Làm dịu tinh thần, kéo dài sự chú ý và thậm chí là giao lưu xã hội, các sản phẩm thủ công từ sợi là sở thích mang lại cảm giác dễ chịu, thậm chí còn giúp vượt qua những thời điểm khó khăn trong cuộc sống.
Ngoài lời khuyên thông thường là viết nhật ký và thiền định, nhà tâm lý học Sahra O’Doherty cho biết đan và móc là rất có lợi cho sức khỏe tinh thần của mỗi người.
Khi tham gia vào các nhiệm vụ chuyển động lặp đi lặp lại, cơ thể và tâm trí của bạn sẽ ổn định, theo O’Doherty, tình cờ là một người đam mê đan móc, cho biết nhịp tim và hơi thở sẽ đều đặn hơn và cân bằng áp huyết hơn.
Mặc dù hầu hết các bằng chứng ủng hộ điều này chỉ là giai thoại, một nghiên cứu do University of Wollongong thực hiện đã phát hiện ra rằng những người được hỏi cảm thấy hạnh phúc hơn, bình tĩnh hơn và hữu ích hơn sau khi đan móc. Ngoài ra, những lợi ích của việc tham gia vào hoạt động thủ công đã được chứng thực bởi Trường Cao Đẳng Bác Sĩ Đa Khoa Hoàng Gia Úc (Royal Australian College of General Practitioners) và Diễn Đàn Sức Khỏe Người Tiêu Dùng của Úc (Consumers Health Forum of Australia).
Điểm khiến đan và móc khác biệt với các nghề thủ công khác là nhịp điệu của các mũi đan và móc. O’Doherty nói rằng sự nhịp nhàng trong việc thuê, móc dẫn đến một cảm giác được gọi là trạng thái trôi chảy, một trải nghiệm thú vị về mặt tâm lý, khi ai đó quá tập trung vào một hoạt động đến nỗi thời gian và không gian trở nên vô hình.
Các hoạt động mang tính thử thách nhưng không quá sức, căng thẳng hoặc nặng nề là con đường dẫn đến trạng thái trôi chảy. Theo O’Doherty, hoạt động này chắc hẳn phải mang lại cảm giác dễ chịu. Việc đạt được trạng thái trôi chảy sẽ thay đổi tùy thuộc vào trình độ kỹ năng của người đan hoặc móc và mức độ phức tạp của sản phẩm. Tuy nhiên, trong trạng thái trôi chảy, suy nghĩ và chuyển động sẽ diễn ra tự nhiên và mang lại tính thú vị và vui vẻ.
Trong quá trình hành nghề tâm lý của mình, O’Doherty kê đơn rất nhiều nghề thủ công, nhưng đặc biệt là đan và móc, để giúp mọi người kiểm soát trạng thái tinh thần của bản thân họ. Cô nói rằng làm thủ công là một phương thuốc hữu ích cho chứng trầm cảm, giúp mỗi cá nhân thoát khỏi vòng xoáy suy nghĩ tiêu cực và tập trung lại vào những thứ mang lại cho mình cảm giác như đạt được điều gì đó và chống lại những suy nghĩ tiêu cực.
Đan và móc cũng hữu ích cho chứng lo âu vì lợi ích mang lại cảm giác kiểm soát, đồng thời giảm cảm giác không chắc chắn và các suy nghĩ sai lầm. Ngoài ra còn có bằng chứng cho thấy móc và đan có hiệu quả trong việc duy trì sự khéo léo và sức khỏe nhận thức ở tuổi xế chiều.
Đan và móc cũng là những công cụ hiệu quả để kiểm soát nỗi đau buồn và những cảm xúc khó khăn khác. Điều này là do việc lặp đi lặp lại khâu vá thu hút một phần sự chú ý của bạn, đồng thời vẫn cho phép bạn suy nghĩ sâu sắc về những thứ khác. Điều này cũng hữu ích để suy ngẫm về tương lai hoặc muốn thoát khỏi những lo toan trong công việc và các mối quan hệ xã hội phức tạp. “Cho phép bản thân có thời gian để ngồi lại và xử lý và không bị phân tâm bởi những thứ như điện thoại là điều hoàn toàn quan trọng,” O’Doherty nhấn mạnh.
Những khoảng thời gian tập trung chú ý kéo dài, như khi đan và móc, là một phương thuốc giải độc rất cần thiết cho tác động của việc nhìn vào màn hình của các thiết bị một cách liên tục. Những bức ảnh và video mà chúng ta thấy trên các ứng dụng mạng xã hội cung cấp các thông tin ngắn gọn, liên tục, mà mỗi người phải vận dụng rất nhiều trí óc để xử lý.
O’Doherty giải thích: “Nhiều người nhận được những thông tin ngắn gọn nhưng phải hiểu một cách nhanh chóng. Giống như một luồng căng thẳng hoặc thông tin liên tục khiến họ phải liên tục đưa ra quyết định hoặc phán đoán.”
Nếu điều đó nghe có vẻ mệt mỏi, thì đúng là vì như vậy. Mặt khác, khi ai đó đan hoặc móc, hầu hết sự chú ý của họ đều tập trung vào một nhiệm vụ mang tính chất xoa dịu và bổ ích.
Theo O’Doherty, việc chia sẻ một hoạt động với người khác sẽ mang lại cho mọi người cảm giác kết nối rất cần thiết và mặc dù bạn có thể đan và móc một mình, nhưng cũng có những cộng đồng rất thân thiện cả trực tuyến lẫn ngoại tuyến.
Có một hoạt động cá nhân được thực hiện theo nhóm hoặc câu lạc bộ, là có thêm lợi ích cho những người mắc chứng lo âu xã hội, đồng thời làm hạ thấp áp lực khi phải giao tiếp bằng mắt hoặc trò chuyện xã giao đi kèm với các hoạt động hướng ngoại hơn.
“Mọi người đều làm việc riêng của mình và hỗ trợ lẫn nhau,” cô nói. “Tuy ở trong cùng một không gian, nhưng chúng tôi đang quản lý những tương tác xã hội đó theo một cách thoải mái và thư giãn hơn một chút.”
(theo The Guardian)