Google Translate và các ứng dụng dịch thuật còn lâu mới có thể thay thế người

Những phần mềm và công cụ thông dịch ảo đang có sẵn trên thị trường có thể đánh bại thông dịch viên bằng xương bằng thịt? Câu trả lời là không! Ít ra, phải chờ… vài chục năm nữa. Mà đây mới chỉ nói vấn đề dịch chính xác chứ chưa nói về “cái hồn” trong dịch thuật.

Những hạn chế của dịch thuật ảo

Nếu không muốn bị lầm goat cheese (phô mai dê) với goat dung (phân dê), bạn đừng hỏi Google. Đưa từ “crottin de chèvre” trong thực đơn nhà hàng Pháp vào ô dịch của một ứng dụng dịch thuật hay trang Google Translate, nó sẽ trả lời bạn nghĩa của từ này là… “goat dung”. Vì vậy, có không ít người phải bỏ qua oan uổng món ăn phô mai dê ngon lành (làm bằng sữa dê và thường được dùng làm món khai vị tại các nhà hàng Pháp) chỉ vì tin vào Google mà tưởng nó là… phân dê!

Từ cell cũng bị dịch thành “nhà ngục” trong ngữ cảnh lẽ ra phải là “tổ đảng” hay “nhóm khủng bố”. Delta trong “biến thể Delta” bị biến thành “đồng bằng”. Fighter trong ngữ cảnh “2,000 fighters” thành “chiến đấu cơ” thay vì “chiến binh”. Chính vì dịch sai những cụm từ điển hình như thế nên Google Translate không thể trở thành ứng dụng có thu phí dù số người dùng nó đã vượt quá 500 triệu. Google cũng thừa nhận ứng dụng dịch thuật của họ chưa thể thay thế con người. Khả năng thay thế trong tương lai gần cũng rất thấp. Bản thân ngôn ngữ luôn biến hóa, cả hiện tại và tương lai, với những từ mới, câu cú mới phát triển không có điểm dừng.

Google Translate và các ứng dụng tương tự có điểm mạnh là có thể giúp du khách đến một đất nước xa lạ có thể hiểu được phần nào những chỉ dẫn, địa điểm hay các câu hỏi thông thường, bằng cách chuyển ngôn ngữ của mình thành ngôn ngữ địa phương ở mức độ giới hạn cho phép, cả bằng chữ viết lẫn giọng nói. Giao tiếp với người địa phương cũng thuận tiện hơn nhờ hiển thị câu hỏi trên màn hình. Công nghệ dịch thuật miễn phí hiện có sẵn trên tất cả thiết bị di động, và rất dễ dùng. Tuy nhiên, khi gặp những câu từ khó hơn trong hoạt động kinh doanh, y tế, kỹ thuật, những trợ thủ dịch thuật ảo trở nên bất lực, thậm chí trở thành thảm họa nếu vội vã tin vào chúng.

“Dùng Google Translate bừa bãi sẽ dẫn đến những lỗi nghiêm trọng, nhất là đối với một từ có nhiều nghĩa (ví dụ cell), điều thường gặp trong hai lĩnh vực y khoa và kỹ thuật” – nhận xét của Samantha Langley, cựu luật sư hiện là thông dịch pháp lý tiếng Pháp sang tiếng Anh được tòa án công nhận tại Meribel, Pháp. Các thông dịch viên chuyên nghiệp cũng rất ít dùng những công cụ dịch có sự trợ giúp của máy tính (computer assisted translation-CAT), dù các CAT thế hệ mới có thể giúp họ tránh được việc cứ phải dịch mãi một câu trong văn bản, tiết kiệm được thời gian. Hiện CAT được dùng như một trong những trợ thủ đắc lực trong nhiều chương trình giảng dạy ngôn ngữ hiện đại, nhưng mức độ tin cậy của nó vẫn là câu hỏi.

Nở rộ ứng dụng và công cụ dịch thuật

Máy tính hiện nay vẫn còn thiếu sự tinh tế của con người khi nói về thông tin, giao tiếp. “Không ai phủ nhận được công nghệ dịch thuật đóng góp rất nhiều vào việc chuyển ngữ các bản hướng dẫn sử dụng – Zoey Cooper, Giám đốc phụ trách dịch thương hiệu và sách tại Wordbank nói – Nhưng đối với tác phẩm, nếu muốn xây dựng quan hệ lâu dài với người đọc, bạn cần một người dịch bằng xương bằng thịt để có được một bản dịch “có hồn”, không khô cứng”. Một trong những công cụ dịch mới phổ biến nhất là “tai nghe dịch thuật” (so-called translation earpiece). Được cài với trong smartphone, tai nghe này có thể chọn những tiếng nước ngoài và dịch chúng cho người mang.

“Chúng ta đã mất nhiều thập niên nghiên cứu để tạo ra những nền tảng thuật toán (framework of algorithm) có thể nhận biết những mẫu phản ứng liên quan ngôn ngữ, giống như hệ thần kinh não người – Andrew Ochoa, Giám đốc điều hành công ty khởi nghiệp Mỹ Waverly Labs, nơi sản xuất các bộ tai nghe dịch thuật tức thời nói – Kết hợp thành tựu này với công nghệ nhận biết tiếng nói đã tạo ra bước nhảy vọt trong việc dịch chính xác”.

Bà Paola Grassi, một chuyên viên dịch thuật tại Milan, Ý hiện làm việc cho Wordbank, một công ty tiếp thị và dịch thuật toàn cầu, bổ sung: “Không còn nghi ngờ gì nữa. Các công cụ CAT đã giải quyết được trở ngại khi gặp những cụm từ khó cần dịch trong các bản hướng dẫn sử dụng (instruction manual) hay bản câu hỏi. Nội dung bên trong thường lập đi lập lại và CAT sẽ tiết kiệm thời gian dịch thuật”.

Tại hội nghị và cuộc họp, các công cụ dịch thuật mang theo trên người như tai nghe rất được ưa chuộng vì sự tiện lợi, không tốn kém và dễ sử dụng. Tuy nhiên, đối với các “trợ thủ dịch thuật đẳng cấp”, hoạt động bằng cách kết hợp giữa “hệ thần kinh nhận biết tiếng nói” (speech recognition neural network) và “các bộ máy dịch dựa vào internet” (internet-based translation engines), thì cho dù sử dụng công nghệ mới nhất, chúng vẫn có các giới hạn. Người dùng phải chờ ít nhất vài giây để một đoạn văn được dịch hoặc lâu hơn nếu kết nối internet không đủ mạnh.

Thông dịch viên người sẽ tồn tại mãi?

“Câu văn dịch sẽ tự nhiên hơn và chạm được vào cảm xúc chứ không lủng củng, thô thiển như câu văn dịch ảo” – theo Zoey Cooper, Giám đốc phụ trách dịch thương hiệu và sách tại Wordbank. Thậm chí, ông Antonio Navarro Gosálvez, một thông dịch viên tiếng Anh sang Tây Ban Nha sống tại thành phố Alicante của Tây Ban Nha, còn nhận định: “Theo tôi, các CAT đang làm mai một tính sáng tạo trong dịch thuật! Nó chỉ có thể kết nối giữa những mảng vỡ với nhau thành một câu văn theo lập trình và thuật toán nên câu văn mất đi cái hồn và sự linh hoạt của nó. Khi nói đến cảm súc và âm điệu, CAT chưa được trao cho khả năng này để đưa vào câu dịch. Chúng ta phải chờ thêm một thời gian nữa”.

Ochoa tin rằng bài toán khó này sẽ chưa thể giải quyết trong hai chục năm tới. Kỹ năng nói và hiểu tiếng nước ngoài vẫn còn là yêu cầu lớn tại nhiều thị trường lao động. Ở Anh, có khoảng 15% quảng cáo tuyển dụng trên chuyên trang Reed luôn kèm điều kiện phải biết ít nhất một tiếng nước ngoài. Một nghiên cứu mới của Hội đồng Mỹ về Giảng dạy ngoại ngữ (American Council on the Teaching of Foreign Languages) cho thấy 75% công ty sản xuất tại Mỹ chỉ tuyển người có thêm kỹ năng ngôn ngữ khác.

Tuy nhiên, nhiều trường học ở Anh không còn quan tâm đến yêu cầu này. Theo thống kê, từ năm 2013, số học sinh ghi danh học “ngôn ngữ thứ hai” chỉ còn dưới 50% tại các trường cấp 2. Bộ Giáo dục Anh đang tìm giải pháp ngăn chặn đà suy giảm này. “Bộ cam kết sẽ tăng thêm số học sinh học ngoại ngữ, mà trước nhất là đưa ngoại ngữ thành môn bắt buộc cho học sinh từ lớp 3 đến 9” – thông báo của Bộ viết.

“Học ngôn ngữ vẫn là cách tốt nhất để biết về các quốc gia khác, và nói thành thạo ít nhất một thứ tiếng vẫn là tài sản quí để vào đời. Dù không phải là thông dịch viên chuyên nghiệp, ngôn ngữ luôn là cánh cửa để bạn bước vào những nền văn hoá mới và giao tiếp với những con người mới. Kiến thức của bạn sẽ được tăng cường. Các ứng dụng dịch dùng tiếng nói không thể triệt tiêu được những người biết nói tiếng của các quốc gia khác” – bà Cooper nói. Bất chấp sự ra đời rầm rộ của các ứng dụng và công cụ dịch thuật ảo, thị trường toàn cầu cho sinh viên tốt nghiệp ngoại ngữ vẫn rất lớn.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: