Máy bay mang hình viên đạn sắp chở khách

Máy bay hình viên đạn (bullet) có thể là cách mạng trong ngành hàng không thương mại khi cuộc thử nghiệm trên bầu trời thực đã gần kết thúc. Nhưng hãy chờ xem!

Thiết kế ấn tượng

Nó trông như quả trứng, giống một viên nang nén (blimp) hay một viên đạn? Dù bạn có thể gọi hình dạng của mẫu máy bay chở khách mới mang tính đột phá Otto Celera 500L là gì tuỳ thích, nhưng nó đang khêu gợi trí tưởng tượng của nhiều người, cả về ý tưởng, thiết kế lẫn hiệu suất đáng nể. 

Otto Celera 500L trông không giống bất kỳ chiếc máy bay chở khách nào khác bạn từng biết, kể cả máy bay siêu thanh Concorde xuyên đại dương (đã về vườn sau khi hoàn tất nhiệm vụ với hơn trăm hành khách thiệt mạng) chủ yếu là vì tính năng khí động học độc đáo của nó. Thiết kế thân máy bay hình viên đạn đã giúp giảm đáng kể lực cản của gió bằng cách cho phép không khí lưu thông êm ả trên bề mặt (lớp vỏ) của máy bay. Giảm mạnh lực cản có nghĩa là máy bay ít ngốn năng lượng hơn, tức là đốt cháy ít nhiên liệu hơn. 

William Otto Jr., Giám đốc điều hành của Otto Aviation nhận định: “Thiết kế chống lực cản của gió giúp máy đạt hiệu suất cao gấp 4-5 lần so với máy bay dùng động cơ phản lực (turboprop) và gấp7-8 lần hiệu suất của máy bay phản lực (jet aircraft). So sánh số liệu, điều đó có nghĩa là chi phí vận hành sẽ thấp hơn nhiều so với chi phí của các máy bay thương mại có cùng kích thước. Theo Otto Aviation, chi phí bay của Celera khoảng $328 một giờ so với $2,100 của các máy bay khác, với mức tiết kiệm nhiên liệu từ 18 đến 25 dặm cho một gallon (bằng nhiên liệu sử dụng của một chiếc SUV lớn) so với mức tiết kiệm từ hai đến ba dặm một gallon của các máy bay cải tiến khác. 

Vậy, tất cả những ưu điểm đó cộng với không gian đủ cho 6 hành khách, tốc độ 460 dặm một giờ và phạm vi hoạt động 4,500 dặm, Celera có thể đánh bại các máy bay thông thường và là mẫu máy bay thương mại quá tốt để trở thành sự thật?. 

Ý tưởng đến từ ngư lôi tàu ngầm

Celera 500L (hiện đang thử nghiệm nguyên mẫu) là sản phẩm trí tuệ của William Otto Sr., một cựu binh hàng không vũ trụ từng tham gia nhiều dự án quan trọng của quân đội Mỹ, từ chương trình tên lửa Minuteman đến máy bay ném bom B-1. 

Dự án bắt đầu như một thử nghiệm ý tưởng: Liệu có thể thiết kế một máy bay chở khách mà khi đi vào vận hành sẽ đỡ tốn kém hơn nhiều so với các máy bay đang có và các dự án tiết kiệm trước nó? 

Otto lấy cảm hứng đầu tiên từ một nghiên cứu ông từng thực hiện trên ngư lôi để giải bài toán: Làm sao lắp được nhiều ngư lôi hơn trong một tàu ngầm? Câu trả lời của ông là: Chế tạo một loại động cơ đẩy nhỏ hơn loại cũ nhiều, bằng cách thiết kế ngư lôi sao cho hình dạng thon thả hơn, lướt sóng êm hơn và tiêu tốn ít năng lượng hơn. Kết quả là không gian choán chỗ của ngư lôi cũng nhỏ hơn và sẽ có thêm khoảng trống cho một số ngư lôi nữa. 

Hình dạng mới của ngư lôi xuất phát từ một khái niệm gọi là “dòng chảy tầng” (laminar flow). Dòng chảy tầng (nhiều lớp) được hình thành khi một chất lỏng – chẳng hạn không khí – chảy theo các lớp song song, không có sự trì trệ; ngược lại với sự nhiễu loạn khi dòng chảy bị trộn vào nhau hoặc hỗn loạn. 

Tương tự thiết kế mới ngư lôi, hình dạng giống như quả trứng của Celera 500L là nhằm đạt được dòng chảy từng lớp trên bề mặt máy bay để máy bay bay mượt mà hơn trên bầu trời mà không bị nhiễu loạn cản trở. Theo Otto Aviation thiết kế hình viên đạn đã giảm được 59% lực cản so với các máy bay có kích thước tương tự, tiết kiệm đáng kể nhiên liệu và lượng khí thải phát sinh cũng ít hơn.

Những thông số lạc quan

Một câu hỏi nữa đặt ra là nếu dòng chảy tầng hoạt động tốt như thế, tại sao không thiết kế tất cả các mặt phẳng theo cách này này? Otto trả lời: “Để duy trì dòng chảy tầng, các cấu trúc phải không bị co giãn, uốn cong hoặc biến hình. Không thể tạo ra khả năng như thế cho kim loại mà chỉ có vật liệu tổng hợp mới làm được. Đây là giải pháp duy nhất. Ngoài ra, ngay cả những khiếm khuyết nhỏ, tạm thời trên một mặt phẳng kim loại hẹp, như chỗ hàn vết nứt nhỏ hoặc một vết bẹp nhỏ, cũng làm giảm dòng chảy tầng, nhiễu loạn tái diễn, huống hồ là mặt phẳng lớn như thân máy bay!”. 

Theo Otto thì do nhiên liệu rẻ không cần tiết kiệm nên các nhà thiết kế nản lòng mỗi khi nghĩ đến ý tưởng chống nhiễu loạn để chuyển sang các sáng kiến tiết kiệm có kỹ thuật đơn giản hơn. Celera 500L được trang bị một động cơ duy nhất ở phía sau. Đây là động cơ diesel V12 do nhà sản xuất RED của Đức thiết kế. 

“Diesel V12 là động cơ máy bay hiệu quả nhất chúng tôi có thể tìm thấy vào thời điểm này. Nó tương hợp nhất và hiệu quả nhất đối với một máy bay khí động học. Trong tương lai gần, động cơ diesel sẽ được thay bằng động cơ điện hoặc hydro để máy bay không còn khí thải. Hiện tại, mẫu máy bay của chúng tôi đã giảm đến 80% lượng khí thải carbon so với máy bay của các đối thủ. Nếu tính khí thải phát sinh trên mỗi hành khách, Celera 500L đáp ứng các yêu cầu về khí thải 2030-2050 tốt hơn các hãng hàng không khác” – Otto nhận định. 

Celera 500L bay lần đầu tiên vào năm 2018 và kể từ đó đã hoàn thành khoảng 50 chuyến bay thử nghiệm. Cho đến nay nó mới chỉ đạt tốc độ tối đa khoảng 180 dặm/giờ và độ cao 17,000 feet, nhưng một phiên bản động cơ mạnh hơn, sắp được lắp đặt, sẽ cho phép bay nhanh hơn và cao hơn, gần 40,000 feet. Nhóm thiết kế đã có kế hoạch thêm cửa sổ vào thân máy bay (hiện chưa có cửa sổ nào). Otto tin rằng Celera 500L sẽ được bán ra vào năm 2025. 

“Ngay lúc này, chúng tôi đã bắt đầu thảo luận với các đối tác và các nhà khai thác tiềm năng trên thế giới. Mẫu máy bay mới nhận được sự quan tâm từ khắp nơi và ước tính nhu cầu lớn hơn khoảng 100 lần so với  thị trường hàng không tư nhân hiện nay”- Otto tin tưởng. 

Do hình dáng viên đạn của máy bay, cabin rộng rãi (cao 6’2″) để đi bộ thoải mái trên máy bay so với các máy bay tương đương như Pilatus PC-12 hoặc Beechcraft King Air (nhà vệ sinh đứng cũng thế) nên Otto đánh giá Celera 500L ngang hàng với máy bay thương mại cỡ trung. 

Còn nhiều thách thức

Tuy nhiên, sự xuất hiện độc đáo của Celera 500L có thể không được một số khách hàng đón nhận. Otto nhận định: “Tính độc đáo có thể không hấp dẫn một số giám đốc điều hành công ty quen bay trên những chiếc Gulfstream, nhưng tôi tin có một lượng lớn hành khách thất vọng với các hãng hàng không thương mại, an ninh sân bay, xếp hàng chờ đợi và thời gian lãng phí sẽ quan tâm đến máy bay của chúng tôi”. 

Bước đầu, máy bay sẽ được bán cho khách hàng tư nhân với mức giá gần $5 triệu nhưng hai mẫu tương lai lớn hơn với sức chứa tối đa 19 và 40 hành khách sẽ dễ cạnh tranh hơn với các máy bay phản lực đang sử dụng trong khu vực. Otto cho biết ông đang thương lượng với các hãng hàng không lớn về hai loại máy bay mới. 

Tuy nhiên, Celera 500L còn cả một chặng đường dài phía trước phải đi nếu muốn bước ra thị trường một cách suôn sẻ và thành công. Trước hết là số năm bay thử nghiệm phải đáp ứng yêu cầu và được cơ quan chức năng chuẩn nhận thông qua hồ sơ trình duyệt đầy đủ. Nhưng quan trọng nhất vẫn là thực hiện đúng lời hứa ấn tượng về các ưu thế của Celera 500L. 

Theo Richard Aboulafia, một nhà phân tích hàng không tại công ty Teal Group, có vẻ Otto Aviation đã đưa ra những tuyên bố “quá lạc quan” về hiệu suất của máy bay. Ông đặt câu hỏi: “Tất cả nghe có vẻ rất hứa hẹn, nhưng có hứa quá không? Với sự kết hợp của những thông số đẹp, từ phạm vi hoạt động, tốc độ đến công suất, động cơ và hiệu suất, Otto chỉ chỉ cần chứng minh rằng chúng đều thực trước khi có những bước đi kế tiếp. Nhưng một lần nữa, theo tôi, công ty nên thận trọng trong việc tự đánh giá để tập trung vào việc xua tan mối nghi ngờ của những kẻ hoài nghi trên chuyến bay chở khách đầu tiên đã!”

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: