2023 sẽ là “năm của chi tiêu hợp lý”

Nếu năm 2022 là năm của “những chuyến du lịch trả thù” sau những ngày bị “giam lỏng” vì COVID-19 thì năm 2023 sẽ trở thành “năm của chi tiêu hợp lý”, cả ở nhà và tại nơi làm việc. (minh họa: Unsplash)

Việc sa thải lao động công nghệ hàng loạt trong vài tháng gần đây có ý nghĩa gì đối với nền kinh tế Mỹ và ảnh hưởng ra sao với xu hướng tiêu dùng?

Hầu như không có ngày nào trôi qua mà không có thông báo về việc sa thải số lượng lớn tại các công ty công nghệ nổi tiếng của Mỹ: 8,000 lao động phải ra đi tại Salesforce; 10,000 tại Microsoft; 12,000 tại Google (đợt sa thải lớn nhất trong lịch sử công ty) và 18,000 tại Amazon. Theo Washington Post.

Tuần trước, IBM và dịch vụ kinh doanh âm nhạc trực tuyến Spotify cũng tham gia vào làn sóng cắt giảm việc làm, nâng tổng số lao động công nghệ bị sa thải trong những tháng gần đây lên hơn 200,000!

Đây là một cảnh báo đáng quan tâm cho nền kinh tế và là một tín hiệu khác cho thấy sự bùng nổ chi tiêu của người tiêu dùng đang giảm dần. Tuy nhiên, việc sa thải lao động công nghệ không có nghĩa là sẽ tạo ra làn sóng cắt giảm dây chuyền ngay tức thì trong toàn bộ nền kinh tế Mỹ hoặc thậm chí nâng tỷ lệ thất nghiệp đang ở mức thấp trong lịch sử lên cao hơn. Sa thải công nghệ được chú ý vì loại sa thải này, đặc biệt là Silicon Valley và Big Tech, thường được giới truyền thông đưa tin nhiều.

Lao động làm việc tại các công ty công nghệ chỉ chiếm 2% lực lượng lao động Mỹ, vì vậy ảnh hưởng đến thị trường lao động của loại sa thải này nhỏ hơn nhiều so với khu vực sản xuất (chiếm 8% tổng số việc làm), bán lẻ (10%) hoặc chăm sóc sức khỏe (11%). Có một thực tế xảy ra ở khu vực công nghệ trong và sau thời kỳ COVID-19  mà không xảy ra ở những khu vực khác.

Từ 2020 khi đại dịch bắt đầu, công nghệ phục hồi ngoạn mục và được hưởng lợi lớn từ hàng triệu người bị mắc kẹt ở nhà và hàng trăm triệu người dành thời gian nhiều hơn cho các công cụ thông minh. Việc người Mỹ tuyệt vọng đặt mua giấy vệ sinh trên mạng và giải trí cho con cái bằng máy tính bảng và smartphone đã mang về doanh thu “khủng” cho Big Tech và các công ty được lợi tận dụng nhanh cơ hội. Ví dụ, Amazon đã tăng gấp đôi lực lượng nhân sự để đáp ứng cơn sốt mua sắm trực tuyến trong đại dịch và khu vực công nghệ đã chứng kiến đợt tuyển dụng rầm rộ chưa từng thấy kể từ cuối thập niên 1990. Chỉ có một nhận thức chưa đúng là các giám đốc điều hành nói họ tin nền kinh tế thay đổi mãi mãi nên cần phải giành chiến thắng trong cuộc chiến tìm kiếm nhân tài trong thời đại lao động công nghệ khan hiếm! Kết quả là quá… đông đúc.

Giờ đây, các công ty công nghệ đang trải qua quá trình điều chỉnh, nhưng điều chỉnh không có nghĩa là dấu chấm hết cho khu vực này. Sa thải lần này cũng không giống như quy mô mất việc làm của giới cổ cồn xanh vào đầu thế kỷ 21. Nếu sa thải công nghệ trở nên đáng lo ngại thì đó là: Thứ nhất: Phố Wall đang có xu hướng thu hẹp quy mô nhân sự. Hầu hết các công ty công nghệ tuyên bố sa thải nhìn thấy giá cổ phiếu của họ tăng lập tức. Tín hiệu này được các giám đốc điều hành khác bắt chước như “cẩm nang cần thiết khi thu nhập công ty bắt đầu sụt giảm”. Cho đến nay, tâm lý “bầy đàn” đó vẫn chỉ “khu trú” trong khu vực công nghệ và truyền thông. Trên thực tế, điều ngạc nhiên nhất là các việc làm khác vẫn ổn định, ngay cả các lĩnh vực bị ảnh hưởng nhất bởi việc Cục Dự trữ Liên bang (FED) tăng lãi suất nhiều đợt để chống lạm phát và hạ nhiệt nền kinh tế.

Các công ty công nghệ đang trải qua quá trình điều chỉnh, nhưng điều chỉnh không có nghĩa là dấu chấm hết cho khu vực này. (minh họa: Unsplash)

Nền kinh tế phụ thuộc vào 20% người giàu nhất

Dù việc làm công nghệ đang giảm, nhưng việc làm trong ngành xây dựng và bất động sản vẫn mạnh mẽ và không có đợt sa thải lớn nào. Lo lắng thứ hai là tác động của sự dư thừa sản phẩm công nghệ khi người tiêu dùng không còn khả năng “mua dễ” như trước. Phần lớn, nhân viên công nghệ được trả lương cao và việc họ bị sa thải đi kèm với các gói trợ cấp thôi việc hào phóng. Họ cũng không thể chuyển sang các công việc lương thấp hơn. Thất bại trong cuộc đua việc làm mới, họ ngồi yên và chờ cơ hội. Nhưng dù tốt hay xấu, nền kinh tế Mỹ phụ thuộc rất nhiều vào chi tiêu của 20% những ở nấc thang trên cùng của sự giàu có – những người lao động có mức lương sáu con số, có tiền để đến các nhà hàng nổi tiếng đắt đỏ, ngồi trên khán đài giá vé cao tại các trận đấu thể thao hoặc bay ở ghế hạng thương gia. Họ có những ngôi nhà đẹp để trang trí, thời trang để phô bày và những kỳ nghỉ xa hoa. Chi tiêu của họ (hoặc giảm chi tiêu) đều ảnh hưởng lớn đến sự bùng nổ hay phá sản của khu vực dịch vụ và các doanh nghiệp sống nhờ hàng hoá cao cấp, kể cả trang trí nội thất và thiết bị gia dụng.

Những gì đang xảy ra đối với người giàu bây giờ cũng giống như những gì mà tầng lớp trung lưu và các gia đình nghèo từng trải qua vào mùa Xuân và mùa Hè năm ngoái, khi giá xăng lên quá $5 và niềm tin vào chính phủ bị sụt giảm nghiêm trọng. Nhưng tất cả những yếu tố trên ảnh hưởng đến tiêu dùng như thế nào còn phải nghiên cứu kỹ. Doanh số bán lẻ sụt giảm trong tháng cuối năm ngoái và một cuộc thăm dò của Morning Consult cho thấy người giàu bắt đầu lo lắng.

“Vào Tháng Mười Hai, 2022, những người có thu nhập cao nhất có tỷ lệ giảm tài sản ròng (sau thuế) nhiều nhất và tình hình tài chính gia đình của họ được cải thiện kém nhất so với một năm trước”, báo cáo thăm dò nêu rõ. Tuy nhiên, mức tiêu thụ của người dân Mỹ nói chung vẫn ổn định trong Quý IV, theo báo cáo Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vừa được công bố vào thứ Năm tuần trước.

Các chỉ số kinh tế mới nhất sau khi cơn sốt sa thải công nghệ diễn ra cũng không báo hiệu thời điểm “ngày tận thế việc làm” sắp xảy ra, dù mọi thứ có xu hướng giảm. Tiêu dùng không ngừng lập tức mà chỉ chậm lại dần khi người tiêu dùng ở mọi nấc thang thu nhập thận trọng hơn đối với các kỳ nghỉ, ăn uống và sửa chữa nhà cửa. Liệu cuối cùng sẽ xảy ra một suy thoái nhẹ hay suy thoái chính thức trong năm nay không thì vẫn phải chờ xem.

Nếu năm 2022 là năm của “những chuyến du lịch trả thù” sau những ngày bị “giam lỏng” vì COVID-19 thì năm 2023 sẽ trở thành “năm của chi tiêu hợp lý”, cả ở nhà và tại nơi làm việc.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: