Hotel Arbez, khách sạn độc nhất vô nhị

Hotel Arbez có một đặc điểm độc đáo: Một số giường ngủ của khách vắt qua biên giới hai quốc gia nên khách nằm trên giường phải mang sẵn hai hộ chiếu!

Phòng ngủ xuyên quốc gia

“Bạn đang ở phòng số 9, đó là một trong những phòng nằm trên lãnh thổ của cả hai quốc gia” – người quản lý khách sạn mỉm cười xác nhận khi đưa cho khách chiếc chìa khóa cửa bằng kim loại kiểu cũ. Khách sạn Hotel Arbez này là hệ quả “ngoài ý muốn” của Hiệp ước Dappes ký năm 1862, theo đó Pháp và Thụy Sĩ đồng ý về một cuộc hoán đổi lãnh thổ nhỏ để cho phép Pháp kiểm soát hoàn toàn một con đường chiến lược gần đó.

Nếu chưa chuẩn bị sẵn tâm lý, khách hầu như không thể kiềm chế sự hân hoan hồi hộp của mình. Muốn đến khách sạn khách phải lái xe qua những con đường quanh co để vào ngôi làng nhỏ La Cure nằm nép mình trên đỉnh dãy núi Jura có rừng rậm phía dưới, ngăn cách Pháp và Thụy Sĩ. Bạn sẽ bất ngờ khi biết mình sắp được tận hưởng một trong những trải nghiệm khách sạn thực sự độc đáo nhất không thể có được ở bất kỳ nơi nào trên thế giới.

Được xây dựng theo phong cách mộc mạc rất thịnh hành ở khu vực này của châu Âu, khách sạn nhỏ gia đình Hotel Arbez Franco-Suisse (còn được gọi là L’Arbézie) có đặc điểm nằm ngay trên đường biên giới hai quốc gia. Nhờ một điều khoản ghi trong Hiệp ước Dappes là những tòa nhà có sẵn nằm dọc theo biên giới được phép giữ nguyên, một doanh nhân địa phương đã tận dụng cơ hội và mở một cửa hàng, một quán bar trong ngôi nhà xuyên biên giới có sẵn của gia đình để tận dụng lợi thế thương mại xuyên biên giới.

Năm 1921, Hotel Arbez được thêm vào. Kết quả, khoảng một nửa khách sạn nằm trên đất Pháp và nửa còn lại nằm trên đất Thụy Sĩ, với đường biên giới quốc tế chia đôi nhà hàng và một số phòng. Khách có thể được vào một trong những căn phòng xuyên quốc gia đó, với sự phân chia quốc tế vô hình chạy xuyên qua phòng tắm và giường ngủ. Điều đó có nghĩa là khách ngủ bằng đầu ở Thụy Sĩ và chân ở Pháp. Nhìn thấy từ cửa sổ và chỉ cách vài thước, là hai đồn biên phòng, đồn Thụy Sĩ ở bên phải và đồn Pháp xa hơn một chút ở bên trái.

Khách sạn nằm trên một khu đất hình tam giác hẹp giữa hai đồn biên phòng. Thực tế xuyên biên giới cũng tạo ra nét độc đáo trong trang trí khách sạn. Từ Đại chiến Thế giới đến đại dịch Covid-19 gần đây, vị trí độc nhất vô nhị của khách sạn là nguồn vô tận cho những tình huống và chuyện kể phát sinh. Alexandre Peyron, quản lý khách sạn do gia đình ông điều hành qua nhiều thế hệ, cho biết: “Gương và cửa sổ của một dãy phòng không chỉ là nơi trang trí mà còn là biểu tượng sự kết nối giữa hai quốc gia. Trong khi căn phòng trang trí kiểu Thụy Sĩ, bức tường hoàn toàn là kiểu Pháp!”

Những chuyện dở khóc dở cười

CNN cho biết, một bản sao bức tranh nổi tiếng của danh họa Pháp Paul Cézanne “The Card Players” (Những người chơi bài) nổi bật của nhà hàng, được treo ngay tại nơi có đường biên giới chạy qua. “Cảnh mô tả hai người đàn ông đang chơi bài cũng được thấy trên một bức tranh tường lớn bên ngoài khách sạn, ám chỉ một sự kiện xảy ra tại khách sạn vào những năm 1920 – Alexandre Peyron kể lại – Khi đó, nhân viên hải quan Thụy Sĩ đã phạt một nhóm khách bắt gặp quả tang cầm bộ bài. Hành vi này có phạm tội? Nhưng không phải họ đánh bạc như một số người lầm tưởng mà thực tế họ chỉ cầm một bộ bài do Pháp sản xuất ở phía Thụy Sĩ của khách sạn mà không khai báo với hải quan Thuỵ Sĩ! (hiện khách sạn vẫn cho phép đánh bài, miễn là bài của nước nào ở trong biên giới nước đó, không được “vượt biên”!).

Nếu bạn ngồi bên phía Pháp của nhà hàng, hãy quên việc gọi phô mai Vaudoise vì loại phô mai địa phương sản xuất thủ công này ở Thụy Sĩ không thể mang sang “phía Pháp” do các quy định nghiêm ngặt của Liên minh châu Âu (EU) đối với các sản phẩm sữa chưa tiệt trùng. Ngược lại, điều tương tự cũng xảy ra với một số đặc sản của Pháp, chẳng hạn xúc xích Morteau không được phép “phân phối ở Thụy Sĩ”.

Nhưng khách sẽ thoải mái hơn khi thanh toán hóa đơn vì cả đồng Euro và đồng Franc Thụy Sĩ đều được chấp nhận. Tương tự như thế, khách sạn có hai số điện thọai, mỗi số cho một quốc gia và các phòng được trang bị hai loại ổ cắm điện, vì Pháp và Thụy Sĩ có tiêu chuẩn ổ cắm khác nhau. Thuế được trả cho cả hai quốc gia, theo công thức tính tỷ lệ cụ thể, với sự đồng ý của cơ quan thuế của cả hai nước. Có rất nhiều điều cần lưu ý trước khi lên giường khách sạn để tận hưởng giấc ngủ xuyên biên giới. Khóa cửa xong, bạn nên kiểm tra lại túi của mình một lần nữa để đảm bảo mang theo đủ hộ chiếu vì có thể bạn phải dùng đến nó.

Khi Thụy Sĩ gia nhập khu vực di chuyển tự do Schengen vào năm 2008, mọi thứ trở nên đơn giản hơn, nhưng trên thực tế, nó có rất ít tác dụng đối với hoạt động hàng ngày của khách sạn, và đây luôn là một không gian xuyên biên giới khá “mập mờ”. Peyron dẫn chứng: “Một ví dụ đặc biệt ấn tượng về sự mập mờ này xảy ra trong Đệ nhị Thế chiến, khi cả phe Pháp cộng tác với Quốc xã Đức chiếm đóng và phe Pháp kháng chiến cùng hội tụ với Thụy Sĩ trung lập và tự do tại khách sạn.

Cầu thang tự do

Quân Đức chiếm một nửa khách sạn thuộc Pháp, nhưng vì cầu thang dẫn đến các phòng nằm một phần trên lãnh thổ Thụy Sĩ nên các tầng trên vẫn cấm họ vào, khiến các tầng này trở thành nơi trú ẩn tương đối an toàn cho người tị nạn và các phi công đồng minh gặp nạn. Chiếc cầu thang đi lên được gọi là “Cầu thang tự do”. Trong một tình huống dở khóc dở cười gợi nhớ đến loạt phim hài kinh điển trên truyền hình Anh vào thập niên 1980 Allo, Allo, lợi dụng người Đức bị phân tâm khi đang ăn uống ở quán bar, chủ khách sạn đã lén đưa những người chạy trốn Quốc xã Đức đến nơi an toàn.

Chủ sở hữu Max Arbez đã được Đài tưởng niệm Yad Vashem ở Jerusalem công nhận là “Righteous Among the Nations” vì cách cư xử công bằng của ông khi cứu những người tị nạn Do Thái. Một lá thư bày tỏ lòng biết ơn của chỉ huy Đồng minh, Thống tướng Montgomery hiện được trưng bày trang trọng bên cạnh chiếc “Cầu thang tự do”.

Đây không phải lần cuối cùng khách sạn vướng vào các vấn đề địa chính trị quốc tế. Vào đầu thập niên 1960, khách sạn Arbez cũng là nơi diễn ra các cuộc đàm phán bí mật dẫn đến việc Algeria giành được độc lập từ Pháp năm 1962. Lo sợ bị bắt, các nhà đàm phán Algeria không dám đặt chân lên đất Pháp, trong khi chính quyền Pháp muốn tiến hành các cuộc đàm phán kín đáo bên trong biên giới mình. Họp trong một phòng riêng tại khách sạn Arbez là giải pháp lý tưởng nhất.

Tuy nhiên, tình trạng đặc biệt của khách sạn đôi khi cũng được lợi dụng bởi những người xấu. Đầu năm 2002, không lâu sau sự kiện khủng bố 11 Tháng Chín ở Mỹ, Peyron cho biết khách sạn đã được các đặc vụ của một cơ quan an ninh bí mật ghé thăm để điều tra khả năng một tay al-Qaeda có thể đã sử dụng thời gian lưu trú của y ở đây để vượt biên mà không sợ bị phát hiện.

Gần đây hơn, với sự bùng phát của đại dịch Covid-19, Hotel Arbez bị ảnh hưởng nặng nề, dù cố gắng duy trì hoạt động một thời gian để duy trì số nhân viên dọn dẹp, vệ sinh. Tuy nhiên, các nhà quản lý khách sạn đau đầu với cách hạn chế Covid khác nhau của hai quốc gia và thay đổi liên tục. Họ chọn thực hiện hạn chế nào chặt chẽ hơn, thường là của Pháp. Dù các yêu cầu cách ly và lockdown dần dần được nới lỏng, nhưng biên giới tiếp tục đóng cửa lâu hơn một chút.

Vì có thể đến được từ cả hai quốc gia nên trong thời gian này, khách sạn là nơi trú ẩn lý tưởng cho các cặp bị mắc kẹt ở hai bên biên giới đối diện. Có một khoảng sân hẹp làm gạch nối giữa hai phần Pháp-Thụy Sĩ của tòa nhà, nơi có một trong những biểu tượng lâu đời nhất và hữu hình nhất của toà nhà biên giới này: Bia đá xây dựng từ năm 1863. Một bên khắc con đại bàng của Đế chế Pháp thứ hai (Pháp vào thời điểm do Napoléon III cai trị), và bên kia là chữ “Vaud”. Peyron giải thích: “Vaud là một tiểu bang của Liên bang Thụy Sĩ, nhưng đừng quên ở phía bên kia của tấm bia còn có một loại liên bang khác. Đó là Liên minh Châu Âu (EU)”.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: