Khai trương phòng trưng bày trị giá $230 triệu của Opera House

Một tòa nhà mới khổng lồ, mở cửa cho công chúng từ ngày Thứ Bảy, 3 Tháng Mưới Hai. (ảnh: nsw.gov.au)

Không gian nghệ thuật mới ý nghĩa nhất kể từ Nhà hát Opera (Opera House hay Nhà hát Con sò) Sydney ra đời cách nay gần 50 năm là Khu phức hợp phòng trưng bày trị giá $230 triệu vừa khai trương.

Thêm sức hút mới

Trong một bể chứa nhiên liệu từ thời Thế chiến II nằm sâu bên dưới thành phố cảng Sydney, mùi xăng vẫn còn phảng phất trong không khí. Ánh sáng nhấp nháy quét qua không gian hang động để lộ ra những mảnh ghép của công trình sắp đặt “The End of Imagination” (Sự kết thúc của trí tưởng tượng” do hoạ sĩ người Argentina Adrián Villar Rojas thực hiện. Mập mờ trong bóng tối là năm tác phẩm điêu khắc xoắn, một sáng tạo của Rojas để nói về “tương lai của số hóa”.

Được biết đến với tên Tank, boong-ke hải quân rộng 24,000 foot vuông này được chuyển đổi thành không gian triển lãm như một phần của quá trình thay máu đầy tham vọng của Phòng trưng bày Nghệ thuật (Art Gallery) thuộc New South Wales (Art Gallery of New South Wales). Được mệnh danh là “Dự án Hiện đại của Sydney” (Sydney Modern Project), công trình mở rộng trị giá 344 triệu Úc kim ($230 triệu) đã được các quan chức tiểu bang mô tả là “sự phát triển văn hóa quan trọng nhất” của thành phố kể từ khi Nhà hát Opera nổi tiếng mở cửa.

Năm tác phẩm điêu khắc xoắn, một sáng tạo của Rojas để nói về “tương lai của số hóa”. (ảnh: nsw.gov.au)

Cấu trúc ban đầu từ thế kỷ 19 của Phòng trưng bày Nghệ thuật hiện nằm ở trung tâm khuôn viên bảo tàng nghệ thuật. Một tòa nhà mới khổng lồ, mở cửa cho công chúng từ ngày Thứ Bảy, 3 Tháng Mười Hai, gần như tăng gấp đôi không gian triển lãm có sẵn với ba khu trưng bày ôm lấy sườn đồi, dốc xuống bến cảng. Tuy nhiên, chính khu trưng bày Tank bên dưới tòa nhà mới là trung tâm của nghệ thuật.

Rojas, hoạ sĩ đầu tiên được giao nhiệm vụ lấp đầy không gian này cho biết cụm tác phẩm sắp đặt của ông nhằm mục đích tái tạo cảm giác kinh ngạc mà ông từng trải qua khi bước vào phòng trưng bày dưới lòng đất lần đầu tiên vào năm 2018 lúc Dự án Hiện đại Sydney vẫn đang xây dựng. “Khoảnh khắc đó rất giống với những gì bạn gặp phải bây giờ,” Rojas nói với CNN. “Cảm giác này vừa ghê gớm vừa đầy hứng khởi và là lời cảnh báo cho một thế giới mà mọi thứ được sắp xếp quá trật tự!”. Rojas xem lời mời tham gia chương trình khai mạc Dự án Hiện đại Sydney là “cơ hội chỉ có một lần trong đời nên không thể bỏ qua”. Ông cũng thích vị trí độc đáo của cuộc trưng bày sắp đặt để xem phản ứng của khách tham quan thế nào trong một không gian lạ lẫm chưa từng thấy. Rojas giải thích: “Bất cứ du khách nào cũng chuẩn bị đối phó với những gì họ sắp nhìn thấy. Đây là một khoảnh khắc độc đáo”.

Thở cùng nhịp thở với thành phố

Độ sâu của Tank gần như đối lập với bến cảng hào nhoáng phía trên. Khu trưng bày dưới lòng đất cũng tương phản với phần còn lại của Sydney Modern Project, với toà nhà mới nhiều tầng cửa sổ kính với trần nhà cao chót vót tạo không gian triển lãm tràn ngập ánh sáng.

Công trình được làm mới lại bởi kiến trúc sư người Nhật từng đoạt giải Pritzker SANAA, người nuôi ý tưởng tạo ra một tòa nhà “thở cùng nhịp thở với thành phố, công viên và bến cảng”. Màu trắng sáng của các tòa nhà mới hòa quyện với màu sắc của đá sa thạch phổ biến ở Sydney. Với hàng triệu khách du lịch bị thu hút bởi những cánh buồm trắng mang tính biểu tượng của Nhà hát Opera kế bên mỗi năm, người đồng sáng lập và kiến trúc sư chính của SANAA, Ryue Nishizawa, cho biết các không gian trưng bày mới được thiết kế để thu hút người qua đường. “Không có biên giới để vượt qua. Không có con đường độc đạo để đi vào và đi ra mà để cho du khách tuỳ chọn,” ông nói. Ngoài ra còn có các mảnh vườn và không gian nghệ thuật ngoài trời liên kết các khu trưng bày mới với tòa nhà đầu tiên của Phòng trưng bày Nghệ thuật.

Mô tả cấu trúc tân cổ điển 125 tuổi này là “ngôi đền trên đồi” (temple on the hill), Giám đốc Phòng trưng bày Michael Brand tin rằng những bổ sung mới sẽ giúp tận dụng tốt hơn vị trí đắc địa của nó. “Tất cả chúng tôi đều yêu thích toà nhà đầu tiên nhưng đối với những du khách hiện nay, đôi khi điều đó hơi nhàm chán!” ông nhận xét. Hiểu được điều này, chính quyền New South Wales quyết định tài trợ phần lớn cho dự án mất một thập niên để hoàn thành. Gần một phần ba kinh phí được huy động từ các nhà tài trợ tư nhân và một số nhà từ thiện giàu có nhất thành phố Sydney. Các quan chức tiểu bang tin rằng dự án sẽ mang lại cho nền kinh tế địa phương khoản thu bất ngờ 1 tỷ Úc kim ($669 triệu) trong 25 năm tới, đồng thời mang đến cho Sydney và cả nước Úc một điểm đến sánh ngang với các bảo tàng nghệ thuật lớn trên thế giới.

Triển lãm “Dreamhome: Stories of Art and Shelter” tại tòa nhà mới của phòng trưng bày. (ảnh: nsw.gov.au)

Văn hoá và nghệ thuật bản địa được đề cao

Chương trình khánh thành Sydney Modern Project có cuộc triển lãm “Dreamhome: Stories of Art and Shelter” trong ngôi nhà mới của Phòng trưng bày Nghệ thuật với các tác phẩm tiêu biểu của hơn 900 hoạ sĩ, trong đó có những tên tuổi lớn quốc tế như Yayoi Kusama và Lee Mingwei. Tuy nhiên, nghệ thuật bản địa Úc chiếm vị trí trung tâm ở lối vào của tòa nhà mới, nơi Brand hy vọng du khách bắt đầu cuộc hành trình của họ qua chiều dài của phức hợp. Ông nói: “Ở Úc, ở Sydney, điều rất quan trọng là có một nơi để học sinh và du khách quốc tế đến tham quan và có cái nhìn tổng quan về tầm quan trọng của văn hóa bản địa và nghệ thuật thị giác bản địa Úc”.

Trong khi đó, phó giám đốc Phòng trưng bày Maud Page nhận định: “Điều quan trọng là các tác phẩm của người bản địa phải được đặt rải rác trong tất cả các không gian trưng bày, chứ không đứng cô đơn ở một nơi riêng biệt. Chúng phải được truyền sức sống. Sự độc đáo của Úc là du khách có thể được hướng dẫn tìm hiểu văn hoá bản địa và hiểu nghệ thuật bản địa. Đó là lý do tại sao, xuyên suốt hai tòa nhà cũ và mới, du khách đều tìm thấy nghệ thuật bản địa ở mỗi tầng và có thể trò chuyện với các nghệ sĩ để khai thông kiến thức”.

Phòng trưng bày Yiribana, nơi dành riêng cho nghệ thuật bản địa và Đảo Torres (Aboriginal and Torres Strait Islander) có hơn 160 tác phẩm. Trong số các hoạ sĩ tham gia có Iluwanti Ken với tác phẩm sử thi đen trắng “Walawuru ngunytju kukaku ananyi” (Đại bàng mẹ đi săn) nói về vai trò của người mẹ như tộc trưởng trong chế độ mẫu hệ. “Bức tranh này chính là cuộc sống của chúng tôi trong đời thường và trong nghệ thuật,” Ken nói bằng tiếng Pitjantjatjara của miềm nam sa mạc Úc và được phiên dịch lại. “Những người lớn tuổi có trách nhiệm và cả niềm vui trong việc đào tạo thế hệ trẻ để giúp nền văn hóa của chúng tôi vững mạnh”. Tuần trước 1,500 học sinh từ khắp New South Wales đã trở thành những vị khách đầu tiên của toà nhà mới. Hơn 15,000 người đã đăng ký để tham quan Sydney Modern Project.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: