Tổn thương mẹ ruột khi muốn bảo lãnh em cùng cha khác mẹ sang Mỹ

(Minh họa: Dimitri Karastelev/Unsplash)

Thưa cô Nguyệt Nga, cách nay 19 năm, cháu theo mẹ định cư ở Mỹ. Ba cháu ở lại và có con với người đàn bà khác. Cháu và đứa em cùng cha khác mẹ, thỉnh thoảng vẫn liên lạc với nhau. Cháu cũng thương em, thấy em ham học và tha thiết muốn đi Mỹ vì em học rất giỏi và cũng rất ngoan. Vì thế cháu có ý định làm giấy tờ bảo lãnh em.

Vấn đề tưởng đơn giản, không ngờ khi nói chuyện với mẹ, mẹ cháu cương quyết chống đối. Mẹ cháu bảo, đó là nỗi đau của mẹ, mẹ cố quên để sống, không ngờ sắp tới mẹ phải sống cùng với nỗi đau đó. Mẹ nói rằng mẹ cũng gần đất xa trời, nếu con quyết tâm bảo lãnh thì chờ mẹ chết đã rồi muốn làm gì thì làm.

Cháu đã thưa với mẹ rằng đứa em không có tội, nó lại là đứa chăm chỉ, giỏi giang, nó xứng đáng để được sống ở Mỹ. Tất cả những ý kiến của cháu đã không giúp cho việc bảo lãnh tốt đẹp hơn, mà còn khiến xấu đi một cách tồi tệ. Mẹ cháu nhất quyết không đồng ý.

Thưa cô, cháu có nên cứ nộp giấy tờ, vì bảo lãnh diện anh em đến hơn 10 năm, đến khi ấy có thể mẹ cháu sẽ nguôi giận. Cháu có nên thế không? (Cháu Nguyệt)

GÓP Ý

Hoà

Có những việc đối với người này quan trọng nhưng đối với người khác thì không. Chẳng qua là ai chảy máu thì người đó đau!

Chuyện đau lòng của mẹ, cháu không thể thấu hiểu nên không thể bắt mẹ suy nghĩ như cháu được. Cháu thấy việc bảo lãnh em qua là không có gì, vì em không phải là người có lỗi, nhưng cháu đừng quên, “ba mẹ” em là người có lỗi. Em ấy hiện diện làm mẹ nhớ đến chuyện cũ khiến mẹ uất hận, em phải thông cảm mẹ, nên em không thể cứ làm giấy bảo lãnh rồi tính sau.

Không được em ạ, em làm thế là xoáy vào nỗi đau của mẹ! Em nên thuyết phục mẹ, nếu mẹ không đồng ý thì em nên quên chuyện này đi.

Phi Nguyen

Cháu có thể giúp tiền để em qua bằng đường du học sinh, khi qua đây cháu có thể nhờ luật sư giúp em mà mẹ không biết.

Phú Le

Trong thư cô không nói rõ là vì sao bố cô có người đàn bà thứ hai. Mẹ cô ra đi bỏ bố ở lạ? Hay vì bố cô có bồ nên mẹ ra đi? Điều này rất quan trọng vì nếu vì người đàn bà thứ hai mà mẹ cô phải ra đi, tan nát gia đình thì cô không nên bảo lãnh đứa em kia.

Còn nếu bố mẹ cô đã ly hôn, mẹ ra đi và bố kết hôn, thì người đàn bà thứ hai không có lỗi lầm gì hết trong việc chia tay giữa bố mẹ cô, và vì vậy suy ra thì đứa em càng vô tội. Cũng còn tuỳ hoàn cảnh nữa cô à!

(Minh họa: Mikhail Nilov/Pexels)

VẤN ĐỀ MỚI

Trong lớp học ESL, tôi là người lớn tuổi, đã có gia đình. Có một cậu trong lớp tên K., đã ly hôn và hiện đang sống với bố mẹ.

Tôi coi cậu ấy như em, và ngược lại cậu ấy cũng coi tôi như chị. Chúng tôi rất thân, hay nói chuyện với nhau, có những vấn đề gì trong lớp hay trong đời sống khó xử, cậu ấy cũng hay hỏi ý tôi, thỉnh thoảng tôi không có xe, cậu ấy cũng chở dùm tôi về nhà. Các con và cả chồng tôi đều biết và thương cậu ấy như một người thân trong gia đình. Nói chung giữa tôi và cậu K chẳng có gì đáng nói. Đó là một tình chị em thực sự trong sáng.

Trong lớp cũng có một cô L., đang có gia đình, mà trong thời gian gần đây, cả lớp xầm xì cô có tình ý với cậu K. Tôi cũng nghe nhưng không có ý kiến vì không muốn xía vào đời tư của người khác. Tôi nghĩ họ cũng lớn hết cả rồi, những điều phải trái họ đều biết để mà cư xử. Nếu họ đang cư xử khác thường tức là họ có cái lý riêng của họ. Cách hay nhất là mình đứng ngoài.

Gần đây, cô L. từ rất thân thiện với tôi đã tỏ ra ghét tôi ra mặt, có gặp nhau chào hỏi thì cô không thèm trả lời, và quay ngoắt đi. Ban đầu tôi tưởng vô tình, hay mình nhận xét sai, nhưng sau nhiều lần tôi thấy rõ là cô ấy ghét tôi. Có một hôm tôi và K. nói chuyện với nhau trong lớp, cô lên tiếng, “Trong lớp đừng nói chuyện ảnh hưởng đến người khác.”

Tôi ngỡ ngàng vì giọng gay gắt của cô, giống như cô không muốn K. nói chuyện với tôi. Từ hôm ấy cô tỏ ra khó chịu nhiều hơn với tôi. Thái độ của cô làm tôi suy nghĩ, có lúc tôi nghĩ đến chuyện, hay không nên trò chuyện với K. nữa. Nhưng rồi tôi lại tự hỏi, sao tôi phải làm vậy?

Tôi muốn hỏi thẳng cô rằng, điều gì đã khiến cô khó chịu với tôi? Rồi thì tôi cũng muốn, thay vì hỏi cô thì hỏi K., chuyện gì xảy ra vậy?

Theo cô Nguyệt Nga tôi nên hỏi cô L. cho ra lẽ, hay tránh mặt với cả hai người đó cho khỏi suy nghĩ? Đúng là chuyện rất ruồi bu! (Cô Thảo)

*****

“Biết Tỏ Cùng Ai” do cô Nguyệt Nga phụ trách, với những chia sẻ ưu tư và vướng mắc liên quan các vấn đề trong cuộc sống mà quý vị không biết tỏ cùng ai. Mọi liên lạc xin gửi đến hộp thư: [email protected]Phần góp ý của độc giả về câu chuyện ở trên sẽ được đăng ở kỳ tiếp theo. Kính mời độc giả tham gia.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: