Mà thật ra cũng không lấy chồng được, vì yêu ai hai em tôi cũng không bằng lòng. Chúng hết chê điều này đến chê điều kia, không ai vừa lòng. Có khi chúng còn tìm đến họ để nặng lời, khiến họ cũng không dám gần tôi.

Tôi thì càng ngày càng lớn tuổi nên người để ý tôi cũng không còn trẻ. Họ là những người đã dang dở vợ con. Do đó khi quen cũng phải thương con họ. Các em tôi lại chì chiết, con cháu không thương đi thương con người ta. Tôi lại thấy ân hận và lại chấm dứt.

Cứ thế, tuổi xuân qua đi. Hai em tôi lần lượt có gia đình, rồi có con. Tôi vẫn tiếp tục lo bù đắp cho hai em. Vì nói nào ngay, tôi làm ăn thành công, trong khi hai em cứ ì ạch thiếu thốn.

Tôi khi nghĩ đến tuổi già sợ cảnh cô đơn, lúc đau ốm không có ai bên cạnh. Nói ra thì các em bảo “Chị đừng có lo, không chồng thì đã có em, không con thì đã có cháu.” Nhưng hễ hôm nào tụi nó giận tôi, mà phần lớn là tôi không cho mượn tiền, thì nó không cho con sang tôi chơi. Tôi thì nhớ cháu nên lần nào tụi nó cấm không cho cháu sang là tôi lại phải tìm cách mua chuộc tụi nó để được ôm cháu.

Mới đây tôi có quen với một anh, anh đã ly dị vợ và các con đã có gia đình. Anh là người đạo đức và tốt bụng. Anh muốn đi đến hôn nhân với tôi. Tôi vui lắm vì anh thật đúng là người tôi mong đợi. Nhưng tôi lại sợ mất các em.

Tôi hiện làm chủ một nhà hàng ăn cũng khá đông khách, những hôm cuối tuần anh ra phụ tôi buôn bán. Các em tôi, cuối tuần muốn kiếm thêm tiền cũng ra phụ bán. Các em tôi không bao giờ nói chuyện hoặc chào hỏi anh, còn dặn các con không được lại gần. Tôi khổ tâm nhất là không những anh không phiền hà gì cả, mà còn giấu tôi những lần anh bị các em tôi hỗn láo. Trong khi đó tôi lại không dám la em, sợ mang tiếng chưa gì đã quay mặt với các em.

Tôi rất muốn nhận lời làm vợ anh nhưng sợ các em. Anh chị giúp tôi phải làm sao để vẹn đôi bề! (Cô Sáu)

*****

“Biết Tỏ Cùng Ai” do cô Nguyệt Nga phụ trách, với những chia sẻ ưu tư và vướng mắc liên quan các vấn đề trong cuộc sống mà quý vị không biết tỏ cùng ai. Mọi liên lạc xin gửi đến hộp thư: [email protected]Phần góp ý của độc giả về câu chuyện ở trên sẽ được đăng ở kỳ tiếp theo. Kính mời độc giả tham gia.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: