Một lần ghé Istanbul

Ảnh: pexels-caner-cankisi
Share:

Đã phát triển an lành được gần trọn 100 năm, bỗng dưng đất nước mang tên Thổ Nhĩ Kỳ (tiếng Anh là Turkey, tiếng Pháp, Turquie) kể từ năm 1923 nay lại biến động, dân tình chia rẽ mâu thuẫn nhau vì chuyện đổi tên thành “Turkiye”, theo một quyết định của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan hồi cuối năm 2021. Nhân đây, xin nhắc lại đôi nét về Istanbul, thành phố với văn hóa pha trộn Á-Âu rất đặc biệt của đất nước này…

Tuy không là thủ đô nhưng Istanbul lại được coi là trái tim của đất nước Thổ Nhĩ Kỳ với hơn 2,600 năm lịch sử. Thành phố này có bề dày lịch sử rất giá trị với nhiều nhà thờ, đền thờ Hồi giáo và nhiều điểm tham quan hấp dẫn, riêng khu phố lịch sử của thành phố đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới. Gốc rễ của Istanbul ngày nay là một kinh thành lớn hồi xưa có tên là Constantinople, ra đời sau khi Hoàng đế La Mã Constantin Cả trở lại đạo Kytô, ban hành chiếu chỉ Milan năm 325 cho phép đạo Kytô được tự do truyền bá, kết thúc thời bị bách hại.

Việc đổi tên từ Constantinople thành Istanbul diễn ra vào thời điểm Đế chế Ottoman đạt đỉnh cao, tập trung vào những năm con trai út của sultan Murad lên ngôi, trở thành nhà lãnh đạo đế chế Hồi giáo trẻ nhất trong lịch sử vào năm 1451 khi mới 19 tuổi. Đó là sultan Mehmed II (cách phiên âm sang tiếng Anh tên gọi nhà tiên tri Mohammad, hoặc Mahomet) với cuộc bao vây Constantinople kéo dài từ ngày 6 Tháng Tư đến ngày 29 Tháng Năm 1453. Kinh thành thất thủ, Hoàng đế Constantin XI tự sát. Năm 1453 ấy cũng đánh dấu sự sụp đổ hoàn toàn của đế chế La Mã.

Sau khi chiếm được kinh thành của Đế chế La Mã phương Đông (còn Rome là Kinh thành của đế chế La Mã Latin/phương Tây), Mehmed II mới 21 tuổi nhưng được gán cho danh xưng đầy uy lực “Fatih” (Kẻ chinh phục). Ông đã đổi tên thành Istanbul, tiếp tục mở rộng giang sơn đế chế Ottoman và tồn tại cho đến khi Thế chiến II kết thúc!

Khi chúng tôi đặt bước chân đầu tiên đến Istanbul, điểm du lịch số một của Thổ Nhĩ Kỳ, thì “Lale Devra” (thời hưng thịnh của văn hóa nghệ thuật, kiến trúc và lối sống của đế chế Ottoman) đã qua từ lâu lắm rồi. Và thời điểm lale nở rộ đầu xuân cũng đã kết thúc khoảng một tuần trước đó. “Lale” là hoa tulip (uất kim hương). Nhưng đất nước này còn rất nhiều thứ hấp dẫn khác.

Ảnh: pexels-yunus-tuğ

Quả thực, nhờ có rất nhiều di tích của các nền văn minh Hy Lạp, La Mã và Ottoman lại được cộng thêm những ảnh hưởng văn minh châu Á xuyên qua Con đường tơ lụa và những địa chỉ hành hương thánh thiêng đối với các tín hữu Kytô giáo nên Thổ Nhĩ Kỳ luôn là điểm đến du lịch rất hấp dẫn, đặc biệt Istanbul, một thành phố rộng lớn, đông dân, trù phú tọa lạc bên bờ Sừng vàng, nhánh tự nhiên dài 7.5km của eo biển Bosphorus. Đây là điểm nối kết hai lục địa, châu Âu ở bên hướng Tây và châu Á ở bên hướng Đông. Có hơn 48% tổng lượng khách quốc tế đi du lịch Thổ Nhĩ Kỳ đến với Istanbul.

Ngay trong buổi sáng ngày đầu tiên ở Thổ Nhĩ Kỳ, ông Ammet Bingen, một hướng dẫn viên với hơn 20 năm kinh nghiệm, cho đoàn khách Việt xuống du thuyền đi một vòng trên biển Sừng vàng. Hàng mấy ngàn năm trước, từ nhánh biển này, những thương thuyền Hy Lạp, La Mã, Byzance, Ottoman đã tìm vào cảng Istanbul, góp phần làm cho thành phố phát triển rực rỡ.

Du thuyền đưa chúng tôi đi qua những địa danh du lịch nổi tiếng thế giới, từ Hagia Sophia (một thánh đường Kytô giáo sau chuyển thành giáo đường Hồi giáo, rồi bảo tàng và mới gần đây trở lại là nơi nguyện cầu của tín hữu Hồi giáo) qua cung điện Topkapi, nơi sinh sống và làm việc của nhiều sultan Ottoman đến Mosque xanh, nhà thờ Hồi giáo thánh thiêng và to lớn nhất Istanbul. Rồi còn là hai dinh thự tuyệt đẹp Dolmabache xây dựng năm 1856 để thay thế cho Topkapi và Beylerbeyi (tức Cung điện mùa hè, hoàn tất năm 1865).

Ảnh: pexels-meruyert-gonullu

Kiến trúc xưa khiến mọi du khách bị choáng vì sự đồ sộ của nó chính là pháo đài Rumeli ngự trị trên sườn đồi cao, một tác phẩm kiến trúc của sultan Mehmed II vào năm 1451, khi quân lính của ông đang bao vây Constantinople. Những tường thành dài với ba tháp canh cao to và 13 tháp canh nhỏ đã được xây dựng hoàn tất chỉ sau 4 tháng và 16 ngày. Ở gần đó, trong thời hiện đại, có cây cầu dây văng khổng lồ tương xứng, mang tên Cầu Fatih Sultan Mehmed, bắc ngang eo biển Bosphorus.

Trở lên bờ, theo chân hướng dẫn viên, đoàn chúng tôi bắt đầu hành trình đi bộ khám phá toàn khu phố cổ nhất mà cũng hoành tráng và nổi tiếng nhất Istanbul ở phần đất phía bên châu Âu. Ngày nay, khu này gọi là Quận Sultan Ahmed, đặt theo tên vua Ahmed I, trị vì từ 1603 đến 1617, là sultan thứ 14 của Đế chế Ottoman. Chính ông là người cho xây dựng Blue Mosque (tên chính thức là nhà thờ Hồi giáo Sultan Ahmed, khởi công năm 1609, hoàn tất năm 1617), được xem như là tuyệt tác của kiểu kiến trúc Hồi giáo. Nó có sáu tháp cao nhọn (minaret), được xem là biểu tượng của Istanbul.

Lăng mộ của ông, sát cạnh ngôi giáo đường nguy nga này, nay là một điểm tham quan của du khách. Và cả một quảng trường rộng lớn phía trước cũng được đặt theo tên vị vua này, Sultanahmed. Tập trung quanh nơi đây – toàn khu phố cổ hoàng gia này đã được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới vào năm 1985 – là những địa chỉ du lịch, tham quan hàng đầu của Istanbul. Đó không chỉ là Blue Mosque mà còn là cung điện Topkapi, nơi được xem là trung tâm quyền lực của đế chế Ottoman trong hơn 400 năm. Cung điện được khởi công xây dựng năm 1459 rồi liên tục được mở rộng, phát triển cho đến khi toàn phức hợp chiếm diện tích lên đến hơn 80 hécta. Rồi còn là Hippodrome, một sân đua ngựa có từ thời đế chế La Mã phương Đông.

Ảnh: pexels-meruyert-gonullu

Và không thể bỏ quên Hagia Sofia, xây dựng năm 532, hoàn tất năm 537, là dấu chứng đặc trưng của hai nền văn minh Đế chế La Mã Phương Đông Byzantine và đế chế Ottoman lẫn của hai tôn giáo lớn là Thiên Chúa giáo và Hồi giáo. Du khách rất dễ dàng nhận biết hình ảnh Đức mẹ Maria bồng Chúa Hài đồng Yesu được khắc trạm trên mái vòm và ngay phía dưới là cầu thang với chóp nhọn, một địa điểm dành cho giáo sĩ Hồi giáo hướng dẫn tín hữu cầu kinh với đấng Allah. Nếu như Blue Mosque ngắm rất đẹp ở phía ngoài thì Hagia Sofia lại rất quyến rũ khi quan sát bên trong. Riêng mái vòm của không gian rộng lớn này đã có thể khiến du khách ngỡ ngàng: Cao 56 mét, đường kính 31 mét.

Cách đó chỉ hơn 150 mét là Basilica Cistern, một địa chỉ tham quan rất xứng đáng vì là kiến trúc ngầm của người La Mã sử dụng làm hồ chứa nước vĩ đại, dài 138 mét, ngang gần 65 mét (khoảng 9,800 mét vuông, có thể chứa đựng đến 80,000 m3 nước sạch). Nó được xây dựng vào thế kỷ 6 sau Công nguyên, dưới thời Hoàng đế Justinian của Đế chế Byzantine. Đây là hầm chứa nước lớn nhất trong số hàng trăm “xì-tẹc” ngầm ở Constantinople ngày xưa. Chống đỡ trần hầm là một rừng cột đá hoa cương – cụ thể là 336 cột cao 9 mét, xếp thứ tự thành 12 hàng với mỗi hàng là 28 cột. Gần đây, Cistern càng nổi tiếng là địa chỉ phải đến tham quan khi du lịch Istanbul hơn nhờ là bối cảnh trong phần kết của phim trinh thám ăn khách Inferno (Hỏa ngục) với tài tử Tom Hanks, chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Dan Brown, người Mỹ.

________

DẤU ẤN “LALE”

Có rất nhiều đền đài, vật phẩm nghệ thuật được kiến trúc theo hình búp hoa uất kim hương. Đúng rồi, đã có lúc trong thời xưa, tulip được xem là biểu trưng của sự phong phú tài sản vật chất lẫn sự khá giả về thẩm mỹ. Những thương nhân trên Con đường tơ lụa năm xưa đã bị sắc đẹp của những đóa hoa dại này chinh phục và họ đã mang chúng từ Trung Á và vùng đất phía Đông đất nước Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay đến vùng Anatolia vào thế kỷ 11 sau Công nguyên để rồi từ đó tulip tỏa lan sang đến tận châu Âu.

Ảnh: pexels-aghiad-lattouf

Hoa tulip màu đỏ với những cánh hoa nhọn thường được dùng trang điểm cho các vườn hoa trong dinh thự của các sultan của đế chế Ottoman. Loại hoa đặc biệt này là motif quen mắt nhất trong rất nhiều kiến trúc, từ những tấm ngói lợp nhà qua đến những viên gạch lát tường bên trong những giáo đường Hồi giáo. Ngày nay tulip vẫn còn được xem là quốc hoa Thổ, được thể hiện ngay trên thân những cánh chim sắt của Turkish Airlines và là logo chính thức của Turkish Tourism, cơ quan phụ trách du lịch quốc gia.

Thời hiện đại, “Lale” vẫn là tên gọi phổ biến nhất của phái nữ nước này. Và tulip hiện diện điểm tô trên những cái ly nhỏ bằng thủy tinh trong veo mà người Thổ dùng để uống trà (chay) rất nhiều lần mỗi ngày; trên những tô, chén, đĩa sành sứ được bày bán trong ngôi chợ khổng lồ Grand Bazaar với hơn 4,000 cửa hàng ở Istanbul và trên những tấm thảm dày được nâng niu dệt tay công phu trong suốt một thời gian dài bởi các thiếu nữ ẩn mình bên trong nhà riêng ở vùng nông thôn. Món tiền lớn thu được từ việc bán thảm sẽ là khoản tiền làm vốn cho các cô khi lập gia đình.

_____

NƯỚC CỘNG HÒA TURKIYE

Việc đổi tên được thông báo trong một nghị định ban hành lúc nửa đêm 4 tháng Mười hai 2021 với chữ ký của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan, ghi rõ rằng quyết định này nhằm “bảo tồn và vinh danh nền văn hóa và những giá trị của đất nước chúng ta”. Yêu cầu của nhà lãnh đạo Thổ thực ra không hoàn toàn mới. Thế chiến I kết thúc, cuộc chiến giành độc lập nổ ra và kéo dài ba năm, với kết quả là sự sụp đổ của Đế chế Ottoman và sự hình thành vào năm 1923 một quốc gia mang tên “Turkiye” (với hai dấu chấm phía trên chữ U).

Hồi thập niên 1990, một số nhà xuất khẩu Thổ đã cố gắng tiêu chuẩn hóa nhãn hiệu “Made in Turkiye” trên những sản phẩm dành cho thị trường hải ngoại nhưng thất bại vì không có sự ủng hộ của các cơ quan nhà nước. Năm 2020, tổ chức Turkish Exporters Assembly lại cố đưa nhãn hiệu bảo chứng này lên hàng hóa nhưng cũng không thành công. Cuối cùng, chỉ có sự áp đặt của Tổng thống Erdogan mới có một nước cũ với tên mới.

Ảnh: pexels-muharrem-aydın

Đầu năm 2022, Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ gửi công văn đến Liên Hiệp Quốc, Liên minh Bắc Đại Tây Dương (NATO), Liên hiệp châu Âu (EU) và Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) thông báo về sự đổi tên nước. Trong thư gửi Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres, Ngoại trưởng Cavuoglu viết rằng “Nước Cộng hòa Turkiye sẽ sử dụng tên Turkiye thay cho tất cả những tên lâu nay như Turkey, Turkei, Turquie”. Đầu tháng Sáu 2022, LHQ chính thức công nhận tên mới của quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ là “Turkiye”.

Đối với một số công dân Thổ thì chuyện đổi tên chẳng qua là hành động lôi kéo dư luận thôi chỉ trích thực tế kinh tế nước nhà ngày càng khó khăn. Họ đã quá quen với những “chiêu trò” của nhà lãnh đạo cứ mãi bám vào quyền lực, không ngần ngại đàn áp tất cả những ai không đồng lòng với chính sách của ông. Những người Thổ bảo thủ cũng chỉ trích việc đổi tên nước, vì lâu nay họ chỉ sử dụng từ “Turk” (người Thổ) chứ không dùng từ “Turkiyeli”, tức một cá nhân ở Thổ. Họ cho đó là một sự nhượng bộ những tổ chức người Kurd, thậm chí xem đó như là một hành vi Hồi giáo cực đoan nhằm xóa tan tính cách Thổ!

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: