Có thể nhìn tướng đi đoán cá tính?

Minh họa: Martin Adams/Unsplash

Chúng ta thường nghĩ rằng có thể suy đoán cá tính (những đặc tính cá nhân) của một người thông qua việc quan sát “tướng đi” dù chưa biết họ là ai, chưa tiếp xúc với họ lần nào. Trong khi phần lớn suy đoán là sai hoặc phiến diện thì cách đi đứng vẫn có thể tiết lộ phần nào những cá tính mà bạn muốn che giấu.

Con người thích nhận xét người khác qua tướng đi của họ

Nếu bạn thấy một ai đó bước vào quán bar với tướng đi nghênh ngang của tài tử phim cao bồi John Wayne, bạn có thể giả định anh ta là một người tự tin hay một gã ngang ngạnh, cứng cỏi. Hoặc tệ hơn, đây là người kém lễ phép, “thích gì làm nấy” và xem thường người chung quanh. Dù bạn nghĩ thế nào đi nữa thì lời khuyên của các nhà tâm lý tuyệt đối không nên đưa ra kết luận vội vã về cá tính của một ai đó chỉ đựa vào tướng đi và cách đi. Những kết luận đôi khi rất võ đoán và khác với thực tế.

Các nhà tâm lý đã nghiên cứu về đề tài “đoán tính cách qua tướng đi” từ hơn ¾ thế kỷ qua và các phát hiện của họ đều cho thấy nhiều người trong chúng ta có xu hướng “thích đoán cá tính của một người dựa vào tướng đi của họ”. Việc suy đoán thường dựa vào trải nghiệm cá nhân chưa được kiểm chứng hoặc dựa hoàn toàn vào những suy diễn áp đặt phổ biến ngoài xã hội. Có lúc suy đoán chỉ thoáng qua nhưng cũng có lúc ăn sâu vào tâm trí và trở thành định kiến đối với một cá nhân.

Có một số chuẩn mực chung cho việc suy đoán. Nhìn chàng cowboy đi vào quán bar, đa số sẽ nghĩ giống nhau về cá tính của anh ta, nhưng độ chính xác là bao nhiêu thì chẳng ai dám khẳng định! Rồi chúng ta nhận được những thông tin gì về cá tính qua tướng đi? Cá tính nào có thể phát hiện qua tướng đi? Rộng rãi hay keo kiệt; độc ác hay hiền lành; nhu nhược hay kiên định; dối trá hay đáng tin cậy, thâm hiểm hay dễ đoán; dễ gần hay khó gần; bảo thủ hay cởi mở? Rất khó, nếu không nói là không thể xác định tương quan giữa tướng đi và những cá tính như thế.

Minh họa: Ryoji Iwata/Unsplash

Nhìn lại môt số nghiên cứu

Chúng ta thử nhìn vào một số nghiên cứu về cái gọi là “quan hệ nhân quả” giữa tướng đi và cá tính. Một trong những nghiên cứu đầu tiên về vấn đề này được xuất bản vào năm 1935. Tác giả của nó là nhà tâm lý học Werner Wolff sinh ở Đức. Ông lén quay phim năm người đàn ông và ba người đàn bà che mặt (để giấu những biểu hiện cá tính trên nét mặt) khi họ đang thi ném vòng.

Sau đó, cả tám đối tượng được cho xem lại đoạn phim đã biên tập (phần đầu được che khuất và âm thanh bị thay thế bởi những tiếng động) và được yêu cầu đoán cá tính của những người còn lại chỉ dựa vào tướng đi. Nghiên cứu tiết lộ một số bất ngờ, nhưng quan trọng hơn, Wolff phát hiện những người tham dự hầu như được lập trình để đưa ra các nhận xét về cá tính theo một chuẩn mực có sẵn trong đầu. Và đa số nhận xét là giống nhau đối với một loại tướng đi như nhận xét về chàng cowboy ở trên.

Ví dụ, trong các đánh giá về đối tượng “Subject 45”, các phẩm bình như sau: Kiêu căng nhưng thiếu căn cơ; ham chiến thắng với bất cứ giá nào; màu mè và thích được khâm phục; bên trong bất an nhưng bên ngoài ra dáng vững vàng. Điều kinh ngạc là phần lớn thẩm định cá tính theo tướng đi khá giống nhau. Dĩ nhiên, nghiên cứu này bị hạn chế bởi số quá ít người tham dự và có một số từng biết nhau dù không nhận ra nhau trong đoạn băng video đã biên tập. Những nghiên cứu mới phức tạp hơn nhờ công nghệ kỹ thuật số cho phép chuyển tướng đi thành những điểm sáng trên nền đen và những đốm trắng cho thấy chuyển động của các khớp. Như thế, diện mạo và vỏ ngoài của đối tượng được loại bỏ hoàn toàn. Những yếu tố khác tiết lộ cá tính như hình dáng cơ thể và khuôn mặt được loại bỏ, chỉ còn lại tướng đi.

Hai tướng đi phổ biến thường được dùng để suy đoán

Sử dụng phương pháp mới này, khoảng cuối thập niên 1980 các nhà tâm lý Mỹ đã xác định có hai kiểu tướng đi được dùng phổ biến để đoán cá tính và chúng xuất hiện ở cả người già lẫn người trẻ khi chuyển động. Tướng đi thứ nhất giàu nhịp điệu và “nảy” hơn, lắc hông nhiều hơn, lắc tay rộng hơn và bước nhiều bước hơn. Trong khi tướng đi thứ hai vững chải hơn, không “nảy”, chậm hơn và hơi nghiêng người về trước. Cả hai tướng đi đều không liên quan đến tuổi tác, dù tướng đi thứ nhất được xem là “kiểu cách trẻ trung” và tướng đi thứ hai được xem là “kiểu cách già nua”.

Người trẻ vẫn có thể đi giống người già và ngược lại. Các nhà quan sát giả định những người có tướng đi thứ nhất sẽ hạnh phúc hơn và mạnh mẽ hơn cho dù họ có cơ thể nhiều tuổi hơn và khuôn mặt già hơn.

Cách nay vài năm, một nghiên cứu của Thuỵ Sĩ và Anh đã so sánh nhận xét của người này về cá tính của người khác dựa vào tướng đi so với thực tế ghi nhận về cá tính của họ. Một lần nữa, kết quả cho thấy các nhận xét vẫn chỉ dựa vào hai kiểu đi bộ trên, dù hơi khác một chút. Tướng đi thoải mái không gò bó được cho là thuộc về những người mê mạo hiểm, hướng ngoại, tự tin và sôi nổi; trong khi tướng đi chậm, thận trọng được xem là của những người biết cách làm chủ chính mình và vững vàng về cảm xúc.

Minh họa: Brooke Cagle/Unsplash

Kết luận: không nên suy đoán cá tính qua tướng đi

Rõ ràng, nhìn tướng đi để đoán cá tính là phiến diện và nặng tính “áp đặt” nhiều hơn là thực tế. “Thông điệp” từ tất cả nghiên cứu trên là: Chúng ta đoán con người qua tướng đi cũng như đoán qua khuôn mặt, giọng nói, ngôn ngữ cơ thể và phục trang, tức là tất cả những “nguồn thông tin” lộ ra bên ngoài của một cá nhân với kỳ vọng có thể “tố cáo” cá tính của họ. Trong khi có bằng chứng về tính chính xác tương đối của việc “nhìn người qua khuôn mặt” thì mọi thẩm định dựa vào tướng đi hoàn toàn không có cơ sở khoa học.

Vậy mà vẫn có nhiều người đưa ra những thẩm định “độc ác” về tướng đi của một người. Họ đoán tướng đi giống như đoán nét mặt. Ví dụ, đàn ông và đàn bà có bước chân ngắn, vung tay hẹp khi chuyển động và đi chậm như người già dễ bị tổn thương cảm xúc hơn, hướng nội hơn và có thần kinh không vững! Một nghiên cứu tại Nhật Bản cho thấy nhiều nam sinh viên thú nhận là họ dễ bắt chuyện và đụng chạm các nữ sinh viên có tướng đi như thế vì mối lo bị từ chối hay chống đối thấp hơn. Một nghiên cứu thú vị tại nhà tù phát hiện rằng các tù nhân tâm thần càng nặng càng nhận biết chính xác hơn nạn nhân mà chúng từng bạo hành, qua tướng đi mà không cần nhìn mặt.

Một nghiên cứu khác cho thấy nhiều người cố gắng điều chỉnh tướng đi trong một hoàn cảnh nào đó để chứng minh là mình vô hại. Tới đây, một câu hỏi được đặt ra là chúng ta có thể thay đổi tướng đi (bước dài, vung tay dứt khoát và thân thiện thay vì đi rón rén như kẻ săn mồi, sẵn sàng dừng lại) để hóa giải những ấn tượng xấu về mình từ người khác?

Ví dụ làm cho phụ nữ cảm thấy an tâm hơn trong một môi trường thiếu an toàn như trong công viên vào ban đêm chẳng hạn. Tuy nhiên, các nhà tâm lý tin rằng việc sửa tướng đi cố hữu của mỗi người không hề là chuyện đơn giản, nếu không nói là không thể được. Ngoài ra, có những tướng đi nhìn có vẻ nguy hiểm nhưng thật ra lại chẳng nguy hiểm gì cả mà còn tùy vào các yếu tố khác.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: