Xe tự lái, từ giấc mơ đến hiện thực

Đó là một đêm muộn ở khu vực Metro của thành phố Phoenix, tiểu bang Arizona. Dưới ánh sáng chói lóa của những ngọn đèn đường, bạn có thể nhìn thấy một chiếc xe hơi đang từ từ tiến đến. Cảm biến hoạt động trên xe phát ra tiếng ồn thấp. Chữ “W” màu xanh lục và xanh lam phát sáng từ kính chắn gió, tạo ra khoảng sáng vừa đủ để nhìn vào bên trong và thấy ghế ngồi tài xế hoàn toàn trống rỗng!

Triển vọng to lớn

Bánh xe điều hướng đưa xe vào lề đường một cách chính xác và xe đậu lại khi có thông báo đến từ điện thoại của những người đang chờ nó. Họ mở cửa xe leo vào và một lời chào phát qua hệ thống âm thanh của xe: “Chào buổi tối, chiếc xe này là của bạn, không có ai giữ chỗ trước!”. Đó chính là robottaxi Waymo One và nó lên đường đón khách cách nay 10 phút thông qua một ứng dụng đặt xe trên điện thoại của khách. 

Loại dịch vụ xe tự lái này đang mở rộng khắp nước Mỹ và là một trong nhiều sự dấu hiệu báo trước: Công nghệ tự hành đang thực sự trở thành một phần trong cuộc sống của chúng ta. Triển vọng của công nghệ không người lái đã thu hút được sự quan tâm từ những năm gần đây và có tiềm năng thay đổi trải nghiệm của con người, trong việc sử dụng các phương tiện đi lại công cộng kể cả những chuyến đi dài, và giải thoát con người khỏi các môi trường độc hại cao. 

Xe tự hành cũng là chìa khóa giúp các thành phố cải tạo lại trong tương lai cho phù hợp với công nghệ mới và đáp ứng mục tiêu giảm lượng khí thải carbon và mở ra cách sống bền vững hơn. 

Dĩ nhiên, sự an toàn vẫn là ưu tiên hàng đầu khi đưa công nghệ vào đời sống. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính có hơn 1.3 triệu người chết mỗi năm do tai nạn giao thông đường bộ. “Chúng ta phải có những con đường an toàn hơn và ít người chết vì tai nạn hơn. Tự động hóa phải đáp ứng được mục tiêu này” – bà Camilla Fowler, người đứng đầu bộ phận vận tải tự động của Phòng thí nghiệm Nghiên cứu Giao thông (TRL) của Vương quốc Anh nhận xét. 

Nhưng để công nghệ tự lái trở thành xu hướng chủ đạo, vẫn cần thêm nhiều thay đổi. David Hynd, trưởng phụ trách khoa học về an toàn và điều tra tại TRL cho biết: “Xe không người lái nên được xem là một cách êm ả và thanh thản để đi từ điểm A đến điểm B. 

Nhưng không phải những tài xế đi bên cạnh xe tự lái đều hành xử theo cách đó. Vì vậy xe tự lái phải chuẩn bị đối phó với những chiếc xe chạy quá tốc độ hoặc cố tình vi phạm luật giao thông cùng với nhiều thử thách khác nữa. Ví dụ, cần quy định lại mã đường cao tốc, nâng cao nhận thức của công chúng, nâng cấp đường phố, cải thiện cơ sở hạ tầng thị trấn, thành phố; sửa luật giao thông, luật bảo hiểm để xe tự lái có thể hoạt động an toàn chung với xe bình thường”. 

Richard Jinks, Phó chủ tịch thương mại của công ty phần mềm xe không người lái Oxbotica trụ sở tại Oxfordshire cho biết ngành bảo hiểm đang xem xét cách thích nghi với sự thay đổi khi không có tài xế “thật” điều khiển và chịu trách nhiệm trên ngồi trên. 

Những rào cản

Rào cản lớn nhất đối với công nghệ tự hành là một câu hỏi phải được sớm trả lời một cách thuyết phục: Làm thế nào để xe tự lái hoạt động an toàn và hiệu quả trong những môi trường phức tạp và khó đoán? Hai năm tới, công nghệ xe tự lái sẽ phải trả lời xong câu hỏi này. 

Tại cơ sở thử nghiệm Mcity thuộc Đại học Michigan, các chuyên gia đang cố tìm ra câu trả lời tại bãi thử xe tự lái được xây dựng bài bản đầu tiên trên thế giới. Đó là một thị trấn nhỏ 16 acres với đầy đủ cơ sở hạ tầng giao thông và đường sá bao gồm cả hệ thống đèn tín hiệu, biển báo, đường hầm, mặt tiền các chung cư, cây cối, sân trước nhà riêng, gara, lối đi dành cho người đi bộ, đường ray và vạch kẻ đường điều hướng phương tiện để thử nghiệm mô hình giao thông tự giao hàng và gọi xe. 

Tại thành phố nhỏ hoàn chỉnh này, các chuyên gia thử nghiệm mọi tình huống, mà ngay cả những người lái xe kinh nghiệm nhất cũng có lúc phải xử lý, từ việc phát hiện trẻ em chạy chơi trên đường đến xe hơi vượt ẩu tại ngã tư. 

“Đây toàn là những tình huống có thể dẫn đến tai nạn – bà Necmiye Ozay, giảng dạy kỹ thuật điện và máy tính tại Đại học Michigan, giải thích – Để kiểm tra công nghệ không người lái chúng ta phải giải quyết hàng trăm khả năng khác nhau trong bất kỳ tình huống nhất định nào. Chúng tôi huy động mọi chất xám của trường – không chỉ kỹ thuật, mà còn từ nhiều lĩnh vực khác nhau như tâm lý học, tương tác máy-người… để có thể giải quyết rất nhiều vấn đề mà xe tự lái phải đối mặt”. 

Ozay và các cộng sự đã thử nghiệm các tình huống giao thông khác nhau, khám phá cách các phương tiện tự hành giao tiếp trên tôn chỉ: Bảo đảm an toàn cho phương tiện và dữ liệu cá nhân không bị tin tặc. Những chiếc taxi tự lái tại những khu vực xác định ở Phoenix cũng thuộc một chương trình thử nghiệm giống như Ozay đang làm. 

Tuy nhiên trong hai năm tới robottaxi sẽ nhiều hơn và phạm vi hoạt động cũng rộng hơn. Mục đích của Waymo trụ sở tại Mỹ là kiểm tra xem có thực tế không khi tin rằng các robottaxi sẽ có thể hoạt động ở hai thành phố San Francisco và New York City vào năm 2023. Đồng Giám đốc điều hành, Tekedra Mawakana, rất thận trọng khi nhấn mạnh “an toàn cần có thêm thời gian”.  

AutoX, một công ty khởi nghiệp do Alibaba tài trợ là chủ nhân của những chiếc robottaxi không người lái thử nghiệm tại Thượng Hải, Trung Quốc vào năm 2020. Đến năm 2023, nhiều khả năng chúng sẽ có mặt tại các thành phố khác trên khắp Trung Quốc.

Giao hàng và vận chuyển công cộng

Phần lớn công nghệ không người lái chỉ mới được sử dụng tại những nơi như hầm mỏ, nhà kho và bến cảng, nhưng Hynd tin rằng trong hai năm tới, nó sẽ được mở rộng đến “giao hàng chặng cuối cùng”, tức là đưa sản phẩm và dịch vụ đến tận tay người tiêu dùng. 

Ví dụ: Xe tải HGV tự hành trên đường cao tốc và robot giao hàng thực phẩm và hàng tạp hóa. Trong khi Apple cho biết đã lên kế hoạch tung ra những chiếc xe hơi điện hoàn toàn tự lái trong 4 năm tới, các chuyên gia trong ngành vẫn thận trọng về những gì khả thi trong tương lai 5-10 năm. Cuộc thảo luận về các quy định mới và vai trò mới của các công ty bảo hiểm trong lĩnh vực vận tải tự động cũng cần phải hoàn tất. 

Theo Fowler, công nghệ không người lái sẽ được triển khai trước tại các môi trường nguy hiểm, từ các nhà máy điện hạt nhân đến các cơ sở quân sự, nhằm hạn chế nguy hiểm cho tính mạng con người. 

Ví dụ, mỏ Rio Tinto ở Tây Úc hiện đang vận hành đội xe tải tự hành lớn nhất trên thế giới được điều khiển bởi hệ thống tập trung cách xa hàng dặm ở Perth. TRL đang nghiên cứu ý tưởng “Platoon” gồm một nhóm xe tự hành HGV đi gần nhau trên đường cao tốc để không cho các phương tiện khác xen vào chúng, tiết kiệm nhiên liệu nhờ chiếc sau nương gió chiếc trước đồng thời giúp giảm tắc nghẽn do chiếm ít không gian trên đường hơn. 

Plus, nhà sản xuất xe tải tự lái đầu tiên tại châu Âu, cũng đã đi vào hoạt động sau thử nghiệm thành công mô hình này trên đường cao tốc Wufengshan tại Trung Quốc. Ozay dự đoán các phương tiện robot nhẹ hơn có thể sử dụng vỉa hè và đường dành cho xe đạp với tốc độ hạn chế để giao thực phẩm và hàng tạp hóa gọn nhẹ. 

Xây dựng niềm tin của công chúng

Về giao thông công cộng, Oxbotica đang hợp tác với ZF có trụ sở tại Đức trong kế hoạch 5 năm nhằm biến xe tự lái trở thành “trụ cột giao thông” tại các thành phố châu Âu, trên cả đường bộ cũng như tại các sân bay giống như xe buýt bây giờ. “Điều này có nghĩa là xe đưa đón không người lái sẽ đưa hành khách từ bãi đậu xe đến sân bay, rồi đi thẳng đến cổng ra máy bay – Jinks giải thích – Việc liên kết hiệu quả các hệ thống giao thông công cộng tự động là câu trả lời cho tình trạng tắc nghẽn hiện nay”. 

Tất cả các chuyên gia đều đồng ý rằng bảy năm tới sẽ phụ thuộc vào sự thành công và thất bại của các những bước đi ban đầu, mức độ an toàn và lòng tin của công chúng. 

Tuy nhiên, hầu hết đều xem việc thiết kế lại thành phố sẽ cho phép áp dụng công nghệ tự động nhiều hơn để con người con người có thể chuyển nhanh sang cách sống hiện đại hơn và hiệu quả hơn. Nếu không có xe hơi đậu dọc đường, đường có thể hẹp hơn, nhường chỗ cho nhiều không gian xanh hơn. 

Những người ủng hộ phương tiện tự hành khẳng định chúng sẽ giúp đường sá an toàn hơn. “An toàn luôn là một trở ngại lớn, đặc biệt là đối với các quốc gia chậm áp dụng sự thay đổi vì quá tốn kém. Cơ sở hạ tầng sẽ quyết định tốc độ triển khai công nghệ tự hành và sự sẵn sàng sử dụng các phương tiện của công chúng. 

Cũng giống như cách mà các trạm sạc điện cho xe hơi điện từ từ đi vào các bãi đỗ xe, các con phố nhỏ và các trạm dịch vụ, các phương tiện tự hành cuối cùng cũng sẽ tiến vào thế giới hàng ngày của chúng ta. Sẽ có lúc con người tự hỏi làm sao chúng ta có thể sống thoải mái mà không có xe tự lái?

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: