Cái mũi của nhà Chanel

Ảnh: Tu IKuan/Unsplash

Nước hoa Chanel bền bỉ chinh phục thế giới. Chắc chẳng quí cô quí bà nào thờ ơ với “dầu thơm” Chanel. Đằng sau sự thành công của nước hoa Chanel là một… cái mũi!

Được gọi là “perfumer-in-chief”, Olivier Polge là người chịu trách nhiệm sáng tạo ra mùi nước hoa cho Chanel. Trên bàn làm việc của ông, người ta thấy các ghi chú viết tay và những nhánh bút lông nhô ra khỏi bộ giá đỡ kim loại; quanh đó là những chiếc hộp chứa bộ sưu tập chai thủy tinh nhỏ được dán nhãn với ghi chú khó hiểu. Mỗi lọ là một công thức đang được thử nghiệm, trong những thử nghiệm chẳng bao giờ ngừng để cuối cùng mang lại hết nước hoa hoàn hảo này đến nước hoa hoàn hảo khác. Kể từ khi nắm quyền “sếp nước hoa” của nhà Chanel năm 2015, Olivier Polge đã tạo ra 17 mùi hương, trong đó có Chance Eau ViveGabrielle Essence Eau de Parfum. Tất nhiên không thể không kể No 5 L’Eau, sản phẩm bán chạy nhất toàn cầu của Chanel.

“Cái mũi” của nhà Chanel – Olivier Polge (ảnh: Stefanie Keenan/WireImage)

Mỗi công thức của Olivier Polge được gửi đến phòng thí nghiệm ngay bên cạnh, nơi một nhóm bốn kỹ thuật viên lo việc “bào chế”. Nguyên liệu thô gồm ngọc lan tây (ylang-ylang), Rose de Mai, cam bergamot; quýt và ít nhất 10 loại hoa nhài – được cất trong các chai màu xanh lam để bảo vệ khỏi các tia nắng mặt trời có thể làm hỏng hại. “Chỉ khi thu thập đủ một bộ tổng hợp nguyên liệu, tôi mới bắt đầu thực sự đánh giá thành phần của hợp chất. Điều đó không đơn giản chỉ là cảm nhận ban đầu của hương thơm” – Olivier Polge cho biết.

Tại Chanel, vai trò của chiếc mũi là độc nhất vô nhị, không thể thay thế bằng bất kỳ máy móc nào. Ở những bộ phận khác, có những người chịu trách nhiệm trong việc phát triển và sản xuất hàng loạt. Tuy nhiên, tại đây, Olivier Polge giám sát tất cả quá trình sản xuất nước hoa. Tất nhiên Chanel No 5 là thứ mà Chanel luôn đặt lên hàng đầu. Công thức chế tạo nước hoa Chanel No 5 luôn là một bí mật được bảo vệ kỹ. Người ta chỉ biết bên trong nó là hơn 80 mùi hương riêng biệt. Nhiều nguyên liệu quý nhất của Chanel No 5 được chính nhà Chanel trồng tại các trại riêng ở Grasse, thủ phủ lịch sử của công nghiệp nước hoa Pháp. Với Chanel, mỗi loại nước hoa của họ đều tinh khiết và có vị cay nồng; thoảng mùi dầu gỗ đàn hương lấy từ New Caledonia ở Nam Thái Bình Dương; hoặc mùi hoa nhài… đặc sệt mùi hoa nhài trồng ở Grasse.

Câu chuyện Chanel No 5 là điều được nhắc đi nhắc lại nhưng người ta vẫn thích nghe. Mùa Xuân năm 1921, bà Gabrielle “Coco” Chanel gặp nhà pha chế nước hoa Ernest Beaux, yêu cầu ông tạo ra một mùi thơm chưa từng có trước đó. Gabrielle không muốn nước hoa có mùi giống như loại nguyên liệu thô cụ thể nào đó mà là một thứ gì đó trừu tượng, “một hương thơm nhân tạo như một chiếc váy, một thứ gì đó được làm thủ công; hoặc thậm chí có mùi… da thịt đàn bà”.

Ảnh: Kateryna Cherniavska/Pexels

Nhiều thập niên trôi qua kể từ lần đầu tiên lọ Chanel No 5 “mùi đàn bà” được đóng chai, vô số nhà thiết kế khác đã bắt chước theo kiểu của Chanel: tạo ra mùi hương đặc biệt, không gợi lên một mùi vật chất cụ thể mà phải “trừu tượng”. Tuy nhiên, Chanel No 5 vẫn là số một. Tất nhiên các chiến dịch tiếp thị trị giá hàng triệu bảng Anh đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì danh tiếng Chanel No 5 nhưng câu chuyện hay nhất liên quan lọ nước hoa này là một phát biểu của Marilyn Monroe (người chưa bao giờ xuất hiện trong bất kỳ chiến dịch quảng cáo nào của Chanel). Đó là vào năm 1952 khi Monroe trả lời phỏng vấn tạp chí Life, rằng nàng chẳng mặc gì khi đi ngủ, trừ việc xức năm giọt Chanel No 5.

Ảnh: Miriam Przybylo/Unsplash

Thời trẻ, Olivier Polge yêu âm nhạc, thiết kế và chế tác đồ gỗ. Tuy nhiên, ông mê đến phòng lab của bố để quan sát. Thế rồi, ngày nọ, Olivier Polge nói với bố rằng mình muốn bỏ dở việc học để chuyên tâm vào nghề pha chế nước hoa. Ông bố Jacques không ngăn cản, khuyên con trai dành nhiều thời gian trong nhà máy sản xuất, tìm hiểu nguyên liệu thô và cách trích xuất dầu thơm. Khi đến tuổi nghỉ hưu sau nhiều năm làm việc cho Chanel, ông Jacques đã tiến cử cậu con trai Olivier của mình.

Ảnh: Tu IKuan/Unsplash

Olivier Polge dành năm đầu tiên sau khi về làm cho Chanel để quan sát, ngồi trong phòng thí nghiệm, tìm hiểu quá trình thiết kế và sản xuất bên trong các xưởng sản xuất của Chanel. Sau đó, Olivier Polge mới bắt tay tạo ra nhiều công thức mới. Bất luận công thức gì và mùi ra sao, Olivier Polge vẫn tuân thủ triết lý của bà Gabrielle “Coco” Chanel, rằng thời trang có thể mất dần, chỉ có phong cách là không thay đổi. Thời trang có thể biến đổi. Chỉ có mùi hương là không. Với nhà Chanel, mùi hương Chanel No 5 không chỉ là mùi đàn bà. Nó là mùi của một di sản mà bà Gabrielle “Coco” Chanel lưu lại cho thế hệ sau…

ĐỌC THÊM:

100 năm ra đời Chanel No. 5

Hoa hồng 100 cánh và 100 năm Chanel No.5

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: