YouTube, Facebook, Twitter,… và các mạng xã hội khác là “cái chợ” để một số người kiếm tiền bằng cách câu view với hành động thiếu văn hóa.
Hồi đầu năm, ở Hàn Quốc rúng động trước tin tức về cái chết của hai người trẻ. Đó là Jammi, 27 tuổi, hoạt động trên Twitch, YouTube và có hơn 100,000 người theo dõi trên mỗi trang. Người còn lại là Kim In-hyeok, 26 tuổi, vận động viên bóng chuyền chuyên nghiệp. Cả hai đều chết vì tự vẫn.

Rắc rối của Jammi bắt đầu vào năm 2019 sau khi cô nói và nhại theo một số trò đùa phổ biến trong cộng đồng nữ quyền ở Hàn Quốc. Những trò đùa này thu hút sự chú ý của các diễn đàn trực tuyến do nam giới. Họ lăng mạ và chế nhạo Jammi.Tuy nhiên, câu chuyện bị đẩy đi xa hơn khi một số YouTuber nói rằng Jammi chính là “một nhà nữ quyền căm ghét đàn ông”. Cái chết của Jammi được người đàn ông tự nhận là chú của cô chia sẻ lên diễn đàn game thủ. Người này nói rằng cháu mình đã ra đi vì “vô số tin đồn, bình luận ác ý”.
Trong khi đó, nạn nhân thứ hai là Kim In-hyeok thì bị chế nhạo về giới tính. Tháng Tám năm ngoái, vận động viên bóng chuyền này từng yêu cầu dân mạng ngừng bình luận thô lỗ. “Xin hãy chấm dứt những bình luận đã hành hạ tôi trong nhiều năm qua. Tôi không thể chịu đựng thêm nữa”. Nhưng cư dân mạng không buông tha anh. Ngày 3 Tháng Hai, người ta phát hiện Kim chết tại nhà riêng.
Hàn Quốc được công nhận là quốc gia của công nghệ thông tin với 97% dân số sử dụng Internet và 89% sử dụng mạng xã hội. YouTube được ưa chuộng nhất với khoảng 43 triệu người, tương đương 80% dân số Hàn Quốc thường xuyên “lên YouTube”. Flatform này của Hàn Quốc cũng có thu nhập thuộc hàng cao nhất thế giới.
Mấy năm qua, nhiều YouTuber Hàn Quốc kiếm sống bằng cách bình luận về các vấn đề thời sự. Clip ăn theo chủ đề thịnh hành luôn nhận được sự quan tâm của cộng đồng. Tuy nhiên, bên cạnh những tin tức chính thống, nhiều câu chuyện được thêu dệt để kích động, kích thích tính tò mò của người xem mà không hề quan tâm đến sự thật.
Nhiều người đổ lỗi cho “cyber wreckers” (những kẻ phá hoại trên không gian mạng) đã gây ra cái chết của Jammi và Kim. Điều này thậm chí đã phát triển thành xu hướng được đặt tên là “eogeuro”. Trong tiếng Hàn, eogeuro nghĩa là hung hăng, mô tả việc làm hoặc nói bất cứ điều gì miễn sao gây được chú ý.

“Sống khỏe” bằng YouTube
Không khác gì Hàn Quốc, ở Việt Nam cũng có hiện tượng nói xấu, chửi bới, bịa đặt, nhục mạ người khác trên mạng xã hội. Nếu có được số view từ hàng trăm ngàn cho đến hàng triệu, mỗi tháng, YouTuber có thể thu vào hàng chục ngàn đôla, số tiền mà người lao động Việt Nam cày cục cả năm trời cũng khó nhận được.
Nhiều YouTuber “sống khỏe” với các video chửi bới, thách thức, đánh nhau với những lời lẽ vô văn hóa và tục tĩu. Video nào như vậy cũng có cả triệu lượt người xem. Nhiều clip quay cảnh rùng rợn, nguy hiểm như thử nghiệm sống trong chiếc quan tài trong một ngày, clip leo cột điện cao thế,… nhưng không hề có cảnh báo không nên thử vì tính chất nguy hiểm.
Trong Quý III năm 2020, hệ thống trí tuệ nhân tạo của Facebook phát hiện hơn 22 triệu nội dung khiêu khích sự thù hận trên mạng xã hội này, cao gấp ba lần so với năm trước. Việt Nam cũng nằm trong số các quốc gia sử dụng Facebook nhiều nhất thế giới.
Mới đây, Microsoft công bố tại Việt Nam một kết quả nghiên cứu cho thấy hơn 50% người dùng mạng xã hội nói họ từng có liên quan đến một “vụ bắt nạt” (có thể là nạn nhân hoặc chính họ bắt nạt người khác). Khảo sát trước đó của Microsoft năm 2020 trong 25 quốc gia, Việt Nam nằm trong top 5 quốc gia có mức độ ứng xử kém văn minh nhất trên không gian mạng.
Đọc thêm: