San Francisco khốn khổ vì ‘xe ma’

Một chiếc xe hơi tự lái ‘ZOOX’ đang lái thử qua Lombard street của San Francisco, California, hôm 1 Tháng Mười năm 2022. Lombard street là con phố đông-tây nổi tiếng với đoạn đường dốc, có tám khúc cua. (ảnh: Tayfun Coskun/Anadolu via Getty Images)

San Francisco giống như một postcard từ tương lai của xe không người lái. Những chiếc xe hơi gắn camera không có ai bên trong đang gây tắc đường, khiến người dân tức giận nhưng du khách có người lại thích thú.

‘Sống chung với lũ’

Khi sương mù dày đặc bao phủ, đặc trưng của khu dân cư Balboa Terrace trong ngày thứ Ba tuần trước, năm chiếc SUV màu trắng giống hệt nhau bỗng dừng lại. Đó là những chiếc Jaguar I-PACE chạy điện thuộc công ty Waymo có công ty mẹ là Google, vì bối rối do sương mù, nên tìm cách tấp vào lề chờ sương mù tan, gây ra một vụ tắc đường. Vấn đề là chẳng có ai bên trong để các tài xế khác hét vào mặt cho. Vì chúng là xe tự hành chạy bằng software điều khiển.

Đó chỉ là một ngày trong vài tháng qua, khi cuộc sống của người dân San Francisco bị đảo lộn, vì sự gia tăng đột ngột của những chiếc xe không người điều khiển chạy trên đường phố.

Waymo và Cruise thuộc sở hữu của General Motors (GM) là một trong số các công ty đang thử nghiệm công nghệ tự hành tại thành phố, vốn đã chật chội và đông đúc này. Những chiếc xe hơi được huấn luyện cách đi chung đường với con người để thích nghi với các tình huống khó đoán trong thế giới thực. Xe tự lái đã được thử nghiệm ở San Francisco từ năm 2018, nhưng chỉ giới hạn. Nay chúng mới được phép đi trên đường vào ban ngày mà không cần người giám sát an toàn (tức các tài xế được trả tiền ngồi vào ghế để phản ứng kịp thời nếu xảy ra tình huống khẩn cấp).

Cuộc thử nghiệm cũng đang diễn ra ở các thành phố Phoenix, Austin và một phần của thành phố Los Angeles. Các công ty có kế hoạch mở rộng ra nhiều địa điểm hơn trong năm tới. Waymo tiên phong thử nghiệm trước, Cruise đi sau một năm (2021) và đang tăng dần số xe. Động thái này đã dẫn đến sự phàn nàn của người dân về các sự cố liên quan đến đội ngũ xe “ma”, từ tắc đường vô hại đến các tai nạn như đâm vào đuôi xe buýt công cộng.

Những chiếc xe tự lái khá lúng túng khi gặp những tình huống cứu nạn như cháy. Theo Cơ quan Giao thông Vận tải Quận hạt San Francisco (San Francisco County Transportation Authority), tại một đám cháy mới đây, lính cứu hỏa phải phá cửa thắng gấp một chiếc Cruise trước khi nó cán qua vòi nước lần thứ hai, vì trước đó đã có một chiếc làm như vậy rồi.

Nguy hiểm hơn là xe tự lái gây tai nạn chết người. Năm 2018, một chiếc xe Uber tự lái do tài xế giám sát mất tập trung, cán chết Elaine Herzberg, 49 tuổi, khi bà đang đẩy chiếc xe đạp qua đường vào ban đêm ở thành phố Tempe, Arizona. Theo các điều tra viên của Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia (National Transportation Safety Board), hệ thống quan sát của chiếc xe này không tính đến việc có người băng qua đường bên ngoài lối băng qua đường dành cho người đi bộ. Sau tai nạn, Uber phải ngừng chương trình xe không người lái vào năm 2020, nhưng sẽ sớm tái lập.

Cận cảnh nhìn từ phía sau xe tự lái General Motors Cruise ở khu phố South of Market (SoMA) của San Francisco, California, hôm 10 Tháng Sáu năm 2019. (ảnh: Smith Collection/Gado/Getty Images)

Sống kế cận trung tâm công nghệ Silicon Valley, người dân San Francisco đã quen với việc trở thành “bãi thử nghiệm beta” cho các công ty công nghệ lớn (Big Tech). Trước đây, dịch vụ taxi công nghệ Uber cũng ra mắt ở đây, rồi đến dịch vụ thuê nhà ngắn hạn của Airbnb, xe tay ga điện không bến (dockless electric scooter) và robot vỉa hè (sidewalk robot). Nhưng các cư dân bắt đầu đặt câu hỏi về sự việc “mặc định” thành phố của họ thành “trung tâm thử nghiệm”, đặc biệt là khi các công ty xe tự lái chuẩn bị thử nghiệm tiếp theo: Đi đến nhiều điểm hơn, 24 giờ một ngày. Lúc đó thành phố sẽ bội thực với lực lượng xe robot (robot car).

Bà Joyce McKinney sống đối diện với một công viên được dùng làm điểm đậu xe không chính thức cho xe Waymo, thường nhìn thấy ba chiếc xếp hàng song song thay vì hàng dọc. Có lần, một chiếc dừng lại giữa đường làm tắc nghẽn giao thông 15 phút trước khi hoạt động lại. “Nhìn vào những trục trặc thì dù chúng ngang bằng hoặc tốt hơn tài xế, tôi vẫn cảm thấy bị đe dọa bởi những chiếc ‘xe ma’ này, hơn xe có người điều khiển, đặc biệt lo lắng về ý nghĩa của công nghệ đối với thành phố, nhất là sau khi chứng kiến tác động của các doanh nghiệp gọi xe Uber. Uber và Lyft đã có tác động khủng khiếp đến San Francisco và tôi không muốn thấy những chiếc xe tự lái của Waymo và Cruise lập lại một lần nữa để làm quá tải đường phố”.

Người chống, kẻ ủng hộ

GM cho biết đã cập nhật phần mềm 300 chiếc xe của mình để chúng nhằm hiểu rõ hơn về xe buýt. Còn phát ngôn viên Drew Pusateri của Cruise cho rằng công ty đang phát triển công nghệ để cung cấp các phương tiện giao thông xanh an toàn hơn với giá cả phải chăng hơn. Phần lớn, những chiếc xe trống của Cruise và Waymo di chuyển như những người học lái nghiêm túc không bao giờ vượt quá giới hạn tốc độ, dừng hẳn ở các biển báo dừng và nhấn thắng khi có dấu hiệu nhỏ nhất sắp xảy ra sự cố.

Nhưng điều đáng sợ nhất đối với mọi người không phải là cách robor car di chuyển, mà là hình ảnh một chiếc xe trống, lắp đầy camera và cảm biến với vô lăng tự quay. Cứ như những xe ma chạy trên đường phố.

Các công ty công nghệ và xe hơi lớn được các cơ quan tiểu bang California như Bộ Phương tiện Cơ giới California (California Department of Motor Vehicles), cho phép thử nghiệm. Vì vậy thành phố không có quyền điều chỉnh các chương trình thử nghiệm. Theo Washington Post.

Hồi Tháng Giêng, Cơ quan Giao thông Vận tải Quận hạt San Francisco viết một bức thư dài 23 trang cho các cơ quan tiểu bang nêu rõ những lo ngại của thành phố về xe tự lái và phản đối khi nghe tin Cruise muốn mở rộng dịch vụ gọi xe trả phí ra toàn thành phố mọi lúc mọi nơi.

Trong khi những chiếc xe hơi tự lái học cách đối phó với những hành vi khó tiên đoán của con người, thì con người cũng học cách đối phó với những chiếc xe tự lái. Sally Applin,  nhà nhân chủng học nghiên cứu về sự giao thoa giữa con người, thuật toán và đạo đức, nhận xét: “Những hệ thống tự động này không thể mang tính xã hội như con người, vì vậy chúng cần thêm tính xã hội và biết nhường nhịn. Nhưng tôi tự hỏi liệu chúng ta có thể dạy cho một chiếc xe hơi các tương tác như con người hay không?”. Việc thiếu giao tiếp bằng mắt có thể gây khó chịu cho người đi bộ, đặc biệt là các bậc cha mẹ thường dạy con phải được tài xế nhìn thấy trước khi muốn đi qua phía trước một chiếc xe hơi. Vẫy tay, nhìn, mỉm cười và gật đầu hầu như vô dụng đối với những chiếc xe không người lái.”

Thiết bị gắn trên mui xe không người điều khiển. (ảnh: Smith Collection/Gado/Getty Images)

Hiểu được điều này, các công ty cho biết đã nghiên cứu việc dạy xe hơi nhận biết cử chỉ tay, giống như cảnh sát giao thông. Andrew Harding, kiến trúc sư, 47 tuổi, không có xe hơi và đi lại gần như hoàn toàn bằng xe đạp, ủng hộ xe tự lái này. Ông cho biết đã có những trải nghiệm tích cực khi đi chung đường với xe Waymo và Cruise, được lập trình để giữ khoảng cách thích hợp với người đi xe đạp. “Xe tự lái là thứ duy nhất tuân theo giới hạn tốc độ và là thứ duy nhất tôn trọng người đi xe đạp. Tốc độ là thứ giết chết con người. Đó là lý do tại sao tôi tiếp tục lạc quan về xe tự lái,” ông nói.

Cả Waymo và Cruise đều có các ứng dụng ghi danh đi thử. Omar Saeed, 29 tuổi, đến từ Ohio sau khi nhìn thấy một TikToker chia sẻ kinh nghiệm với Cruise, anh cũng liền ghi danh trên ứng dụng và được chấp thuận bốn ngày sau đó. Cruise chỉ được phép cung cấp các chuyến đi (có trả tiền) từ 10 giờ tối đến 5g30 sáng. “Chuyến đi rất thú vị, nhưng xe tự điều khiển vẫn đang trong giai đoạn học hỏi. Tôi rất vui khi trải qua mấy tiếng để biết thứ mà nhiều người chưa biết nó đang hoạt động ra sao,” Saeed nhận xét.

Thế bạn có muốn thử không?

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: