Hai “thủ đô” của Thụy Sĩ

Share:
Ảnh: andreas-fischinger-unsplash

Tuy là một đất nước khiêm tốn về diện tích và lại nằm lọt thỏm trên núi cao với hàng xóm là những quốc gia rộng lớn (Pháp, Đức, Áo và Ý) nhưng lạ một điều là Thụy Sĩ có rất nhiều thành phố du lịch lừng danh thế giới, từ Basel, Brumen, Engelberg, Interlaken, Jungfrau, Genève qua Lausanne, Lucerne, Lugano, Montreuil, Vevey đến Wengen, Zermatt, Zurich. Và không thể sót hai “thủ đô” của Liên bang Thụy Sĩ…

Bern…

Ngày đầu Tháng Tám 2022 là Quốc khánh thứ 131 của Thụy Sĩ, một đất nước với vô vàn địa chỉ du lịch nổi tiếng thế giới và cũng có rất nhiều điều khác thường. Cụ thể là Quốc khánh đã được ấn định từ năm 1891 nhưng phải để cho hơn một thế kỷ trôi qua thì người dân nước này mới tổ chức bỏ phiếu đồng ý xem đây là ngày lễ quốc gia, mọi công sở đóng cửa, mọi người được nghỉ ngơi. Cái chuyện bỏ phiếu diễn ra rất nhiều, bất cứ chuyện lớn chuyện bé gì cũng bỏ phiếu cho nên lắm khi có “chuyện nhỏ” mà cũng kéo dài lê thê rồi mới quyết xong. Vì đây là chuyện của một liên bang với 26 “cantons” (tỉnh).

Tàu hơi nước trên hồ Lucerne (ảnh: P. Nguyễn Dũng)

Cũng khá rối khi biết thêm rằng mỗi tỉnh lại có “thủ phủ” riêng, thí dụ Geneve là thủ phủ của tỉnh Geneve; Zurich là thủ phủ của tỉnh Zurich; Lausanne là thủ phủ của tỉnh Vaud; và Sion là thủ phủ của tỉnh Valais… nhưng Herisau là thủ phủ của tỉnh Appenzell Ausserhoden trong khi Appenzel lại là thủ phủ của tỉnh Appenzell Innerrhoden.

Cũng khác thường không kém là đất nước này có đến bốn ngôn ngữ chính, Pháp, Đức, Ý và Romansch, chưa kể là khá nhiều người biết sử dụng tiếng Anh. Nhưng không phiền chi, theo World Happiness Report 2021, Liên bang Thụy Sĩ với trên tám triệu dân xếp hạng ba trong danh sách những quốc gia hạnh phúc nhất thế giới, chỉ sau Phần Lan và Đan Mạch.

Khá nhiều du khách lần đầu đi du lịch Thụy Sĩ lầm tưởng rằng Genève là thủ đô của Thụy Sĩ, không ít du khách khác lại tin rằng Zurich mới là thủ đô. Nhưng, câu trả lời đúng là Bern (hoặc Berne), thủ phủ của tỉnh Bern (hoặc Berne) và đồng thời là thủ đô của liên bang Thụy Sĩ (kể từ năm 1848). Và tuy là thủ đô nhưng du khách đến thăm Bern sẽ không hề cảm nhận được đây là một cái nôi chính trị, hành chính của đất nước Thụy Sĩ.

Phố cổ ven sông, Bern (ảnh: P. Nguyễn Dũng)

Ngược lại khách sẽ cảm thấy lòng mình dạt dào thư thái, cảm nhận được sự sống chậm thật thú vị. Xin biết rằng theo kết quả nghiên cứu của ZipJet (trụ sở chính tại London), Bern xếp hạng tư trong danh sách những thành phố ít stress nhất thế giới năm 2017. Tổng số cư dân chỉ khoảng 130,000 người (sử dụng tiếng Pháp và tiếng Đức), phần nào giải thích sự yên ắng, sạch sẽ, vệ sinh của Bern.

Nếu đến Bern, đừng bỏ sót tiết mục thăm… gấu. Bern là đọc trại từ “baeren” tiếng Đức, có nghĩa là gấu. Chỉ cần rảo bộ trên cây cầu cổ Nydegg bắc ngang sông Aarle với làn nước xanh ngọc trong vắt, nhìn xuống một bên bờ là thấy chúng chơi đùa trong không gian dành riêng, xây tốn hết 24 triệu Francs Thụy Sĩ. Đó là gấu Finn nhập về từ Thụy Điển và gấu Bjoerk, từ Đan Mạch. Gần đây chúng đã có thêm bạn, hai gấu con mồ côi là quà tặng của nước Nga.

Trong một cửa hàng chocolate ở Lucern (ảnh: Marquise de Photographie, Unsplash)

Đừng ngại leo dốc lên đồi cao ở phía đầu kia của cây cầu vì bạn sẽ được phần thưởng thật xứng đáng. Trên đỉnh đồi là Vườn hồng rộng lớn (hơn 100 năm về trước là một nghĩa trang) với vô số gốc hoa hồng đủ màu sắc thi nhau tỏa hương. Cạnh đó là một nhà hàng, nơi bạn có thể yên vị nhâm nhi ly chocolate Thụy Sĩ thơm ngon hoặc nếm thử chai vang trắng Thụy Sĩ tươi mát làm tư nho thu hoạch từ các vườn nho bậc thang tại Laveaux, gần Genève.

Và bạn càng không thể bỏ qua tiết mục thăm Zentrum Paul Klee, nơi trưng bày trên 4,000 tác phẩm của danh họa Klee, một người con của thủ đô Bern. Trong cuộc đời mình, ông Klee đã vẽ khoảng gần 10,000 bức. Cho nên bạn sẽ không ngạc nhiên khi rảo bộ trong khu phố cổ và nhận thấy rằng có khá nhiều con đường, ngõ hẻm được đặt tên theo những tác phẩm của Klee. Ông cũng đã lưu lên tranh theo trường phái ấn tượng của mình hình ảnh tháp đồng hồ trứ danh Zytglogge cứ đến giờ lại thu hút đám đông du khách hiếu kỳ, với những nhân vật và thú từ trong lòng đồng hồ lú ra, thụt vào. Đồng hồ hoạt động thật chính xác từ khi được gắn vào tháp canh năm 1530. Chả trách, bây giờ ai ai cũng vẫn thích đeo đồng hồ Thụy Sĩ!

Chiếc đồng hổ cổ luôn chạy đúng giờ (ảnh: P. Nguyễn Dũng)

Từ chân tháp đồng hồ đi xuôi xuống phố, bạn sẽ ngang qua một căn nhà nhỏ nhưng rất nổi tiếng vì chính trong không gian ấy mà ông Albert Einstein đã từng sống và nghĩ ra thuyết tương đối. Đừng quên các giếng nước cổ rất lạ, nước mát lạnh và rất sạch. Khát, cứ kề miệng vào dưới vòi mà uống thật tự nhiên. Bern từng đón tiếp nhiều vị khách tài hoa khác, chẳng hạn như Casanova, Gustave Eiffel… và còn là cái nôi của nghệ thuật làm bánh kẹo chocolate, nhờ có sáng kiến của ông Rudolph Lindt vào năm 1879. Chocolat Lindt nay luôn là món quà mang về nhà của rất nhiều khách du lịch. Suýt quên, gần Bern có làng Emmental là nơi sản xuất loại phô mai Thụy Sĩ ăn là mê!

Một góc trung tâm Bern (ảnh: P. Nguyễn Dũng)

Lucerne – THỦ ĐÔ DU LỊCH CỦA THỤY SĨ

Dù bạn gọi thành phố này là Lucern (tiếng Anh), Lucerne (tiếng Pháp), Luzern (tiếng Đức) hay Lucerna (tiếng Ý) thì nó vẫn là địa chỉ phải tìm đến nếu bạn có ý định đi du lịch Thụy Sĩ. Lucerne chính là “thủ đô” du lịch của Thụy Sĩ, không phải hôm nay mà đã như thế từ thời huy hoàng của trào lưu du hành khám phá lục địa châu Âu của giới quý tộc Anh hồi thế kỷ 19. Thời ấy, con cái nhà giàu ở Anh không được xem là đã trưởng thành nếu như chưa trải qua “grand tour” lần lượt thăm Paris, Lucerne, Vienne, Rome…

Lucerne thật sự xứng đáng với danh hiệu trên. Nơi này có một cái hồ lớn sạch trong và rất đẹp; hai cây cầu gỗ nổi tiếng thế giới; một khu phố cổ nhỏ bé, thanh bình chỉ dành cho khách bộ hành với những con đường nhỏ đầy cửa hàng đồng hồ và quần áo thời trang; một loạt bảo tàng chứa những kiệt tác nghệ thuật lẫn kỳ quan công nghệ xe hơi, đường sắt, hàng không; một thính phòng hòa nhạc siêu tiên tiến; những ngôi giáo đường nguy nga… Và một tượng sư tử gục ngã khắc trong vách đá.

Tượng Sư tử gục ngã, Lucerne (ảnh: P. Nguyễn Dũng)

Lucerne càng đáng được gọi là thủ đô du lịch Thụy Sĩ hơn nữa vì về mặt địa lý, Lucerne chính là trái tim của Thụy Sĩ; còn về lịch sử thì thành phố này cũng là cột mốc khai sinh của đất nước Thụy Sĩ ngày nay. Với một vé Swiss Travel Pass, bạn có thể tự mình khám phá và thưởng ngoạn tất cả những điều thú vị mà Lucerne sẵn có, vì hệ thống vận tải công cộng tại đây đã phát triển rất mạnh và thuận tiện cho mọi người sử dụng. Loại vé này cho bạn được đi xe lửa, xe buýt nội đô, xe lửa liên thành, liên tỉnh, tàu điện, tàu thủy trên sông, trên hồ và tham quan miễn phí khoảng hơn 480 bảo tàng ở khắp đất nước Thụy Sĩ.

Rời khỏi chiếc du thuyền kiêm “xe buýt” trên hồ Lucerne vừa cho bạn một chuyến tham quan đầy lãng mạn trên hồ nước rộng lớn (114 km2, có thể chọn tour một tiếng hoặc tour kéo dài sáu tiếng với hơn 30 bến rước khách) trên cao nguyên xanh trong đẹp nhất thế giới, chỉ sau vài trăm mét đi bộ là bạn đã đến Bảo tàng Vận tải Thụy Sĩ.

Tại đây, bạn trở về quá khứ với những đầu máy xe lửa có hơn 200 tuổi, ngắm rất nhiều kiểu xe, xe máy, xe đạp, xe điện, kiểu máy bay… và biết được chút ít về kho tàng kinh nghiệm đào hầm xuyên núi lắp đặt đường ray xe lửa của Thụy Sĩ. Khi đến thăm bảo tàng này, bạn cũng có cơ hội hòa mình vào thế giới chocolate, nghe giải thích và tận mắt xem chocolat từ đâu mà ra và nếm thử những viên chocolate thơm ngon.

Thành Cầu Nhà nguyện vào mùa xuân (ảnh: P. Nguyễn Dũng)

Lucerne buổi ban đầu là một ngôi làng đánh cá bên bờ sông Reuss ở khúc chảy ra khỏi hồ Lucerne. Đến thế kỷ 13, việc giao thương, hành hương bùng phát giữa hai miền Bắc và Nam châu Âu thông qua đèo Gotthard (xuống đến nước Ý) đã giúp Lucerne phát triển thành một trung tâm thương mại sầm uất. Để việc qua lại sông Reuss được thuận tiện, người ta đã xây hai cây cầu gỗ mà nay được xem như là biểu tượng chính của thành phố. Và để bảo vệ chống những đoàn quân xâm lược, những thành trì và tháp canh cũng đã mọc lên ở sườn đồi trên cao.

Có câu chuyện lưu truyền rằng một thiên thần đã hiện ra trong luồng ánh sáng chói chang và chỉ cho người dân xây dựng một nhà cầu nguyện Thiên Chúa ở bờ bên phải của sông Reuss. Sau đó đến năm 1333, người ra mới xây cầu gỗ bắc xéo qua sông, nối với thành trì, nên được đặt tên là Cầu nhà nguyện (Kapellbruecke, hoặc Chapel Bridge, tiếng Anh). Gần cuối cầu về phía bờ trái là Wassertum, một tháp nước bằng gỗ theo hình bát giác tuyệt đẹp.

Cầu dài 204 m này quanh năm thu hút khách du lịch đến chụp ảnh và ngắm cảnh. Dù vào mùa Đông lạnh giá, nó cũng trông rất đẹp chứ không riêng gì vào mùa Xuân, mùa Hè. Nó chính là cây cầu có mái che lâu đời nhất châu Âu. Ở các dàn gỗ làm trụ đỡ mái gỗ là khoảng 100 bức tranh màu mô tả cảnh sinh hoạt thời thế kỷ 17. Xa xa nữa là cây cầu gỗ thứ hai, Mill Bridge (Spreuerbruecke) nổi tiếng không kém cũng với những bức tranh màu.

Albert Einstein từng ngụ nơi đây (ảnh: P. Nguyễn Dũng)

Chỉ sau chục phút rảo bộ từ phố cổ, bạn sẽ đến một công viên nhỏ, nơi có tượng đá tạc hình con sư tử nằm gục trên một tấm khiên, hai hàng nước mắt chảy xuống gò má; bên hông của nó lòi ra một ngọn lao bị gẫy cán. Nó đang hấp hối. Đó là Tượng đài sư tử (Loewendenkmal), một tuyệt tác của nghệ nhân Bertel Thorvaldsen vào năm 1820 để tưởng nhớ 26 sĩ quan và hơn 700 lính đánh thuê Vệ binh Thụy Sĩ đã hy sinh khi cố chu toàn nhiệm vụ bảo vệ vua Pháp Louis XVI trong cung điện Tuileries ở Paris thời Cách mạng Pháp thế kỷ 18.

Mark Twain đã đến thăm Lucerne (và không hết lời ca ngợi tượng đài Sư tử gục ngã), Goethe, Robert Wagner và cả đến Nữ hoàng Victoria cũng vậy. Mỗi năm hàng triệu khách quốc tế tìm đến đây. Tôi cũng đã năm lần tản bộ trên Cầu Nhà nguyện…

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: