Cuộc chiến thịt thật và thịt… giả!

Ảnh: Wesual Click/Unsplash

Nói đến “thịt”, mặc nhiên người ta hiểu đó là thịt động vật và chỉ thịt động vật mới đáng gọi là… thịt. Tuy nhiên, với một số người khác, thịt chế biến từ đâu chẳng quan trọng. Cái chính là nó nếm ngon như… thịt. Chuyện tranh cãi thịt thật-thịt giả thật ra không chỉ liên quan từ ngữ. Nó là một cuộc chiến sống mái, giữa ngành công nghiệp chế biến thịt thật và ngành công nghiệp thịt giả.

Mới đây, theo New York Times (2-12-2020), một công ty Mỹ chế biến thịt giả đã lần đầu tiên được cấp giấy phép từ nước ngoài để xuất khẩu. “Thịt” của họ là thịt được chế từ phòng thí nghiệm. Công ty Eat Just có trụ sở tại San Francisco mô tả sản phẩm của mình là “thịt thật, chất lượng cao được tạo ra trực tiếp từ tế bào động vật để mang lại sự an toàn cho con người”. Cơ quan Thực phẩm của Singapore hôm thứ Tư 2-12-2020 cho biết họ đã phê duyệt sản phẩm Eat Just để nó được nhập khẩu vào nước họ.

“Đây là một thời khắc lịch sử trong hệ thống thực phẩm”, Josh Tetrick, giám đốc điều hành Eat Just, cho biết. “Chúng ta đã ăn thịt hàng nghìn năm và mỗi khi ăn thịt, chúng ta phải giết một con vật – cho đến tận bây giờ”. Elaine Siu, giám đốc điều hành Viện thực phẩm Châu Á Thái Bình Dương, tổ chức phi lợi nhuận quảng bá thịt giả và các sản phẩm thay thế thực vật, nói thêm rằng “bất cứ ai trong lĩnh vực này đều biết đây là sự chuẩn thuận đầu tiên trên thế giới cho sản phẩm thịt giả”.

Cơ quan Thực phẩm của Singapore cho biết họ đồng ý cho nhập “thịt viên chiên” của Eat Just sau khi công ty này đệ trình giấy chứng nhận an toàn từ nhóm đánh giá sản phẩm, gồm bảy thành viên là các chuyên gia bên ngoài, chuyên về khoa học thực phẩm, độc chất học, dinh dưỡng học, dịch tễ học và các lĩnh vực khác. Eat Just đã bán một sản phẩm giống trứng được làm từ đậu xanh tại thị trường Mỹ và Trung Quốc, và có kế hoạch mở rộng sang Hàn Quốc vào đầu năm tới. Giữa năm 2019, các nhà khoa học tại Đại học Harvard cũng loan bố họ tìm được cách tạo ra thịt giả với mùi vị y chang thịt thật, bằng cách nuôi cấy tế bào cơ của bò và thỏ.

Ảnh: Anastasia Malysh/Unsplash

Chăn nuôi chiếm khoảng 14,5% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính của thế giới mỗi năm – gần tương đương lượng khí thải từ ô tô, xe tải, máy bay và tàu thuyền cộng lại. Công nghiệp chăn nuôi đồng thời cũng là một trong những ngành công nghiệp lớn nhất thế giới. Việc chống lại thịt công nghiệp và cổ xúy thịt giả khiến giới chủ công nghiệp thịt thật đang nổi khùng.

Giữa năm 2019, 24 tiểu bang Mỹ đã nỗ lực thông qua luật để cấm thực phẩm làm từ thực vật được gọi là thịt. Tại Louisiana, Francis Thompson, một thượng nghị sĩ của đảng Dân chủ, người bảo trợ cho dự luật cấm dùng từ “thịt”, nói rằng vấn đề này đã không được kiểm soát quá lâu. Ông nói: “Bông cải xanh không phải là gạo. Và chắc chắn bánh mì kẹp “thịt đậu phụ” chẳng phải là thịt”. Tại Arkansas, David Hillman, một đại diện của đảng Cộng hòa, còn nói rằng: “Tôi muốn món bít tết sườn của mình có thể đi lại bằng bốn chân”!

Thế là giới sản xuất thịt giả phản pháo. Một nhóm nguyên đơn trong đó có công ty Tofurky đệ đơn kiện lên chính quyền tiểu bang Arkansas. Họ lập luận rằng luật của tiểu bang vi phạm Tu chính án thứ nhất và thứ mười bốn, đồng thời… hạ thấp sự hiểu biết của người tiêu dùng. Tofurky và Upton’s Naturals cũng đệ đơn kiện ở Missouri và Mississippi, với hỗ trợ của các tổ chức vận động là Viện Thực phẩm Tốt (Good Food Institute), Hiệp hội Thực phẩm Dựa trên Thực vật, và Quỹ bảo vệ pháp lý động vật.

Sản phẩm thịt thực vật của hãng Beyond Meat (ảnh: Smith Collection/Gado/Getty Images)

Cho đến thời điểm này, Mỹ có nhiều điều luật cấm sử dụng từ “thịt” để mô tả thịt được “nuôi” trong phòng thí nghiệm, dù thực tế rằng thịt ra lò từ phòng thí nghiệm được làm từ tế bào động vật. Trong khi đó, những người ăn chay khẳng định rằng từ “thịt” không chỉ dùng để chỉ thịt của động vật chết. Định nghĩa đầu tiên của từ “THỊT” trong Từ điển New World College của Webster giảng nghĩa là: “Thức ăn, đặc biệt là thức ăn đặc, dùng để phân biệt với thức uống”. Mức độ phức tạp của vấn đề ở chỗ, từ năm 1938 xa lắc, chính phủ liên bang đã được quyền trong việc tạo ra và duy trì các định nghĩa về sản phẩm thực phẩm. Những định nghĩa này được gọi là “tiêu chuẩn nhận dạng”.

Chẳng hạn, “hàm lượng anh đào” của bánh nướng anh đào đông lạnh, theo định nghĩa của liên bang, không được ít hơn 25% trọng lượng của chiếc bánh. Tương tự, tiêu chuẩn về nước trộn salad cũng phải đạt một tỷ lệ dầu-axit nhất định nào đó mới được gọi là “nước trộn salad”. Tiêu chuẩn nhận dạng sữa nói rõ rằng sữa là “chất tiết ra từ vi khuẩn, thực tế không có sữa non, thu được bằng cách vắt sữa hoàn toàn từ một hoặc nhiều con bò khỏe mạnh”!

Những người trong ngành thực phẩm chế biến từ nguồn gốc thực vật cho rằng các tiêu chuẩn về danh tính dẫn đến vô số điều phi lý. Ví dụ như cà chua bít tết (beefsteak tomato) có thể bị ảnh hưởng bởi luật Missouri, vì luật này cấm “trình bày sai sản phẩm là thịt không có nguồn gốc từ gia súc hoặc gia cầm”. Trong trường hợp của Louisiana, Jessica Almy, giám đốc chính sách của Viện Thực phẩm Tốt, cho rằng mì gạo (rice noodle) cũng có thể gặp vấn đề tương tự. Bởi vì chúng được làm từ gạo, không phải lúa mì, và như vậy chúng không đáp ứng định nghĩa kỹ thuật của chính phủ Hoa Kỳ về cái gọi là “mì sợi” (noodle)… Cho đến giờ, cuộc chiến này chưa có hồi kết. Thịt giả ngày càng tràn lan, thịt thật vẫn bán chạy ào ào. Ai thích thịt gì ăn thịt đó. Với người tiêu dùng, các vị hai bên cứ “thịt” nhau, kệ các vị.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: