Guam với bãi biển tuyệt đẹp (ảnh tác giả)

Guam, nằm chơi vơi giữa Thái Bình Dương, là điểm bắt đầu mỗi ngày mới của toàn nước Mỹ. Đây là nơi có Căn cứ Không quân Andersen với dàn pháo đài bay B52 từng một thời được chú ý hồi chiến tranh Việt Nam…

Hoàng hôn tại Guam (ảnh: lucie-rangel-unsplash)

Bồng bềnh giữa Thái Bình Dương từ 1899 đến nay, đảo Guam là một lãnh thổ hải ngoại của Hoa Kỳ. Từng là một phần đất nhỏ duy nhất của Hoa Kỳ bị quân ngoại xâm chiếm đóng, cụ thể là lính Nhật, từ 1 tháng Mười hai 1941 đến 21 tháng Bảy 1944, Guam lại là một điểm du lịch nổi tiếng. Do vị trí địa lý, Guam là “phần đất Mỹ” ở gần châu Á hơn Hawaii (từ Guam đến Hawaii phải bay thêm bảy tiếng; và từ Hawaii bay đến Los Angeles mất thêm năm tiếng). Bởi yếu tố này nên Guam có hấp lực mạnh hơn đối với du khách châu Á. Từ Đài Bắc Manila và Tokyo bay đến Guam chỉ mất 3 tiếng và 30 phút; từ Hong Kong, Seoul thì mất 4 tiếng và 30 phút…

Đến Guam, chúng tôi có hai cảm nhận sâu đậm. Thứ nhất, xét về không gian và môi trường thiên nhiên thì Guam là một vùng đất hoàn toàn châu Á – cũng hai mùa mưa-nắng, cũng những chủng loại thực vật nhận thấy rõ nét ở hai bên đường với những rặng dừa trĩu trái. Tuy nhiên, xét về lối sống thì Guam rất giống trong đất liền Mỹ. Đó là những xa lộ dài thẳng tấp với nhiều làn xe. Những chiếc buýt, xe ca ở đây hoàn toàn giống những chiếc xe lưu thông trên đường phố Mỹ, khiến tôi có cảm tưởng mình đang “on the road” từ L.A đến Las Vegas. Guam còn “nét Mỹ” ở khoản những không gian khổng lồ dành cho… ăn uống, cắm trại, vui chơi công cộng và shopping.

Vũ điệu quen thuộc trên Guam (ảnh: vincent-camacho-unsplash)

Cảm nhận thứ hai: Guam vẫn còn đậm nét truyền thống địa phương. Đây là lãnh địa của “latte”. Xin đừng nhầm latte ở đây với loại cà phê sữa của người Ý. Đi đến đâu bạn cũng thấy latte. Đó là những trụ cao to, đục đẽo từ đá vôi, đá ong, đá cát dùng làm dàn móng cho những căn nhà gỗ mái tranh của thổ dân Chamorro. Nhìn loạt tám latte dài xếp ngay hàng thẳng lối trong Latte Park ở Hagatna, một trong những ngôi làng của thổ dân Chamorro ngày xưa sau này trở thành thủ phủ đảo Guam, khiến tôi cứ liên tưởng đến những cái ly chân dài dùng để uống vang và champagne.

Vết tích các trận hải chiến Thái Bình Dương (ảnh tác giả)

Latte đích thực là di sản của người Chamorro ở Guam. Bằng chứng là nó được thể hiện trên những đồng tiền, làm vật trang trí ở trước cổng dẫn vào những dinh thự, công viên, khách sạn, nhà hàng. Cái latte to lớn nhất, hiện đại nhất là Latte of Freedom, một đài quan sát, nơi du khách có thể phóng tầm nhìn toàn bờ biển dài với cát vàng một bên và đại dương xanh thẳm một bên. Gần đó, trấn giữ chiều ngang của vịnh biển là hai khẩu đại bác cổ, đúc bằng đồng từ Tây Ban Nha chở đến đây vào thế kỷ 16.

Nữ Thần Tự do trên đảo (ảnh tác giả)

Trong chuyến hải hành vòng quanh địa cầu những năm 1519-1522, nhà thám hiểm Ferdinand Magellan người Tây Ban Nha làm việc cho triều đình Bồ Đào Nha đã đặt chân đến Guam ngày 6 tháng Ba 1521. Ba năm sau, đến lượt nhà thám hiểm Miguel Lopez de Legazpi chính thức khai phá Guam là thuộc địa của Tây Ban Nha. Chính “Conquistador” (Kẻ chinh phục) này đã sau đó di chuyển xuống Philippines để khám phá, xây dựng hải cảng, thành phố mà nay là thành phố Legazpi, tỉnh Albay.

Mấy trăm năm về trước, hòn đảo này là điểm trung chuyển quan trọng của các đoàn thương thuyền Tây Ban Nha xuất phát từ Acapulco, Mexico tiến về Manila, Philippines và những thương cảng khác ở châu Á. Trên tàu, ở chuyến đi là vàng và bạc; còn ở chuyến về là đủ mọi loại nông sản phẩm quý giá. Thời huy hoàng này kéo dài gần 250 năm và kết thúc vào năm 1815, tức sau khi nổ ra cuộc Cách mạng Mexico. Sau cuộc chiến Mỹ-Mexico, đảo Guam được Mexico nhượng hẳn cho Mỹ với giá $20 triệu vào năm 1899.

Đài quan sát Latte Freedom (ảnh tác giả)

VẾT TÍCH THỜI CHIẾN

Từ tháng Mười hai 1941 đến tháng Bảy 1944, Guam là nơi diễn ra những cuộc đổ bộ, tấn công máu lửa. Lần thứ nhất là cuộc đổ bộ của quân lính Nhật; lần thứ hai là đổ bộ của lính Mỹ. Tổng cộng có hơn 16,000 lính Nhật; 7,000 lính Mỹ và 1,000 thổ dân Chamorro chết trong các trận đánh giải phóng Guam. Tại các bãi Agat, Asan, nơi sóng biển Thái Bình Dương vẫn ngày đêm dạt vào, còn rất nhiều vết tích của các trận chiến kinh khủng, kể cả loại thủy lôi MK14 MOD5 mà tàu ngầm Mỹ sử dụng từ thời Thế chiến II mãi đến năm 1980.

Đại bác cổ năm xưa trấn giữ đỉnh cao ở Guam (ảnh tác giả)

Chính loại thủy lôi dài 6.25m và nặng 1,9kg này, phóng đi từ một tàu ngầm của Hải quân Mỹ với vận tốc tối đa 85km/giữa, đã đánh chìm chiếc tàu chở hàng Tokai Maru của Nhật. Điều lạ lùng là khi chìm vào lòng biển, nó đã đè lên trên chiếc SMS Cormoran của Hải quân Hoàng gia Anh bị hạ ngày 7 tháng Tư 1917. Xác hai con tàu chìm cách nhau gần 30 năm trở thành địa chỉ khám phá dưới đại dương dành cho những thợ lặn chuyên nghiệp.

Những du khách thích nghiên cứu lịch sử, nhất là lịch sử cuộc chiến kinh khủng ở Thái Bình Dương từ cuối 1941 đến tháng Tám 1945 sẽ được mãn nguyện khi tham quan Công viên Lịch sử quốc gia Cuộc chiến trong Thái Bình Dương (War in the Pacific National Historical Park) tại bãi Asan, dọc đại lộ Marine Corp Drive, con đường rộng đẹp nhất đảo Guam. Trong công viên rộng mấy trăm hectare này có T. Stell Newman Visitor Centre – một địa chỉ cần ghé vào. Với phim tài liệu 10 phút được chiếu tại đây, bạn biết được cuộc chiến giải phóng Guam khỏi quân xâm lược Nhật diễn ra ác liệt như thế nào trong suốt ba tuần. Trung tâm này tọa lạc ngay phía ngoài căn cứ hải quân Guam, với một chiếc tàu ngầm loại nhỏ của hải quân Nhật thời Thế chiến II được trưng bày ở cạnh cửa ra vào.

Lính Mỹ trên Guam thời Thế chiến thứ hai (ảnh: CORBIS/Corbis via Getty Images)

Thế chiến II kết thúc, Guam trở lại là lãnh thổ hải ngoại của Mỹ. Đến năm 1962, Hải quân Mỹ mới dỡ bỏ mọi giới hạn về an ninh đối với người ngoài đảo muốn đến thăm Guam. Đây chính là thời điểm khai sinh ngành công nghiệp không khói của Guam. Tháng Năm 1967, chuyến bay đầu tiên bằng máy bay phản lực của hãng Pan Am đã chở khách từ trong đất liền Mỹ đến đây du lịch. Ngày nay, trung bình mỗi năm Guam đón hơn một triệu du khách quốc tế. Trên dải đất dọc theo bãi Tumon đã mọc lên hơn 20 khách sạn lớn và con đường ở đây mang tên Hotel Road, chạy song song với Marine Drive. Sân bay quốc tế A.B. Won Pat cách đó chỉ khoảng 10 phút đi xe.

Người Việt tỵ nạn tại Guam Tháng Tư 1975 (ảnh: Bettmann Archive/Getty Images)

Trên chiếc du thuyền chở du khách chạy suốt chiều dài vịnh Tumon tiến về bến cảng Apra, nơi từng là bến đỗ của các chiến hạm và tàu sân bay thuộc Đệ thất Hạm đội của Hải quân Hoa Kỳ, bạn có thể sẽ thấy đàn cá heo tung mình trên mặt biển xanh. Mặc áo phao vào rồi nhảy ùm xuống biển, du khách sẽ có vài chục phút vui quậy như trẻ con. Nước biển xanh trong, bạn có thể dễ dàng trông thấy những đàn cá đủ màu và các chùm san hô…

Người Chamorro sống bằng nghề nông nên họ cũng nuôi trâu, bò. Khi người Tây Ban Nha đến đây lập nghiệp thời thế kỷ 16, họ cũng mang đến giống trâu nước. Người Chamorro lâu nay vẫn ăn cơm với sườn heo nướng, có khác chăng là cơm gạo của họ màu đỏ và khẩu phần rất lớn. Các món ăn Việt, phở Việt không hề thiếu tại Guam vì ở đây có cộng đồng người Việt khá đông. Trong những ngày trước biến cố tháng Tư 1975, Guam từng là nơi tiếp nhận hàng ngàn người Việt di tản.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: