Vì sao Tesla thắng và định hình tương lai công nghiệp xe hơi?

Share:

Công nghiệp xe hơi – một trong những ngành công nghiệp khổng lồ truyền thống của Mỹ – lâu nay nằm dưới sự khống chế của đại thủ lĩnh General Motors (GM). Tuy nhiên, cả GM lẫn Ford đều khá bi thảm. “Cộng sổ” cho thấy, thị trường Mỹ nói chung tiêu thụ gần 15 triệu chiếc trong năm 2021. Và trong khi GM cho biết doanh số tại Mỹ của họ giảm 13% (bán được 2.2 triệu xe hơi và xe tải), thì doanh số Toyota tăng hơn 10% (bán được 2.3 triệu xe). Nói cách khác, năm 2021, Toyota đã hất đổ ngai vàng của GM để trở thành hãng xe bán được nhiều nhất thị trường Hoa Kỳ. Tuy nhiên, Tesla mới là hãng xe cần nói.

Thắng đậm

Ngày 2 Tháng Một 2022, Tesla cho biết họ đã giao 936,000 xe trong năm 2021, tăng 87% so với năm trước, bất chấp tình trạng thiếu chip làm gián đoạn công nghiệp sản xuất xe hơi trên khắp thế giới. Chỉ trong quý IV-2021, Tesla đã giao hơn 308,000 xe, tăng 71% so với quý I năm trước đó. Quý III-2021, Tesla kiếm được 1.6 tỷ, hơn gấp đôi so với thu nhập của cả năm 2020, năm đầu tiên có lãi. Tỷ lệ giao hàng áp đảo là mẫu sedan Model 3 và hatchback Model Y. Tesla đã vượt qua Volvo và Subaru vào năm 2021. Một số nhà phân tích dự đoán rằng Tesla có thể bán được hai triệu xe trong năm nay, khi các nhà máy ở Berlin và Austin (Texas) đi vào hoạt động, và nhà máy ở Thượng Hải tăng số lượng sản xuất.

Vào Tháng Mười 2021, giá trị thị trường của Tesla đã lần đầu tiên vượt quá một nghìn tỷ đôla, biến giá trị công ty cao hơn cả GM, Ford, Toyota, Volkswagen, BMW, Stellantis (công ty được thành lập từ sự sáp nhập Fiat Chrysler và Peugeot) và một số nhà sản xuất xe hơi khác cộng lại…

Ảnh: Milan Csizmadia/Unsplash

Những chuyển động cực nhanh

Câu chuyện Tesla cho thấy vấn đề không chỉ là thị trường xe hơi hoặc thuần túy chuyện kinh doanh. Nó cho thấy Tesla và có thể các doanh nghiệp xe hơi điện non trẻ khác sẽ đe dọa sự thống trị của những gã khổng lồ như Ford, Volkswagen, GM… và viễn cảnh này sẽ xảy ra sớm hơn và dữ dội hơn những gì mà hầu hết giới điều hành và hoạch định chính sách trong ngành nhận ra. Xu hướng xe điện dĩ nhiên giúp giảm khí thải gây biến đổi khí hậu nhưng cùng lúc nó cũng gây ra những xáo trộn kinh khủng trong công nghiệp xe hơi, ảnh hưởng hàng triệu công nhân, hàng nghìn nhà cung cấp và cả nhiều chính quyền địa phương vốn phụ thuộc công nghiệp sản xuất xe hơi truyền thống để thực hiện chính sách tạo công ăn việc làm cũng như thu thuế má.

Một trong những động thái “nhanh và nguy hiểm” của Tesla là việc đối phó với cơn khủng hoảng thiếu chip. Tesla sử dụng chip có sẵn và viết lại phần mềm vận hành để phù hợp với nhu cầu. Các công ty lớn hơn không thể làm điều đó vì họ phụ thuộc các nhà cung cấp bên ngoài về phần mềm và lẫn kỹ thuật máy tính. Trong nhiều trường hợp, giới  sản xuất xe hơi còn dựa vào các nhà cung cấp để giúp giao dịch với những nhà sản xuất chip. Khi khủng hoảng xảy ra, các nhà sản xuất xe hơi bị mất “chiếc cầu” bắc ra thế giới bên ngoài.

Một showroom trưng bày xe Tesla Model Y ở Hong Kong (ảnh: Budrul Chukrut/SOPA Images/LightRocket/Getty Images)

Xe hơi ngày càng trở thành một “thiết bị” kỹ thuật số. Nó chẳng còn là một phương tiện đơn giản là đổ đầy bình xăng mà khi sử dụng người ta ngồi vào đó để đạp ga chạy. Xe hơi hiện đại ngày nay là một cỗ máy. Cứ ngồi vào đó, gần như mọi thứ khác xe có thể “tự lo”. Đó là một thực tế mà một số công ty khổng lồ ngày càng thừa nhận. Nhiều ông lớn, trong đó có Ford và Mercedes-Benz, cho biết những tháng gần đây, họ bắt đầu lùng sục và tìm thuê kỹ sư và lập trình viên để thiết kế chip và viết phần mềm riêng. Morris Cohen, giáo sư danh dự tại Trường Wharton thuộc Đại học Pennsylvania, nhận xét: “Tesla, sinh ra ở Thung lũng Silicon, chưa bao giờ thuê người ngoài viết phần mềm. Tesla tự viết mã (code) riêng. Họ đã viết lại phần mềm để có thể thay thế sự thiếu hụt chip. Các hãng xe khác không thể làm được điều đó. Tesla đã kiểm soát vận mệnh của mình”.

Ảnh: David von Diemar/Unsplash

Tự cung tự cấp là bài học lớn nhất

Năm 2018, khi Elon Musk khẳng định Tesla có thể tự sản xuất nhiều bộ phận, những đối thủ khác chỉ cười khẩy, chẳng buồn bận tâm. Tuy nhiên, ngày càng người ta càng thấy họ cần làm một số điều mà Tesla đã và đang làm, đặc biệt việc nắm quyền kiểm soát hệ thống máy tính trên “chiếc tàu” của họ. Mới đây, Mercedes cho biết họ có kế hoạch sử dụng ít chip chuyên dụng hơn trong các mẫu xe sắp ra mắt, đồng thời tự viết phần mềm riêng. Tự mình làm nhiều thứ hơn cũng giúp giải thích tại sao Tesla tránh được tình trạng thiếu pin – một nỗi khổ tâm đã vật lên vật xuống cả Ford lẫn GM từ khi họ tham gia cuộc đua xe điện. Năm 2014, khi hầu hết nhà sản xuất xe hơi vẫn còn đang tranh luận về việc liệu xe điện đến chừng nào thì mới thay đổi diện mạo giao thông Mỹ, Tesla đã khởi công cái mà hãng gọi là “gigafactory” ở Reno (Neveda) để sản xuất pin, cùng với đối tác Panasonic.

Ảnh: Alex Zahn/Unsplash

Như giáo sư Morris Cohen (Trường Wharton) đã chỉ ra, chiến lược tiếp cận của Tesla, theo nhiều cách, là ngược lại với những gì mà công nghiệp xe hơi truyền thống làm khi khởi dựng sự nghiệp, thời mà Ford còn sở hữu nhiều nhà máy thép lẫn… đồn điền cao su. Những thập niên gần đây, các hãng xe hơi bắt đầu “khôn ra” khi họ tập trung vào thiết kế và quản lý hệ thống lắp ráp đầu cuối, trong khi những phần khác thì giao cho các nhà cung cấp. Chiến lược này giúp họ tiết kiệm đáng kể nhưng cùng lúc lại biến họ trở nên “mong manh” hơn khi nguồn cung ứng gặp trục trặc. Thảm cảnh này đã xảy ra khi đại dịch COVID-19 bùng nổ.

Nhà máy Tesla tại Grünheide, Berlin – dự kiến bắt đầu hoạt động năm 2022 với 500,000 chiếc/năm (ảnh: Patrick Pleul/dpa-Zentralbild/ZB/Getty Images)

Qui mô Tesla thật ra nhỏ hơn nhiều so với những anh khổng lồ như Volkswagen và Toyota, nơi (mỗi hãng) có thể sản xuất ngon lành hơn 10 triệu xe trong một năm. Tuy nhiên, qui mô nhỏ cũng giúp Tesla linh động hơn trong xoay chuyển tình thế. Dòng sản phẩm Tesla cũng ít hơn. Mẫu sedan Model 3 và Model Y chiếm gần như toàn bộ doanh số công ty vào năm 2021. Việc cung cấp ít tùy chọn hơn so với nhiều nhà sản xuất xe hơi truyền thống đã giúp Tesla đơn giản hóa quá trình sản xuất. Phần mềm Tesla, có thể được cập nhật từ xa, được coi là phần mềm phức tạp nhất trong lĩnh vực công nghiệp xe điện, nhưng sản phẩm của họ lại sử dụng ít chip hơn, vì họ có thể kiểm soát các chức năng như làm mát pin hoặc kỹ thuật tự hành nhờ việc dồn chip tập trung vào bo mạch chủ.

Xe Tesla, dù vậy, chẳng phải siêu hoàn hảo. Tháng Mười Hai 2021, Tesla cho biết họ phải thu hồi hơn 475,000 xe vì hai lỗi. Ngoài ra, Tesla cũng bị thanh tra an toàn liên bang đang điều tra mức độ an toàn của hệ thống tự hành (tự tăng tốc, thắng và de lui)… Khó có thể nói Tesla có thể thống trị tuyệt đối thị trường xe điện trong tương lai vì các đối thủ sừng sỏ đang chuyển mình cực nhanh để bắt xu thế. Kỹ thuật của xe Tesla, dù độc đáo đến đâu, cũng chẳng phải là loại xe mà thiên hạ không làm được. Tuy nhiên, chiến lược mở đường trong đầu tư và phát triển của Tesla đang là bài học tốt cho tất cả hãng xe khác; và bức tranh mà Tesla vẽ lên đó những nét đầu tiên sẽ là tương lai của giao thông thế giới ngày mai.

ĐỌC THÊM:

Tesla mở phòng trưng bày ở Tân Cương, bất chấp cáo buộc diệt chủng

Tesla triệu hồi gần nửa triệu xe Model 3 và Model S

Tesla chuyển đại bản doanh từ California sang Texas

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: